Thực trạng phân tầng xã hội ở Thành phố

Một phần của tài liệu Giải quyết vấn đề phân tầng xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 40)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2.Thực trạng phân tầng xã hội ở Thành phố

Thành tựu về tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và tiến bộ trong giáo dục, y tế trên địa bàn Thành phố thời gian qua, phản ánh được sự tăng trưởng kinh tế Thành phố đã trải rộng trên khắp các khu vực trên địa bàn. Tuy nhiên, sự phát triển đó đã và đang mang lại những hệ quả không mong muốn đó là tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, phân tầng xã hội trên địa bàn Thành phố

35

có xu hướng ngày càng gia tăng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Thành phố đang phải đối phó với nguy cơ gia tăng tình trạng bất bình đẳng xã hội.

Theo số liệu của Cục thống kê thành phố Hồ Chí Minh, hệ số chênh lệch về thu nhập giữa nhóm 20% giàu nhất và 20% nghèo nhất trong tổng dân số của Thành phố, có xu hướng ngày càng dãn ra, từ 6,17 lần năm 2002 tăng lên 6,19 lần năm 2004, năm 2006 là 6,24 lần, năm 2008 là 6,37 lần, năm 2012 con số này tăng lên hơn 6,9 lần [49; tr.71]. Mặc dù trong tỷ lệ thu nhập bình quân đầu người ở Thành phố ngày càng tăng và tăng ở hầu hết các thành phần xã hội, tuy nhiên mức gia tăng của nhóm 20% giàu nhất vẫn là vượt trội bởi những điều kiện về kinh tế (vốn, thu nhập), điều kiện xã hội (uy tín). Sự phân tầng xã hội càng được thể hiện rõ nét hơn giữa khu vực nội thành và khu vực ngoại thành, đặc biệt là trong vấn đề hưởng thụ văn hóa, tinh thần, người dân ở khu vực nông thông có nguy cơ rơi vào tầng lớp dưới của xã hội. Mặc dù khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ở Thành phố ngày càng thu hẹp, nếu như năm 1994 chênh lệch về thu nhập bình quân một người một tháng giữa thành thị và nông thôn trên địa bàn Thành phố là 1,5 lần, năm 2002 là 1,8 lần, năm 2004 giảm xuống còn 1,75 lần, năm 2006 là 1,57 lần, năm 2008 tăng lên 1,78 lần, mặc dù đến năm 2012, thu nhập bình quân của cư dân thành thị (người/tháng) chỉ còn cao gấp 1,24 lần [49; tr.73], tuy nhiên những con số này là đầy tính biến động và xu hướng vẫn là gia tăng.

Dưới tác động của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa đã thúc đẩy sự vận động của phân tầng xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh, xét theo phương diện nghề nghiệp và vị trí xã hội, quá trình phân tầng xã hội ở thành phố trong giai đoạn hiện nay có những nét nổi bật như sau:

Thứ nhất, xét về phương diện nghề nghiệp

- Giai cấp công nhân: trước thời kỳ đổi mới, Thành phố có khoảng 311.346 người (chiếm 9,3% dân số và 27% lao động xã hội), đến năm 2005 đội ngũ công nhân đã tăng lên khoảng 2.676.420 người (chiếm gần 20% dân số) và trở thành một trong những lực lượng lao động chủ yếu. Lực lượng công nhân làm việc ở hầu hết

36

các ngành kinh tế và các thành phần kinh tế khác nhau. Trong đó, lực lượng công nhân làm việc ở khu vực quốc doanh và trong những ngành nông, lâm, ngư nghiệp ngày càng giảm; ngược lại số lượng làm việc trong khu vực ngoài quốc doanh và trong những ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, dịch vụ tăng nhanh.

Giai cấp công nhân phân thành ba nhóm: nhóm công nhân lao động kỹ thuật; nhóm công nhân lao động phổ thông và nhóm công nhân làm việc theo thời vụ.

- Giai cấp nông dân hiện nay đã giảm đáng kể (chỉ còn 14,2% dân số của Thành phố), do chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đẩy mạnh đô thị hóa (một bộ phận lớn nông dân trở thành thị dân, họ được bổ sung vào giai cấp công nhân, tham gia vào lĩnh vực dịch vụ, buôn bán nhỏ, thậm chí có một số rơi vào đội ngũ thất nghiệp). Hiện nay, nông nghiệp và nông dân ở thành phố đang “chuyển cơ cấu sản xuất và cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo hướng hình thành các khu nông nghiệp công nghiệp cao phục vụ cho phát triển nông nghiệp toàn vùng cũng như cả nước.

- Tầng lớp trí thức: Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới tầng lớp trí thức đã tăng đáng kể về số lượng và chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn Thành phố, lực lượng trí thức só hơn 1,3 triệu người, trong đó có hơn 15 nghìn người có học hàm phó giáo sư và giáo sư [65; tr.58]. Lực lượng trí thức được đào tạo từ nhiều nguồn, có những phẩm chất đáng quý như giàu lòng yêu nước, tâm huyết với nghề nghiệp, có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ khá, đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và luôn có nguyện vọng làm việc, cống hiến nhiều hơn cho đất nước. Tuy nhiên, lực lượng này cũng có những hạn chế: đa số người có học hàm, học vị và trình độ cao đều đã lớn tuổi, sực khỏe giảm và cuộc sống khó khăn; số cán bộ trẻ tuy năng động nhưng trình độ chưa cao và thiếu kinh nghiệm; có sự hụt hẫng và một khoảng cách nhất định giữa các thế hệ các nhà khoa học; đa số lực lượng tri thức làm việc trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, số làm việc trong lĩnh vực kinh tế còn rất ít.

- Tầng lớp doanh nhân: Tầng lớp này chủ yếu được hình thành trong thời kỳ đổi mới, đã có nhiều đóng góp quan trọng trong phát triển của thành phố.

37

Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu cả nước về số doanh nghiệp, doanh nhân và các nghề kinh doanh. Chỉ tính riêng khu vực ngoài quốc doanh đã có hơn 60 nghìn doanh nghiệp (năm 2012). Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp ở nước ta nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn và số lượng lao động ít, khả năng cạnh tranh còn thấp xét trên cả phương diện sản phẩm cũng như doanh nghiệp.

Bên cạnh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, tầng lớp doanh nhân còn có đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm việc ở các cấp Đảng, chính quyền của Thành phố. Ngoài ra, còn có các thành phần xã hội khác như thợ thủ công, tiểu chủ, những người kinh doanh buôn bán nhỏ và đội quân bán thất nghiệp, thất nghiệp.

Thứ hai, xét về phương diện giá trị tài sản và mức sống

Phân tầng xã hội theo tiêu chí giá trị tài sản và mức sống ở thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua có những nét nổi bật:

Sự phân hóa giàu nghèo diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực hoạt động kinh tế. Ngay trong nội bộ các loại lĩnh vực hoạt động kinh tế cũng diễn ra sự phân hóa mạnh mẽ. Chỉ có tầng lớp cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước thì mức thu nhập tương đối ổn định, vì vậy mức độ phân hóa ít hơn. Tuy nhiên, đối với một số cán bộ đầu ngành hoặc cán bộ cao cấp của Thành phố có thể nằm trong diện “tầng lớp trên” do những vấn đề bất cập trong cơ chế quản lý tài chính, ngân sách hoặc tình trạng nguồn thu nhập của họ “không minh bạch”. Nổi bật cho lý giải này là số “lương khủng” mà những cán bộ công ích của Thành phố nhận trong một năm mà báo chí và các phương tiện truyền thông đã đưa tin vào tháng 9/2013 (lương của cán bộ công ích từ 2,2 đến 2,6 tỷ VNĐ/1 năm). Như vậy, bên cạnh quá trình phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo diễn ra một cách rõ ràng, minh bạch thì vẫn còn tồn tại những “mảng tối” trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Do tỷ lệ người nghèo ở Thành phố ngày càng giảm, thu nhập của nhóm trung lưu tăng lên đáng kể làm cho khoảng cách phân hóa giàu nghèo cũng giảm, song khoảng cách này vẫn còn khá cao (6,9 lần – kết quả điều tra về mức sống và môi

38

trường của hộ gia đình Thành phố Hồ Chí Minh, do Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh công bố tháng 3/2010).

Thành phố Hồ Chí Minh có đủ điều kiện kinh tế để giảm nghèo và điều chỉnh sự phân hóa giàu nghèo ở mức hợp lý. Đồng thời, có chính sách tác động làm cho sự phân tầng xã hội diễn ra một cách tương đối ổn định. Tuy nhiên, do quy mô và tốc độ đô thị hóa quá nhanh, số dân nhập cư vào thành phố quá lớn nên tạo ra “sự quá tải” về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, môi trường sống,...Vì vậy, xét trên tổng thể các tiêu chí HDI (sức khỏe – học vấn), GDP (thu nhập bình quân đầu người) và chất lượng cuộc sống thì thành phố Hồ Chí Minh chưa phải là đô thị tốt nhất ở nước ta hiện nay.

Là một trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh cần phải đi đầu trong việc thực hiện công bằng và bình đẳng xã hội. Vấn đề là ở chỗ từ hệ thống tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với những quan điểm chỉ đạo chung của Đảng, việc giải quyết vấn đề phân tầng xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay sẽ được thực hiện như thế nào để mang lại kết quả khả quan nhất, đem lại sự phát triển, ổn định cho Thành phố, góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước dân chủ, giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng.

Một phần của tài liệu Giải quyết vấn đề phân tầng xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 40)