Ngôn ngữ báo chí trong đề tài phòng chống ma tuý:

Một phần của tài liệu Báo chí với vấn đề phòng chống ma tuý trong thanh thiếu niên khảo sát 11 tờ báo từ năm 1998 đến năm 2002 (Trang 127)

Cũng như tất cả các sự vật, hiện tượng trong xã hội, quy luật của báo chí nói chung và ngôn ngữ báo chí nói riêng luôn đào thải những gì không còn phù hợp và dung nạp những yếu tố hợp thời. Thực tế ngôn ngữ báo chí phản ánh về phòng chống ma tuý trong thanh thiếu niên luôn nảy sinh như một nhu cầu tự thân của xã hội. Đó là thứ ngôn ngữ hiện đại, mới xuất hiện và dần dần được đông đảo quần chúng sử dụng rộng rãi và chấp nhận coi đó là cách dùng chuẩn. Điển hình là với sự xuất hiện của một loại ma tuý tổng hợp mới ở Việt Nam là Methamphetamin, trên báo chí xuất hiện hàng loạt những từ như " thuốc lắc", "hồng phiến", " ma tuý điên". Ngay cả Nhân dân, một tờ báo khá chuẩn mực về ngôn ngữ chính luận cũng thừa nhận và sử dụng những loại từ này như một sự chuẩn mực của ngôn từ. Ngoài ra sự xuất hiện của hàng loạt những tiếng lóng trong một số bài báo tường thuật vụ án tạo nên sự phong phú, đa dạng của ngôn từ như " đại lí hêroin", " ông trùm ma tuý", " viên ATS", "nữ quái", "đại gia", " đệ tử"..., những từ chỉ các dạng ma tuý như " hàng trắng" - hêroin; " hàng đen" - ma tuý; " hàng đỏ - hồng phiến" "mỏ hàng" " đầu vào", " đầu ra", hoặc những tiếng lóng chí lực lượng truy bắt như " cớm", " ô tô", " cái chết trắng", "xóm liều". Nếu sử dụng hợp lí và sáng tạo ngôn ngữ sẽ tạo sức hấp dẫn độc đáo cho tác phẩm nhưng ngược laị nếu quá lạm dụng sẽ gây khó hiểu cho bạn đọc khi lính hội.

Trong những bài viết về đề tài ma tuý, đặc biệt là thể loại phóng sự điều tra, bạn đọc thường bắt gặp những biện pháp tu từ, hàng loạt thành ngữ và những dấu chấm câu ( dấu chấm than, dấu hỏi...) được sử dụng hợp lí, làm tăng giá trị biểu cảm. Có thể bắt gặp hàng loạt thành ngữ như " mèo mả gà đồng', "buôn một lãi mười", "tối mắt vì tiền"...tất cả tạo nên một bức tranh phong phú về nghệ thuật ngôn từ.`

Một phần của tài liệu Báo chí với vấn đề phòng chống ma tuý trong thanh thiếu niên khảo sát 11 tờ báo từ năm 1998 đến năm 2002 (Trang 127)