2 Cấu trúc của luận văn
3.1.1 Các đặc tả của IEEE 802.11
Chuẩn IEEE 802.11 là chuẩn WLAN (Wireless Local Area Network – mạng cục bộ không dây) đầu tiên dành được sự chấp nhận của thị trường. Xuất phát điểm chuẩn này được IEEE đưa ra vào năm 1987 như một phần của chuẩn IEEE 802.4 với tên gọi IEEE 802.4L. Năm 1990, nhóm làm việc của 802.4L đã được đổi tên thành IEEE 802.11 WLAN Project Committee nhằm tạo ra một chuẩn 802 độc lập, có nhiệm vụ định nghĩa các đặc tả dành cho tầng vật lý (PHY), tầng MAC và phần dưới của tầng liên kết dữ liệu đối với mạng WLAN. Hình vẽ 3-1 minh họa sự so sánh giữa mô hình OSI và mô hình IEEE 802. Nếu mô hình OSI biểu diễn một cấu trúc truyền thông tổng thể, thống nhất thì mô hình IEEE 802 chỉ quan tâm tới các tầng phía dưới, đặc biệt là tầng liên kết dữ liệu và tầng vật lý.
Hình vẽ 3-1: Mô hình tham chiếu OSI và IEEE 802
Mục đích của chuẩn IEEE 802.11 là nhằm thúc đẩy sự tương thích giữa các nhà sản xuất WLAN khác nhau. Nhờ vậy, IEEE 802.11 đã được chấp nhận vào ngày 27 tháng 7 năm 1997. Kể từ đó đã có thêm hai chuẩn nữa của IEEE được phê chuẩn nhằm mở rộng tốc độ truyền dữ liệu của WLAN bằng cách nâng cao đặc tả của tầng vật lý. Các đặc tả hiện tại là IEEE 802.11b và IEEE 802.11a đều được đưa ra vào năm 1999. Cả hai chuẩn này đều có cùng một đặc tả tầng MAC giống như đặc tả ban đầu của IEEE 802.11. Sự khác nhau là ở tầng vật lý, IEEE 802.11a sử dụng OFDM ở dải tần 5 GHz UNII để có tốc độ truyền dữ liệu cao hơn, lên tới 54Mbps, trong khi đó IEEE 802.11b sử dụng CCK ở dải tần 2.4GHz ISM với thông lượng dữ liệu tối đa là 11Mbps.
Do IEEE 802.11b [3] vẫn là công nghệ không dây phổ biến nhất, giá thành hạ, phần 3.2 sẽ mô tả về kiến trúc và các giao thức của nó.