Diễn ngôn trong kịch

Một phần của tài liệu Hiệu ứng Lạ hoá trong kịch Bertolt Brecht (Trang 65)

Kịch là một loại hình sân khấu diễn tả cuộc sống bằng hành động, xung đột thông qua ngôn ngữ đối thoại. Ở đó, con người, cảnh vật đã được hiện tại hóa, nhân vật kịch sống, hành động bằng chính ngôn ngữ của mình. Đối thoại, đó là ngôn ngữ nhân vật và chỉ của nhân vật mà thôi. Về hình thức, đối thoại là một trong những đặc trưng cơ bản nhất, phân biệt kịch với các thể loại khác như thơ (trữ tình) và văn xuôi (tự sự). Các nhà lý luận và thực hành sân khấu thường nói đến “diễn ngôn của đạo diễn”, “diễn ngôn của vở diễn”, “diễn ngôn của nhân vật”. Một mặt, đó là những khái niệm khác nhau, nhưng có chung một thuật ngữ “diễn ngôn”. Cái mà chúng ta phân tích trong trường hợp này cũng là cái mà nói chung được hiểu là “diễn ngôn” trên sân khấu. Thuật ngữ “diễn ngôn” xuất hiện trong hệ thuật ngữ sân khấu của phương Tây từ F.de Saussure nêu hàng loạt quan điểm khi xem xét văn khấu kịch, theo đó, câu thuộc về diễn ngôn chứ không thuộc về ngôn ngữ. A.Ubersfeld định nghĩa diễn ngôn như là “tổ hợp

(quần thể) các ký hiệu ngôn ngữ được tạo nên trong tác phẩm kịch”. Nhưng định nghĩa này theo ý kiến của bà rất không xác định, bởi nó đụng chạm đến tổ hợp câu của văn bản kịch hơn là diễn ngôn hiểu theo nghĩa hẹp. Diễn ngôn – đó là thông báo chứa điểm nhìn và cơ chế lời nói của người tạo ra nó.

Văn bản sân khấu, tức là văn bản kịch không chỉ là lời nói mà còn là “văn tự mang tính ước lệ”. Lời nói là cái có nghĩa. Khi đưa vào sân khấu, nó có thể tạo nên từ phát ngôn qua thước đo ngôn từ và phi ngôn từ (thước đo nghe nhìn), tức là cử chỉ, dáng điệu, sự vận động, trang phục, cơ thể, đạo cụ, phông cảnh. Cũng như vậy những sự kiện cơ bản của vở kịch có thể dẫn ra câu chuyện – đó sẽ là diễn ngôn truyện kể. Như vậy, chúng ta có thể nói về lời kịch là một diễn ngôn cả về phương diện văn bản kịch, cả về phương diễn vở diễn nói chung.

Lời nói như là hành động ngôn từ, ở cấp độ từ chương, đó là một hành động phát ngôn. Nhưng trong kịch, “nói” có nghĩa là “hành động”. Vì thế lời nhân vật không chỉ cần phản ánh hành động do nhân vật thực hiện mà còn là chính “hành động” trực tiếp, tức là kẻ tham dự (nhân vật). Ngoài ra, phát ngôn có thể được thực hiện cả ở cấp độ cá nhân nhân vật lẫn ở cấp độ tập thể.

Lời nói của vở kịch – là ngôn ngữ của các ký hiệu trên sân khấu, tổ hợp các biểu tượng. Hoạt động cơ bản của nó không bị quy về việc diễn xuất một cảnh nào đó của vở kịch. Ngôn ngữ của các ký hiệu đó cần tạo nên câu chuyện và hành động của nhân vật.

Diễn ngôn của vở diễn là cách tổ chức chất liệu văn bản và sân khấu. Trước tiên, hoạt động này phụ thuộc vào hệ thống nghệ thuật mà tác giả của vở diễn sử dụng. Thực hành “tạo lập diễn ngôn” có nghĩa là làm chủ được tất cả các hệ thống sân khấu (âm vị, hành động, ngữ nghĩa) và biết sử dụng chúng theo cách riêng của mình.

Về bản chất, kịch dựa trên lời được nói lên. Mối liên hệ thường xuyên giữa lời nói và thực tiễn sàn diễn, âm thanh kèm theo dáng điệu, cử chỉ hành động tạo nên hình thức xác định của kết cấu kịch: lời nhân vật kết hợp với lời chỉ dẫn

của tác giả. Ngoài ra còn có những hình thức kết cấu thuộc phạm vi lời nói khá ổn định: độc thoại, đối thoại, tranh thoại, đối đáp. Đó là những biện pháp tổ chức lời nói của nhân vật.

Đối thoại thường được trao đổi bằng những đối đáp giữa các nhân vật, là hình thức phổ biến nhất của văn bản kịch hoặc của việc tổ chức lời nhân vật. Một mặt, đối thoại dùng để giao tiếp và mặt khác phản ánh xung đột (hành động ngôn từ). Đối thoại là hình thức thể hiện mang tính kịch nhất. Nhưng trong kịch cổ điển, đối thoại là những độc thoại liên tục hơn là trao đổi bằng đối đáp. Vì thế đôi khi khó xác định ranh giới giữa đối thoại và độc thoại. Nhưng cả trong trường hợp này thì đối thoại vẫn trực tiếp gắn với hành động và là đại diện chủ yếu của hành động. Còn về độc thoại, theo cách hiểu thông thường có thể được xem như lời của nhân vật với việc mở rộng đề tài câu chuyện và mang tính biểu cảm rõ rệt. Thường thì độc thoại thể hiện trạng thái nội tâm của nhân vật. Độc thoại bao quát hàng loạt đề tài và khi tạo nên sự thống của độc thoại thì nó cũng từ bỏ sự thống nhất của diễn ngôn về chủ đề chính.

Liên quan đến chức năng thì đối thoại trong kịch thể hiện được những chức năng cơ bản như dẫn chuyện – kể chuyện; bộc lộ tư tưởng chủ đề; thể hiện tính cách nhân vật hay diễn tả chiều sâu nội tâm nhân vật. Chức năng dẫn chuyện – kể chuyện trong kịch được thể hiện bằng những đối thoại có tính chất thông báo lượng thông tin về thời gian, không gian, địa điểm, thậm chí cả về hoàn cảnh sống của nhân vật. Đối thoại dẫn chuyện thường dùng ngôn ngữ kể chuyện để nói về những gì đã xảy ra trong quá khứ, hoặc ở bên ngoài sân khấu mà khán giả không trực tiếp nhìn thấy. Đây là những đoạn mà hành động kịch tạm thời chậm lại, mâu thuẫn, xung đột tạm lắng xuống, những yếu tố trữ tình, chất thơ trong kịch có dịp bộc lộ, mang lại cảm giác thư giãn cho khán giả. Những đối thoại được viết ra dưới hình thức kể chuyện, trần thuật, ngoài việc mô tả về không gian, thời gian, hoàn cảnh, nó còn kể lại những gì không trực tiếp diễn ra trong kịch, đó là những sự kiện ngoài kịch, nhưng rất cần cho cốt truyện kịch.

Bên cạnh đó cũng có những đối thoại mang theo tư tưởng chủ đề của vở kịch. Đối thoại này giúp tác giả chuyển tải ý đồ tư tưởng của tác phẩm tới khán giả. Cũng giống như đối thoại dẫn chuyện – kể chuyện, đối thoại tư tưởng là cách tác giả mượn nhân vật để nói, do đó, nó vừa là ngôn ngữ tác giả vừa là ngôn ngữ nhân vật. Một trong những chức năng rất quan trọng của ngôn ngữ kịch còn là bộc lộ tính cách nhân vật, vì thế đối thoại trong kịch chính là đối thoại tính cách. Nếu trong tự sự, tác giả có thể từ vị trí của mình mà nói rất nhiều, rõ ràng về tính cách nhân vật thì với kịch, bản thân nhân vật phải tự làm lấy điều này nên mỗi phát ngôn của nhân vật đều là kết quả của chính tính cách ấy. Trong ngôn ngữ kịch, độc thoại cũng có một vị trí đặc biệt. Nó là tiếng lòng nhân vật với tất cả buồn, vui, âu lo, trăn trở, cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Độc thoại về cơ bản là những lúc nhân vật nói một mình, bộc lộ tâm trạng mình dưới nhiều hình thức như nói với chính mình, nói với nhân vật không có mặt, và với những vật vô tri. Nhưng độc thoại cũng có rất nhiều trong đối thoại, còn được gọi là xu thế độc thoại hóa trong đối thoại của văn chương kịch, vốn làm cho những điều được diễn tả trên sân khấu vượt khỏi bản thân nó, nơi người ta vẫn nói rằng thật hơn cả sự thật.

Một phần của tài liệu Hiệu ứng Lạ hoá trong kịch Bertolt Brecht (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(95 trang)