Khái niệm diễn ngôn được giới thiệu sớm nhất ở nước ta trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Quan niệm diễn ngôn cũng đã được giới thiệu trong khoa học văn học với các công trình: Chủ nghĩa cấu trúc và văn học của Trịnh Bá Đĩnh (2002), Sự đỏng đảnh của phương pháp của Đỗ Lai Thúy (2004), Văn học hậu hiện đại thế giới những vấn đề lý thuyết, Lại Nguyên Ân biên soạn (2003), Mấy vấn đề về phê bình lí thuyết văn học của Nguyễn Hưng Quốc (2007)….Gần đây xuất hiện khái niệm diễn ngôn ngày càng được sử dụng rộng rãi và xuất hiện thêm nhiều bài viết giới thiệu quan điểm diễn ngôn của Foucault. Nhìn chung có hai hướng nghiên cứu diễn ngôn cơ bản. Thứ nhất: nghiên cứu diễn ngôn của các nhà ngôn ngữ học, tức cơ bản là nghiên cứu thực tiễn ngôn từ, ngôn từ trong giao tiếp, trong ngữ cảnh….Đó là hướng nghiên cứu của Yu.Lotman, G.Gennete, Tz.Todov…chịu ảnh hưởng của F.Saussure. Hiểu theo hướng này, diễn ngôn chính là cách cấu trúc văn bản, nghiên cứu diễn ngôn chính là nghiên cứu tính đặc trưng văn bản mà không đặt văn bản đó vào trong ngữ cảnh văn hóa, lịch sử xã hội…Hướng nghiên cứu thứ hai là hướng nghiên cứu diễn ngôn của các nhà ngôn ngữ học với các đại diện M.Bakhtin và M.Foucault…nghiên cứu ngôn ngữ học đặt nó trong các mối quan hệ phức tạp của ngữ cảnh lịch sử, văn hóa xã hội. Có thể dựa vào nhiều tiêu chí để phân loại diễn ngôn. Ví dụ như dựa vào các lĩnh vực tri thức có thể chia diễn ngôn thành các loại: diễn ngôn văn học, diễn ngôn khoa học, diễn ngôn tôn giáo, diễn ngôn kinh tế….Dựa vào nội dung có thể chia diễn ngôn thành các loại: diễn ngôn kì ảo, diễn ngôn về tính dục, diễn ngôn về con người….
Trong khuôn khổ của luận văn, chúng tôi chỉ quan tâm đến diễn ngôn văn học. Trong diễn ngôn văn học có thể dựa vào thể loại để phân loại thành: diễn ngôn thơ, diễn ngôn tiểu thuyết, diễn ngôn kịch…Diễn ngôn văn học có điểm tương đồng với các diễn ngôn khác ở chỗ tạo ra hiện thực, tạo nên một cách nhìn về thế giới, sáng tạo một thế giới đời sống. Diễn ngôn văn học tạo lập tri thức, biểu hiện năng lực cảm thụ cái đẹp, cách lí giải, cắt nghĩa về thế giới và con người của chủ thể phát ngôn. Chủ thể phát ngôn trong văn học không tồn tại trước phát ngôn, nó được sinh ra trong phát ngôn của chính mình. Như vậy có thể thấy, chính diễn ngôn văn học với việc kiến tạo nên thế giới quan mới đã có khả năng thay đổi thói quen cảm nhận, đánh giá thế giới của người đọc. Diễn ngôn văn học quy định cách lựa chọn từ ngữ, điểm nhìn, giọng điệu, lựa chọn cả nhân vật và người nghe. Diễn ngôn văn học giải phóng ta khỏi sự chuyên chế của thói quen. Nhà văn bằng cách sáng tạo ra diễn ngôn mới để phá hủy những nhân vật truyền thống và kiến tạo nên một thế giới mới.