Bắc Ninh là một tỉnh thuộc vùng đồng bằng Sông Hồng, nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ
phía Đông Bắc của thủ đô Hà Nội. Trong giai đoạn 2009-2013, thu ngân sách trên địa bàn liên tục hoàn thành dự toán Tỉnh giao với mức tăng năm sau cao hơn năm trước. Riêng đối với thu NSNN do thuế và tài chính đảm nhận, tỉnh đã tích cực áp dụng các biện pháp tăng thu, chống thất thu, hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đặc biệt là đối với các khoản thu từ khối các doanh nghiệp. Thu hải quan đặc biệt tăng nhanh, có năm (2009) tăng tới 461,9% (xem bảng 1.1).
Bảng 1.1. Thu NSNN ở Bắc Ninh
Đơn vị: Tỷ đồng
Nội dung 2009 2010 2011 2012 2013
Tổng thu 3,837 6,100 7,214 9,444 13,509
A. Thu cân đối 3,435 5,656 6,705 8,818 10,791 I. Thu nội địa: Trong đó 2,659 3,978 4,371 4,995 6,532
- So với năm trước (%) 133 150 110 114 131
1) DNNNTW 526 705 864 973 991
- So với năm trước (%) 188 134 123 113 102
2) DNNN ĐP 115 131 136 153 165
- So với năm trước (%) 138 114 104 113 108
3) DN có vốn ĐTNN 312 519 690 1,351 2,510
- So với năm trước (%) 135 166 133 196 186
4) Khu vực ngoài quốc
doanh 491 709 868 804 874
- So với năm trước (%) 132 144 122 93 109
5) Thu về nhà, đất 853 1,332 1,056 737 812
- So với năm trước (%) 121 156 79 70 110
II. Thu Hải quan: 776 1,678 2,334 3,823 4,259
- So với năm trước (%) 462 216 139 164 111
Nguồn: Báo cáo quyết toán ngân sách tỉnh hàng năm và tính toán của tác giả (http://stc.bacninh.gov.vn/vi/news/Cong-khai-Ngan-sach-NN/)
Điều đặc biệt là tăng thu ngân sách Tỉnh dựa trên cơ sở phát triển các hoạt động SXKD của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đóng góp vào tăng thu ngân sách của Tỉnh, không chỉ khu vực doanh nghiệp có vốn
đầu tư nước ngoài, khu vực ngoài quốc doanh, mà cả khu vực DNNN. Trong giai đoạn 2009-2013, thu ngân sách của Bắc Ninh từ khu vực DNNN trung ương đều tăng trên 10%/năm, có năm tăng tới 88% (2009).
Bắc Ninh đã chú trọng cả việc phát huy nội lực và thu hút đầu tư nước ngoài. Tỉnh không chỉ quan tâm phát triển các khu công nghiệp tập trung, lựa chọn thu hút một số doanh nghiệp có vốn ĐTNN lớn, mà còn chú ý phát triển các cụm công nghiệp làng nghề, đa nghề để phát huy các ngành nghề truyền thống. Thu hải quan tăng rất nhanh. Nếu năm 2009, nguồn thu này mới chỉ được 776 tỷ đồng thì đến năm 2013 đã tăng lên tới 4.259 tỷ đồng. Điều đó cho thấy quan hệ kinh tế đối ngoại của Tỉnh đang phát triển rất tốt. Như vậy, tăng thu ngân sách của Tỉnh dựa vào nhiều nguồn khác nhau, tính ổn định, bền vững tương đối tốt.
Đối với các khoản thu NSNN do ngành thuế và tài chính đảm nhận liên tục hoàn thành dự toán được giao và duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Cùng với sự chuyển biến về cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa DNNN, thu hút đầu tư và việc áp dung các biện pháp chống thất thu, thất thoát ở các khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, các khoản thu về nhà đất… trong giai đoạn vừa qua đã có chuyển biến rõ nét trong thu nộp ngân sách.
Tuy nhiên, thu NSNN trên địa bàn tỉnh không duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao mà có xu hướng tăng chậm dần. Trong các khoản thu nội địa, thì thu từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chưa ổn định mà có xu hướng biến động khác nhau. Thu từ khu vực ngoài quốc doanh tốc độ tăng không đều do tình hình SXKD, kết quả thu nộp ngân sách của khu vực này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Ngoài ra, một số nguồn thu không ổn định vẫn giữ tỷ trọng khá lớn trong tổng thu nội địa, như thu từ nhà đất, thu từ xổ số kiến thiết.
Cơ cấu thu ngân sách chậm được cải thiện, còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố không bền vững như thu từ tiền đất, thu hải quan, chiếm khoảng 50% tổng số thu. Ngoài ra, công tác phân tích, lập kế hoạch vẫn chưa phản ánh được đầy đủ sự biến động trên thị trường. Tốc độ tăng thuế gián thu và thuế trực thu chậm hơn tốc độ tăng của các khoản thu khác và cũng tăng chậm hơn tốc độ tăng của GDP. Điều này dẫn đến hệ thống thuế thiếu tính ổn định về nguồn thu để đảm bảo cho nhu cầu chi tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cơ cấu thu NSNN theo sắc thuế cũng thể hiện sự bất hợp lý: Thuế gián thu vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng thu cân đối, thuế trực thu có xu hướng tăng chậm, chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng thu cân đối NSNN. Thuế TNDN hiện vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong thời gian được hưởng ưu đãi đầu tư của tỉnh; phạm vi đánh thuế thu nhập cá nhân còn hẹp (chỉ đối với những người có thu nhập cao); đối tượng nộp thuế TNCN tuy khá lớn nhưng phức tạp, khó có thể tính đúng tính đủ số thuế phải thu. Đặc biệt là thu từ chuyển nhượng bất động sản, với thực trạng hệ thống đăng ký đất đai ở nước ta chưa kiểm soát được, việc thu đúng, thu đủ khoản thuế này vẫn còn nhiều bất cập; hiện tượng lách luật, trốn thuế, làm thất thoát đáng kể nguồn thu NSNN còn chưa được khắc phục. Vì lợi ích của mình, các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đều có tư tưởng thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách thấp. Nhiều doanh nghiệp ý thức chấp hành luật thuế không nghiêm. Lợi dụng tự kê khai nộp thuế và qua hai năm thì hết hiệu lực xử phạt, các doanh nghiệp đã kê khai nộp thuế không trung thực để trốn lậu thuế. Trong thực tế, cơ quan thuế ở địa phương mới chỉ kiểm tra được khoảng 10% đối tượng nộp thuế hàng năm. Vì vậy đã bỏ lọt, thất thu ngân sách đáng kể. Do đó, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cơ quan thu như (cải cách hành chính, hiện đại hóa hệ thống đăng ký thu nộp thuế qua mạng, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra…) và tuyên
truyền ý thức chấp hành pháp luật của toàn dân. Các khoản thu ngân sách từ đất đai (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất) cũng còn nhiều bất cập, vướng mắc. Cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện (như cơ sở tính giá đất hàng năm và thực tế từng dự án ở các thời điểm của thị trường; cơ chế đấu giá, định giá…) có nhiều bất cập đã dẫn đến một số dự án thất thoát nguồn thu, lãng phí và kém hiệu quả tài nguyên đất đai.
Bộ máy tổ chức thu NSNN gồm nhiều cấp, nhiều cơ quan chuyên môn. Mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng hệ thống quản lý vẫn còn rất đồ sộ và cồng kềnh, làm ảnh hưởng đến hiệu lực của bộ máy thu, gây không ít phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Qui trình nộp thuế chủ yếu vẫn theo lối truyền thống tức là doanh nghiệp kê khai còn cơ quan thuế kiểm tra và ra thông báo thuế để doanh nghiệp nộp vào NSNN. Trong khi đó cùng với sự phát triển kinh tế, đối tượng nộp thuế ngày càng tăng đặc biệt là sau khi luật doanh nghiệp đi vào thực hiện còn lực lượng thu ngân sách thì mỏng không đáp ứng yêu cầu kiểm tra đúng qui định. Thủ tục hành chính còn rườm rà cũng làm giảm tính hiệu quả công tác thu.
Phân cấp quản lý thu vẫn còn một số hạn chế như sự chênh lệch giàu nghèo giữa các xã các huyện, thị xã, thành phố. Do đó cần phải nâng cấp đầu tư một cách thích đáng hạn chế lãng phí nguồn lực.
Công tác quản lý điều tra thị trường lỏng lẻo, thanh tra kiểm tra còn ít nên thu không sát sao với tình hình thực tiễn. Thêm vào đó, việc xử lý vi phạm chưa có tính răn đe, chỉ dừng ở mức độ hành chính. Điều này gây ra nhiều tiêu cực trong xử lý vi phạm làm giảm tính hiệu quả trong công tác thu.
Công nghệ quản lý thu chưa đáp ứng được yêu cầu. Các cơ quan chuyên môn không có đủ phương tiện để nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động kinh doanh của các đối tượng nộp ngân sách. Bản thân sự trao đổi giữa các cơ
quan có nhiệm vụ thu với nhau và cộng đồng còn kém dẫn đến hiệu quả phối
hợp tác nghiệp chưa cao.