6. KẾT CẤU ĐỀ TÀI
3.2.1. Dự báo triển vọng phát triển
Theo Bộ y tế, tính đến cuối năm 2011, cả nước có 1.162 bệnh viện với khoảng 185.342 giường bệnh. Hệ thống bệnh viện nhìn chung quá tải với tỷ lệ 15 giường bệnh/10 nghìn dân. Hệ thống trang thiết bị của Việt Nam hiện nay còn thiếu, chưa đồng bộ và lạc hậu so với các nước khác trong khu vực. Hầu hết các trang thiết bị y tế đang sử dụng tại các cơ sở y tế đều đang lạc hậu và cần thay thế. Nhiều bệnh viện hiện thiếu các thiết bị chuyên dụng, gây nhiều khó khăn cho cả bệnh nhân và đội ngũ y, bác sỹ.
Hệ thống y tế tư nhân ở Việt Nam cũng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây với sự đầu tư và ra đời của hàng loạt các phòng khám, bệnh viện tư nhân. Mặc dù có chi phí cao và không được bảo hiểm chi trả, người dân có điều kiện vẫn sẵn sàng sử dụng hệ thống y tế tư nhân này do hệ thống y tế công có chất lượng thấp và thường xuyên bị quá tải. Cũng theo ước tính của Bộ y tế, 67,5% chi tiêu dịch vụ khám chữa bệnh được thực hiện tại các phòng khám, bệnh viện tư nhân.
Theo chính sách quốc gia về trang thiết bị y tế năm 2002-2010 do Bộ y tế ban hành, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đầu tư khoảng 45,2 nghìn tỷ đồng để xây mới và nâng cấp hệ thống bệnh viện chuyên ngành và một số bệnh viện đa khoa tại vùng núi, vùng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn 2009-2013. Ngoài ra, Việt Nam nhận được các khoản viện trợ lớn của quốc tế dưới hình thức vay ưu đãi hoặc tài trợ thiết bị
từ các tổ chức quốc tế như World Bank, Jica…Có thể đánh giá nguồn vốn dành cho thị trường thiết bị y tế Việt Nam là rất lớn trong thời gian tới.
Theo cơ quan đại diện thương mại Pháp tại Việt Nam, năm 2011, doanh thu của thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam được ước tính đạt 600 triệu USD, tăng 16% so với năm 2010. Hiện nay 90% trang thiết bị y tế sử dụng tại các bệnh viện của Việt Nam đều phải nhập khẩu, 30-40% là từ các hãng của Nhật, Đức và Mỹ, tập trung vào các thiết bị như máy CT-scanner, máy X-quang cao tần, máy nội soi, máy siêu âm… Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn là những nơi được đầu tư trang thiết bị nhiều nhất.
Về nhu cầu đầu tư trang thiết bị y tế, Việt Nam là nước có số dân lớn (trên 87 triệu dân), có tốc độ phát triển kinh tế tương đối ổn định từ 6-7%/năm nên được coi là khá hấp dẫn với thị trường thiết bị y tế. Chi phí y tế bình quân theo đầu người tại Việt Nam có xu hướng tăng qua các năm. Theo báo cáo của Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam cho thấy, tổng chi y tế/GDP qua các năm có xu hướng tăng từ năm 2000-2010, trong đó nguồn chi ngoài ngân sách nhà nước có tỷ trọng cao nhất và nguồn chi từ ngân sách nhà nước có tốc độ tăng rõ rệt nhất. Dự báo thị trường trang thiết bị y tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 10-15% mỗi năm và đạt quy mô trên 1 tỷ USD vào năm 2015.