Lĩnh vực chính trị

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội Việt Nam thời Lý - Trần (Trang 62)

Xét về khía cạnh triết học, chính trị là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng xã hội, nhưng nhìn dưới góc độ văn hoá, thì nó là một bộ phận của văn hoá tư tưởng. Để điều hành một đất nước, bất kỳ người lãnh đạo nào cũng phải tìm cho dân tộc mình một hệ thống tư tưởng chính trị rõ ràng. Phật giáo từ khi du nhập vào nước ta đã lan rộng không chỉ trong giới bình dân mà còn ăn sâu vào đời sống tinh thần của vua quan trong triều đình. Phật giáo được coi trọng ngay từ thời Đinh, tiền Lê, nhưng đến thời Lý – Trần nó mới thực sự hưng thịnh. Đặc biệt nhân sinh quan Phật giáo đã tác động trực tiếp và ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong đời sống chính trị của vua quan thời kỳ này. Sự thay đổi triều đại từ nhà Tiền Lê sang nhà Lý đã đánh dấu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nhân sinh quan Phật giáo trong đời sống chính trị.

Phật giáo là một tôn giáo - triết học, không có mục đích tự thân là làm chính trị. Tâm Phật từ bi mong ước hoá độ, giải thoát cho hết thảy chúng sinh, không phân biệt đẳng cấp, tầng lớp hay giới tính. Nhưng trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn gian khó, trong tiến trình dựng nước và cuộc đấu tranh giữ nước quyết liệt thời Lý – Trần đã khiến cho Phật giáo hướng tới giải quyết vấn đề thiết thực của cuộc sống, chứ không phải cao siêu, trừu tượng. Xuất phát điểm từ quan niệm cứu khổ cứu nạn của Phật giáo truyền thống, Phật giáo thời Lý Trần luôn gắn với khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc cho nhân dân trong tiến trình dựng nước và giữ nước.

Thời Lý – Trần, phần lớn các vua quan trong triều đều mộ Phật và nhiều nhà sư đã có những đóng góp to lớn đối với triều đình trong việc an dân, trị quốc. Phật giáo thời kỳ này tuy rất phát triển nhưng vai trò của Nho giáo không bị xem nhẹ, đặc biệt là trong đời sống chính trị. Nho giáo

đem lại cách thức, phương thức trị nước cụ thể cho triều đại. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị tích cực, Nho giáo không tránh khỏi những hạn chế. Bởi nó là một học thuyết chính trị bảo vệ quyền lợi cho đẳng cấp quý tộc, mà người có quyền lực tối cao là vua. Nhưng chính nhân sinh quan Phật giáo đã giúp cho vua quan dưới triều Lý – Trần nhập thế giúp đời trên cơ sở tăng cường tinh thần bình đẳng, bác ái đối với nhân dân.

Lý Công Uẩn vị vua đầu tiên của triều Lý, từng làm quan dưới triều Tiền Lê, ông được sư Vạn Hạnh nuôi trong chùa từ nhỏ. Khi nhận thấy sự suy thoái của nhà Tiền Lê, sự sa đọa của vua Lê Long Đỉnh, thiền sư Vạn Hạnh đã nuôi ý định đưa Lý Công Uẩn lên ngôi. Việc đưa Lý Công Uẩn lên làm vua cũng được sư Khuông Việt rất ủng hộ. Các nhà sư thời Lý đều am tường cả Nho và Phật, như sư Khuông Việt, Vạn Hạnh, Đạo Hạnh, Viên Thông, Mãn Giác, Bảo Giám… khi cố vấn và can gián các vua, đã dùng cả lý luận của Nho giáo một cách cởi mở. Hồi đầu lập quốc, các thiền sư đã mở cuộc vận động khơi dậy ý thức quốc gia, đã trực tiếp lập kế hoạch, thảo văn thư, tiếp sứ, thảo chiếu dụ, đưa sách lược kinh tế và chính trị, bàn luận những vấn đề quân sự. Chính tinh thần cởi mở, hoà hợp này đã tránh được sự chia rẽ và loạn lạc thời kỳ đầu thiết lập triều đình mới. Khác với quan điểm cố chấp, bảo thủ mà một số nhà Nho vẫn thường mắc phải, các nhà sư có thái độ dung hợp các ý thức hệ. Họ giảng dạy Nho giáo, khuyến khích học Nho. Chính vì thế, ngay trong thời kỳ phát triển của Phật giáo, Nho giáo vẫn được sử dụng trong việc trị nước. Đường lối chính trị dung hoà giữa Nho và Phật, nhưng Phật giáo vẫn có phần lấn át. Người mở rộng Nho giáo thời kỳ này lại chính là những vị vua sùng Phật. Năm 1070, vua Thánh Tông lập Văn Miếu ở kinh thành, đúc tượng Khổng Tử, Chu Công, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử và còn vẽ tranh 72 vị tiên hiền để thờ. Vua Anh Tông cũng hai lần lập miếu thờ Khổng Tử.

Tuy nhiên, các thiền sư chỉ tham dự chính sự mà không tham gia chính quyền. Họ không nhận chức vụ trong nội cung, do nhà vua tin dùng mà thường mời họ tới góp ý kiến trong việc trị nước, sau đó họ lại trở về chùa. Lý do nào khiến các vua thời Lý và sau này là thời Trần rất tin dùng các thiền sư như vậy? Có nhiều lý do, đó là: họ là những người có học, có ý thức về quốc gia, sống gần gũi với quần chúng và biết được những khổ đau của người dân do bị đô hộ hà khắc, bị bóc lột; họ không có ý muốn tranh ngôi của vua, không giành quyền bính và địa vị ngoài đời, nên vua tin dùng họ; họ không cố chấp vào thuyết trung quân như các Nho gia (sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh từng làm cố vấn chính sự dưới triều vua Lê Đại Hành nhưng sau này lại tiếp tục giúp đỡ các vua triều Lý); các vua muốn tận dụng tri thức và khả năng của họ, vì khi mới lên ngôi các vua đều ít có những quan lại vừa có tài và có đức trợ giúp, các nhà Nho thì không nhiều mà lại chỉ trung thành với một triều đại. Cuối thời Lý, trong triều đình đã có đủ người lo việc chính sự thì các nhà sư chỉ giữ vai trò hướng dẫn tinh thần và cố vấn đạo đức. Nhưng các vua vẫn rất trân trọng các vị sư, nhiều vị vẫn được phép đi lại trong cung và thường xuyên được nhà vua mời vào đàm đạo, nhiều vị được phong làm Quốc sư – vị thày dạy đạo của cả nước. Qua đó có thể thấy, các vua thời kỳ này có xu hướng dùng đạo đức Phật giáo để trị nước và giáo huấn thiên hạ.

Thời nhà Đinh và nhà tiền Lê vẫn thường dùng các cực hình như vạc dầu, chuồng hổ để trừng trị kẻ có tội, trong triều thì xảy ra nhiều biến cố nhằm tranh đoạt ngôi vua. Triều Đinh, Đỗ Thích giết Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn; dưới triều tiền Lê thì Lê Long Đĩnh giết Lê Trung Tông. Nhưng sang đời Lý – Trần, các vị vua phần lớn đều có lối sống thanh bạch, giản dị và đức độ. Tuy rằng trong các cuộc hành quân ở Chiêm hay Tống, có giết hại nhiều người và khi có loạn trong nước, vẫn có kẻ bị xử tội tử hình, nhưng phải thừa nhận rằng, chưa có đời nào như đời Lý mà vua độ lượng khoan hồng với dân, với kẻ tội phạm và ngay cả với kẻ thù như vậy. Lý Thái Tông

tha tội cho Nùng Chí Cao, Thánh Tông tha chết cho vua Chàm là Thế Củ. Mặc dù, nhằm mục đích chính trị, nhưng nếu không sẵn lòng từ bi thì ắt không nghĩ tới biện pháp khoan hồng để làm lợi cho việc nước. Và trong công cuộc mở rộng văn hoá Đại Việt vào Nam, không hề xảy ra cuộc chiến tranh thôn tính, huỷ diệt văn hoá nào. Công việc này diễn ra đầy tính hoà bình, nhân ái và bao dung. Những công trình kiến trúc của người Chàm vẫn uy nghi tồn tại bên những ngôi đình, miếu; những ngôi chùa của người Khơ me vẫn ung dung tồn tại cùng với những ngôi chùa của người Việt. Có thể, đức trị thời kỳ này là một đường lối trị nước đáng được ngưỡng mộ.

Các vua nhà Lý hiểu rằng sự trị hay loạn phụ thuộc vào hành vi và đức độ của nhà vua. Bởi vậy, các vua nhà Lý (sau này là nhà Trần) rất chú ý đến tu dưỡng đạo đức. Nhà Lý rất coi trọng việc làm ruộng, mùa xuân năm nào vua cũng đi xem việc cấy hái của dân. Năm Nhâm Tý, hiệu Thuận Thiện thứ ba (năm 1012), vua cho xây cung Long Đức ở ngoài thành cho Thái tử ở để biết hết việc dân. Năm 1052, vua cho đúc chuông ở Long Trì, dân chúng nếu ai bị oan ức không được thấu xét thì được phép đánh chuông để bày tỏ. Điều này cho thấy, các vua nhà Lý rất gần gũi với dân, chăm lo đến cuộc sống của nhân dân. Tư tưởng này có ảnh hưởng của Nho giáo, điều này khẳng định vai trò không thể thay thế của Nho giáo đối với đời sống chính trị, mặc dù thời kỳ này Phật giáo đang có sức tác động mạnh mẽ trong việc trị nước. Tuy nhiên, nhân sinh quan của Phật giáo đã có tác dụng hoà cùng và làm “mềm hoá” Nho giáo, tăng cường tinh thần bình đẳng bắc ái trong xã hội, cổ vũ tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự tôn dân tộc của con người Việt Nam. Năm 1207, vua Lý Cao Tông hạ chiếu rằng: “Trẫm còn bé mà phải gánh vác việc lớn, ở tận nơi cửu trùng không biết cảnh khó khăn của dân chúng, nghe lời bọn tiểu nhân mà gây nên oán giận của kẻ dưới. Dân đã oán thán thì trẫm còn dựa vào ai? Nay Trẫm sẽ sửa lỗi cùng dân đổi mới” [44, 729]. Các vua đã nêu gương sáng về đạo đức cho toàn dân. Vì tu dưỡng đạo

đức cũng nhằm mục đích thu phục nhân tâm, làm sao cho dân yêu, dân kính mà đi theo. Nền độc lập và tự chủ có được hay không, nhân dân là lực lượng đóng vai trò quyết định. Vì thế, trong những cuộc chiến tranh giữ nước ở cả hai triều đại Lý – Trần, luôn động viên được đông đảo nhân dân đi theo. Cũng bởi các vua đã biết khơi dậy ở họ những tình cảm đạo đức trong sáng, có tác dụng thôi thúc họ lên đường chiến đấu. Đạo trị nước yên dân của nước ta trong hai triều đại này có ảnh hưởng tích cực của một nền đức trị của Phật giáo.

Mặc dù, Phật giáo là một tôn giáo xuất thế với triết lý đời là bể khổ, muốn thoát khổ thì phải diệt dục, không khuyến khích sự ham muốn cuộc sống. Nhưng trong không khí kháng chiến sục sôi của quân dân nhà Lý và nhà Trần, thì những tư tưởng nhân sinh quan Phật giáo lại có ảnh hưởng ở khía cạnh khác, đó là tư tưởng bình đẳng, bác ái. Nó đã góp phần hình thành nên tư tưởng đại đoàn kết của dân tộc ta, để chúng ta không thể cam chịu sự áp bức bóc lột của dân tộc khác. Điều này cũng biểu lộ rõ ở tư tưởng chính trị của Lý Thường Kiệt, khi ông thực hiện kế sách “tiên phát chế nhân” - đem quân tiêu diệt quân thù trước khi chúng tiến vào nước mình. Vào mùa xuân năm 1076, khi ông kéo quân sang tận Ung Châu, nơi quân Tống đang chuẩn bị kéo sang xâm lược nước ta, ông đã để lại lời tuyên bố “chỉ phân biệt quốc thổ, không phân biệt quốc dân” – chỉ phân biệt về lãnh thổ quốc gia, không phân biệt nhân dân. Và cũng trong bài Nam quốc sơn hà Nam đế cư - bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Nam, ông cũng thể hiện tinh thần đó, theo ông sông núi nước Nam vua Nam ở, vua nước Nam có toàn quyền cai quản và nước Nam là một quốc gia độc lập ngang hàng với đất đai, sông núi nước Bắc của vua Bắc. Đây chính là tuyên ngôn khẳng định một triết lý về sự bình đẳng giữa các dân tộc.

Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, kết thúc triều Lý, mở ra thời kỳ phát triển của triều Trần. Các sử gia đều đánh giá triều đại

nhà Lý, đặc biệt là các vua Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Thái Tông, Lý Nhân Tông đã đóng góp lớn lao cho sự nghiệp của dân tộc. Bên ngoài thì bình Chiêm, phá Tống; bên trong thì các mặt chính trị, văn hoá, kinh tế đều phát triển. Sử gia Lê Văn Hưu đời Trần từng phê phán vua nhà Lý tiêu tốn nhiều tiền của vào việc xây dựng chùa chiền, sửa sang tự quán; độ nhiều người làm sư làm hao tốn nhân lực và sức vóc quốc gia, đó không phải là việc làm phúc mà là “khơi máu mủ của dân”… Nếu dựa trên quan điểm lịch sử cụ thể, nhất là nếu nhìn toàn diện bối cảnh lịch sử khi ấy thì cần phải có cái nhìn khác. Thời kỳ ấy, mỗi vị sư tăng cũng chính là một ông thày dạy học, không những dạy chữ nghĩa mà còn dạy cả về đạo đức, cho nên không thể cho là lãng phí nhân lực. Còn nhà chùa lúc bấy giờ chính là các trường học, nhà an dưỡng, nơi tĩnh dưỡng tinh thần của mọi người, thì thậm chí, nó còn đáng xây dựng hơn là các cung điện tráng lệ, lầu son gác tía – nơi chỉ giành cho các tầng lớp trên hưởng thụ. Xét thấy việc làm này là cần thiết trong bối cảnh khi ấy. Sự phê phán triều Lý quá mộ Phật giáo của một số nhà Nho khi ấy hẳn chỉ nhằm nhắc nhở các vua Trần đừng đi theo vết nhà Lý.

Đến đời Trần, nhân sinh quan Phật giáo vẫn là một yếu tố liên kết nhân tâm quan trọng. Quốc sư Viên Chiếu đã nói về nguyên tắc hướng dẫn đời sống của một nhà chính trị là: “Đã làm người phụng sự dân thì phải lấy cái muốn của dân làm cái muốn của mình, phải lấy ý dân làm ý mình, trong khi đó không xao nhãng việc tu học của bản thân” [44]. Trần Thái Tông nghe lời khuyên của quốc sư Viên Chiếu, đã gác lại nguyện vọng riêng trở về đảm đương trách nhiệm lãnh đạo đất nước. Trần Minh Tông sẵn sàng nhường lại ngôi vua cho người em họ của mình, khi người này đến tuổi trưởng thành. Những trí thức Phật học không thể không nhập thế cứu đời, hành động theo tư tưởng từ bi, hỉ xả của Phật giáo. Khi nhận trách nhiệm thì họ tận tụy hết lòng, sẵn sàng đứng lên lãnh đạo nhân dân, không ngại hi sinh cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhưng khi đã hoàn thành nhiệm vụ thì họ dễ dàng

“lìa bỏ ngai vàng như vứt bỏ chiếc giày rách”, bởi họ đã thấm nhuần quy luật vô ngã, vô thường của Phật giáo. Đây là yếu tố tinh thần quan trọng góp phần làm nên những kỳ tích của dân tộc.

Thời kỳ này, tư tưởng bình đẳng bác ái vẫn được phát huy, sau buổi thiết triều nhà vua và các anh em trong hoàng tộc, vui chơi đá cầu, ăn ngủ chung ngay trong cung điện. Các tướng lĩnh xuất thân từ tầng lớp bình dân như Yết Kiêu, Dã Tượng, Phạm Ngũ Lão đều trở thành gia tướng trong gia đình Trần Hưng Đạo. Trong Hịch tướng sĩ của ông cũng thể hiện tinh thần bình đẳng, bác ái giữa tướng sĩ là: “Khi giặc kéo đến, chẳng những thái ấp của ta không còn, mà vợ con của các ngươi cũng bị hãm hại…” [44]. Nhân sinh quan Phật giáo đã khiến cho các nhà chính trị áp dụng những chính sách thân dân và dân chủ. Như sự kiện quần chúng hàng vạn người tràn vào điện Diên Hiền, khiến linh cữu vua Nhân Tông không thể khởi hành, triều thần nhà Trần đã dùng biện pháp tổ chức từng đám hát trong cung điện để giải tán bớt số đông. Còn vua Nhân Tông mỗi khi ra ngoài đường gặp gia nhân các vương thần thì hay dừng lại hỏi han, không cho thị vệ nạt nộ họ. Vua nói rằng: Lúc thái bình thì có thị vệ theo hầu, lúc nước nhà lâm hoạn nạn, thì cũng chính những gia nhân ấy lại đi theo bảo vệ. Năm 1284, trước thế xâm lăng của quân Nguyên, Nhân Tông đã triệu tập hội nghị Diên Hồng. Người đến dự không phải các quan lại có thế lực, mà là các bô lão đáng kính trọng trong nhân dân. Những tiếng đồng thanh trăm người như một “Đánh - Đánh - Đánh” đã thể hiện ý chí quật khởi của dân tộc, thể hiện niềm tin tưởng vào tương lai và sức mạnh của nước Đại Việt.

Tinh thần nhập thế tích cực của nhân sinh quan Phật giáo vẫn được phát duy tác dụng, thời Trần vẫn có sự hoà quyện giữa đạo và đời. Vua Trần

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội Việt Nam thời Lý - Trần (Trang 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(92 trang)