Sự du nhập nhân sinh quan Phật giáo vào Việt Nam

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội Việt Nam thời Lý - Trần (Trang 29)

Xuất phát từ các hải cảng vùng Nam Ấn, rồi qua Srilanca, Inđônêsia, Việt Nam… các thương nhân Ấn Độ thường tới vùng Đông Nam Á để buôn bán. Trong các chuyến đi viễn dương này, các thương nhân thường cung thỉnh một hay hai vị sư tăng để cầu nguyện cho thuỷ thủ đoàn, các vị tăng này nhờ đó mà đến truyền bá đạo Phật vào các dân tộc Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam (Giao Châu).

Đầu công nguyên, Việt Nam còn là thuộc địa của Trung Quốc nên Nho giáo là hệ tư tưởng thống trị xã hội. Cùng với đó là tín ngưỡng thần thoại dân gian lan toả sâu rộng trong đời sống dân chúng. Bởi thế, khi mới du nhập vào Việt

Nam, tư tưởng Phật giáo còn xa lạ với người Việt. Nhưng qua thái độ từ bi, nhẫn nhục, không nề hà trong việc chữa trị cho người ốm đau…đã có tác động cảm hoá được người Việt, từ đó mà dẫt dắt họ làm quen với giáo lý. Người Việt chấp nhận giáo lý là bước sau. Và sau đó, giáo lý chính là điều kiện làm cho Phật giáo tồn tại lâu dài ở Việt Nam. Bởi Phật giáo với tư tưởng từ bi, hỉ sả, bình đẳng, bác ái rất phù hợp với người Việt Nam vốn ưa chuộng hoà bình, sống hoà hợp, giàu lòng nhân ái. Phật giáo vì thế, ngay khi được người Việt tiếp nhận, đã nhanh chóng hoà nhập với tập quán, tín ngưỡng của dân tộc.

Vậy, đạo Phật được các tu sĩ Ấn Độ truyền bá trực tiếp vào nước ta khoảng thế kỷ II đến thế kỷ III sau Công nguyên. Không bao lâu khi Phật giáo được truyền vào đất Việt, tại Luy Lâu, thủ phủ của Giao Chỉ lúc bấy giờ đã trở thành một trung tâm Phật giáo lớn

Cũng do được truyền bá trực tiếp từ Ấn Độ vào Việt Nam, nên danh xưng Buddha (Bậc Giác Ngộ) tiếng Phạn đã được phiên âm sang tiếng Việt là Bụt. Điều này giải thích vì sao danh từ Bụt được xuất hiện trong nhiều truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ Việt Nam. Phật giáo lúc này mang màu sắc phương Nam (Phật giáo Tiểu thừa). Cơ tầng này tồn tại khoảng từ thế kỷ II đến thế kỷ V sau công nguyên.

Sang thế kỷ VI, Việt Nam lại tiếp nhận thêm những đoàn truyền giáo của Trung Hoa. Không bao lâu sau, nó đã chiếm ưu thế và đã thay thế chỗ đứng của Phật giáo Ấn Độ có từ trước. Từ Buddha được dịch thành chữ “Phật” (biến âm của từ “Phật đà” trong tiếng Hán) thay thế dần từ “Bụt”. Từ “Bụt” chỉ còn trong tín ngưỡng dân gian. Phật giáo lúc này phân làm hai nhánh: Phật giáo dân gian và Phật giáo bác học. Dòng Phật giáo dân gian là sự hoà trộn giữa Phật giáo và tín ngưỡng thần thoại dân gian. Trong đó, Trời – Phật – Thần gắn liền và hoà đồng làm một. Người Việt thường có câu “cầu trời khấn Phật”, hoặc “Lạy trời lạy Phật” mỗi khi gặp khó khăn, bất trắc. Đức Phật trong Phật giáo dân gian đã mang những nét đặc trưng của một vị thần quyền năng. Đó là hình ảnh ông Bụt trong những

câu truyện cổ tích thường xuất hiện đúng lúc con người đau khổ, khó khăn để làm phép giúp họ vượt qua khó khăn, gian khổ. Bên cạnh dòng Phật giáo dân gian là dòng Phật giáo bác học, cung đình. Dòng Phật giáo bác học mang màu sắc triết học, mà Thiền Đại thừa là khuynh hướng nổi trội. Phật giáo bác học ảnh hưởng lớn trong tầng lớp vua chúa, quý tộc, những trí thức trong xã hội. Phật giáo dân gian ảnh hưởng chủ yếu trong tầng lớp dân chúng, lao động nghèo khó.

Một phần của tài liệu Nhân sinh quan Phật giáo và ảnh hưởng của nó đến đời sống xã hội Việt Nam thời Lý - Trần (Trang 29)