Thông tin người gọi (Caller ID) có thể bị giả mạo bằng nhiều phương pháp khác nhau, nhưng thông dụng nhất là qua VoIP hoặc đường PRI (nằm trên mạng ISDN với nhiệm vụ truyền tín hiệu thoại và dữ liệu giữa mạng lưới và người dùng). Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn có thể che giấu thông tin người gọi bằng việc chuyển tín hiệu truy cập sang mạng SS7 và VXML (hiện rất ít được sử dụng).
Về kỹ thuật, khi tiến hành một cuộc gọi từ điện thoại di động (cuộc gọi thông thường), điện thoại sẽ kết nối trực tiếp vào mạng viễn thông thông qua các trạm thu phát sóng (BTS). Qua các trạm BTS này, số điện thoại của người gọi được hệ thống tự động lấy ra từ SIM của điện thoại, do đó nó được ghi nhận chính xác.Việc giả mạo trong trường hợp này là không dễ dàng.
Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nhà mạng đều cho phép các cuộc gọi được thực hiện từ Internet vào mạng di động. Cuộc gọi được thực hiện bởi một phần mềm kết nối với máy chủ cung cấp dịch vụ trên Internet (trong các sự việc xảy ra thời gian vừa qua, máy chủ này đặt ở nước ngoài). Tiếp theo, cuộc gọi được chuyển từ máy chủ đặt ở nước ngoài quay trở về kết nối với các nhà mạng ở Việt Nam. Cuối cùng,
cuộc gọi được chuyển tới máy điện thoại đích thông qua hệ thống mạng viễn thông theo cách thông thường (trung chuyển bởi các trạm BTS)
Khi gọi điện bằng phần mềm như cách nêu trên, người gọi không cần sử dụng SIM điện thoại. Do đó, số điện thoại của người gọi không được lấy từ SIM như cách gọi truyền thống, mà được nhập tùy ý vào phần mềm. Vấn đề phát sinh từ đây, bất kỳ ai biết sử dụng phần mềm nói trên cũng có thể tạo ra các số điện thoại giả mạo. Phần mềm gọi điện thoại có thể chạy trên máy tính hoặc trên các dòng điện thoại smartphone, với điều kiện nó có kết nối Internet (thông qua 3G, GPRS, Wifi...).
Phần mềm tạo ra các cuộc gọi giả mạo được phát tán ở Việt Nam trong thời gian qua là được viết riêng cho điện thoại iPhone, do đó hầu hết mọi người đều hiểu nhầm rằng điện thoại iPhone tạo ra các cuộc gọi giả mạo. Thực tế, các cuộc gọi giả mạo có thể được thực hiện từ bất kỳ loại điện thoại hoặc máy tính nào, chỉ cần thiết bị đó có thể chạy được phần mềm và có kết nối Internet .
Cũng với cách thức tương tự, các tin nhắn SMS cũng có thể dễ dàng bị giả mạo. Một phương pháp lợi dụng khác là mô phỏng tín hiệu Bell 202 FSK, chủ yếu là sử dụng phần mềm tạo ra tín hiệu gọi đến số điện thoại của người dùng. Tuy nhiên, kỹ thuật này chủ yếu là lừa người dùng rằng đang có một số điện thoại nào gọi tới, nhưng trên thực tế kẻ chủ mưu lại không sử dụng bất cứ số điện thoại nào gọi đi. Khi người dùng nhấc máy, tín hiệu sẽ được chuyển tiếp tới số điện thoại khác, do người khác nói chuyện.