3.2.4.1. Cơ chế hoạt động
Thiết bị gây nhiễu là thiết bị ngăn chặn tín hiệu liên lạc từ điện thoại di động (MS) đến trạm gốc (BTS) trong phạm vi xác định .
Thiết bị gây nhiễu phát tín hiệu nhiễu trên cùng một tần số với công suất đủ lớn, gây xung đột tín hiệu hoặc khử lẫn nhau, làm gián đoạn thông tin giữa MS và BTS. Điều này cũng được xem là một tiến trình tấn công từ chối dịch vụ DoS. Thiết bị gây nhiễu từ chối dịch vụ phổ tần số vô tuyến điện (VTĐ) từ phía MS trong dải tần và phạm vi hoạt động của thiết bị gây nhiễu.
MS được thiết kế “thông minh” để bù công suất nếu bị can nhiễu ở mức độ thấp hoặc fading. Vì vậy, để đạt hiệu quả tối đa, thiết bị gây nhiễu phải nhận ra các biến động công suất từ MS và thay đổi công suất một cách phù hợp với biến động đó.
MS là thiết bị hoạt động song công, nghĩa là khai thác ở hai dải tần số khác nhau. Một tần số được sử dụng để truyền tải thông tin Uplink( hướng lên), tần số còn lại được sử dụng để nhận thông tin Downlink( hướng xuống). Tín hiệu của một quá trình thông tin đầu tiên bắt nguồn từ MS, sau đó được gửi đến các BTS. Từ các BTS, thông tin được chuyển tiếp đến điện thoại bên nhận. Để làm gián đoạn thông tin, thiết bị gây nhiễu phát đúng vào các tần số làm việc của hệ thống TTDĐ. Thường thì thiết bị gây nhiễu được thiết kế chỉ tác động vào tần số phát của MS (tần số Uplink), dẫn đến MS rơi vào trạng thái mất dịch vụ.
Mặc dù, các hệ thống di động tế bào khác nhau có thể xử lý tín hiệu theo cách khác nhau, tuy nhiên trong thực tế về mặt kỹ thuật, hầu hết mọi hệ thống thông tin vô tuyến đều có thể bị tấn công và gây nhiễu. Thiết bị gây nhiễu có thể phát quảng bá ở mọi băng tần và có thể gây nhiễu cho các hệ thống CDMA, TDMA, GSM, PCS, DCS, AMPS,... thậm chí hiện nay còn xuất hiện thiết bị gây nhiễu cho mạng 3G.