Giáo dục và đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu trong mỗi thời kỳ phát triển của Nhà nước ta. Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là tiền đề để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Hiến pháp năm 1992 đã qui định: "Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
Nhà nước phát triển giáo dục đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Mục tiêu của giáo dục là hình thành bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân; đào tạo những người lao động có tay nghề, năng động và sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có đạo đức, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc”( Điều 35).
“Nhà nước thống nhất hệ thống quản lý giáo dục về mục tiêu, chương trình nội dung, kế hoạch giáo dục, tiêu chuẩn giáo viên, qui chế thi cử và hệ thống văn bằng…
Nhà nước ưu tiên cho giáo dục, khuyến khích các nguồn đầu tư khác.
Nhà nước thực hiện chính sách ưu tiên đảm bảo phát triển giáo dục ở miền núi, các vùng dân tộc thiểu số và cấc vùng đặc biệt khó khăn…” (Điều 36).
Xác định vị trí hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới, từ năm 1987 Nhà nước ta đã ban hành Chỉ thị số 241- CT về việc giải quyết một số vấn đề cấp bách trong công tác giáo dục và đào tạo. Trong đó xác định "giáo dục và đào tạo” là sự nghiệp của toàn xã hội và có sự đổi mới trong nhận thức về vấn đề này. Năm 1990 Nhà nước đã thành lập uỷ ban quốc gia về xoá nạn mù chữ (đồng thời là uỷ ban quốc gia năm quốc tế xoá nạn mù chữ). Ngày 04/8/1992 Nhà nước ban hành Chỉ thị số 287- CT về một số vấn đề cấp bách trong công tác giáo dục và đào tạo: Sắp xếp mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong cả nước và ban hành các văn bản pháp qui có liên quan, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất cho các trường học, đặc biệt là trường tiểu học trên cơ sở khai thác nhiều nguồn vốn khác nhau, qui định chế độ học phí, miễn giảm học phí, sửa đổi chế độ học bổng, khuyến khích học sinh, sinh viên học tốt và theo học những ngành nghề cần phát triển…
Hiện nay, quy mô giáo dục đào tạo tiếp tục tăng ở tất cả các bậc học, ngành học, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng lớn của nhân dân. Đến hết năm 2000 có 100% tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và xó mù chữ [21, tr 241], công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở đã được triển khai tích cực. Dự tính đến hết năm 2005, có 30 tỉnh đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học đạt 80%. Chất lượng giáo dục phổ thông đã bước đầu nâng lên.
Quy mô đào tạo đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề tiếp tục tăng với tốc độ cao trong đó trung học chuyên nghiệp và dạy
nghề tăng nhanh hơn đại học và cao đẳng (10% năm so với 7,4% năm; mục tiêu về đại học và cao đẳng là 5% năm) [ 21, tr 293].
Cơ cấu ngành đào tạo có những chuyển dịch tích cực, đã thành lập thêm nhiều trường dạy nghề ở các tỉnh. Hệ thống các trường sư phạm ở trung ương đến địa phương tiếp tục được củng cố, tăng cường.
Cơ sở vật chất của ngành được cải thiện, đầu tư cho giáo dục đào tạo được tăng lên hàng năm (năm 2004 đạt mức 18% tổng chi ngân sách nhà nước). Ngoài vốn từ ngân sách, đã huy động nhiều nguồn vốn khác như ODA, vốn trong dân cư, vốn của các doanh nghiệp; đặc biệt công trái giáo dục đã góp phần tích cực hoàn thiện dần cơ sở vật chất cho ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hiện nay trong lĩnh vực giáo dục vào đào tạo cũng còn nổi lên những vấn đề cần giải quyết.
Trước hết là qui mô đào tạo tăng nhưng không cân đối với điều kiện đảm bảo chất lượng. Đào tạo nghề chưa theo kịp yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng giáo dục toàn diện vẫn ở trình độ thấp. Chương trình giáo dục và đào tạo còn nhiều bất hợp lý. Năng lực thực hành của học sinh tốt nghiệp các cơ sở đào tạo phần lớn là yếu.Công tác quản lý giáo dục đào tạo còn nhiều bất cập. Các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, đào tạo chậm được khắc phục từ khâu tuyển sinh, quá trình học tập, thi cử, cấp bằng, học thêm, dạy thêm tràn lan, Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa tuy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.Chi phí học tập còn cao so với khả năng thu nhập của dan cư quy chế đóng góp chưa rõ ràng, hợp lý trở ngại lớn đối với học sinh, nhất là đối với các gia đình nghèo.
Việc sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn chưa hợp lý trong tổng kinh phí đó chi sự nghiệp mới chỉ chiếm 10-20% còn chủ yếu là tính chi lương.
Còn có sự chênh lệch đáng kể trong hưởng thụ thành quả giáo dục dào tạo giữa các vùng, các tầng lớp dân cư. Do có sự chênh lệch về thu nhập của dân cư nên khoản chi cho giáo dục ở nông thôn thấp hơn ở thành thị, tỷ lệ người đi học thấp hơn…. Trong mức trợ cấp của nhà nước dành cho giáo dục cũng còn khác biệt giữa thành thị và nông thôn…[61 tr 35].
Có thể thấy chế độ đãi ngộ với những người làm công tác giáo dục đào tạo nhìn chung là có ưu đãi hơn so với trước đây nhưng chưa thực sự được đảm bảo trên thực tế (về nguyên tắc giáo viên là đối tượng hưởng lương cao nhất trong hệ thống cơ quan hành chính sự nghiệp nhưng trên thực tế lại thấp hơn nhiều so với các ngành khác).
Một số nhận xét và đánh giá:
Vai trò của nhà nước thể hiện qua chức năng xã hội của mình trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo đã có sự chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Từ vai trò quản lý bao cấp, quyết định tất cả mọi mặt của giáo dục- đào tạo, đến cả việc sắp xếp bố trí lực lượng sau khi đã qua giáo dục đào tạo… chuyển sang vai trò định hướng thể hiện qua việc hoạch định chính sách phát triển lâu dài mang tính bao quát, xác định tư tưởng chỉ đạo, đề ra mục tiêu cơ bản cho từng thời kỳ (thường là có kế hoạch phấn đấu thực hiện 5 năm), nhà nước đưa ra quyết định, chính sách và thực hiện quản lý một số mặt của công tác này.
Từ vai trò phục vụ, một mình nhà nước có trách nhiệm lo toan đáp ứng mọi nhu cầu của giáo dục đào tạo nay chuyển sang vai trò dẫn dắt trên cơ sở kết hợp với nguyên tắc "Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát triển xu thế, "xã hội hoá” lĩnh vực giáo dục - đào tạo.
Chủ động áp dụng lựa chọn ưu tiên trong giáo dục phu hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội hiện nay của đất nước để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở cấp ưu tiên, xây dựng nền tảng cơ sở cho sự thành công của chính sách phát triển nguồn lực đáp ứng yêu cầu mới của công cuộc xây dựng CNXH, chứ không áp dụng dàn trải, dàn hàng ngang cùng tiến gây nên sự quá tải, không có khả năng thực hiện.
Phát triển hài hoà các hình thức giáo dục và đa dạng hoá chúng để tạo điều kiện cho bất cứ ai có nhu cầu, có cơ hội theo học, mở rộng xu hướng “giáo dục cho mọi người”, “học vấn cho số đồng” đang chiếm ưu thế trong công tác giáo dục- đào tạo hiện nay.
Bên cạnh đó, còn có một số tồn tại nhất định: Tính chất hành chính vẫn còn nặng trong quá trình nhà nước tác động vào lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Trong quản lý nhà nước đối với các trường dân lập còn nhiều vướng mắc: thiếu hành lang pháp lý, cơ chế kiểm soát về chất lượng đào tạo, kiểm soát tài chính…vì vậy, công tác này với yêu cầu của tình hình hiện nay chưa thoát khỏi xơ cứng, cứng nhắc, chưa thật sự năng động sáng tạo.
Chính sách xã hội hoá công tác giáo dục chưa thật sự tìm thấy chỗ đứng của mình để có thể tác động tích cực đến quá trình phát triển nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy nền kinh tế, thực tế vẫn tồn tại xu hướng cực đoan của chính sách “xã hội hoá” và chính sách "Nhà nước hoá” trong lĩnh vực này.
Thực trạng đó đang đặt ra những vấn đề cấp bách cho giáo dục - đào tạo. Bản thân ngành giáo dục xác định nhiệm vụ trong thời gian sắp tới là: tiếp tục duy trì trật tự kỷ cương, nề nếp môi trường sư phạm, tăng cường đội ngũ giảng viên, giáo viên cải tiến phương pháp đào tạo, đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo trình, kiện toàn cơ quan quản lý giáo dục, chức năng nhiệm vụ rõ ràng, tăng cường tham gia xây dựng và
hoàn thiện các văn bản pháp luật của ngành, nhưng cũng rất cần sự hỗ trợ, đầu tư thích đáng của nhà nước.