Đẩy mạnh chiến tranh du kích góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lãnh đạo chiến tranh du kích chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954 (Trang 88)

đến thắng lợi hoàn toàn

Bước vào chiến cuộc đông xuân 1953 - 1954, đúng như nhận định của Trung ương, hoạt động quân sự của địch trên chiến trường Vĩnh Phúc trở nên ác liệt chưa từng có. Từ ngày 29/9 đến 8/10/1953, địch tập trung tới 5.000 quân, gần 200 xe các loại vào miền nam Vĩnh Phúc. Từ 9/10/1953, địch mở cuộc càn quét

quy mô lớn, kéo dài đến tháng 12/1953, đánh phá ác liệt toàn bộ vùng địch hậu Vĩnh Phúc.

Trong thời gian dài càn quét, địch liên tiếp càn đi quét lại miền tây Đông Anh, Đa Phúc, nam Bình Xuyên, đông Yên Lãng, nam Vĩnh Tường và nam Yên Lạc. Sau đó chúng còn chà đi sát lại hai, ba lần vùng Yên Lạc và Vĩnh Tường, chiếm lại Giã Bàng (Yên Lạc) để giữ lại con đường liên tỉnh từ Vĩnh Yên đi Sơn Tây, bắc cầu Sơn Kiệu (Vĩnh Tường) và bình định các khu du kích mới ở tây Yên Lạc và đông Vĩnh Tường như Bình Dương, Đoàn Kết, Tề Lỗ, Duy Tân, Hiệp Lực. Ngày 5/12/1953, địch lại điều lên chiến trường Vĩnh Phúc 2 binh đoàn (GM 3 và GM 5) đóng quân dọc trên quốc lộ số 2 và trên các tuyến đột xuất từ Tam Canh đi Việt Trì. Chúng thường xuyên cho quân thọc sâu vào vùng tự do Lập Thạch, Tam Dương để phá hoại hậu phương ta và ngăn cản bộ đội chủ lực về chiến đấu chống càn.

Trong đợt càn dài ngày, địch đánh phá ta cả 3 mặt: quân sự, chính trị và kinh tế. Chúng dùng chính sách khủng bố điển hình, ra sức đốt phá nhà cửa, vơ vét của cải cướp bóc thóc lúa, trâu bò của nhân dân, đồng thời ráo riết bắt lính, dồn dân vùng du kích vào vùng tạm chiếm, tích cực sục sạo phá chính trị cơ sở của ta, bắt giết bộ đội, cán bộ du kích và nhân dân. Đặc biệt với các xã Phú Xuân và Thanh Lãng của khu du kích nam Bình Xuyên, toàn bộ nhà cửa, vườn tược, tài sản, thóc lúa, trâu bò bị cướp, hầm hào bị san phẳng, nhân dân bị bắt bớ, đánh đập dã man, đồng ruộng, làng xóm sau trận càn tiêu điều xơ xác, nhân dân bị dồn vào vùng chiếm đóng ở Minh Tân, Man Để (Yên Lạc) và Tam Canh.

Trước những diễn biến phức tập của tình hình, ngày 6/11/1953, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc họp với các huyện đã nhận định: “Do đề ra chủ trương sớm và có kế hoạch chuẩn bị khá đầy đủ nên trong điều kiện ác liệt ta vẫn chủ động tiến công địch, giữ vững các khu du kích của ta” [12, 279]. Ngày 13/11/1953, Tỉnh uỷ lại ra chỉ thị nhắc các huyện thực hiện tốt chủ trương của Tỉnh uỷ, lãnh đạo nhân

dân đấu tranh, kiên quyết giữ vững các khu du kích và cơ sở chính trị trong vùng tạm chiếm. Ngày 18/11/1953, Tỉnh uỷ đã gửi đến các địa phương Thông tri về việc “đẩy mạnh hoạt động quân sự ở nam huyện Yên Lãng, huyện Kim Anh để chống phá càn quét đỡ gánh nặng cho khu du kích Yên Lạc”.

Do có sự chuẩn bị tích cực về tư tưởng và tổ chức, nên trải qua gần 100 ngày đêm đương đầu với cuộc càn lớn dài ngày của địch, các lực lượng vũ trang đã cùng nhân dân trong tỉnh hiệp đồng chặt chẽ, đánh nhiều trận và đã lập công xuất sắc.

Đó là những trận đánh địch của nhiều lực lượng phối hợp bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và bằng nhiều loại vũ khí (súng, mìn, hố chông, cạm bẫy…). Có những trận đánh ác liệt như ở Tứ Trưng, Ngũ Kiên (Vĩnh Tường), Nam Hồng, Toàn Thắng (Đông Anh), du kích và bộ đội huyện phải chống trọi với hàng tiểu đoàn địch suốt 3 ngày liền nhưng vẫn giữ vững trận địa, bảo vệ có hiệu quả tính mạng và tài sản của nhân dân. Đặc biệt là trận chống càn ở Yên Nhân (Yên Lãng), Phú Xuân (Bình Xuyên) đại đội 203, 204 cùng bộ đội huyện và dân quân du kích xã đã diệt được gần 100 tên địch.

Ngoài ra, ta còn có những trận chủ động tập kích đánh địch khi chúng đóng quân, trú quân như trận tập kích địch ở Cổ Loa, Quan Âm (Đông Anh), có trận diệt gần hết đại đội địch (Ngũ Kiên - Vĩnh Tường). Các trận phục kích địch trên đường giao thông bằng trận địa bom, mìn, đòn thổ để phá các loại xe của địch và tiêu diệt bọn đi tuần tiễu, sục sạo bắt lính, bắt phu, thu thuế diễn ra trên đường Vàng – Vân Tập (Tam Dương), Hy Sinh - Dốc Lồ (Yên Lạc). Riêng trận phục kích trên đê Dốc Lồ (Yên Lạc), đại đội 206 đã diệt gọn 1 trung đội và 1 xe tăng địch.

Sau gần 3 tháng chiến đấu liên tục, quân dân Vĩnh Phúc đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, đánh thắng địch cả về 3 mặt quân sự, chính trị, kinh tế. Ta đã tiêu diệt 1.589 tên và bắt sống 80 tên, phá huỷ 112 xe cơ giới (có 16 xe tăng),

thu 155 súng các loại, làm thất bại âm mưu bình định và củng cố vùng chiếm đóng của địch. Các khu du kích của ta vẫn đứng vững, không bị tan vỡ. Lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang của ta tuy bị tổn thất, nhưng đã trưởng thành một bước, nhất và về chỉ huy và tác chiến hợp đồng.

Sau những thất bại trong đợt càn lớn dài ngày này, địch không còn khả năng mở những cuộc càn quét quy mô lớn, quân dân Vĩnh Phúc qua thử thách đã trưởng thành nhanh chóng và tiếp tục bước vào giai đoạn chiến đấu mới, giành những thắng lợi quyết định.

Bước sang năm 1954, để thực hiện nhiệm vụ “đẩy mạnh hoạt động vũ trang phối hợp với chiến trường toàn quốc” [12, 283], cùng với việc đẩy mạnh củng cố và xây dựng lực lượng về mọi mặt, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc quyết định “mở một cuộc tấn công địch sâu vào vùng tạm chiếm, thu hút địch vào trong, tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố các khu du kích” [12, 283]. Phương châm tác chiến là “chủ động phá càn, đẩy mạnh tập kích, phục kích, biệt kích đánh bọn tuần tiễu lùng sục đánh vào các tháp canh làm cho địch phải co lại” [12, 283].

Đầu 1/1954, Vĩnh Phúc lần lượt đưa các đại đội của tiểu đoàn 64, các đại đội huyện cùng một tiểu đoàn chủ lực của Liên khu Việt Bắc vào địch hậu hoạt động.

Ngay khi mới đặt chân vào địch hậu, từ ngày 6 đến 21/1/1954, ta đã phá tan hai cuộc càn quét của địch vào thôn Đại Tự (Yên Lạc). Tiếp đó tổ chức những trận phục kích, tập kích bọn đi sục sạo, tuần tiễu, đồng thời tiêu diệt các vị trí Yên Thư, Vĩnh Trung, Vĩnh Đông (Yên Lạc), Kim Dao, Tam Báo (Yên Lãng). Đặc biệt ngày 4/2/1954, trung đội 5 của tiểu đoàn 64 đã phục kích bắn đắm 1 tàu chiến hạm và bắn trọng thương 1 ca nô địch trên sông Hồng thuộc địa phận thôn Mai Châu xã Dân Chủ (Đông Anh).

Để đối phó với những cuộc tấn công của ta, địch buộc phải co dần lại. Chúng điều thêm lực lượng từ Hà Nội, đồng thời rút bỏ các vị trí Thái Phù

(Đông Anh), Hạ Chuế (Tam Dương) để thành lập một tiểu đoàn cơ động và bổ sung thêm quân số cho các vị trí Yên Nhân (Yên Lãng), Đại Định (Vĩnh Tường), Dốc Lồ (Yên Lạc) nằm sâu trong khu du kích.

Sau khi được tăng viện binh, địch cố sức mở các cuộc càn quét vào các khu du kích. Ngày 17/2/1954, chúng tổ chức một cuộc càn quét 7 ngày liền vào 7 xã của khu du kích nam Bình Xuyên, tây Yên Lãng, đông Yên Lãng nhằm cắm thêm vị trí Lý Nhân (Phú Xuân) chặn đường ra vào của ta giữa vùng tự do và vùng sau lưng địch. Ngày 24/2/1954, địch huy động tiếp 4 tiểu đoàn và 90 xe cơ giới tổ chức càn các xã Đồng Tâm, Hiệp Lực và bãi sậy Yên Lãng nhằm tiêu diệt lực lượng ta, chụp bắt cơ quan đầu não kháng chiến của tỉnh ở bãi sậy. Nhưng cả hai trận càn lớn của địch đèu bị các lực lượng vũ trang của ta chặn đánh quyết liệt ngay từ khi địch hành quân, tiêu diệt và bắt sống gần 300 tên, bảo vệ cho các cơ quan của Tỉnh uỷ, Tỉnh đội đã rút ra ngoài bãi sậy từ hôm trước, mọi cố gắng của địch đều bị thất bại.

Gần hai tháng hoạt động chiến đấu phối hợp với chiến trường chính, quân dân Vĩnh Phúc đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 tên địch, bắt sống 171 tên, thu nhiều vũ khí và quân trang quân dụng. Địch bị thu hẹp phạm vi chiếm đóng, không còn đủ khả năng mở những cuộc càn quét lớn vào khu du kích của ta.

Trong khi quân dân Vĩnh Phúc đang mở cuộc tấn công vào địch hậu, thì ở mặt trận chính, sau nhiều ngày đêm chuẩn bị gian khổ, ngày 13/3/1954, quân ta nổ song tấn công Điện Biên Phủ. Để chia lửa với chiến trường chính, Liên khu uỷ Việt Bắc chỉ thị cho Vĩnh Phúc “phải hoạt động mạnh hơn nữa nhằm vào nơi địch sơ hở mà tiêu diệt, tranh thủ củng cố cơ sở, phối hợp đắc lực với Điện Biên Phủ” [12, 285].

Thực hiện chỉ thị của Liên khu uỷ, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc mở đợt hoạt động tiếp theo từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 4/1954. Trong đợt hoạt động này, ta đẩy mạnh thêm một bước các mặt hoạt động vừa chống càn, vừa tấn công tiêu diệt

các vị trí ở Đại Định, Xuân Lai, Vân ổ (Vĩnh Tường), Cầu Trắng (Tam Dương)…Kết quả, kể từ đầu tháng giêng đến đầu tháng 5/1954, quân dân Vĩnh Phúc đã phá tan 13 vị trí địch, diệt làm bị thương và bắt sống 2.626 tên, phá huỷ 72 xe cơ giới thu 624 súng các loại và kêu gọi 540 lính nguỵ trở về với nhân dân.

Bị thất bại nặng nề, địch không còn đủ sức mở những cuộc càn quét lớn, chúng chỉ hành quân nghi binh, khuyếch trương lực lượng để trấn an tinh thần binh lính. Một số trận càn nhỏ của địch vào ven khu du kích ở Yên Lãng, Vĩnh Tường và tây Đông Anh bị ta đánh tan.

Ngày 7/5/1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị tiêu diệt hoàn toàn. Chiến thắng lịch sử này làm nức lòng quân dân cả nước và bè bạn khắp năm châu, đồng thời làm suy giảm ý chí chiến đấu của binh lính địch. Tình trạng đào ngũ, rã ngũ tràn lan trong hàng ngũ kẻ thù.

Trước thời cơ thuận lợi, theo chỉ thị của Trung ương và Liên khu uỷ Việt Bắc, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc quyết định “nhanh chóng mở luôn đợt hoạt động mùa hè, tiêu diệt sinh lực địch, làm tan rã hệ thống nguỵ quân, nguỵ quyền, phối hợp đắc lực với cuộc đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơnevơ” [12, 287]. Để có thêm lực lượng tấn công địch, Liên khu lại tăng cường cho Vĩnh Phúc 1 trung đoàn và 1 tiểu đoàn thuộc đại đoàn 312.

Sau một thời gian chuẩn bị, đợt tấn công quân sự mùa hè chính thức mở màn vào đầu tháng 7/1954 theo chủ trương của Tỉnh uỷ. Trong đợt hoạt động này, ta tấn công tiêu diệt các vị trí then chốt của địch kết hợp với đấu tranh chính trị làm tan rã hàng ngũ địch.

Ngày 7/7/1954, lực lượng vũ trang ta bắt đầu hoạt động. Trong những trận đầu ra quân ta đánh địch trên cả 3 tuyến chiếm đóng của chúng, tiêu diệt các vị trí Man Để, Vật Cách (Yên Lạc), Vân Tập, Thanh Giã (Tam Dương), Ngọc Bảo (Bình Xuyên). Mặt khác ta phá cầu, đánh mìn trên đường số 2 quanh thị xã Vĩnh

Yên. Lúc này địch càng dao động, đối phó yếu ớt. Lợi dụng tình hình đó, ta tiếp tục đợt tấn công tiêu diệt những vị trí kiên cố như Minh Tân, Hy Sinh (Yên Lạc), Sơn Tang (Vĩnh Tường), bao vậy dinh luỹ của bọn Quốc dân đảng ở Thổ Tang (Vĩnh Tường)…

Sau một tuần hoạt động quân sự ta đã thu được những thắng lợi hết sức quan trọng. Ngày 15/7/1954, Ban chỉ huy mặt trận Vĩnh Phúc họp rút kinh nghiệm tình hình tác chiến và quyết định hướng tấn công tiếp theo là bao vây, diệt các cứ điểm mạnh, đánh địch trên đường giao thông, tập kích nơi trú quân của chúng, sẵn sàng đánh địch rút lui. Bước vào đợt hoạt động mới, quân ta tiến công diệt vị trí Thượng Lạp (Vĩnh Tường), diệt bọn phản động ở Bá Cầu và giải phóng vùng nhân nghĩa, Lương Cầu, ái Liên, An Lão (Bình Xuyên). Mặt khác ta bao vây chặt bọn địch ở Thạch Đà, Yên Nhân (Yên Lãng), Đại Độ (Đông Anh), Quảng Cư, Phú Thịnh (Vĩnh Tường) là những vị trí nằm sâu trong khu du kích của ta. ở các vị trí trên tuyến đột xuất như Bạch Hạc, Toa Đen, San, Vọi…ta bao vây kiềm chế mọi hoạt động của địch, triệt mọi đường tiếp tế để bức chúng phải hàng.

Nhân lúc địch hoang mang cực độ, Tỉnh uỷ phát động cuộc đấu tranh chính trị rộng lớn nhằm làm tan rã hàng ngũ giặc, hỗ trợ cho tác chiến quân sự giành thắng lợi to lớn hơn. Để cuộc đấu tranh chính trị phát triển rộng khắp, Tỉnh uỷ đã tập trung 30 cán bộ huyện tổ chức thành 4 đội địch vận xuống các huyện Vĩnh Tường, Tam Dương, Yên Lạc để chỉ đạo cuộc đấu tranh. Kết quả là không ngày nào là không có binh lính địch ra hàng hoặc bỏ súng về nhà; có nơi ra từng tốp như 26 tên ở Toa Đen, 19 tên ở Xuân Phương (Kim Anh); hoặc ra hàng toàn bộ ở Định Trung và Bồ Sao (Vĩnh Tường)… (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ngày 17/7/1954, ta kết thúc đợt hoạt động quân sự mùa hè. Do kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến với địch nguỵ vận, giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự, quân dân Vĩnh Phúc đã giành thắng lợi hết sức to lớn: tiêu diệt 404 tên, bắt

sống 1.020 tên, ta đã giải phóng gần hết 2 huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, một phần phía bắc Bình Xuyên, Tam Dương; phá tan hệ thống chiếm đóng của địch ở 4 huyện địch hậu thuộc tỉnh Vĩnh Yên cũ.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Tình hình binh lính địch trên địa bàn Vĩnh Phúc đang hoang mang dao động chưa từng thấy trong 8 năm chiến tranh. Để tranh thủ phá khối nguỵ quân, nguỵ quyền của địch trước khi ngừng súng, Tỉnh uỷ đã tổ chức một đợt tấn công địch vận. Với khẩu hiệu đề ra là “mỗi cán bộ, mỗi chiến sĩ, mỗi người dân là một địch vận viên”, phong trào địch vận đã phát động rộng rãi ở các huyện, thị trong tỉnh. Địch vận bằng loa, bằng mồm, biên thư, truyền đơn và vận động gia đình nguỵ binh lên tận đồn bốt kêu gọi người thân trở về. Khắp các thôn xã, khắp các đồn bốt ngày nào cũng có nguỵ binh mang súng ra hàng hoặc về nhà theo tiếng gọi của gia đình, của kháng chiến.

Ngày 27/7/1954, ngừng bắn trên toàn chiến trường Đông Dương. Theo tinh thần của Hiệp định Giơnevơ và Hội nghị quân sự Trung Giã, từ ngày 27/7/1954 đến 8/10/1954, thực dân Pháp lần lượt rút khỏi Vĩnh Phúc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nhân dân Vĩnh Phúc đã giành thắng lợi hoàn toàn.

* * *

Trong những năm 1950 - 1954, đối với Vĩnh Phúc là thời kỳ bị địch thường xuyên chiếm đóng, càn quét, tấn công các lực lượng vũ trang, đẩy mạnh chính sách bình định, bắt lính, thực hiện âm mưu “dùng người Việt trị người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”. Trước diễn biến của tình hình ngày càng ác liệt, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc luôn quán triệt chủ trương đường lối của Trung ương Đảng và Liên khu uỷ Việt Bắc, tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt để tạo ra tiềm lực cho cuộc chiến tranh du kích phát triển. Đồng thời căn cứ vào tình hình địch

- ta trên địa bàn của tỉnh, chủ động phối hợp với lực lượng chủ lực ở chiến trường chính, tận dụng mọi thời cơ có được để đề ra chủ trương đường lối thích hợp, sáng tạo từng bước đẩy mạnh chiến tranh du kích đi đến kết thúc thắng lợi.

Chương 3

Nhận xét chung và một số kinh nghiệm chủ yếu 3.1. Nhận xét chung

3.1.1. Một số đặc điểm

Cuộc chiến tranh du kích chống thực dân Pháp xâm lược trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Vĩnh Phúc có những đặc điểm chung nhưng cũng có những đặc điểm riêng so với những địa phương khác. Những điểm riêng nổi bật là:

Một là, Vĩnh Phúc là địa bàn nằm ở nơi tiếp giáp giữa vùng tự do Việt Bắc

Một phần của tài liệu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lãnh đạo chiến tranh du kích chống thực dân Pháp xâm lược (1946-1954 (Trang 88)