Từ 1950, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện kế hoạch “đóng điểm chiếm tuyến”. Chúng xây dựng trên 200 vị trí với những hệ thống cứ điểm vững chắc hình thành ba tuyến phòng thủ để bảo vệ vùng chiếm đóng. Tuyến thứ nhất là vành đai đột xuất ngăn cách vùng tự do và tạm chiếm, có lô cốt boong ke do Âu Phi chiếm đóng; Tuyến thứ hai là hệ thống phòng thủ dọc quốc lộ số 2 với những tháp canh do nguỵ quân hoặc quân Liên hiệp Pháp đóng; Tuyến thứ ba là hệ thống phòng thủ theo đê sông Hồng suốt từ Đại Độ (Đông Anh) đến Việt Trì, có hệ thống tháp canh và lô cốt do quân nguỵ đóng giữ và sĩ quan Pháp chỉ huy. Do tình hình đó mà trên địa bàn hai tỉnh hình thành hai vùng là vùng tự do và vùng tạm chiếm. Vùng tự do gồm toàn bộ huyện Lập Thạch và bắc huyện Tam Dương. Phần còn lại của tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên đều thuộc vùng tạm chiếm. Tại các vùng địch chiếm đóng, chúng ra sức thực hiện chính sách bình định để tạo thế ổn định lâu dài và chuẩn bị lực lượng tấn công ra vùng tự do để tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của tỉnh.
Như vậy, từ 1950 trên địa bàn Vĩnh Yên, Phúc Yên, địch đã chiếm đóng hầu hết các vị trí trong tỉnh với một hệ thống đồn bốt và các ban tề khá ổn định. Thực tế đó là một khó khăn rất lớn trong quá trình tiến hành kháng chiến của Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh.
Để đáp ứng yêu cầu mới của cuộc kháng chiến trong tình hình mới, ngày 13/1/1950, Liên khu uỷ Việt Bắc đã tổ chức Hội nghị bàn về việc hợp nhất hai tỉnh Vĩnh Yên, Phúc Yên. Hội nghị đi đến nhất trí đề nghị Trung ương cho hợp
nhất hai tỉnh thành một tỉnh lấy tên là Vĩnh Phúc. Được sự nhất trí và chỉ đạo của Trung ương, cuối tháng giêng năm 1950, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên đã tổ chức Hội nghị tại Tam Đảo. Tại Hội nghị này, đại diện Thường vụ Liên khu uỷ đã đọc quyết định của Trung ương thành lập Đảng bộ lâm thời tỉnh Vĩnh Phúc gồm 15 đồng chí, do đồng chí Phan Lang làm Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Phan Hữu Quảng làm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh lâm thời. Ngày 12/2/1950, Chính phủ ra Nghị định số 3/TTg về việc sát nhập hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó Hội nghị hợp nhất hai tỉnh được tiến hành ở thôn Sơn Kịch, xã Hợp Lý (nay là xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch). Tỉnh Vĩnh Phúc ra đời có diện tích 1.715 km2 với 47 vạn dân. Đảng bộ Vĩnh Phúc có 18.758 đảng viên. Việc hợp nhất hai tỉnh đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cuộc kháng chiến.
Bước sang năm 1950, tình hình chiến sự trong phạm vi toàn quốc cũng như tình hình thế giới có sự chuyển biến ngày càng có lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trước tình hình như vậy, Trung ương Đảng đã có chủ trương: “Trong năm 1950, chiến tranh sẽ chuyển sang tổng phản công, giai đoạn cầm cự sẽ kết thúc, giai đoạn thứ 3 sẽ bắt đầu” [55, 118]. Vì vậy, phải: “Nhận định cho rõ công cuộc chuẩn bị lực lượng để chuyển sang tổng phản công là một công cuộc to lớn, đòi hỏi ở nhân dân và quân đội một sự hi sinh cố gắng phi thường, lớn hơn sự hi sinh cố gắng trong mấy năm kháng chiến đã qua” [55, 124].
Trước tình hình thực dân Pháp ngày càng mở rộng phạm vi chiếm đóng, để đẩy mạnh cuộc chiến tranh du kích trên địa bàn làm thất bại âm mưu bình định của địch, phối hợp với vận động chiến của bộ đội chủ lực ở các chiến trường chính trong giai đoạn tổng phản công, Đảng bộ Vĩnh Phúc chủ trương tiếp tục xây dựng lực lượng mọi mặt.
Trước hết là công tác xây dựng và củng cổ tổ chức Đảng. Việc phát triển đảng cũng được các Đảng bộ chú ý. Cơ sở Đảng trong dân quân du kích cũng được tăng cường. Theo Báo cáo của Tỉnh uỷ, đầu 1950, “cơ sở Đảng trong hàng ngũ du kích nói chung đã đông đảo và chắc mạnh. Tính ra cứ 100 du kích thì có 35 đồng chí đảng và trung bình một đồng chí phải lãnh đạo 3 đội viên quần chúng. Nhất là trong các đại đội tập trung hay bộ đội địa phương số đồng chí đảng trong đó lại càng đông. Có đơn vị số đồng chí đảng chiếm đến nửa tổng số đội viên như Lê Xoay (Vĩnh Tường)” [95, 6]. Mặc dù số lượng đảng viên tăng nhanh nhưng chất lượng chưa được chủ ý. Nhiều đảng viên trình độ nhận thức và khả năng tổ chức, lãnh đạo quần chúng còn thấp, có đảng viên còn không nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng về cuộc kháng chiến. Trước thực tế như vậy, Trung ương Đảng chủ trương tiến hành cuộc vận động: “đào tạo cán bộ, học tập lý luận” và thực hiện cuộc vận động “Phê bình và tự phê bình” trong Đảng. Từ 9/1950, Trung ương quyết định tạm ngừng phát triển Đảng để củng cố.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Đảng bộ Vĩnh Phúc, năm 1950 đã mở 71 lớp huấn luyện cho gần 2.000 cán bộ đảng viên. Tài liệu học tập là cuốn “Sửa đổi lề lối làm việc” của Hồ Chủ Tịch, “Cách mạng dân chủ mới” của đồng chí Trường Chinh và một số tài liệu về chủ trương đường lối của Đảng. Thông qua đợt học tập này, phần lớn cán bộ đảng viên đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, về lập trường chính trị, về tinh thần công tác, nhất là tinh thần khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, đòi hỏi Đảng phải có đường lối đúng đắn và tăng cường vai trò lãnh đạo, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được triệu tập vào 2/1951 tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang). Đại hội đã thông qua Báo cáo chính trị do Hồ Chủ Tịch trình bày, Báo cáo “Hoàn thành
giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội” do đồng chí Trương Chinh trình bày, …
Căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, Đảng bộ Vĩnh Phúc đã tiến hành Đại hội vào ngày 20/4/1951 tại thôn Đồng Giong (xã Quang Yên, huyện Lập Thạch), tham dự có gần 200 đại biểu thay mặt cho 13.723 đảng viên của Đảng bộ. Đại hội đã thảo luận Văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, kiểm điểm công tác lãnh đạo của Đảng bộ trong thời gian qua, thông qua nghị quyết về đẩy mạnh du kích chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất và củng cố mặt trận dân tộc thống nhất…
Sau Đại hội Đảng bộ, công tác xây dựng Đảng càng được quan tâm, chú trọng hơn trong việc củng cố lại tổ chức, đẩy mạnh phong trào học tập lý luận và cuộc vận động phê bình và tự phê bình. Đồng thời tiến hành xây dựng Đảng bộ theo điều lệ mới.
Đi đôi với công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ chú trọng đến công tác củng cố, xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng. Đó cũng là cơ sở vững chắc cho việc vận động, tổ chức nhân dân đẩy mạnh cuộc chiến tranh du kích ở địa phương.
Về chính quyền, Tỉnh uỷ chủ trương lựa chọn những cán bộ đảng viên trung kiên đã qua thử thách, rèn luyện bổ xung vào Uỷ ban kháng chiến hành chính các cấp và đoàn thể quần chúng.
Về công tác mặt trận, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, ngày 1/8/1951, Đại hội Mặt trận Liên Việt Vĩnh Phúc tiến hành tại thôn Thản Sơn (xã Chiến Thắng, nay là xã Liễn Sơn huyện Lập Thạch). Nhằm tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, Tỉnh uỷ chỉ đạo Mặt trận đẩy mạnh hoạt động bầu cử Uỷ ban mặt trận tỉnh, chấn chỉnh Uỷ ban mặt trận huyện và tổ chức các hội nghị cơ sở để phổ biến Điều lệ và Cương lĩnh của mặt trận.
Những hoạt động trên đã giúp cho các cấp chính quyền và các đoàn thể quần chúng của tỉnh được kiện toàn, mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ngày càng thêm gắn bó, tạo điều kiện để bộ máy chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng có thể đảm nhận được vai trò tổ chức, động viên toàn dân thực hiện nhiệm vụ kháng chiến trong giai đoạn quyết định.
Bên cạnh nhiệm vụ củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, việc phát triển kinh tế cũng được Tỉnh uỷ đặc biệt chú ý. Đó cũng là cơ sở để tổ chức cuộc chiến tranh du kích rộng rãi trong nhân dân và kháng chiến lâu dài.
Để khắc phục khó khăn về lương thực giảm sút do tình hình chiến sự ngày càng lan rộng và ác liệt trên địa bàn tỉnh, tháng 7/1950, Tỉnh uỷ đã mở cuộc vận động tăng gia sản xuất cứu đói rộng rãi trong quần chúng nhân dân, động viên các cấp các ngành thực hiện tự cung, tự cấp. Để tạo điều kiện cho nhân dân đẩy mạnh sản xuất, trong năm 1950, quỹ tín dụng của tỉnh đã cho dân nghèo vay 753.000 đồng để mua sắm nông cụ và sức kéo. Đồng thời tỉnh còn đưa nhiều giống lúa, trâu bò vào vùng tạm chiếm và các vùng thiên tai ven sông Đáy, sông Lô để phục hồi sản xuất. Các hệ thống thuỷ nông ở Liễn Sơn, Đồng Quế, Tam Sơn, Ngọc Liễn (Lập Thạch) được tu sửa lại để đáp ứng nhu cầu tưới tiêu cho sản xuất. Mặt khác, tỉnh còn động viên nhân dân vùng tạm chiếm di cư trở về địch hậu để sản xuất. Nhờ những biện pháp thiết thực như vậy, đến cuối 1950 diện tích lúa màu của toàn tỉnh đạt 140.388 ha, tăng 10% so với năm 1949. Tổng sản lượng lương thực vượt 4 vạn tấn.
Từ năm 1950, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định tiến hành cải cách giáo dục lần thứ nhất, nhằm xây dựng một nền giáo dục dân chủ nhân dân, trên nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng”. Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc chỉ đạo việc xây dựng một nền giáo dục mới theo cải cách của Chính phủ. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, số lượng trường lớp ở các cấp học trong tỉnh ngày một phát
triển. Tính đến 1951, toàn tỉnh có 314 lớp dự bị bình dân, 467 lớp cơ sở bình dân, trung học có một trường gồm 6 lớp, tiểu học có 17 trường.
Ngành ytế của tỉnh trong giai đoạn này cũng có những chuyển biến đáng kể. Phong trào vệ sinh phòng bệnh được đẩy mạnh. Nhiều cơ sở ytế được xây dựng từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã đáp ứng việc chăm lo sức khoẻ cho nhân dân, đặc biệt là cứu chữa thương binh. Ngành ytế của tỉnh còn đào tạo nhiều cán bộ cứu thương, vệ sinh viên, đã làm tốt việc chăm lo sức khoẻ cho bộ đội và nhân dân địa phương.
Về xây dựng lực lượng vũ trang, thực hiện chủ trương của Trung ương, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã chỉ đạo: “thành lập tiểu đoàn chủ lực tỉnh, kiện toàn bộ đội huyện, gấp rút củng cố dân quân du kích xã…” [99, 3]. Tháng 4/1950, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập tiểu đoàn chủ lực tỉnh là tiểu đoàn 64, có hai đại đội: đại đội 460 – Quang Trung và đại đội 465 - Trần Quốc Tuấn. Về sau thành lập thêm đại đội 480 lấy từ bộ đội địa phương và dân quân du kích lên. Cuối 6/1950, tiểu đoàn làm lễ ra mắt tại thôn Song Vân (xã Nguyễn Huệ nay là xã Vân Trục, huyện Lập Thạch). Đêm 13/6/1950, tiểu đoàn đánh trận ra quân đầu tiên diệt đồn Sơn Kiệu (Vĩnh Tường) ghi chiến công đầu cho lực lượng vũ trang Vĩnh Phúc.
Việc thành lập tiểu đoàn chủ lực tỉnh với những chiến công đầu vang dội đã tạo ra những thuận lợi mới trong công tác ổn định tư tưởng nhân dân vùng tạm chiếm trong việc đấu tranh phục hồi lại cơ sở.
Trên đà thắng lợi và trước những yêu cầu mới của cuộc kháng chiến, từ tháng 5/1951, thực hiện nghị quyết về đẩy mạnh chiến tranh du kích của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ nhất, Đảng bộ đã cử uỷ viên ban thường vụ hoặc uỷ viên của các cấp sang phụ trách công tác quân sự, thành lập liên chi tiểu đoàn và chấn chỉnh các chi bộ đại đội. Riêng cấp tỉnh có 3 đồng chí (1 thường vụ, 2 uỷ viên) trực tiếp chỉ đạo toàn bộ hoạt động của cơ quan tỉnh đội và tiểu đoàn 64. Cuối
tháng 5/1952, Tỉnh uỷ chủ trương mở đợt củng cố và xây dựng lực lượng vũ trang nhằm khắc phục tư tưởng mệt mỏi, sợ hy sinh gian khổ, dao động, thoái thác nhiệm vụ đang diễn biến trong cán bộ chiến sĩ. Từ tháng 6/1952, các đơn vị bộ đội được chú ý kiện toàn cán bộ, bổ sung quân số. Nhờ đó tiểu đoàn 64 vẫn bảo đảm đủ 4 đại đội gồm 599 cán bộ và chiến sĩ. Các đại đội huyện có tất cả 1.156 người. Ngoài ra Tỉnh đội còn tổ chức thường xuyên huấn luyện một đại đội tân binh làm lực lượng dự trữ để kịp thời bổ sung cho chiến đấu.
Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ ngày 14/5/1951, Hội nghị liên tịch 3 huyện Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc đã quyết định thành lập tiểu đoàn liên huyện mang phiên hiệu tiểu đoàn 62, mỗi huyện có 1 đại đội gồm 60 người. Tiểu đoàn 64 được tăng cường thêm một đại đội trợ chiến. Để đáp ứng yêu kiện toàn bộ máy chỉ huy các cấp, 6 tháng đầu năm 1951, Đảng bộ đã đào tạo bồi dưỡng 153 cán bộ từ tiểu đội đến đại đội.
Lực lượng du kích vùng sau lưng địch được chú ý phát triển. Từ tháng 6/1951 trở đi, mỗi thôn có một cơ sở kháng chiến, trong đó có một tổ 3 người đến 2 tiểu đội chiến đấu, được trang bị từ 3 súng trường trở lên. Tính đến tháng 6/1952, đã có 1.950 du kích ở các xã vùng sau lưng địch, trong đó đảng viên chiếm trên 1/3.
Cùng với việc tổ chức, huấn luyện tác chiến cho lực lượng vũ trang, trong năm 1951, Tỉnh uỷ đã tổ chức nhiều đợt học tập, chỉnh huấn chính trị cho cán bộ chiến sĩ trong tỉnh, nhờ đó mà trình độ chính trị, tư tưởng không ngừng được nâng lên.
Để đẩy mạnh hơn nữa chiến tranh du kích ở vùng địch tạm chiếm, phối hợp với chủ lực tác chiến ở chiến trường chính, Hội nghị dân quân toàn quốc lần thứ 4 (14/5/1950 đến 4/6/1950) đưa ra chủ trương: “dựa vào sự phát triển của du kích chiến tranh trong mỗi địa phương và những thắng lợi của vận động chiến, xây dựng những căn cứ địa du kích sau lưng địch để tạo những khu vực hậu
phương nhỏ trong các miền bị tạm chiếm, tạo điều kiện cho bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, các cơ quan chỉ huy hoạt động” [61, 4]. “ Khu du kích là nơi ta đã có cơ sở quần chúng và chính quyền. Bộ đội, quân du kích đã đánh phá và tiêu hao địch. Địch càn quét đi, lại nhiều lần; ta và chúng chiến đấu giằng co, tranh giữ lấy dân chúng, chính quyền và đất đai làng mạc” [86, 8]. Các khu du kích có vai trò hết sức quan trọng: “Địa vị các khu du kích trong các chiến dịch rất là trọng yếu. Nếu không có các khu du kích trình độ như ngày nay, thì việc tác chiến của quân chủ lực trong các khu vực địch hậu sẽ gặp rất nhiều khó khăn, có khi không thể vượt được. Nếu những khu vực địch càn quét không biến thành các khu du kích thì nhân dân sẽ bị địch thống trị hoàn toàn. Vì thế mà chúng ta không thể có được các lực lượng vũ trang và bán vũ trang, không thể có cuộc phối hợp tác chiến ở ngoại tuyến của các lực lượng đó đối với quân đội chủ lực từ khu vực tự do đánh vào” [61, 7].
Tại Vĩnh Phúc, trước khi địch đánh ra Hoà Bình (10/1951), Tỉnh uỷ họp Hội nghị mở rộng để quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 2 (4/1951)