Năm 1953, tình hình chiến sự trong cả nước có nhiều chuyển biến hết sức quan trọng. Trên các mặt trận chính, quân đội ta luôn luôn giành được ưu thế về binh lực và giữ quyền chủ động tiến công. Hậu phương ta ngày càng mở rộng và lớn mạnh hơn trước. Các căn cứ du kích chiếm 2/3 các làng mạc trong vùng địch hậu ở đồng bằng Bắc Bộ.
Trong khi đó, thực dân Pháp lâm vào tình trạng rất nguy ngập. Chúng luẩn quẩn bởi có nhiều mâu thuẫn trong việc bố trí lực lượng. Những khó khăn về kinh tế, chính trị ở trong nước cùng với những thất bại trên chiến trường Đông Dương đã làm nhụt ý chí xâm lược của giới cầm quyền Pháp. Thực tế đặt quân đội Pháp trước nguy cơ bị thua trận.
Trước bối cảnh đó, chính phủ Pháp khẩn thiết xin viện trợ Mỹ để giành lại thế mạnh về quân sự và làm hậu thuẫn cho cuộc đàm phán với ta. Đế quốc Mỹ với mục tiêu chiến lược là hất cẳng Pháp, nhưng muốn thay thế Pháp trước mắt không thể để mất Đông Dương. Vì vậy, chính phủ Mỹ đã tăng viện trợ cho Pháp ngày càng nhiều. Năm 1952, viện trợ Mỹ là 200 tỷ Phrăng, năm 1953 tăng lên 285 tỷ Phrăng (chiếm 43% ngân sách chiến tranh Đông Dương).
Được Mỹ hà hơi tiếp sức, thực dân Pháp tăng viện binh sang Đông Dương và bắt thêm lính với ý đồ cố gắng tạo ra khối chủ lực mạnh, đồng thời cử tướng Nava sang Đông Dương làm Tổng chỉ huy quân đội ở Đông Dương. Tháng 7/1953, Hội đồng quốc phòng Pháp thông qua kế hoạch quân sự Nava với nội dung gồm hai bước:
Bước một, trong đông xuân 1953 - 1954, giữ thế phòng ngự ở miền Bắc, tránh giao chiến với chủ lực ta ở đây, tập trung lực lượng bình định miền Nam, đặc biệt là chiếm đóng vùng tự do Liên khu V.
Bước hai, từ mùa thu năm 1954, chuyển toàn bộ lực lượng ra Bắc, mở cuộc tấn công chiến lược giành những thắng lợi quân sự to lớn, gây sức ép buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện cho chúng đặt ra.
Ngày 17/7/1953, địch nhảy dù chiếm Lạng Sơn, mở đầu việc thực hiện kế hoạch Nava. Cùng thời gian trên, địch rút một số vị trí ở trung du và sau đó là Nà Sản về đồng bằng để thực hiện ý đồ tạo ra khối chủ lực cơ động mạnh trên chiến trường.
Trước những diễn biến trên, Trung ương đã có nhận định: “Cuộc đấu tranh ở địch hậu sẽ gay go quyết liệt hơn, nhưng chúng ta chấp hành dúng chính sách quân sự, chính trị, tích cực chống càn quét, chống bắt lính, chống dồn làng, tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, phá khối nguỵ binh, thì chúng ta sẽ phá được âm mưu địch, thu được thắng lợi mới” [67, 5].
Trên chiến trường Vĩnh Phúc, địch lại tăng cường thêm lực lượng. Ngoài số quân hiện có, địch tăng thêm hai tiểu đoàn dù, 1 đại đội công binh, 4 tiểu đoàn pháo và 1 đại đội Quân thứ hành chính (GAMO), đưa tổng số lực lượng lên tới 15 tiểu đoàn. Phân tích tình hình các chiến trường trong Liên khu và căn cứ vào âm mưu của địch, Liên khu uỷ Việt Bắc đã nhận định khả năng chúng có thể tăng cường càn quét mạnh và liên tục vào địch hậu để mở rộng phạm vi bình định, đồng thời cũng tăng cường phá hoại hậu phương ta. Do vậy, Liên khu uỷ đã đề ra nhiệm vụ: “ở vùng tự do phải tích cực bảo vệ hậu phương để phá tan âm mưu phá hoại của địch; ở vùng tạm chiếm, tích cực chuẩn bị chống càn đẩy mạnh chiến tranh du kích hơn nữa” [42, 191]. Đối với Vĩnh Phúc, Liên khu uỷ nhấn mạnh: “địch có thể tập trung lực lượng lớn, mở những cuộc càn quét ác liệt dài ngày ở từng khu vực, càn xong để lại một số ít lực lực lượng tiếp tục cướp phá, dụ dỗ nhân dân phá cơ sở hòng tiêu diệt lực lượng của ta” [42, 191].
Cuối tháng 9/1953, thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “mở cuộc tiến công chiến lược đông xuân 1953 - 1954”, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc đã triệu tập Hội nghị Tỉnh uỷ mở rộng để quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị đồng thời đề ra nhiệm vụ cụ thể cho từng vùng và từng khu vực:
- Với các khu du kích cũ, phải lấy việc xây dựng lực lượng vũ trang là chính, kết hợp xây dựng tổ chức quần chúng.
- Các khu du kích mới, chú trọng xây dựng các tổ chức quần chúng kết hợp với xây dựng lực lượng vũ trang.
- Vùng tạm chiếm, tranh thủ phục hồi cơ sở, lấy đấu tranh hợp pháp là biện pháp chủ yếu để giữ vững phong trào [12, 277 - 278].
Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, quân dân Vĩnh Phúc đã tích cực chống địch càn suốt từ 10/1953 đến 12/1953, đồng thời tiếp tục củng cố và xây dựng lực lượng về mọi mặt.
Bước sang năm 1954, trên chiến trường toàn quốc, bộ đội ta tiến công địch ở nhiều hướng, buộc địch ở đồng bằng Bắc bộ phải phân tán thành nhiều nơi tập trung binh lực lớn. Kế hoạch tập trung lực lượng cơ động ở đồng bằng Bắc bộ của Nava hoàn toàn bị phá sản. ở chiến trường Vĩnh Phúc, tình hình địch có nhiều thay đổi. Đại bộ phận quân cơ động của chúng rút khỏi Vĩnh Phúc bổ sung cho các chiến trường khác.
Nắm vững tình hình địch, từ ngày 9 đến 16/1/1954, Tỉnh uỷ họp Hội nghị mở rộng, đề ra nghị quyết về phương hướng công tác vùng sau lưng địch năm 1954 với nội dung như sau:
- Đẩy mạnh hoạt động vũ trang phối hợp với chiến trường toàn quốc để phục hồi và củng cố các khu du kích, làm cơ sở cho việc đẩy mạnh chiến tranh du kích, chống phá kế hoạch Nava.
- Khôi phục hoạt động của các tổ chức quần chúng, tăng cường công tác dân vận, địch nguỵ vận và chống bắt lính, vận động nhân dân sản xuất đề phòng nạn đói, tích cực thu thuế nông nghiệp phục vụ chiến trường.
- Xúc tiến củng cố lực lượng về mọi mặt, nhất là bổ sung cán bộ lãnh đạo các cấp, kiện toàn lực lượng vũ trang, nâng cao sức chiến đấu của các đơn vị kể cả dân quân du kích [12, 282].
Sau Hội nghị, công tác củng cố lực lượng kháng chiến về mọi mặt được gấp rút thực hiện. Tỉnh uỷ đã chỉ đạo bổ sung kiện toàn lại các ban huyện uỷ, uỷ ban và các ngành của huyện. Kiện toàn hầu hết các Ban chỉ huy xã. Kiểm thảo được gần hết đảng viên ở xã qua đợt chống càn dài ngày. Động viên giáo dục số cán bộ đảng viên ở xã bị bật ra vùng tự do trở về địch hậu hoạt động. Những cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, du kích xuất sắc được khen thưởng đề bạt, do đó bộ máy lãnh đạo từ huyện xuống xã lại được ổn định.
Tiếp tục kiện toàn cán bộ và bổ sung quân số cho tiểu đoàn 64 và các đại đội huyện, trừ huyện Bình Xuyên, Kim Anh mỗi huyện mới có 3 trung đội, còn lại các huyện khác đều kiện toàn bổ xung đủ 4 trung đội. Mặt khác còn phải bổ xung lên trên 3 đại đội, 500 tân binh trong đó có đại đội 202. Vĩnh Phúc lại thành lập đại đội 202 khác để thay thế. Đề bạt 183 cán bộ tiểu đội và trung đội, 40 cán bộ đại đội, sắp xếp đủ cán bộ chỉ huy từ trên xuống dưới.
Củng cố chấn chỉnh lại hàng ngũ dân quân du kích. Các thôn đội, xã đội được kiện toàn bổ xung. Có xã sau trận càn lớn du kích bị tiêu hao gần hết như Ngũ Kiên, Hồng Châu, Liên Châu, Thanh Lãng. Nay ở các thôn xóm, có ít nhất hai tiểu đội du kích chiến đấu được.
Về nhân dân, qua thắng lợi của trận chống càn càng phấn khởi. Những nơi dân chạy vào vùng tạm chiếm hầu hết đã trở về làng, tiếp tục sản xuất. Các tổ chức quần chúng được chấn chỉnh trở lại, sinh hoạt bình thường. Cùng lúc đó, Tỉnh uỷ lại chủ trương mở một cuộc tuyền truyền học tập cương lĩnh và sắc lệnh ruộng đất cho cán bộ, đảng viên và nhân dân cả hai vùng tự do và địch hậu, do đó càng cổ vũ tinh thần nhân dân hăng hái thực hiện các nhiệm vụ.
Tỉnh uỷ còn chỉ đạo xây dựng lại các làng chiến đấu trong khu du kích. Nhiều nơi đã tích cực khắc phục khó khăn cải tạo địa hình để chiến đấu như: xẻ hào xung quanh làng. Rào tre xung quanh làng thành nhiều tầng lớp. Nơi không có luỹ tre thì đào đất đắp thành tường xung quanh làng. Đào giao thông hào nối
thông giữa các ngõ xóm, thôn tạo nên thế liên hoàn chiến đấu.. Cải tiến lại hầm bí mật, khôi phục chông, mìn, cạm bẫy. Đặc biệt ở khu du kích tây Đông Anh, việc xây dựng làng chiến đấu được kiên cố hơn. Khu này gồm 4 xã: Nam Hồng, Thành Công, Dân Chủ, Toàn Thắng thường bị các vị trí xung quanh như: Mỹ Nội, Đông Anh, Đại Độ, Yên Nhân o ép không thuận lợi cho việc chống càn. Sau trận càn lớn dài ngày, làng xóm bị tàn phá trơ trụi. Huyện uỷ Đông Anh xác định “không chống càn được thắng lợi thì không thể giữ vững được khu du kích. Vì vậy, huyện uỷ đã quyết tâm lãnh đạo cải tạo địa hình để chiến đấu bằng đường hầm. Cuộc vận động nhân dân tham gia cải tạo địa hình để chiến đấu diễn ra hết sức sôi nổi. Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5/1954, kế hoạch cải tạo của huyện đã hoàn thành. Trong 4 xã đã đào được 11.704 m giao thông hào, 10.248 m giao thông hầm chạy xung quanh các làng, 3084 m hào ngăn xe tăng, 2090 m đắp tường thành, trồng 5.521 gốc tre trên mặt luỹ, đào 2.432 hầm trú ẩn, 2.474 hầm cất giấu tải sản.
Nắm vững phương châm “chiến đấu đi đôi với xây dựng lực lượng” nên trong giai đoạn quyết định của cuộc kháng chiến, Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc tích cực chỉ đạo xây dựng và củng cố lực lượng kháng chiến về mọi mặt nên đã góp phần vào việc chống lại các cuộc càn quét trên quy mô lớn của địch, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích nhằm tiêu hao lực lượng của địch, phối hợp với chiến trường chính giành thắng lợi đưa cuộc kháng chiến đến kết thúc thắng lợi.