TIẾN TRÌNH DẠY VÀ HỌC

Một phần của tài liệu TÍCH HỢP NỘI DUNG GIÁO DỤC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRONG DẠY HỌC MÔN CÔNG NGHỆ CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ (Trang 39)

1. Ổn định tổ chức lớp (1 phút)

2. Kiểm tra bài cũ: không kiểm tra vì là đầu chương

3. Dạy bài mới

Đặt vấn đề: Rừng có vai trò rất to lớn đối với đời sống, sản xuất, kinh tế của con người, của các quốc gia. Vậy vai trò cụ thể của rừng như thế nào, thực trạng rừng nước ta hiện nay ra sao, cần phải hành động như thế nào để bảo vệ rừng, phát triển rừng, và góp phần hạn chế tác động của BĐKH và các thiên tai ngày một gia tăng hiện nay, chúng ta cùng nghiên cứu bài học hôm nay:...

Hoạt động 1. Tìm hiểu vai trò của rừng và trồng rừng

GV treo tranh vẽ Hình 34. Vai trò của rừng và nêu câu hỏi: Quan sát các hình vẽ kết hợp với hiểu biết của mình, em hãy cho biết rừng có những vai trò gì?

GV gọi một số HS phát biểu, phân chia ý trả lời của HS thành các vai trò của rừng:

- Bảo vệ môi trường:

+ Điều hòa tỉ lệ ôxi và cacbonic → giảm phát thải khí nhà kính, điều hòa khí hậu.

+ Hấp thu bụi, làm sạch không khí

+ Điều tiết dòng nước chảy bề mặt và mạch nước ngầm + Chống xói mòn, rửa trôi, chống sạt lở đất

+ Chống gió, chống cát bay; chắn sóng... → giảm thiểu rủi ro thiên tai.

- Phát triển kinh tế

+ Cung cấp lâm sản phục vụ đời sống: làm đồ mộc gia dụng, trang trí nội thất, phương tiện phục vụ xây dựng, giao thông; hàng thủ công mỹ nghệ... + Xuất khẩu

+ Cung cấp dược liệu

- Phục vụ nhu cầu văn hóa, xã hội

+ Phục vụ nghiên cứu khoa học, lưu giữ nguồn gen động thực vật. + Phục vụ tham quan du lịch, nghỉ ngơi, giải trí...

Hỏi: Vì sao khi có rừng thì nước mưa không chảy tràn trên mặt đất?

Vì sao khi rừng phát triển thì hạn chế được lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, chống được xói mòn?

Vì sao rừng làm cho không khí trong lành?

GV nhấn mạnh vai trò hạn chế được lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, chống xói mòn; điều hòa khí hậu, thu giữ các bon (qua quang hợp cây hấp thụ khí cacbonic, nhả khí ôxi) nên rừng có vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính (CO2) do các hoạt động sản xuất công nghiệp, hô hấp của động thực vật gây ra. Rừng được ví như “lá phổi xanh của trái đất”.

Hoạt động 2. Tìm hiểu tình hình rừng của nước ta hiện nay

GV treo hình 35 giới thiệu tình hình rừng bị tàn phá ở nước ta từ năm 1943 đến 1995. GV giải thích các khái niệm “diện tích rừng tự nhiên” – là rừng

mọc trên đất rừng (không phải rừng do con người trồng); “độ che phủ của rừng” là diện tích đất có cây rừng che phủ so với tổng diện tích của cả nước.

Hỏi: Quan sát tranh, em có nhận xét gì về diện tích rừng tự nhiên của nước ta năm 1995 so với năm 1943? Diện tích rừng tự nhiên bị mất là bao nhiêu?

Độ che phủ của rừng như năm 1995 so với năm 1943 như thế nào? Độ che phủ của rừng giảm bao nhiêu phần trăm?

Nếu nước ta có diện tích là 33 triệu ha thì độ che phủ của rừng năm 1995 là bao nhiêu ha? (= 33 triệu ha x 28%)

Diện tích đồi trọc là diện tích đồi chưa được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Hỏi: Diện tích đồi trọc năm 1995 tăng lên so với năm 1943 bao nhiêu ha? Các số liệu trên nói lên thực trạng biến động diện tích rừng, độ che phủ và diện tích đồi trọc ở nước ta từ 1943 đến 1995 như thế nào?

Hỏi: Bằng hiểu biết của mình em hãy kể một số tác hại do mất rừng gây ra?

Sau đó GV treo một số tranh ảnh về những tác hại do mất rừng gây ra để HS quan sát làm rõ: Lũ lụt, sạt lở đất, đất trồng, đồi trọc; thiệt hại nguồn lợi thủy sản, nông sản, nhà cửa, con người, ... (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Như vậy mất rừng là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng BĐKH, và gia tăng các thiên tai (bão, lũ, hạn hán, nắng nóng...) gây ra tác hại vô cùng lớn đối với môi trường, đời sống con người và xã hội: Nhiệt độ trái đất ấm dần lên, nước biển dâng cao, bão lũ xảy ra bất thường, hạn hán kéo dài, mất mùa, xuất hiện nhiều dịch bệnh mới, thiệt hại về kinh tế, tăng nguy cơ đói nghèo ở nhiều khu vực trên thế giới, ...

Hoạt động 3. Tìm hiểu về nhiệm vụ trồng rừng

Để chống BĐKH và phòng chống thiên tai, giải pháp quan trọng, lâu dài là gì? (Trồng rừng).

- Nhiệm vụ trồng rừng ở nước ta: Thực hiện trồng rừng thường xuyên để phủ xanh 19,8 triệu ha đất lâm nghiệp.

GV: Để trồng rừng đạt hiệu quả cao, chúng ta cần phải biết các loại rừng khác nhau như thế nào đồng thời nắm được mục đích trồng các loại rừng đó.

GV treo tranh về các loại rừng khác nhau và yêu cầu HS nêu đặc điểm, nhiệm vụ cơ bản của từng loại rừng, lấy ví dụ về từng loại rừng:

+ Rừng sản xuất (rừng keo, bạch đàn, cao su, tre, nứa...): Lấy nguyên vật liệu phục vụ đời sống và xuất khẩu.

+ Rừng phòng hộ:

• Rừng phi lao phòng hộ chống cát bay;

• Rừng phòng hộ ven biển: rừng tràm, rừng đước chắn sóng ven biển, chống lở đất;

• Rừng phòng hộ đầu nguồn: điều tiết nguồn nước, chống lũ quyét, điều tiết dòng chảy...

+ Rừng đặc dụng: vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiêm và môi trường, rừng phục vụ nghiên cứu khoa học, văn hóa, lịch sử và du lịch, ...

Hỏi: Ở địa phương em cần thực hiện nhiệm vụ trồng những loại rừng nào là chủ yếu? Vì sao?

Mỗi loại rừng có nhiệm vụ riêng nhưng đều góp phần quan trọng vào việc điều hòa khí hậu, bảo vệ môi trường sống, chống BĐKH, hạn chế tác động của thiên tai. Vì vậy, phải coi trọng cả ba nhiệm vụ trồng rừng trên. Trong điều kiện BĐKH hiện nay, trước hết cần phải đặc biệt quan tâm đến việc trồng và bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn và rừng ven biển. Đồng thời, quan tâm thực hiện nhiệm vụ trồng rừng sản xuất để cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất, chế biến và phục vụ nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

V. CỦNG CỐ

Hỏi: Rừng có vai trò quan trọng như thế nào với môi trường sống?

Hỏi: Nếu mất rừng thì sẽ xảy ra những hậu quả gì? Tại sao? Nhiệm vụ trồng rừng ở nước ta hiện nay là gì ?

Một phần của tài liệu TÍCH HỢP NỘI DUNG GIÁO DỤC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI TRONG DẠY HỌC MÔN CÔNG NGHỆ CẤP TRUNG HỌC CƠ SỞ (Trang 39)