pháp “cửa sổ cốt truyện”
Không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai phạm trù thời gian và không gian ở tiểu thuyết “Anh em nhà Karamazov” vì thế cũng không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai bình diện không-thời gian và cốt truyện của tác phẩm. Bởi, từ cách sử dụng đối thoại, Dostoevsky đã tạo ra một cái nhìn phẳng về tất cả mọi sự việc đang diễn ra như thể đang ở trên một sân khấu kịch. Thứ tự các lớp kịch trước và sau chỉ là sự di chuyển giữa vị trí này và vị trí khác trong một không gian hẹp là một “thị trấn”, từ nhà thờ, đến nhà Karamazov, quán rượu, đường phố, tu viện, nhà Grushenka, nhà Ivanona, tòa án. Và như vậy “điểm kịch tính” của cốt truyện (câu chuyện đang kể) được xem xét trong sự tương quan với các sự kiện đang diễn ra chứ không phải là hệ quả của một diễn trình tuần tự ở thời điểm trước đó. Giải thích về nguyên tắc này Bakhtin nói: “Dostoevsky muốn cảm thụ các giai đoạn ấy (chuỗi các sự vật đang hình thành trong đó các mâu thuẫn tồn tại như là các giai đoạn khác nhau của một sự phát triển thống nhất) trong tính đồng thời, muốn đối sánh và đối lập
64
chúng một cách kịch tính, chứ không kéo dài ra thành chuỗi hình thành. Đối với ông, lí giải thế giới có nghĩa là suy nghĩ tất cả các nội dung của nó như là những cái đồng thời và phỏng đoán mối quan hệ của chúng trong mặt cắt của một thời điểm”. Các nhân vật, vì thế, không có tiểu sử theo nghĩa là một quá trình trải nghiệm trong quá khứ mà chỉ hồi tưởng lại những gì hiện còn liên quan tới hiện tại, “hành vi của nhân vật đều đặt trọn trong hiện tại và về mặt này nó không được quy định trước; nó được tác giả hình dung và miêu tả như là một hành động tự do”, [3, 35] không liên quan đến môi trường giáo dục hay nguồn gốc xuất thân. Vì vậy, khái niệm “quá khứ”, xét theo quy chiếu thời gian, được hiểu theo nghĩa là những gì còn liên quan tới vấn đề đang diễn ra ở hiện tại. Tương tự như vậy, khái niệm “tương lai” cũng được hiểu theo nghĩa là những phỏng đoán về những gì có thể diễn ra sau hiện tại. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với “khung biến đổi tính cách” của nhân vật giữa phần đầu và phần cuối tiểu thuyết.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận từ phương diện tâm lý nhân vật – nhân vật với tư cách là một thế giới tâm hồn độc lập với bối cảnh bên ngoài – chúng ta nhận thấy có hai kiểu “không gian” cùng tồn tại trong một biên độ thời gian của nhân vật là “không gian thực” và “không gian ảo”. Chúng ta thấy hai kiểu không gian này rất rõ trong chương IV quyển bảy “Thành Cana xứ Galilei” và chương IX quyển mười “Con quỷ, cơn ác mộng của Ivan Fiodorovitr” trong đó, nhân vật Alyosha và nhân vật Ivan đang cùng ở trong trạng thái gần như mê sảng.
Alyosha sau khi từ nhà Grushenka về, đến quỳ bên cạnh linh cữu trưởng lão Zosima trong phòng của trưởng lão ở tu viện. Lúc này cha Pixa đang đọc một đoạn trong Phúc Âm kể về một đám cưới ở thành Cana xứ Galilei, nơi Chúa Jesus đã biến nước thành thứ rượu hảo hạng nhất tiếp thêm cho mọi người trong đám cưới. Mọi suy nghĩ trong tâm trí của Alyosha đã
65
dần bện cuốn với lời đọc của cha Paxi, và dần dần, anh ta chìm vào một không gian ảo – không gian của tâm tưởng – nơi anh ta được có mặt trong đám cưới, được nói chuyện với trưởng lão Zosima và được nhìn thấy bằng mắt dung nhan của Đức Jesus. Thành Cana xứ Galilei này chính là Nước Chúa, nơi “Nhiều người có mặt ở đây chỉ vì đã cho đi một nhánh hành, chỉ một nhánh hành nhỏ” và là nơi “Ngài đang chờ những người khách mới. Ngài không ngừng mời gọi khách mới và lần này là gọi đi mãi mãi.” [40, 556] Ở đây, trong bối cảnh thực là bốn bức tường căn phòng của trưởng lão ở tu viện, Alyosha đã bước sang một không gian ảo là Nước Chúa – nơi con người sẽ đến sau khi chết. “Có cái gì rực cháy trong tim anh, một cái gì bỗng tràn đầy tim anh đến độ đau đớn, những giọt lệ hân hoan từ tâm hồn anh ứa ra” khi Alyosha bước ra khỏi Nước Chúa. Và bước ra khỏi không gian hạn hẹp của căn phòng, Alyosha trong tâm trạng tràn đầy niềm hân hoan, khao khát tự do, khao khát một không gian rộng rãi, nhận ra “Trên đầu anh, vòm trời trải rộng bao la, chi chít những vì sao hiền hòa lấp lánh. Dải ngân hà chẻ đôi trải dài từ thiên đỉnh tới chân trời… đêm tươi mát và thanh vắng hoàn toàn bất động trùm lên trái đất. Những ngọn tháp màu trắng và những nóc nhà thờ bọc vàng lấp lánh trên nền trời xafia. Những đám hoa mùa thu lộng lẫy trong bồn quanh nhà...” và bỗng nhiên Alyosha đổ vật xuống đất, “ôm lấy đất… vừa hôn vừa khóc nức nở, nước mắt như mưa và với tình cảm cuồng nhiệt, anh thề sẽ yêu đất, yêu đất mãi mãi”. Toàn bộ tâm trạng đó là vì anh đã được “tiếp xúc với thế giới khác” và là vì “Giờ ấy có người nào đã viếng thăm tâm hồn tôi”. [40, 557]
Ivan, trở về sau cuộc gặp lần cuối cùng với Smerdyakov, đã thấy Quỷ “mạt hạng và nhãi nhép”. Ivan thấy hình dạng của Quỷ “trạc ngũ tuần, tóc không điểm bạc nhiều lắm, còn đen, khá dài rậm, râu cằm tỉa nhọn, mặc áo vét tông màu nâu…, áo trong, chiếc cà vạt dài kiểu khăn quàng, ..áo lót bẩn,
66
chiếc khoăn quàng rộng thì sờn, chiếc quần kẻ ô vuông đẹp nhưng hơi sáng màu quá và hơi hẹp quá.., chiếc mũ mềm trắng có lông…” và nghe thấy tiếng nó nói “này cậu…”. Lời nói của Quỷ đã làm Ivan tức giận tới nỗi muốn “đá” cho nó một cái. Lời nói của Quỷ đã khiến Ivan đi từ chỗ nghi ngờ về sự tồn tại của nó đến chỗ công nhận nó. Câu chuyện của Quỷ về Chúa đã khiến Ivan từ chỗ phản bác nó đến chỗ công nhận những gì nó nói hoàn toàn là “những gì mình đã từng nói”. Quỷ là một bản thể khác Ivan về diện mạo bên ngoài cuối cùng đã hoàn toàn là Ivan về phương diện tư tưởng và giày vò Ivan trong “lương tâm”. Nếu Smerdyakov chỉ cho Ivan thấy “tội” của anh ta thì Quỷ chỉ cho Ivan thấy phần “lương tâm” trong con người anh ta – thứ mà anh ta đã phủ nhận bằng mọi lý lẽ. Smerdyakov và Quỷ cùng là kẻ song trùng của Ivan về tư tưởng nhưng Smerdyakov là cái ác còn Quỷ là tư duy của Ivan, tạo thành hai đặc tính của anh ta. Khi tỉnh lại, Ivan thực sự rơi vào trạng thái mê sảng. Nhưng như Alyosha đã cảm nhận, có một sự thay đổi lớn đã xảy ra bên trong con người Ivan “Chúa đã thắng. Anh ấy sẽ vươn lên trong ánh sáng của sự thật, hoặc… sẽ chết trong căm thù, tự trả thù mình và tất cả những kẻ khác vì anh đã phục vụ điều mà anh không tin.” [40, 992]
Sự thật thì “không gian thực” và “không gian ảo” đều diễn ra bên trong con người, là “con người bên trong con người” [3, 37] và ranh giới của nó chỉ là một khoảnh khắc “tỉnh” “thức” của giấc ngủ.
Nếu bỏ qua các đoạn đối thoại, người đọc sẽ phải theo dõi cốt truyện thông qua lời dẫn của “tôi” – người kể chuyện. Trong toàn bộ tiểu thuyết, nhân vật tôi – người kể chuyện vừa đóng vai trò là người dẫn chuyện vừa như một nhân chứng chứng kiến toàn bộ diễn tiến của câu chuyện. Trong 3 đoạn “đại cảnh” lớn là cuộc họp mặt của gia đình Karamazov ở tu viện (quyển 2), cuộc gặp mặt của đức cha Zosima và các thánh (quyển 6) và cuộc xét xử của tòa án (quyển 12), nhân vật tôi giống như một ký giả ký thuật lại mọi lời nói
67
và hành động của những người có mặt trong “đại cảnh”, trung thực với việc miêu tả bao quát và khách quan, không “góp giọng của riêng mình” vào “giọng” của các nhân vật khác. Vì thế, người đọc chúng ta có được một hình dung tổng thể về toàn bộ đại cảnh giống như đang xem một cuốn phim chân thực mà vẫn có đủ thông tin liên quan tới những chi tiết “tiểu sử” của cuộc đời nhân vật hoặc chi tiết gợi nhớ lại những gì đã xảy ra trong quá khứ, trước sự kiện sắp diễn ra trong đại cảnh. Tuy vậy, nếu chỉ căn cứ vào lời dẫn chuyện thì không đủ để tái hiện cốt truyện bởi cốt truyện của tiểu thuyết không chỉ nằm trong phạm vi lời trần thuật của người kể chuyện mà còn nằm chủ yếu ở “đối thoại”. Vì thế cốt truyện chỉ được tái hiện toàn vẹn khi được tổng hợp thông tin từ các cuộc đối thoại. Ví dụ như hiện trường của vụ giết người chỉ có thể được tái hiện qua lời kể của Smerdyakov. Cốt truyện của tiểu thuyết vì thế được co gọn lại trong khoảng thời gian ngắn từ trước đến sau vụ giết người.
Cốt truyện trong tiểu thuyết của Dostoevsky thường là một vụ án hình sự và thường được kể theo một diễn trình ngắn, hầu như chỉ là trước và sau khi tội ác diễn ra một thời gian ngắn. Thế nên chúng ta thấy thời gian niên đại không xuất hiện mà thay vào đó là thời gian lịch đại. Điều này cũng dẫn đến sự thay đổi trong phương thức biểu đạt cốt truyện chính và cốt truyện phụ sao cho tiếp cận gần nhất và nhanh nhất với trí tuệ của độc giả. Một trong những phương thức đó là vay mượn.
3.2. Vay mượn trực tiếp cốt truyện Kinh Thánh: huyền thoại Thánh Kinh
Như đã nói ở trên, tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov có một kết cấu cốt truyện đặc biệt diễn ra không theo diễn trình nguyên nhân - hệ quả. Các tình tiết đều xảy ra ở hiện tại và tác động qua lại với nhau trên cùng một bình diện thời gian. Sự kiện chính của toàn bộ cốt truyện là vụ việc giết cha của
68
một trong số những người con. Điều đáng chú ý và thú vị là cuối cùng, tất cả các nhân vật dù chính hay phụ đều ít nhiều dính líu đến sự kiện chính trong khi bản thân mỗi nhân vật đều đã có sự ràng buộc với một hay một vài nhân vật khác. Đến “ngày phán xử cuối cùng” tất cả mọi người đều liên can tới vụ việc trừ Trưởng lão Zosima - người đã chết.
Ở tiểu thuyết này, Dostoevsky đã vay mượn khá nhiều cốt truyện từ Phúc Âm. Chỉ xét riêng 3 đại cảnh lớn ở quyển 2, quyển 6 và quyển 12, chúng ta đã thấy rất rõ sự vay mượn này. (Phụ lục 3.1)
Đầu tiên là hình ảnh Trưởng lão Zosima trong khi “chữa bệnh” cho dân chúng và trong khi “nói chuyện” với các thầy tu gợi nhớ hình ảnh Chúa Jesus đi khắp nơi chữa bệnh cho dân và răn dạy các tông đồ. Trưởng lão Zosima được giới thiệu là một người có một pháp lực đặc biệt “nhiều người mang theo trẻ con hay người thân thích đau ốm đến cầu xin trưởng lão đặt tay lên họ và cầu nguyện cho họ, ít lâu sau họ trở lại, có người trở lại ngay hôm sau, nước mắt chan hòa quỳ sụp trước trưởng lão tạ ơn Cha đã chữa lành người bệnh của mình”. Người dân tôn sùng Cha và tuyệt đối tin vào quyền năng của Cha “họ từ khắp nơi trong nước Nga đổ đến chỉ cốt để nhìn thấy trưởng lão và được Cha ban phước. Họ sụp xuống trước mặt Cha, khóc lóc, hôn chân Cha, hôn mảnh đất Cha đứng, kêu gào, phụ nữ giơ con lên trước mặt Cha, đưa những người bị bệnh ngộ dại đến” [40, 43]. Và giống như Chúa Jesus khi người tới vùng Biển Hồ xứ Galile ở phần ký thuật, Phúc âm theo Mat - thêu, Trưởng lão Zosima chữa trị những chứng bệnh liên quan tới “tinh thần” bằng “tinh thần” “Trưởng lão nói với họ, đem những đoạn kinh ngắn cầu khẩn cho họ, ban phước rồi để họ ra về”. Trong đại cảnh này, có bốn trường hợp được chữa bệnh: một phụ nữ “ngộ dại”, một người mẹ đau khổ vừa mất đứa con trai, một người đàn bà tuyệt vọng vì ngóng trông đứa con trai đi lính và một người phụ nữ còn trẻ ân hận vì đã có ý nghĩ mong chồng mình chết sớm.
69
Trưởng lão Zosima đã trùm chiếc khăn lễ lên đầu người phụ nữ “ngộ dại” và đọc một đoạn kinh ngắn và chị ta lập tức ắng lặng và trở nên bình tĩnh. Trưởng lão Zosima làm yên lòng người mẹ đau khổ vừa mất đứa con trai bằng câu chuyện Rasen khóc con và khiến bà tin rằng đứa bé đang vui vẻ sống ở Thiên đàng, bên cạnh đức Chúa trời. Trưởng lão Zosima khẳng định với người đàn bà có con đi xa, bằng tất cả niềm tin, rằng con bà còn sống và sẽ sớm trở về với bà. Trưởng lão Zosima đeo cho người phụ nữ trẻ và nói những lời tha thứ cho tội lỗi của chị. Giống như Chúa Jesus đã làm là mang đến tình yêu, sự bao dung cho tất cả mọi người, Trưởng lão Zosima cứu rỗi tất cả bằng tình yêu và niềm tin vô tận đối với Chúa. “Tình yêu chuộc được hết, cứu rỗi được hết” .
Cuộc tranh luận giữa Ivan và Trưởng lão Zosima trong chương 5 quyển 2 về giáo hội và nhà nước cũng tái hiện bài giảng của Chúa Jesus về giáo hội. Đây là cuộc chất vấn của kẻ không có niềm tin đối với người sùng tín về bản chất của lẽ công bằng nằm trong việc trừng phạt kẻ phạm tội. Ivan nói “Nếu tất cả trở thành giáo hội, giáo hội sẽ tuyệt thông với kẻ phạm tội và kẻ không vâng lời chứ không chặt đầu họ…. cho nên lương tâm kẻ phạm tội hiện nay rất thỏa hiệp với mình: ta ăn cắp, nhưng ta không chống giáo hội. Ta không phải là kẻ thù của đấng Kitô…. Cả thiên hạ đều sai lầm, cả thiên hạ đều đi chệch hướng, giáo hội cũng phải trả giá, chỉ có ta, tên giết người và ăn cắp, là giáo hội Kitô chân chính… ” [40, 96] có nghĩa rằng nếu “thế giới bác ái và hiệp thông hoàn toàn trong tình anh em” mà giáo hội vẫn rao giảng trở thành sự thật thì đồng nghĩa với việc kẻ phạm tội sẽ luôn được tha thứ. Bởi vì rằng Chúa Jesus đã từng nói trong dụ ngôn “Anh em tha thứ cho nhau” khi Người được hỏi “nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” rằng “thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” Trưởng lão Zosima chỉ ra rằng “tuy phần tử có hại bị
70
chặt rời ra một cách máy móc và đày đi xa khuất mắt, nhưng thay vào đó lập tức xuất hiện một kẻ phạm tội khác, có khi là hai. .. Chỉ có nhận tội với tư cách là con của xã hội Kitô, tức là con của giáo hội, kẻ đó mới nhận tội của mình với xã hội, tức là với giáo hội”. “hình phạt thực sự” “nằm ngay trong sự tự thú của lương tâm”. Điều này ứng với dụ ngôn của Chúa Jesus “tên mắc nợ không biết thương xót” kể về một kẻ mắc nợ với Chúa và đã được Chúa rủ lòng thương nhưng bản thân anh ta lại không rủ lòng thương với kẻ mắc nợ anh ta và cuối cùng anh ta bị Chúa trừng phạt. Dụ ngôn này có nghĩa bản thân kẻ mắc nợ đã không tự ý thức được tội của mình nên anh ta tiếp tục mắc tội một lần nữa.
Trong quyển 2, chương 6 – 7 – 8 còn gợi lên câu chuyện của 3 bí tích khác trong Phúc Âm là chuyện Đức Jesus đuổi hai người bị quỷ ám (chương 6), chuyện Juda bán Chúa (chương 7) và chuyện Chúa dùng bữa với những người tội lỗi (chương 8). Tuy 3 câu chuyện này hoặc không tương hợp hoàn toàn (chương 6 và chương 8) hoặc chưa trọn vẹn (chương 7. Sau này khi Rakitin thuyết phục được Alyosha cùng tới nhà Grushenka và được Grushenka trả tiền, câu chuyện “bán Chúa” mới rõ ràng.) nhưng về mô hình cốt truyện cơ bản thì tương đối giống nhau. Ở chương 6, Fiodor và Dmitri đã