Trách nhiệm pháp lý thường được hiểu là sự áp dụng chế tài cho một chủ thể vi phạm hợp đồng. Trong quan hệ hợp đồng, bên vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu những hậu quả bất lợi. Điều kiện để xuất hiện trách nhiệm là sự vi phạm hợp đồng được hiểu là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ trách nhiệm. Pháp luật Việt Nam tuân thủ nguyên tắc chỉ chịu trách nhiệm khi có lỗi (Điều 312 BLDS 2005) do đó nếu chứng minh mình không có lỗi thì không phải chịu trách nhiệm. Người bán phải chịu trách nhiệm về việc hàng không phù hợp với hợp đồng trừ trường hợp chứng minh là mình không có lỗi.
Tùy theo từng loại nghĩa vụ hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận hoặc bên vi phạm có thể lựa chọn các loại chế tài như (Điều 292 LTM 2005): buộc thực hiện đúng hợp đồng; phạt vi phạm; bồi thưởng thiệt hại; hủy hợp đồng; tạm ngừng thực hiện hợp đồng; đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc là các biện pháp khác do các bên thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tập quán thương mại quốc tế.
Trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp Luật Thương mại có quy định khác ( Điều 307 LTM 2005).
Các bên được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong các trường hợp sau (Điều 294 LTM 2005):
- Xảy ra các trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận - Xảy ra sự kiện bất khả kháng
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được giao kết hợp đồng.
Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp trách nhiệm bằng văn bản, dư liệu trước các hậu quả có thể xảy ra, tìm biện pháp xử lý hậu quả trên tinh thần hợp tác ( Điều 295 LTM 2005).
Đối với những quan hệ mua bán hàng hóa có thời hạn cố định về giao hàng, nếu xảy ra trường hợp bất khả kháng cộng với thời gian hợp lý để khắc phục hậu quả.
Chế tài trong thương mại là một trong những quy định ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng thương mại, bởi thông qua đó, chúng ta có thể điều tiết hành vi của các thương nhân trong quá trình thực hiện hợp đồng, tạo ra sự ổn định tương đối cho sự phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tiễn xử lý các hành vi vi phạm hợp đồng thương mại trong thời gian qua vẫn còn một số vấn đề gây tranh cãi, gây khó khăn cho các cơ quan giải quyết tranh chấp và các bên trong việc xác định hình thức xử lý đối với bên có hành vi vi phạm hợp đồng.
Theo quy định tại Điều 297 LTM 2005 một phần trong định nghĩa về hình thức buộc thực hiện đúng hợp đồng thể hiện tính không khả thi, cụ thể là cụm từ “thực hiện đúng hợp đồng” là khó có thể thực hiện đặc biệt là trường hợp vi phạm hợp đồng về mặt thời hạn. Khi xây dựng lại khái niệm theo hướng như trên, sẽ giải quyết được tình trạng quy định của Luật đặt ra những điều “không sát thực tế” và gây ra những lúng túng, khó khăn cho các thương nhân khi áp dụng. Ngoài ra, Khoản 2 Điều 299 LTM 2005 quy định: “Trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trong thời hạn mà bên bị vi phạm ấn định, bên bị vi phạm được áp dụng các chế tài khác để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình”. Quy định như vậy đã làm cho chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng trở thành vô giá trị, bởi vì ngay cả trường hợp bên vi phạm không thực hiện chế tài này thì cũng không chịu bất kì trách nhiệm bổ sung nào mà chỉ chịu các hình thức chế tài như phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại hoặc tạm ngừng, đình chỉ, hủy bỏ hợp đồng. Quy định này đã biến chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng thành kẽ hở rất lớn để lợi dụng nhằm trì hoãn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.
Khi chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng được áp dụng, hậu quả pháp lý đối với hợp đồng này là “hợp đồng vẫn còn hiệu lực” và “bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại” nếu hành vi vi phạm đó gây thiệt hại cho bên bị vi phạm. Như vậy, về mặt bản chất, việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng không ảnh hưởng đến hiệu lực của hợp đồng và hợp đồng đó sẽ tiếp tục được thực hiện trong tương lai khi điều kiện áp dụng chế tài tạm ngừng thực hiện hợp đồng chấm dứt. Vấn đề đặt ra ở đây là, sau khi áp dụng biện pháp này, thời điểm nào sẽ được coi là chấm dứt việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng? Căn cứ nào để một bên yêu cầu tiếp tục thực hiện hợp đồng đã bị tạm ngừng thực hiện? Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng bị tạm ngừng thực hiện do bên tạm ngừng tự động thực hiện hay theo yêu cầu của bên có hành vi vi phạm hợp đồng? Tất cả những yếu tố này hiện nay đều chưa được tính đến trong LTM, gây khó khăn cho các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng là “hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ đã thoả thuận trong hợp đồng, trừ thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ sau khi huỷ bỏ hợp đồng và về giải quyết tranh chấp” (khoản 1 Điều 314 LTM). Hậu quả của việc hủy bỏ hợp đồng giống như trong trường hợp hợp đồng bị vô hiệu, các bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận từ việc thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, cách quy định này có một số bất cập tại khoản 2 và khoản 3 Điều 314 LTM. Theo đó LTM quy định, “các bên có quyền đòi lại lợi ích do việc đã thực hiện phần nghĩa vụ của mình theo hợp đồng; nếu các bên đều có nghĩa vụ hoàn trả thì nghĩa vụ của họ phải được thực hiện đồng thời; trường hợp không thể hoàn trả bằng chính lợi ích đã nhận thì bên có nghĩa vụ phải hoàn trả
bằng tiền” và “Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này”.