Năm yếu tố thành công của học tập hợp tác:
- Sự phụ thuộc lẫn nhau một cách tích cực.
Sự phụ thuộc lẫn nhau một cách tích cực có nghĩa là thành công của cả nhóm sẽ phụ thuộc vào thành công của từng cá nhân. Những đóng góp của cá nhân cần được thể hiện rõ.
- Trách nhiệm cá nhân.
Mỗi học sinh phải chịu trách nhiệm về đóng góp của mình trong toàn bộ kết quả của cả nhóm. Làm việc cùng nhau sẽ giúp nỗ lực của từng cá nhân hoàn thiện hơn.
- Khuyến khích sự tương tác.
Để gia tăng sự tương tác giữa các học sinh thường đòi hỏi phải thay đổi cách bố trí lớp học để học sinh có thể nhìn thấy nhau. Điều đó đòi hỏi phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất, có nghĩa cần kiểm tra xem bàn và ghế đã được sắp xếp đảm bảo sự tương tác hay chưa. Các nhiệm vụ cũng cần được kiểm tra lại xem đã hấp dẫn và tạo ra những thách thức để học sinh chia sẻ ý kiến, phản hồi và hỗ trợ lẫn nhau hay không? Khi đã thực hành quy trình này một vài lần, giáo viên có thể thay đổi cách sắp xếp lớp học truyền thống thành hình thức tổ chức mang tính hỗ trợ cao hơn chỉ trong 1-2 phút.
- Rèn luyện các kĩ năng xã hội.
Để thu được kết quả cao nhất từ hình thức học tập hợp tác, các học sinh phải rèn luyện kỹ năng xã hội của mình. Làm việc cùng nhau có nghĩa các học sinh sẽ phải học cách hiểu người khác theo những cách khác nhau. Họ cũng sẽ phải học cách tin tưởng người khác, chấp nhận và hỗ trợ lẫn nhau. Học sinh sẽ phải học cách giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Trong trường hợp này, những kỹ năng hợp tác sẽ tạo ra những tình huống thực tế để áp dụng các kỹ năng vào thực tiễn.
Những kỹ năng xã hội có thể được dạy một cách tốt nhất thông qua việc làm mẫu. Giáo viên sẽ thực hiện mẫu kỹ năng giao tiếp, có chú ý đặc biệt đến kỹ năng nghe và nói, không ngắt lời người khác, diễn đạt lại ý kiến của người khác và kiểm tra lại việc hiểu nội dung đối thoại thông qua những câu hỏi đơn giản như “Em xin phép đặt câu hỏi” …chỉ là một vài trong số những kỹ năng cơ bản mà các học sinh phải học.
- Cả nhóm thường xuyên rà soát công việc đang làm. “Chúng ta đang làm như thế nào?”.
Để tăng hiệu quả làm việc của nhóm, học sinh có thể tiến hành việc đánh giá định kỳ và thường xuyên về tiến độ thực hiện nhiệm vụ của mình. Giáo viên tổ chức thảo luận và khuyến khích học sinh thể hiện hiểu biết về quá trình đã trải qua bằng cách đặt những câu hỏi như: “Điều gì đã giúp chúng ta tìm ra được giải pháp tốt”? “Tại sao sự đóng góp của Kim lại có ý nghĩa?” “Điều gì không giúp được gì cho chúng ta?”.
Sau khi đã rà soát và phân tích, học sinh cần đưa ra kết luận của riêng mình. Qua đó học sinh sẽ biết cách thức tổ chức học tập theo hình thức phối hợp và học cách xây dựng chiến lược để tổ chức hình thức này một cách hiệu quả hơn.