IV. TÁC ĐỘNG CỦA ĐẦU TƯ TỚI CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU VÙNG LÃNH THỔ
2.5. Vùng Tây Nguyên:
Với diện tích tự nhiên 5,4 triệu ha, trong đó có 1,36 triệu ha đất đỏ bazan (chiếm tới 66% diện tích đất bazan toàn quốc), vùng đất Tây Nguyên rất thuận lợi để phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung chuyên canh. Dân số toàn vùng khoảng 4,8 triệu người, trong đó khoảng 1,5 triệu người là đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh tế tăng trưởng ở mức khá cao và liên tục, mức tăng GDP bình quân năm giai đoạn 2001 - 2005 đạt 10,05%.
Trong 8 năm (2001- 2008), tổng số vốn đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên chỉ đạt 109.000 tỷ đồng, bằng 4% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước. Trong đó, vốn ODA đạt 929,11 triệu USD, FDI gần 1,2 tỷ USD đầu tư vào 128 dự án tại Tây Nguyên.
Năm 2009, Tây Nguyên có 133 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với trên 726,7 triệu USD vốn đầu tư đăng ký, vốn điều lệ là trên 378,2 triệu USD; trong đó tỉnh Lâm Đồng chiếm tới 114 dự án và trên 542,4 triệu USD.
2.6.Tác động của đầu tư tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long
Vùng KTTĐ vùng ĐBSCL bao gồm 4 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau có diện tích là 16618,4 km2 với dân số khoảng 6,2 triệu người,
có mật độ dân số là 375 người/km2, tỷ lệ đô thị hóa là 33,6% (cả nước là 29,6%), ( số liệu năm 2009). Trong 5 năm 2001 – 2005, GDP tăng trưởng của vùng này đạt bình quân 10,96%/năm (trong khi cả nước 7,5%), từ năm 2006 - 2008 là 13,57%/năm.
Năm 2009, theo số liệu báo cáo của các địa phương, vốn thực hiện của vùng ĐBSCL đạt hơn 2,7 tỉ USD, chiếm 35% tổng vốn đăng ký. Năm 2010, vùng ĐBSCL thu hút được 70 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,6 tỷ USD chiếm trên 12% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước và đứng thứ 3/8 vùng chỉ sau vùng Đông Nam Bộ và vùng Đông Bắc.
Ngay trong thời kỳ nước ta chưa phải là thành viên WTO, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đi đầu trong cả nước về thu hút vốn đầu tư và phát triển thị trường xuất khẩu. Trong 5 năm (2001 - 2005), tỷ trọng vốn đầu tư của vùng này so với cả nước đã chiếm 31,4%. Nếu tính riêng nguồn vốn FDI, thì trong suốt thời kỳ 1988 - 2005, toàn Vùng đã thu hút 4.650 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký gần 37 tỉ USD; chiếm 65% tổng số dự án và 56% tổng vốn đăng ký của cả nước; trong đó nổi bật là các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng có kim ngạch xuất khẩu tính theo đầu người cao gấp 5,5 lần mức bình quân của cả nước (nếu không tính dầu khí thì cao gấp 3,8 lần) và đạt kim ngạch xuất khẩu tính theo đầu người là 1.633 USD/người (năm 2005).
Tính đến 12 tháng năm 2010, trên địa bàn vùng ĐBSCL có 8/18 ngành có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vốn FDI trên địa bàn Vùng ĐBSCL số dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 50 dự án, tổng vốn đăng ký là 327,6 triệu USD, chiếm 71,4% về số dự án và 20,2% về vốn đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đứng đầu về vốn đăng ký với 791,6 triệu USD. Tiếp đến là lĩnh vực vận tải kho bãi với 4 dự án đạt 451,4 triệu USD.
3. Đánh giá
3.1.Kết quả:
Đầu tư đã có tác dụng trong việc giải quyết những mất cân đối về phát triển giữa các vùng lãnh thổ, đưa những vùng kém phát triển thoát khỏi tình trạng đói nghèo, phát huy tối đa những lợi thế so sánh của những vùng có khả năng phát triển nhanh hơn.
Nguồn vốn đầu tư thường được tập trung tại những vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Các vùng kinh tế trọng điểm được đầu tư nên có thể phát huy thế mạnh của mình, góp phần lớn vào sự phát triển chung của cả nước, làm đầu tàu kéo kinh tế chung của đất nước đi lên, khi đó những vùng kinh tế khác mới có điều kiện để phát triển, làm bàn đạp thúc đẩy cho các vùng khác phát triển.
Nguồn vốn đầu tư cũng thúc đẩy các vùng kinh tế khó khăn có khả năng phát triển, giúp họ có đủ điều kiện để khai thác, phát huy tiềm năng của họ, giải quyết những vướng mắc tài chính, cơ sở hạ tầng cũng như phương hướng phát triển, tạo đà cho nền kinh tế vùng, giảm bớt sự chênh lệch kinh tế với các vùng khác.
Nếu xét cơ cấu lãnh thổ theo góc độ thành thị và nông thôn thì đầu tư là yếu tố bảo đảm cho chất lượng của đô thị hoá. Việc mở rộng các khu đô thị dựa trên các quyết định của chính phủ sẽ chỉ là hình thức nếu không đi kèm với các khoản đầu tư hợp lý. Đô thị hoá không thể gọi là thành công thậm chí còn cản trở sự phát triển nếu cơ sớ hạ tầng không đáp ứng được các nhu cầu của người dân.
3.2. Hạn chế và nguyên nhân: 3.2.1. Hạn chế:
Tốc độ chuyển dịch cơ cấu còn chậm và chất lượng chưa cao. Trong những năm qua cho thấy trong khuôn khổ sự tăng trưởng, phát triển kinh tế chung của cả đất nước là khá cao thì tốc độ giữa các địa phương (vùng, tỉnh) là khá chênh lệch. Tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt được ở những tỉnh, những vùng có các lợi thế và điều kiện phát
triển sơ bộ (cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, vốn, thị trường và tài nguyên thiên nhiên), phù hợp hơn với những đòi hỏi của cơ chế thị trường. Đó là các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh – là những địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối tốt hơn, trình độ lao động và năng lực công nghiệp cao hơn, có lợi thế khả năng tạo vốn, về tiềm năng tự nhiên hơn xét trên quan điểm thị trường. Với những ưu thế thực tế có thể khai thác và sử dụng ngay và có hiệu quả hơn như vậy, dòng vốn đầu tư, cả trong nước lẫn ngoài nước cũng tập trung mạnh hơn vào những địa phương này. Trong khi đó, ở các địa phương – nông thôn hay địa phương – miền núi, ngoại trừ sự gia tăng nào đó ở nông thôn thì tốc độ tăng trưởng chung thấp xa hơn các đô thị đáng kể. Xét theo vùng lớn, có tình trạng là vùng nào không có những đầu tàu công nghiệp - đô thị thực sự mạnh hoặc tương đối thiếu hơn ccác điều kiện phát triển sơ bộ kể trên nói chung đạt một tốc độ phát triển chỉ bằng 1/2 đến 2/3 tốc độ của các vùng khác. Sự phát triển không cân xứng này làm gia tăng thêm khoảng cách giữa các vùng.
Ở các địa phương, quy hoạch vùng kinh tế còn rập khuôn, mang nặng tính phong trào. Có thể lấy ví dụ về điều này qua việc xây dựng tràn lan nhà máy đường, nhà máy xi măng lò đứng, cảng biển, khu công nghiệp ở các tỉnh, dẫn đến hiệu quả đầu tư rất thấp. Nhiều vùng sản xuất hình thành một cách tự phát, hoặc quy hoạch phát triển thiếu khoa học, như phát triển tràn lan cây cà phê ở Tây Nguyên, xây dựng nhiều nhà máy đường ở các địa phương khác trong cả nước...
2.3.2. Nguyên nhân:
Những hạn chế trên là do tác động của nhiều nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan:
Nguyên nhân đầu tiên là mối liên hệ giữa các địa phương,vùng còn chưa cao, mỗi địa phương đều có chính sách riêng nhưng nhìn tổng thể thì lại mâu thuẫn,cạnh tranh nhau.
Nguyên nhân thứ hai là do định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế thiếu đồng bộ và hệ thống; một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chưa sát với thực tế, chưa tính hết tiềm năng và lợi thế của từng vùng miền và địa phương.
Cuối cùng là do hướng đầu tư còn dàn trải nên kém hiệu quả; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông xuống cấp nghiêm trọng do thiếu nguồn kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ; lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao còn thiếu...
CHƯƠNG III:
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẦU TƯ GÓP PHẦN CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ THEO HƯỚNG HỢP LÍ
Qua những phân tích, đánh giá ở trên chúng ta nhận thấy rằng hoạt động đầu tư trong việc chuyển dịch cơ cấu ở Việt Nam đã và đang có những thành tựu đáng kể, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển và thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng đầu tư không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả. Thực trạng chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm và nhiều bất cập, sự đầu tư dàn trải, manh mún, không đúng nơi, đúng chỗ sẽ kéo theo sự phát triển chậm chạp, dậm chân tại chỗ của các ngành, vùng, thành phần kinh tế hay thậm chí còn gây ra sự phản tác dụng. Điều này sẽ làm tổn hại đến nền kinh tế, gây thất thoát vốn đầu tư và làm giảm lòng tin của nhân dân vào các chính sách của Đảng. Từ thực trạng đó đòi hỏi phải có những bước đi mới, sáng tạo, nhằm tạo ra những bước đột phá để đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi của quá trình hội nhập. Tìm giải pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đất nước là vấn đề mà rất nhiều đề
tài đã đưa ra. Bởi vậy trong phạm vi đề tài này chúng tôi sẽ chỉ đưa ra những giải pháp cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhìn nhận theo giác độ của đầu tư. Nhìn chung, để chuyển dịch cơ cấu nhanh phải đầu tư hợp lý. Nhưng để đầu tư hợp lý trước hết phải xác định được sẽ đầu tư vào đâu. Đây lại là khâu yếu của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Bởi vậy những giải pháp mà đề tài đưa ra sẽ tập trung giải quyết vấn đề này. Trong đó, có thể có những vấn đề không hoàn toàn mới nhưng để tạo nên một bức tranh tổng thể những nhiệm vụ cần làm chúng vẫn được đưa vào.