Điều kiện tự nhiên

Một phần của tài liệu luận văn Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Trang 34)

* Vị trí địa lý

Quỳnh Lưu là một huyện đồng bằng ven biển, nằm ở Đông Bắc tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 60 km về phía Nam, có vị trí từ 19005’ – 19023’ vĩ độ Bắc và 105026’ – 105049’ kinh Đông. Diện tích đất tự nhiên của huyện là 607,378 km2.

Phía Bắc huyện Quỳnh Lưu giáp thị xã Hoàng Mai. Phía Nam và Tây Nam Quỳnh Lưu giáp với Diễn Châu và huyện Yên Thành với ranh giới khoảng 31 km. Vùng phía Nam của huyện Quỳnh Lưu có chung khu vực đồng bằng với hai huyện Diễn Châu và Yên Thành (thường gọi là đồng bằng Diễn-Yên-Quỳnh). Phía Tây, huyện Quỳnh Lưu giáp huyện Nghĩa Đàn với ranh giới khoảng 33 km được hình thành một cách tự nhiên bằng các dãy núi kéo dài liên tục mà giữa chúng có nhiều đèo thấp tạo ra những con đường nối liền hai huyện với nhau. Phía Đông giáp biển Đông.

* Điều kiện khí tượng - Khí hậu

Nằm trong vùng khí hậu chuyển tiếp, vừa mang đặc tính mùa Đông lạnh của khí hậu miền Bắc, vừa mang đặc tính nóng của khí hậu miền Nam. Khu vực thuộc vùng khí hậu có những đặc điểm chung của khí hậu miền Trung nhiệt đới. Mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 9. Mùa lạnh từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau.

- Chế độ nhiệt: Nhiệt độ trung bình hàng năm 23,9 độ C. Tháng nóng nhất từ tháng 5 đến tháng 7 với nhiệt độ trung bình 28-29 độ C, nhiệt độ cao nhất tuyệt đối 40,9 độ C. Trong những tháng nóng có sự tăng nhiệt độ do ảnh hưởng của áp thấp nóng phía Tây. Mùa lạnh được bắt đầu cùng với hoạt động của gió mùa Đông Bắc, thường có nhiệt độ trung bình dưới 20 độ C. Lạnh nhất từ tháng 1 đến tháng 3. Nhiệt độ thấp nhất tuyệt đối 5,4 độ C.

Biến trình nhiệt độ tăng đều từ tháng 1 đến tháng 7, sau đó giảm dần đến tháng 12. Quá trình tăng nhiệt độ từ tháng 1 đến tháng 3 tương đối đều, tháng 3 đến tháng 4 có sự thay đổi nhanh. Từ tháng 4 trở đi, nhiệt độ tăng dần và đạt cực đại vào tháng 7, sau đó giảm dần đến tháng 12. Tổng tích ôn cả năm 8.729 độ C.

Nhìn chung Khu vực có nền nhiệt độ cao, đảm bảo tiêu chuẩn nhiệt đới, thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Song cần né tránh bất lợi do nhiệt độ không khí tối cao tuyệt đối và tối thấp tuyệt đối.

- Bức xạ

Trong 1 năm, Khu vực trung bình có khoảng 1.680-1.700 giờ nắng, hầu như quanh năm, tháng nào cũng có trên 50 giờ nắng. Tháng 5 đến tháng 7 có giờ nắng cao nhất và thường đạt 190-200 giờ. Tháng 2 trời âm u, nhiều mây, số giờ nắng chỉ khoảng 50-60giờ.

Tiềm năng bức xạ dồi dào. Sự phân phối bức xạ theo mùa khá rõ rệt. Từ tháng 5 trở đi có số lượng bức xạ trên 10 Kclo/cm2/tháng. Thông thường tháng 7đạt trị số cao nhất là 35,1 Kclo/cm2. Tháng 2 trời âm u, nhiều mây nên bức xạ tổng cộng thấp nhất trong năm và chỉ đạt 3,7 Kcalo/cm2. Bức xạ tổng cộng trong năm trung bình hàng năm khoảng 106-110Kcalo/cm2. Với cường độ chiếu sáng khá mạnh, Khu vực có điều kiện phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi và nâng hệ số sử

dụng đất đai. Tuy nhiên cần né tránh những thời gian có số giờ nắng và bức xạ nhiệt cao hoặc số giờ nắng và bức xạ thấp.

- Độ ẩm không khí

Độ ẩm không khí trung bình hàng năm phổ biến từ 84 – 86%. Ngay trong những tháng mùa hè khô nóng, độ ẩm không khí trung bình cũng lớn hơn 74%. Trong thời kỳ mưa phùn, gió Bấc tháng 2, tháng 3 độ ẩm không khí trung bình 86- 92%. Độ ẩm không khí thấp nhất tuyệt đối 15%, thường xảy ra vào tháng 10.

Nhìn chung tại Khu vực, độ ẩm không khí tương đối cao, thuận lợi cho cây trồng phát triển, nhưng khó khăn cho việc cất giữ nông sản, thực phẩm.

- Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.944,3 mm, lớn nhất khoảng 2.600mm và nhỏ nhất 1.100mm. Lượng mưa phân bổ không đều mà tập trung chủ yếu vào nửa cuối tháng 8 đến tháng 10, lượng mưa thấp nhất từ tháng 1 đến tháng 4. Lượng trung bình ngày lớn nhất 200mm, thời gian mưa 8 giờ.

Chế độ mưa trong năm phân bố không đều nên thường gây ngập lụt hoặc hạn hán, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và phát riển của cây trồng, vật nuôi và tổ chức sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

- Chế độ gió: Khu vực chịu ảnh hưởng lớn của gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Gió mùa Đông Bắc thường gắn luôn với không khí lạnh, bắt đầu từ cuối tháng 10 đến tháng 3 năm sau, trung bình mỗi năm có khoảng 28-30đợt và ở vào khoảng cấp 3 đến cấp 5. Tháng có nhiều nhất là tháng 1, trung bình 3,9 đợt. Gió mùa Đông Bắc làm hạ thấp nhiệt độ trung bình xuống 4-6 độ C, có khi từ 8-10 độ C. Vào thời điểm tháng 1 đến tháng 3 có lúc nhiệt dộ không khí xuống dưới 16 độ C và dẫn đến xuất hiện rét đậm, rét hại ảnh hưởng có hại đến sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi.

Gió mùa Tây Nam thường gây ra khô nóng, bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 8 và thịnh hành trong các tháng 5, 6, 7. Trung bình hàng năm có 30-40 ngày có gió khô nóng, tháng 7 nhiều và có khoảng 5-10 ngày. Do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên lượng bốc hơi tăng, nên thường xảy ra hạn hán ảnh hưởng tới quá trình tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Bão ở khu vực bắt đầu xuất hiện vào tháng 8 đến tháng 10, bình quân hàng năm có từ 2-4 cơn, thường ở mức cấp 8- cấp 10, có năm xuất hiện bão cấp 14 (năm 1982). Bão vào thường kéo theo mưa to gây lũ lụt, ngập úng nhiều nơi trong huyện, ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp.

* Hiên trạng tài nguyên sinh học

- Khu hệ thú: Khu hệ thú chủ yếu vẫn là các loài động vật nuôi như trâu, bò, dê và một số loài thuộc bộ gặm nhấm Chuột. Ngoài ra còn phải kể đến một số động vật hoang dã khác không thuộc loại quý hiếm.

- Khu hệ chim: Xuất hiện trong khu vực chủ yếu vẫn là các loài chim như: Sẻ đồng, Chích,..

- Khu hệ cá: Khu hệ cá trong khu vực chủ yếu là các loài cá tự nhiên sống ở nước ngọt như cá Rô, cá Quả, cá Chép, cá Mè, cá Trê phi....

- Bò sát và lưỡng cư: Đặc trưng trong vùng vẫn là các loài ếch, nhái, rắn sống tự nhiên.

- Hệ thực vật trồng bao gồm một số loại cây ăn quả và một số loài thực vật hoang dại khác như cây bụi, cỏ.

- Thực vật tự nhiên xung quanh gồm các loài cây lùn bụi mọc rải rác như: sim, mua, cỏ, cây dây leo, cây bụi...các loại cây được các hộ dân trồng như: ngô.

Một phần của tài liệu luận văn Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An (Trang 34)