1.2.1. Bắc Bộ
Liên kết tám tỉnh mở rộng Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hoà Bình.
Qua thực tiễn ở tám tỉnh Tây Bắc mở rộng bao gồm Lào Cai -Yên Bái- Phú Thọ - Hà Giang - Lai Châu - Điện Biên - Sơn La - Hoà Bình cho thấy hiệu quả của việc liên kết trong phát triển du lịch. Đầu tiên, muốn liên kết được thì phải có sự thống nhất về lập quy hoạch du lịch trong vùng, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các tuyến du lịch song phương và đa phương giữa hai tỉnh và giữa toàn vùng. Bên cạnh đó phải xác định được điểm du lịch nổi bật và có sức hút mạnh của tuyến liên kết để xây dựng những điểm này thành điểm mạnh, có sức lan toả và thu hút đến các tỉnh trong vùng. Ví dụ như Sa Pa (Lào Cai), Điện Biên Phủ ( Điện Biên), Mộc Châu (Sơn La) hay cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) v.v…Nổi bật nhất trong chuỗi liên kết này là Sa Pa. Từ Sa Pa đã hình thành được các tuyến du lịch sang Hà Giang, về Lai Châu, Yên Bái qua đường 32 hoặc xuống Cống Quỳnh về Sơn La. Các tuyến du lịch này ngày càng phát triển và thu hút nhiều khách quốc tế.
Nhờ liên kết vùng, lượng khách đến Lào Cai, Sơn la và Hà Giang đều tăng đột biến. Năm 2012, Lào Cai đón 948.610 lượt khách, Sơn La đón 535.000 lượt khách và Hà Giang tăng vượt trên 20%/năm.
Để có được nhứng kết quả trên, tám tỉnh Tây Bắc mở rộng đã thống nhất đồng bộ các giải pháp quan trọng như sau:
Thứ nhất, xây dựng được cơ chế liên kết hiệu quả (có Ban chỉ đạo, nguồn kinh phí đóng góp chung, phương hướng, dự án phát triển chung và có bộ máy chuyên trách hoạt động của cả vùng…).
Thứ hai, các tỉnh liên kết nghiên cứu xây dựng các thương hiệu và các sản phẩm du lịch mang bản sắc của mỗi vùng, mỗi địa phương. Mỗi tỉnh tìm ra lợi thế riêng, tạo sản phẩm riêng về du lịch là vấn đề quan trọng để phát huy thế mạnh của liên kết vùng.
Thứ ba, muốn đẩy mạnh được liên kết vùng cần coi trọng vấn đề quảng bá, xúc tiến du lịch. Nhờ quảng bá chung nên các tỉnh đã tạo ra hiệu quả trong công tác quảng bá, xúc tiến.
Thứ tư, bước đi đầu tiên của liên kết vùng là cần đầu tư nghiên cứu quy hoạch vùng và quy hoạch các điểm, tuyến du lịch của mỗi tỉnh và toàn vùng. Từ đó tìm ra vẻ đẹp tiềm ẩn riêng, bản sắc riêng của mỗi địa phương để xây dựng thế mạnh liên kết.
Liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng bước đầu đã khắc phục được tình trạng hình thức, chỉ lo tổ chức các sự kiện mang tính chất quảng bá bề nổi mà thiếu chiều sâu. Đặc biệt, liên kết ở vùng Tây Bắc cũng đã bước đầu hình thành được cơ chế chung trong chỉ đạo, điều hành, khuyến khích mở rộng liên kết song phương giữa hai tỉnh và đa phương với nhiều tỉnh khác nhau. Phạm vi liên kết đã mở rộng cả sự quảng bá, tạo sản phẩm, xây dựng các chính sách, đào tạo nguồn nhân lực.
1.2.2. Trung Bộ
Duyên hải Bắc Trung bộ gồm 6 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Các tỉnh đều có đường biên giới với nước bạn Lào, có bờ biển dài và có nhiều di tích, di sản nổi tiếng nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC).
Trong xu thế hội nhập quốc tế, du lịch của mỗi nước, mỗi tỉnh chỉ có thể phát triển mạnh trong thế liên kết hợp tác. Vì vậy, một số giải pháp để phát triển du lịch liên kết vùng duyên hải đã được áp dụng thành công trong thời gian qua.
Một là, tập trung mọi nguồn lực đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật ngành du lịch dọc các tuyến EWEC cũng như nối các khu, tuyến, điểm du lịch các địa phương trong vùng.
Hai là, hợp tác quy hoạch và phát triển sản phẩm du lịch các địa phương trong vùng. Trong những năm qua, các tỉnh Bắc Trung bộ đã xây dựng được những sản phẩm du lịch có thương hiệu như “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại”, “Hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”, “ Hành lang kinh tế Đông- Tây”... bước đầu mang lại hiệu quả.
Ba là, tăng cường quan hệ hợp tác liên kết giữa các địa phương của các nước Mianma, Thái Lan và Lào trên tuyến EWEC. Trong những năm qua, các tỉnh Bắc miền Trung có nhiều cố gắng liên doanh liên kết với các địa phương Lào, Thái Lan, khai thác phát triển du lịch và bước đầu đem lại hiệu quả nhất định.
Bốn là, thống nhất về quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch, lữ hành, hướng dẫn viên du lịch.
Năm là, các địa phương trên EWEC có cửa khẩu quốc tế chú trọng nhiều đến các yếu tố bổ trợ liên quan đến phát triển du lịch. Hình thành các dịch vụ có chất lượng về điện nước, điện thoại, y tế, đổi tiền, lưu niệm và vệ sinh, sửa chữa phương tiện vận chuyển... tại các khu, tuyến, điểm du lịch, trước hết tại các cặp cửa khẩu quốc tế.
Từ thực tiễn phát triển du lịch Bắc Trung bộ và các địa phương, ta thấy còn một số tồn tại:
Đơn giản hóa hơn nữa các thủ tục xuất nhập cảnh, quá cảnh đối với người, phương tiện, hành lý của khách du lịch phù hợp thông lệ quốc tế và khả năng quản lý ngày càng khoa học.
Cải tiến mạnh mẽ và triệt để hơn quy trình xử lý và tăng cường phương tiện, thiết bị hiện đại tại các cặp cửa khẩu quốc tế.
Các cặp cửa khẩu cần thống nhất giờ mở cửa, đóng cửa, cơ chế kiểm tra, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách qua lại.
1.2.3. Nam Bộ
Đồng bằng Sông Cửu Long là khu vực có tiềm năng về du lịch, độc đáo, không giống với vùng miền nào của cả nước. Theo Đề án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, các chỉ tiêu phát triển du lịch như sau: Về khách du lịch, đến năm 2015 đạt 2,7 triệu lượt khách quốc tế và 5,2 triệu lượt khách du lịch nội địa. Năm 2020 đạt 3,9 triệu lượt khách quốc tế và 6,5 triệu lượt khách du lịch nội địa. Về cơ sở lưu trú du lịch: Năm 2015 có tổng số 37.150 buồng khách sạn. Năm 2020 có 50.000 buồng khách sạn. Về nguồn nhân lực du lịch: Năm 2015 có 154.700 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó có 54.100 lao động trực tiếp. Năm 2020 có 236.600 lao động, trong đó có 82.700 lao động trực tiếp. Về thu nhập du lịch, giá trị GDP du lịch và nhu cầu đầu tư: Năm 2015 thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 732,1 triệu USD, giá trị GDP du lịch đạt 491,6 triệu USD. Năm 2020, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch đạt 1.349,5 triệu USD, giá trị GDP du lịch đạt 877,1 triệu USD.
Vậy, vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ làm gì để đạt được chỉ tiêu đã nêu ở trên trong khi tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú nhưng du lịch lại phát triển manh mún và không đồng bộ.
Tiềm năng du lịch ĐBSCL là rất lớn và khả năng phát triển đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, du lịch vùng ĐBSCL chưa có sự hợp tác bền chặt giữa các địa phương, các công ty du lịch. Lâu nay, việc liên kết thực ra chỉ là liên kết trong việc tổ chức sự kiện, chứ chưa thật sự liên kết để cùng phát triển sản phẩm du lịch. Thực tế đó đã làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, liên kết chắp vá hoặc
chưa có chiều sâu giữa các địa phương. Tình trạng "mạnh ai nấy làm" và "rập khuôn" đã ảnh hưởng đến tiến trình xúc tiến du lịch mang tính vùng, miền.
Đề án cũng đã chia không gian du lịch ĐBSCL thành 4 cụm để xây dựng sản phẩm du lịch. Cụ thể, cụm trung tâm: gồm thành phố Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang và Hậu Giang với sản phẩm nổi trội của vùng là du lịch tham quan sông nước, du lịch với mục đích thương mại, du lịch lễ hội và du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp. Cụm bán đảo Cà Mau: gồm các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng với các sản phẩm du lịch quan trọng là tham quan điểm cực Nam của Tổ quốc, du lịch sinh thái tại các khu rừng ngập mặn và du lịch văn hóa, lễ hội gắn với văn hóa dân tộc Khơme tại Sóc Trăng. Cụm duyên hải phía Đông: gồm các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long và Trà Vinh với các sản phẩm chủ đạo là du lịch sông nước, miệt vườn, nghỉ tại nhà dân, tham quan làng nghề, di tích lịch sử cách mạng. Cụm Đồng Tháp Mười: gồm 2 tỉnh Long An và Đồng Tháp với sản phẩm chủ đạo là du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng ngập nước nội địa Đồng Tháp Mười.
Theo đó có 8 giải pháp thực hiện đề án như: - Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực;
- Giải pháp chính sách về thuế và tài chính, trong đó xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù về việc ưu đãi thuế.
- Xây dựng quy hoạch chi tiết các trọng điểm du lịch làm cơ sở kêu gọi vốn đầu tư; - Giải pháp về tổ chức quản lý;
- Giải pháp về đầu tư;
- Giải pháp thị trường, xúc tiến quảng bá; - Giải pháp hợp tác phát triển;
Tuy còn nhiều hạn chế nhưng bước đầu du lịch vùng ĐBSCL đã có một nền tảng tương đối đồng bộ để bắt đầu bước vào giai đoạn mới với những thách thức và cơ hội đặt ra cấp thiết đối với ngành du lịch vùng ĐBSCL như cần phải gạt bỏ tính cục bộ để tăng cường liên kết, hợp tác thật sự hiệu quả, hơn nữa là rất cần những dự án đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước.