Quan điểm về bản tính con người trong triết học của Mạnh Tử mà trung tâm là học thuyết tính thiện của được thể hiện qua bốn phạm trù: nhân, nghĩa, lễ, trí. Đó là bốn đức tính biểu hiện bản tính thiện vốn có trong tâm con người. Tính thiện là cái tiên thiên do trời phú cho không phải do con người tự chọn. Tuy bản tính con người là thiện, nhưng nó cũng chịu sự tác động, ảnh hưởng của hoàn cảnh và sự lôi cuốn làm mê mờ bởi thế giới vật dục. Cho nên, “tồn tâm, dưỡng tính”, người ta cần phải siêng năng, cần mẫn trong học tập tu dưỡng đạo lý. “Ở trên núi đường mòn được người ta đi lại luôn, thì thành ngay đường lớn. Hễ bỏ vắng không đi lại nữa, thì bị cỏ tranh mọc lấp ngay” (Mạnh Tử, Tận tâm hạ).
Không tồn tâm, dưỡng tính “nói không phải lễ nghĩa, đó là tự hại mình. Thân không ở chỗ nhân, không theo điều nghĩa, gọi là tự bỏ mình. Nhân là cái nhà lớn người ta ở yên. Nghĩa là con đường chính người ta đi. Bỏ cái nhà yên không ở, bỏ con đường chính không đi, thế có thảm không?”( Mạnh Tử, Ly Lâu thượng).
Cùng với “tồn tâm, dưỡng tính” con người phải dưỡng khí. Bởi vì, trong mỗi con người ta cũng với tâm tính là phần cao quý trời phú cho ta còn có phần khí. Khí lưu hành khắp cả vũ trụ, ngưng tụ lại thành hình thể, tạo nên vạn vật và con người. Con người ta phải có sự điều hoà giữa khí và chí mới có thể tồn tại và phát triển sinh động được. Phương pháp “Tồn tâm, dưỡng tính, dưỡng khí” của Mạnh Tử là nhằm nuôi dưỡng, phát triển bản tính thiện trời phú cho con người. Theo ông, con người muốn làm thiện thì phải “Bảo tồn lòng dạ mình, bồi dưỡng bản tính của mình” [15;tr.216-217].
Để “tồn tâm, dưỡng tính” đầu tiên, quan trọng nhất có tính quyết định là phải giữ bản tâm, chân tâm, tức là phải chính tâm và giữ cái tâm thanh tịnh. Do vậy, tìm tâm là tìm ở chính tâm, chứ không thể tìm ngoài tâm. Bởi vì, “Cái lý của muôn vật có đủ nơi tâm tính mình đó”[15;tr.218-219].
Tồn tâm dưỡng tính quan trọng nhất là “Không làm mất cái tâm hồn nhiên thành thực như trẻ thơ” (Mạnh Tử, Ly Lâu hạ), đừng để nó sa vào vòng lầm lạc bởi những ham muốn nhục dục lôi kéo “Để tâm thất lạc mà không biết tìm nó thì thật đáng thương hại. Con gà, con chó mà chạy lạc thì ai cũng biết đi tìm về, vậy mà có kẻ để lương tâm thất lạc mà lại không biết cách tìm nó. Cái phép học đạo lý không có gì khác là tìm lại cái lương tâm đã bị thất lạc của mình mà thôi” (Mạnh Tử, Cáo Tử phượng).
Theo Mạnh Tử, phép tu tâm dưỡng tính thì không có gì hay hơn là quả dục
(bớt những điều ham muốn). Bớt ham muốn thì cũng có khi chưa giữ được cái tâm (hay thiên lý), nhưng trường hợp đó hiếm; còn hạng người tam dục nhiều mà giữ được cái tâm cũng hiếm. Lòng dục ở đây là lòng phàm tục: thích ăn ngon, mặc đẹp thích thanh, thích sắc, thích danh, thích lợi… Loài người khi mới sinh ra, có thể nói là quả dục nhất, không có tư dục, vì chưa biết gì cả, nên Mạnh Tử khuyên ta nên giữ được cái lòng như hồi mới sinh: “bất thất kỳ xích tư chi tâm”. Cái sở dục quan trọng hơn cả sự sống đó là lễ, nghĩa; những cái đáng ghét hơn cả sự chết đó là điều bất lễ, bất nghĩa.
Hơn ai hết mạnh Tử là người luôn kêu gọi người đời “Tồn tâm, dưỡng tính” là phải kiên cường thường xuyên bồi dưỡng những sở dục cao thượng khắc chế kịp thời những sở dục thấp hèn. Ông nói: “Trong thân thể của người ta có phần quý trọng có phần khinh tiện; có phần to tát, có phần nhỏ nhen. Mình không nên săn sóc phần nhỏ nhen mà làm thiệt hại cho phần to tát, mình cũng không nên chuyên lo cho phận khinh tiện mà bỏ rơi phần quý trọng. Kẻ nào chỉ dưỡng phần nhỏ nhen của mình tức làm kẻ tiểu nhân, người nào dưỡng phần to tát của mình tức làm kẻ đại nhân” [15;tr.170-171]. Để “tồn tâm, dưỡng tính” có hiệu quả, theo Mạnh Tử con người còn phải dưỡng cái thiên tước vốn có của mình. Theo ông: “thiên tước tức là tước vị do trời ban cho mình”[15;tr.172-173]. Thiên tước không ở đâu xa tự ta phải tìm lấy, không tự tìm thì không bao giờ có được, không biết dưỡng thì không còn, biết dưỡng thì nó ở mãi với ta. Đó mới là chân tâm, bản tính. Trong khi đó “còn những chức như công hầu, khanh tướng, đại phu mà vua phong cho mình đó là nhân tước” [15;tr.174-175]. Hơn nữa trong bối cảnh thời Chiến quốc luân thường đạo lý bị băng hoại, người đời đang sống vì chức tước, bổng lộc, tiền tài. Họ đã xem thiên tước như phương tiện, công cụ để thực hiện nhân tước. Phát hiện và tiên đoán số phận của những hạng người này Mạnh Tử nói: “đó là một sai lầm. Rốt cuộc họ mất cả thiên tước lẫn nhân tước”[15;tr.174-175]. Đó là lý do tại sao Mạnh Tử yêu cầu phải quả dục nhân tước, dưỡng thiên tước.
Giáo hoá tính thiện cho con người cùng với “tồn tâm, dưỡng tính” là phải
“dưỡng khí” bởi vì trong con người ta cùng với tâm tính là phần cao quý trời phú cho ta có cả phần khí. Khí lưu hành khắp cả vũ trụ, ngưng tụ lại thành hình thể tạo nên vạn vật và con người. Nhờ có khí lưu hành trong cơ thể mà vạn vật và con người mới có
sự sinh trưởng. Theo Mạnh Tử khí tồn tại không tách rời tâm tính, ý chí của con người. Khí và chí liên hệ với nhau làm thành cơ thể sống. Khí chính là phần thể chất, khí chất, còn chí là phần tinh thần, ý thức của con người. Trong đó “chí là nguyên soái điều khiển cái khí, khí là phần sung mãn lưu thông trong thân thể. Cao nhất là cái chí rồi đến cái khí. Cho nên ta nói rằng mình phải gữi bền cái khí đừng làm hư hại cái khí” [14;tr.90-01].
Cái khí cao đẹp nhất là khí “hạo nhiên” và theo Mạnh Tử: “khéo bồi dưỡng khí hạo nhiên” [14;tr.88-89]. Hạo nhiên có nghĩa là mênh mông, như nước tràn bờ. Ông giải nghĩa cái khi hạo nhiên như sau: “Cái khí ấy rộng mênh mông, rất cứng cỏi. Nếu mình dùng sự cương trực mà bồi dưỡng nó mà đừng thì nó lan toả ra khắp trời đất. Cái khí ấy phải phối hợp với nghĩa và đạo; nếu không nó sẽ suy kiệt đi (kỳ vi khí dã, chí đại chí cương: dĩ trực dưỡng nhi vô hại, tắc tắc hồ thiên địa chi gian. Kỳ vi khí dã, phối nghĩa dữ đạo: vô thị, nỗi dã) [14;tr.90-91]. Còn một cách nữa để nuôi dưỡng khí là xem thắng bại như nhau, lượng sức địch rồi mới tấn công, tính cho mình thắng rồi mới sáp chiến như vậy là nhút nhát, đâu mình có chắc mình rằng mình tất thắng? Cứ không sợ là được rồi (Công Tôn Sửu, Thương – bài 2). Mạnh Tử nói: “Muốn bồi dưỡng khí hạo nhiên, đối với việc phải, mình đừng có hấp tấp mà cầu cho mau xong, đừng có xao lãng và đừng có mong sức trưởng thành của công việc” (Tất hữu sự yên, nhi vật chính, tâm vật vong vật trợ trưởng dã) [14;tr.90-91]. Bên cạnh đó, Mạnh Tử cũng kịch liệt bác bỏ quan điểm phủ nhận khí hạo nhiên, bởi vì theo ông những kẻ cho rằng khí hạo nhiên là vô ích, bèn bỏ phế mà chẳng bồi dưỡng, có khác nào người làm ruộng chẳng chịu nhổ cỏ mọc xen trong đám mạ của mình. Quá trình bồi dưỡng khí hạo nhiên đòi hỏi phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì bền bỉ, tuân theo tự nhiên, không làm trái với lương tâm. Khi dưỡng được cái tâm thì sẽ phát huy được tính thiện và luyện được chí khí của con người.
Để giáo hoá tính thiện của con người, đối với Mạnh Tử không chỉ là “tồn tâm, dưỡng tính, dưỡng khí” mà cần phải tuân theo những phép tắc, chuẩn mực, đạo lý của các bậc thánh nhân, đó chính là “pháp tiên vương”. Nếu như không tuân theo những phép tắc, chuẩn mực, đạo lý ấy thì cho dù người đó có những quan năng, trí tuệ hơn người thì cũng khó mà thực hiện được mục đích của mình. Chính vì vậy, đối với những kẻ làm quan, hưởng lộc vua ban được học hành tử tế mà không biết phép tắc, chuẩn mực, đạo lý thì Mạnh Tử tỏ ra rất xem thường kẻ ấy. Mạnh Tử nói: “Nhà hành
chính mà chẳng noi theo đạo lý, phương pháp của các vị thiên tử thủa xưa thì sao được gọi là trí” (Vi chính, bất nhân tiên vương chi đạo, khả vị trí hồ) [15;tr.6-7].
Vậy phải làm gì để “pháp tiên vương” có hiệu quả nhất? Theo Mạnh Tử, trước hết đối với người dạy phải trung thành với những phép tắc, chuẩn mực, đạo lý của các bậc thánh hiền xưa cho dù trình độ học vấn có thấp, người dạy cũng không được hạ thấp các phép tắc, chuẩn mực, đạo lý ấy. Bên cạnh đó Mạnh Tử yêu cầu người dạy và học phải luôn kiên định, bền chí, tập trung cao độ thì mới đạt đến cái gọi là đạo, đặc biệt đối với người dạy, trước khi dạy người phải tự sửa lấy mình, luôn giữ tâm đối với việc sai trái phải biết hổ thẹn, đối với việc xấu xa phải biết liêm xỉ. Mạnh Tử nói: “Tự mình chẳng noi theo đạo lý, chẳng có thể buộc người phải ở theo đạo lý, đến vợ con mình cũng vậy nữa. Nếu mình sai khiến người ta sai đạo nghĩa, người ta chẳng tuân theo, cho đến vợ con mình cũng vậy nữa” (Thân bất hành đạo bất hành ư thê tử. Sử nhân bất dĩ đạo, bất năng hành ư thê tử) [15;tr.258-259]. Để nhằm mục đích giáo hoá dân tuân theo những phép tắc, chuẩn mực, đạo lý đạt hiệu quả bên cạnh việc nỗ lực của người dạy và học thì chính phủ cần thành lập nhiều nhà trường khác như tường, tự, học, hiệu. Trong tất cả các trường trên dạy cho dân biết rõ nhân luân, với một hệ thống trường như vậy Mạnh Tử tin tưởng rằng những người đầu bạc hoa râm khỏi phải đội nặng gánh nhọc mà đi bộ trên đường xá.
Như vậy, trong việc giáo hoá con người, Mạnh Tử đã đề cập đến những nhân tố cơ bản nhất đó là người học, người dạy và nhà trường và trong tất cả những nhân tố ấy Mạnh Tử quan tâm nhiểu nhất đó chính là nhân tố người dạy. Vì vậy, để giữ gìn và phát triển bản tính thiện Mạnh Tử đã đưa ra những phương pháp có hiệu quả nhất đó chính là “tồn tâm, dưỡng tính, dưỡng khí” và “pháp thiên vương”. Qua đó chúng ta thấy rằng Mạnh tử luôn khẳng định bản tính con người là thiện. ông đã lý giải khá sâu sắc về nguồn gốc của tính thiện bắt nguồn từ Tứ đoan: lòng trắc ẩn, lòng tu ố, lòng từ nhượng, lòng thị phi. Tính thiện của con người là do những quan năng có tính chất “tiên thiên” do đó mọi người đều có thể trở thành thánh thiện như nhau.
Nội dung cơ bản trong quan điểm về bản tính con người trong triết học của
Mạnh Tử mà trung tâm là học thuyết tính thiện được thể hiện qua bốn phạm trù nhân,
nghĩa, lễ, trí. Đây là bốn đức quí biểu hiện tính thiện con người. Có thể nói bên cạnh những điểm tích cực như: đề cao vai trò của sức mạnh giáo dục tính thiện con người, thì phương pháp giáo dục tính thiện con người của Mạnh Tử còn mang nhiều yếu tố
duy tâm ở tính chất tiên nghiệm luận. Tuy vậy, Mạnh Tử vẫn được coi là một đấng đại trượng phu của Trung Hoa, một Á thánh danh vọng và ảnh hưởng chỉ kém Khổng Tử trong lịch sử triết học chính thống. Chính nhờ ông và Chu Hi đời Tống mà Khổng Tử được coi là bậc tôn sư về tư tưởng Trung Quốc trên hai nghìn năm.