0
Tải bản đầy đủ (.docx) (34 trang)

Miêu tả tâm lý trực diện

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI CÔ ĐƠN TRONG TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG (Trang 28 -28 )

Nghệ thuật miêu tả tâm lý là một đặc sắc nghệ thuật ta thường thấy trong các tiểu thuyết, qua đấy, chúng ta dễ dàng hình dung được những khía cạnh, làm nhân vật có một điểm nhấn trong lòng người đọc.

Tâm lý nhân vật của những con người cô đơn trong Hồng lâu mộng được tác giả khắc họa rất chi tiết, tỉ mỉ, theo mạch lôgic của tâm lý con người ngoài tác phẩm. Trong số các nhân vật, Đại Ngọc là nhân vật có tính cách phức tạp vào bậc nhất, tuy nàng không có được sự sắc sảo, tinh ranh như Bảo Thoa, Phượng Thư nhưng lại có một tâm hồn trong trắng, một con người phong phú về đời sống nội tâm, sâu sắc và có một tình yêu bất diệt. Con người Đại Ngọc biểu hiện sự lo lắng ngay từ khi nàng bắt đầu đặt chân vào phủ Giả “Ta đã đến đây càng phải cẩn thận để ý luôn, nếu lỡ một lời, sai một bước sẽ bị chê cười” (hồi 3). Đến lúc vào ở một thời gian rồi Đại Ngọc lại nghĩ: “ Song Văn tuy là bạc mệnh, nhưng còn có mẹ già, em bé, chứ Đại Ngọc này, cả mẹ già, em bé cũng không. Người xưa có câu: “hồng nhan bạc phận”. Ta chẳng là hồng nhan, mà sao bạc phận thế!” (hồi 35)Hoặc khi nàng nhận được hai chiếc khăn lụa cũ do Giả Bảo Ngọc gửi đã hiểu ra ý tứ của Bảo Ngọc mà ngơ ngẩn say sưa nghĩ bụng “ bây giờ Bảo Ngọc đã biết thể tất nổi đau khổ của ta, đó là điều làm cho ta đáng mừng; ta có ý nghĩ vậy, không biết sau này ra sao, đó là điều làm cho ta đáng thương; tự nhiên vô cớ, mang hai mảnh lụa đến, nếu chỉ riêng nhìn hai mảnh lụa mà không hiểu ý sâu xa của ta, đó là điều làm cho ta đáng cười; còn chuyện sai người lén lút tặng cho ta, đó là điều khiến cho ta đáng sợ; ta cứ hay khóc, nghĩ cũng vô ích, đó là điều làm cho ta đáng xấu hổ”. Điều này thể hiện ở con người của Đại Ngọc là một con người có nhiều suy nghĩ, trong nàng tồn tại những niềm vui nỗi buồn và sự lo lắng đan xen nhau.

Giả Bảo Ngọc được nhà văn vận dụng những đoạn miêu tả tâm lý ngắn gọn để khai thác bộ mặt tinh thần và hoạt động nội tâm của nhân vật. Lúc nghe Tập Nhân nói người nhà chuộc cô về để gả lấy chồng, Bảo Ngọc thầm nghĩ: “Nếu biết sớm ai cũng định đi cả, thì mình chuốc đến đây làm gì. Có lẽ sau này chỉ còn trơ trọi một mình”. Suy nghĩ của Bảo Ngọc cho ta thấy được đây là một con người cần tình cảm, họ không muốn rời xa những con người đã từng gắn bó, luôn ở bên cạnh họ, vì vậy mà chàng tha thiết thỉnh cầu Tập Nhân.

Trong tình yêu với Đại Ngọc, Bảo Ngọc luôn có sự đồng cảm, chung suy nghĩ, ở hồi 29, khi Bảo Ngọc và Đại Ngọc hiểu nhầm nhau, đây là đoạn miêu tả tâm lý của hai nhân vật rất đặc sắc trong Hồng lâu mộng: “Bảo Ngọc nhân việc hôm qua Trương đạo sĩ mách mối, bụng đã khó chịu. Giờ thấy Đại Ngọc nói thế, lại nghĩ: “Người khác không biết bụng ta còn có thể tha thứ được. Không ngờ cả Đại Ngọc cũng hắt hủi mình”. Vì thế càng tức bội phần. Nếu như ngày thường ai nói câu ấy cũng không đến nỗi nào, nhưng nay chính Đại Ngọc nói, lại có một ý nghĩa khác. Đại Ngọc thì nghĩ: “Vẫn biết bụng anh bao giờ cũng để ý đến tôi, tuy có câu “vàng ngọc sánh đôi”, nhưng khi nào anh lại tin lời nhảm nhí ấy mà không yêu quý tôi? Tôi dù có nhắc đến chuyện “vàng và ngọc”, anh cũng nên lờ đi như không nghe thấy, thế mới thực là anh yêu quý tôi, không có mảy may gì giả dối cả. Nhưng mỗi khi tôi gợi đến chuyện “vàng

và ngọc”, anh lại cứ cuống cuồng lên, đủ biết bụng anh lúc nào cũng nghĩ đến chuyện “vàng và ngọc”. Anh sợ tôi ngờ vực, cố ý làm ra sửng sốt để đánh lừa tôi”.

Có những lúc cả hai con người này đều có suy nghĩ giống nhau, biết nghĩ cho nhau, nhưng mỗi người nghĩ một cách, và ở đây lại có một sự đồng cảm. Đó là lúc Bảo Ngọc nghĩ: “Tôi thì thế nào cũng được, chỉ cần cô vui thôi, dầu vì cô mà phải chết ngay tôi cũng bằng lòng. Điều này cô biết hay không cũng mặc, chỉ cốt ở lòng tôi thôi. Như thế mới là cô gần tôi, không phải xa tôi”.Trong suy nghĩ của Bảo Ngọc, chàng sẵn sàng chết cùng với Đại Ngọc, sẵn sàng hi sinh tất cả để có thể làm Đại Ngọc vui, làm nàng có được hạnh phúc. Suy nghĩ của Bảo Ngọc đã hiện rõ nên tâm lý trực tiếp của anh, giúp cho chúng ta thấy được đây là một con người luôn luôn nghĩ cho người khác, mặc dù anh ta đâu biết sẽ được đón nhận tình cảm từ phía Đại Ngọc. Đây là một con người quả là chung tình, một con người luôn muốn bù đắp những chổ trống của trái tim lạnh ngắt của bản thân cho người khác. Trong khi Bảo Ngọc nghĩ về mình như vậy thì Đại Ngọc lại nghĩ: “Anh chỉ nên lo phần anh là hơn. Anh tốt tự nhiên tôi cũng tốt. Cớ gì anh lại vì tôi mà mang lỗi. Có biết đâu lỗi ở anh chính là lỗi ở tôi. Thế là anh không muốn cho tôi gần anh, mà lại có ý làm cho tôi phải xa anh đấy”. Đại Ngọc cũng vậy, nàng biết cảm thông với Bảo Ngọc, vì nàng yêu Bảo Ngọc thật lòng, tuy là có những lúc trách móc giận hờn vậy đó, nhưng vì quá yêu nên những lời trách móc đó quả là dễ thương, càng thấm đượm tình cảm một cách sâu sắc và mãnh liệt.

Chỉ qua một đoạn miêu tả tâm lý, suy nghĩ của Bảo Ngọc và Đại Ngọc, chúng ta đã thấy được tính cách, con người của hai con người này là như thế nào. Bên trong con người họ luôn có những suy nghĩ, dằn vặt, những lời độc thoại nội tâm như thế. Tình yêu dưới chế độ phong kiến bắt con người ta phải kìm nén cảm xúc, không được nói ra điều mình muốn nói. Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc yêu nhau, thế nhưng cả hai đều không dám thổ lộ ra tình cảm trực tiếp của mình, họ chỉ nghĩ mà không dám thốt nên lời. Chính điều này thể hiện nét tính cách của Đại Ngọc là một con người đa sầu, đa cảm; và Bảo Ngọc là con người si tình, suy tư nhiều nỗi niềm tâm sự mà không nói lên được, đó là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh ngây ngây, dở người của chàng.

Hay là ở hồi 32, khi Đại Ngọc nghe Bảo Ngọc nói riêng với Sử Tương Vân và Tập Nhân về chuyện Đại Ngọc chưa hề màng tới việc nhắc nhở Bảo Ngọc về chuyện thi cử… “Đại Ngọc nghe vậy, mừng mừng, sợ sợ, tủi tủi, thương thương. Mừng là: mắt mình không nhầm, ngày thường vẫn cho anh ấy là người tri kỉ giờ quả thực như vậy. Sợ là: trước mặt người khác, anh ấy vẫn nghĩ đến mình, vẫn khen ngợi mình, đủ biết mối tình nồng nàn không hề e ngại tí gì. Tủi là: anh đã là tri kỉ của tôi thì tất nhiên tôi cũng là tri kỉ của anh. Anh và tôi đã là một đôi tri kỉ thì tại sao lại có chuyện “vàng và ngọc” ở đây. Mà dù có chuyện “vàng và ngọc” thì vàng ấy, ngọc ấy đáng lẽ là của anh và của tôi chứ tại sao lại còn có cô Bảo Thoa nữa. Thương là: cha mẹ mất sớm, dù có những lời ghi lòng tạc dạ nhưng không có ai tác thành cho ta. Và chăng, gần đây đã chớm có bệnh, tinh thần hoảng hốt. Thầy thuốc bảo: khí suy huyết kém, sợ rồi sinh ra chứng lao? Tôi dù là tri kỉ của anh nhưng sợ không thể chờ lâu được. Anh dù là tri kỉ của tôi nhưng tôi bạc mệnh

thì làm thế nào? Nghĩ đến nông nỗi ấy, Đại Ngọc không cầm nổi nước mắt, muốn đi vào để gặp nhau nhưng lại nghĩ hơi trơ trẽn nên đành gạt nước mắt quay về”.

Chỉ vì câu nói của Bảo Ngọc mà Đại Ngọc suy nghĩ biết bao nhiêu chuyện, từ chuyện xa đến chuyện gần, từ việc hiện tại đến việc tương lai, từ chuyện bản thân đến việc người khác. Những dằn vặt đau khổ, những sầu não thương tâm, những niềm vui, nỗi buồn của Đại Ngọc được tác giả miêu tả hết sức sinh động trong một đoạn văn ngắn như vậy. Những đoạn miêu tả tâm lý như vậy trong Hồng lâu mộng không phải là ít. Điều này càng làm nổi bật rõ tâm trạng cô đơn của nhân vật.

Có thể nói, tâm trạng cô đơn của nhân vật Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc được nhà văn thể hiện qua nhiều đoạn độc thoạị nội tâm, thể hiện rõ tâm lý trực tiếp của nhân vật. Qua đây, tâm lý của nhân vật càng được thể hiện rõ hơn. Đây là điều đặc biệt và sáng tạo ở Tào Tuyết Cần mà so với các nhà văn trước đó không có. Miêu tả tâm lý nhân vật trong Hồng lâu mộng được nhà văn chú trọng ở hai nhân vật cô đơn là Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc. Qua các đoạn miêu tả tâm lý nhân vật ở trên, chúng ta thấy được tài năng của nhà văn Tào Tuyết Cần trong việc xây dựng nhân vật. Tâm lý của nhân vật ở những cung bậc, cảm xúc khác nhau đều được tác giả thể hiện lên trang sách một cách chân thật, giống với cuộc đời thực. Điều này, góp phần không nhỏ để thể hiện nỗi cô đơn trong con người nhân vật.

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI CÔ ĐƠN TRONG TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG (Trang 28 -28 )

×