0
Tải bản đầy đủ (.docx) (34 trang)

Không gian nghệ thuật và con người cô đơn

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI CÔ ĐƠN TRONG TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG (Trang 25 -25 )

Con người cô đơn trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng đã được Tào Tuyết Cần tập trung miêu tả trong tác phẩm qua không gian chủ yếu đó là không gian hiện thực và không gian mộng ảo.

Ở không gian thực: Không gian hiện thực tức là không gian đời thường, không gian của cuộc sống diễn ra hằng ngày của các con người cô đơn trong tiểu thuyết

Hồng lâu mộng ở phủ Giả phức tạp, bề bộn bởi mối quan hệ mâu thuẫn, xung đột của con người nơi đây. Nó tạo điều kiện phát triển con người cô đơn. Không gian hiện thực trong tác phẩm đó là một xã hội phong kiến thu nhỏ thời nhà Thanh với hai phủ Ninh -Vinh, nơi chứa đựng những con người với nhiều bi kịch đau thương.

Sinh ra và lớn lên trong không gian ấy, hơn ai hết, Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc đã chứng kiến cái xấu xa, mục rỗng của gia đình, của giai cấp bằng cái nhìn của người trong cuộc. Chính vì thế mà họ cảm thấy tủi hờn, buồn bã, cay đắng cho số phận nghiệt ngã. Ở đây, những con người cô đơn đã bắt đầu xuất hiện với những tâm tưởng tình cảm suy nghĩ và hành động tâm lý của họ. Có thể thấy con người cô đơn của họ đã gắn chặt với một địa điểm là Đại Quan Viên. Ở đây, tuy bầu không khí đã được thanh lọc trong sạch hơn nhưng cũng không kém phần thê lương buồn chán, thích hợp cho tính cách và quá trình phát triển của con người cô đơn. Đây là nơi diễn ra các hoạt động, tâm tư tình cảm chính của nhân vật và số phận họ dường như cũng được an bài tại đây. Đại Quan Viên là không gian tách biệt hẳn với không khí chật chội ở hai phủ Ninh -Vinh, thanh sạch lạ thường. Một khu vườn đẹp như tiên cảnh có cây, có chim bướm, đặc biệt là hội tụ mười hai tiểu thư xinh đẹp nhất thành Kim Lăng nữa thì quả là tuyệt vời. Nơi đây đã khiến cho con người có một cảm giác thoải mái, tự do, được sống một cuộc sống rộn vang tiếng cười vui vẻ, hạnh phúc.

Đại Quan Viên là nơi đẹp đẽ như thế, giúp con người tận hưởng được những phút giây êm đềm là thế. Nhưng nơi đây đã diễn ra những xung đột tình cảm, sự ra đi của các nữ tì xinh đẹp với một số phận đầy đau thương và nước mắt cũng như sự tủi nhục của Tình Văn, Kim Xuyến, Tư Kỳ và đặc biệt hơn là sự ra đi của trong cái chết uất ức cô độc của tiểu thư Lâm Đại Ngọc. Ở tầm cao hơn nữa, nơi đây đã làm con người của Giả Bảo Ngọc thay đổi trong vòng xoáy của niềm vui, nỗi buồn, có lúc tuyệt vọng dẫn đến sự cô đơn trong con người của anh được lộ ra rõ nét. Chốn đại quan thần tiên này đã trở thành nơi những con người đẹp đẽ ẩn mình và thực hiện những mong muốn của bản thân. Nó nuôi dưỡng và níu chặt cái đẹp, cái vui, cái hạnh phúc của con người. Và khi những con người sống trong không gian này ra đi bởi những bi kịch thì Đại Quan Viên này cũng trở nên hoang lạnh.

Không gian nơi đây gắn liền với những con người và rất phù hợp với tính cách của họ. Nếu là Bảo Ngọc thì đó là một không gian tươi tắn, sinh động với màu sắc tươi trẻ, mĩ miều như con gái. Còn không gian của Đại Ngọc ở thì là nơi thanh u, tao nhã,

tĩnh mịch gợi lên một nỗi u sầu. Còn Đến với không gian của Bảo Thoa thì gọn gang, ngăn nắp, thanh nhã, trang nghiêm nói lên sự quyền quý trong con người nàng. Không gian, nó còn chịu ảnh hưởng của con người, lúc Bảo Ngọc vui vẽ, chơi đùa, làm thơ cùng các tiểu thư thì đó là không gian ồn ào, vui vẽ, đẹp đẽ. Nhưng khi Bảo Ngọc viếng oan hồn Tình Văn, lúc Đại Ngọc chết, thì phong cảnh nơi đây tiêu điều, cô tịch, buồn bã, có một sự cảm thương đầy ai oán.

Tồn tại xung quanh con người Đại Ngọc đó là những cảnh u buồn lạnh lùng của đêm mưa gió bên song cửa mùa thu: “ bao giờ gió tắt mưa cầm, thì đây lệ đã ướt đầm song the”. Đêm mưa của đất trời nói lên sự lạnh lẽo của một con người đa sầu, đa cảm mà bạc mệnh. Còn cái khung cảnh lúc Đại Ngọc chôn hoa, đó là một buổi chiều cuối xuân hoa rơi lả tả, xác hoa đầy mặt đất, làm nền cho tâm trạng buồn tủi của nàng, bởi như chính nàng chôn đi sắc đẹp, chôn đi tâm hồn, sức sống thanh xuân của mình, khiến người đọc cảm thấy thương xót cho số phận của nàng. Đại Ngọc một con người sinh ra đã phải trải qua nhiều cay đắng, cô đơn sầu muộn, đến lúc từ giã cõi đời cũng trong sầu muộn đơn côi. Tâm hồn nàng gắn liền với quán Tiêu Tương, nơi đây vắng vẻ lạ thường, lúc nào cũng chỉ có đuôi phượng ve vẩy, sáo rồng vi vu, rèm tương rủ xuống không có tiếng người, lúc nào cũng tĩnh mịch dịu êm. Cảnh tượng ấy gắn liền với Đại Ngọc, những dằn vặt lo âu trong cuộc đấu tranh giành quyền yêu, quyền sống cho bản thân ngày càng thắt chặt trái tim nàng. Hầu như thiên nhiên từ gió, đến mưa, đến ánh trăng, mặt nước, gốc cây… đều đồng cảm và chịu chung số phận với nàng. Những trạng thái tình cảm, màu sắc âm thanh… tất cả đều hòa quyện với những đổi thay của cảnh vật ở quán Tiêu Tương làm nổi bật lên con người của Đại Ngọc. Cho đến khi hồn nàng về nơi chín suối, cũng vẫn ở quán Tiêu Tương ấy, nhưng khung cảnh giờ đây đã trở nên ảm đạm, “ chỉ thấy gió lay cành trúc, trăng xế đầu tường, xa xa thoảng có âm nhạc vọng đến”.

Tiếng khóc đau thương của cái chết Đại Ngọc tuy rằng Bảo Ngọc không được tận mắt chứng kiến nhưng nó vẫn vang vọng trong tim, đưa Bảo Ngọc đến với quán Tiêu Tương. Cùng với tâm trạng não nề của Bảo Ngọc lúc này, quán Tiêu Tương êm đềm ngày nào, giờ nào chỉ thấy hoa khô, cỏ héo, tình đời phai nhạt, qua bao bước thăng trầm dâu bể, duy chỉ có khóm trúc vẫn đó, xanh tươi như đang cùng chàng nhớ về Tiêu Tương Phi Tử. Như một minh chứng cho ý chí đấu tranh giành lấy quyền tự do yêu đương, được hạnh phúc, được sống theo lý tưởng của Đại Ngọc mãi mãi không bao giờ tàn lụi. Nếu như Đại Ngọc được chôn chặt trái tim của mình với Tiêu Tương quán, vì nơi đây gắn với cuộc đời của nàng, thì Bảo Ngọc cũng mang trong mình nỗi cô đơn với con người không bằng lòng với những gì diễn ra ở hiện tại, chàng không tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn và luôn luôn thấy cô quạnh lẻ loi. Khi Đại Quan Viên tiêu điều với những bi kịch thảm khốc với cái chết của Tình Văn, Tư Kỳ,… thì sự vắng vẻ quạnh hiu theo đó mà đến. Sự ra đi của Bảo Thoa đến nơi khác ở, làm cho Bảo Ngọc thấy ở Hành Vu Uyển chỉ còn lạ sự trống trải. Rồi đến khi Nghênh Xuân đi lấy chồng, Diệu Ngọc bị bắt cóc,... Đại Quan Viên trở nên cô quạnh buồn chán hơn. Đại Quan Viên lúc mới được xây dựng thì mang đến cho con người nơi đây sự vui vẻ, hạnh phúc. Giờ đây thì trở nên quạnh quẽ, thê lương, văng vẳng tiếng khóc ai oán, vi vu gió lạnh, tất cả đều thể hiện của kết thúc. Không gian tĩnh mịch, trống vắng, thể

hiện sự đau đớn bất tận về tâm hồn của những con người cô đơn lẽ loi. Và cuối cùng, Bảo Ngọc một con người cô độc còn sót lại đã dứt bỏ cuộc đời trần tục với những mộng thực của trần thế để tìm đến nơi của phật ngàn năm u tịch như cõi lòng chàng.

Không gian, thế giới hư ảo trong tác phẩm. Bảo Ngọc là nhân vật được nhà văn xây cho phép vào thế giới, không gian ấy. Qua hồi 5, Bảo Ngọc bước vào Thái hư ảo cảnh và biết được trước số phận của “thập nhị kim thoa”, biết được cả không gian vườn Đại Quan sau này. Đây thực chất là không gian mang chất lý tưởng mà Tào Tuyết Cần xây dựng cho nhân vật Giả Bảo Ngọc. Bị nỗi cô đơn vây quanh, Bảo Ngọc đang sống trong không gian hiện thực – vườn Đại Quan, đã phải trốn vào không gian của lý tưởng – Thái hư ảo cảnh, cõi mộng. Bảo Ngọc ý thức được sự thay đổi của vạn vật, con người trong cuộc sống hiện thực ấy nên đã nhanh chóng đi vào thế giới hư ảo để trốn tránh cái quy luật “tan – hợp”, “vui – buồn”.Và lựa chọn cuối cùng của Bảo Ngọc là trốn tránh cái không gian thực ấy để đi vào cõi tiên, cõi Niết Bàn. Gần cuối tác phẩm, Bảo Ngọc đi thi, đỗ làm quan nhưng lại bỏ đi cùng một đạo sĩ và một vị hòa thượng để thoát khỏi cái thế giới trầm luân ấy và đi vào một thế giới mới. Cô đơn ở đây chính là sự trốn tránh thực tại, quay vào quá khứ, vào không gian, môi trường mới để tìm lại bản thân của mình. Bảo Ngọc quyết từ bỏ không gian vườn Đại Quan khi nó không còn có niềm vui, sự hạnh phúc đối với chàng. Việc con người bỏ đi cùng với những cái chết của các chị em khác sống trong vườn Đại Quan là việc từ bỏ không gian sống của mình. Từ đây không gian trong Hồng lâu mộng là vườn Đại Quan không còn có tác dụng trong việc thể hiện tâm lý cô đơn của con người. Cô đơn của con người trong tiểu thuyết chỉ được gắn kết với không gian vườn Đại Quan, với không gian lý tưởng hư hư, ảo ảo, với số phận bi thảm của các chị em, với bi kịch tình yêu của mình, với thực tại xã hội lúc đó.

Một phần của tài liệu CON NGƯỜI CÔ ĐƠN TRONG TIỂU THUYẾT HỒNG LÂU MỘNG (Trang 25 -25 )

×