3.1 Đối với Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước
Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động kinh doanh bảo hiểm để thị trường phát triển lành mạnh, an toàn, phù hợp với yêu cầu hội nhập, bảo đảm tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Nhà nước cần thực hiện tốt công tác quản lý, tạo được môi trường pháp lý thuận lợi, đồng thời có những cơ chế, chính sách ưu đãi để ngành bảo hiểm có được những bước phát triển ổn định và đúng hướng, tạo lập và duy trì một môi trường kinh doanh an toàn, ổn định, bình đẳng và thuận lợi, trước hết ở việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý phù hợp với sự vận động của cơ chế thị trường, đồng thời đổi mới phương thức và nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm, tiến dần tới thực hiện các nguyên tắc và chuẩn mực quản lý bảo hiểm quốc tế.
Các cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm mà trực tiếp là Cục quản lý và giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính phải xây dựng hành lang biểu phí cụ thể, thống nhất hoặc quy định mức phí trần và sàn hợp lý, đồng thời phải ban hành các thông tư hướng dẫn để các doanh nghiệp bảo hiểm có cơ sở thực hiện. Hiện tượng các doanh nghiệp Bảo hiểm Việt Nam tự ý giảm phí để giành giật khách hàng của nhau đã giảm đi rất nhiều, song vẫn chưa được quán triệt hẳn. Để thị trường ổn định lâu dài, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp được công bằng hơn cần phải có sự tham gia quản lý từ phía Nhà nước. Công ty bảo hiểm nào muốn thay đổi biểu phí của mình thì cần phải thông qua cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chuẩn y trước nếu cơ quan nhà nước chấp nhận thì mới được thực hiện. Bên cạnh đó Nhà nước cũng phải quy định các biện pháp xử lý nghiêm khắc để ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.
Đào tạo và đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm nói chung và bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu nói riêng. Cùng với quá trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới, đặc biệt là đối với bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển – một hoạt động liên quan nhiều đến tập quán thương mại quốc tế. Vì vậy, công tác quản lý nhà nước đòi hỏi phải có cải cách phù hợp và việc đào tạo lại cán bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm nói chung và bảo hiểm hàng hoá vận chuyển bằng đường biển nói riêng là một việc làm cấp thiết.
Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể để thay đổi tập quán hoạt động ngoại thương trước đây để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động tại Việt Nam, như: thông qua việc khuyến khích các công ty xuất nhập khẩu ký kết hợp đồng theo điều kiện xuất CIF – Nhập FOB hoặc C&F như: Giảm thuế xuất nhập khẩu hay có chính sách thuế ưu đãi cho các chủ hàng tham gia bảo hiểm tại Việt Nam; giảm thuế doanh thu hay thuế giá trị gia tăng, giảm thủ tục hải quan hoặc chủ hàng được giao hạn ngạch xuất nhập khẩu cao hơn so với các chủ hàng không tham gia bảo hiểm tại Việt Nam ... Có được các chính sách ưu đãi trên, các công ty xuất nhập khẩu sẽ chủ động hơn trong đàm phán, ký kết hợp đồng theo điều kiện xuất FOB – nhập CIF hoặc C&F tạo cơ sở nâng cao tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu tham gia bảo hiểm trong nước.
3.2 Đối với các ngành có liên quan (Các công ty xuất nhập khẩu)
Các công ty xuất nhập khẩu Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi tập quán thương mại cũ, chuyển từ phương thức “xuất FOB – nhập CIF” sang “xuất CIF – nhập FOB” để tăng cường sự phối kết hợp cùng phát triển của ba lĩnh vực: xuất nhập khẩu – bảo hiểm – vận tải đường biển. Bởi vì, với các công ty xuất nhập khẩu nếu đơn bảo hiểm được ký kết với các công ty bảo hiểm Việt Nam, công ty sẽ tránh được những phiền phức về thủ tục pháp lý, ngôn ngữ, địa lý… có thể sẽ gặp phải khi sự cố bảo hiểm xảy ra. Ngoài ra, công ty sẽ chủ động hơn nếu giành được quyền mua bảo hiểm thông qua hợp đồng nhập khẩu FOB hoặc C&F. Sự thay đổi tập quán thương mại sẽ tạo cơ hội cho ngành bảo hiểm hàng hóa vận chuyển và ngành vận tải biển phát triển. Từ đó sẽ tác động ngược trở lại góp phần mở rộng không ngừng hoạt động ngoại thương và sẽ giúp tăng thu ngoại tệ cho ngân sách Nhà nước. Sẽ rất khó cho hoạt động xuất nhập khẩu nếu ngành bảo hiểm và vận tải biển kém phát
triển, hay ngược lại, ngành bảo hiểm và vận tải biển cũng không thể phát triển mạnh được trong điều kiện kim ngạch xuất nhập khẩu thấp.
Ngoài ra, có một thực tế là xác suất xảy ra các vụ tai nạn đường biển khá cao và thường để lại những hậu quả to lớn mà nguyên nhân chính là do trình độ kĩ thuật cũng như kinh nghiệm của đội ngũ thủy thủ và thuyền viên trong nước còn thấp. Do đó ngành hàng hải và các hãng vận tải cần hết sức chú trọng đến khâu bồi dưỡng chất lượng đội ngũ thủy thủ, thuyền viên, nâng cao trình độ quản lý, điều hành an toàn tàu. Bên cạnh đó là việc kiểm tra sửa chữa và bảo dưỡng chất lượng của những con tàu vận tải, đặc biệt cần kiểm tra kỹ lưỡng những con tàu già và không còn đủ khả năng đi biển, đầu tư đóng mới và xây dựng những đội tàu có chất lượng tốt để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày một lớn của các công ty xuất nhập khẩu.
3.3 Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm
Trước hết, các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cần xem xét và cải thiện chất lượng dịch vụ của mình, chủ động tăng cường các hoạt động tiếp cận khách hàng để tư vấn kỹ thuật chuyên môn, giúp khách hàng lựa chọn rủi ro, tham gia bảo hiểm cho phù hợp và đạt hiệu quả cao.
Ngoài ra, các công ty cũng cần nâng cao năng lực ngành bảo hiểm nước nhà lên ngang tầm quốc tế: phải có chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ tinh thông kỹ thuật nghiệp vụ; hiểu rõ luật pháp quốc gia, quốc tế; có nghệ thuật giao tiếp, ứng xử trước khách hàng; phải đa dạng hóa sản phẩm khai thác để phù hợp nhất với điều kiện Việt Nam và đặc biệt phải chú trọng việc khai thác triệt để thị trường trong nước.
Năng lực tài chính cũng đang là một vấn đề mà các công ty bảo hiểm cần quan tâm, năng lực tài chính yếu kém đã hạn chế rất nhiều cơ hội bảo hiểm cho những hợp đồng có giá trị lớn. Các công ty cần có chiến lược nâng cao năng lực tài chính của mình thông qua việc tăng vốn điều lệ hay các công ty trong nước cùng tham gia đồng bảo hiểm cho các hợp đồng có giá trị lớn.
3.4 Đối với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Hiệp hội vừa có vai trò là đại diện cơ quan Nhà nước trong ngành bảo hiểm, vừa là đại diện cho các công ty bảo hiểm trên thị trường. Do đó, Hiệp hội cần thay mặt
các công ty đưa ra những kiến nghị để Nhà nước thay đổi các quy định cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng cần tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế, hội thảo nhằm tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các công ty bảo hiểm nhằm phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề bất cập, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh.
KẾT LUẬN
Thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển và dần dần khẳng định được vị trí, tầm quan trọng của nó đối với nền kinh tế quốc gia cũng như đối với đời sống của
toàn xã hội. Trong xu thế hội nhập, việc giao lưu trao đổi buôn bán giữa các nước diễn ra mạnh mẽ, bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu vận chuyển bằng đường biển không chỉ là nhu cầu nữa mà đã trở thành tập quán thương mại trong hoạt động ngoại thương. Thị trường bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu được đánh giá là một thị trường đang rất tiềm năng và có xu hướng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam thì kết quả khai thác nghiệp vụ này còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu tại Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam nói chung và Bảo hiểm AAA – chi nhánh Hà Nội nói riêng phải đưa ra những chiến lược cũng như các giải pháp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế để việc khai thác nghiệp vụ bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu mang lại hiệu quả cao. Có như vậy, thị trường bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu với được phát triển tương xứng với tiềm năng của nó. Chi nhánh Hà Nội cần phải kiên trì và nỗ lực hơn nữa để làm tốt công tác khai thác – một khâu có vai trò hết sức quan trọng và là tiền đề trong quy trình triển khai bảo hiểm. Nếu công tác khai thác được thực hiện tốt ngay từ đầu sẽ nâng cao được thị phần một cách đáng kể đồng thời nâng cao hiệu quả kinh doanh của bảo hiểm hàng hoá xuất nhập khẩu cũng như hiệu quả kinh doanh chung của công ty. Em xin nhận sự đóng góp ý kiến của các thầy cô và các bạn để em có thể hoàn thiện hơn nữa bản Chuyên đề tốt nghiệp của mình.