Kinh nghiệm bảo lãnh phát hành ở Thái Lan.

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN CHUNG VỀ CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VÀ NGHIỆP VỤ BẢO LÃNH PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN (Trang 33 - 36)

- Đối với trái phiếu:

1.4.2.Kinh nghiệm bảo lãnh phát hành ở Thái Lan.

Thái Lan là một nước Đông Nam Á nhưng có thị trường chứng khoán phát triển chẳng kém gì một số nước Châu Âu. Thị trường chứng khoán Thái Lan đã không chỉ là một kênh quan trọng giúp các doanh nghiệp trong nước huy động vốn một cách có hiệu quả mà còn là môi trường tích cực cho các hoạt động liên quan đến chứng khoán như kinh doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán. Đặc biệt đối với hoạt động bảo lãnh phát hành nếu không có một thị trường chứng khoán phát triển thì coi như hoạt động này không phát huy tác dụng.

Tương tự như các nước phát triển. quy trình bảo lãnh ở Thái Lan cũng bắt đầu từ bước nghiên cứu các thông tin về tổ chức phát hành, từ thông tin về quá trình hình thành và phát triển của công ty cho đến thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh, ngành nghề hoạt động…sau khi nghiên cứu toàn bộ những thông tin này tổ chức bảo lãnh phát hành tập hợp lại và đưa ra những thông tin quan trọng nhất về tổ chức phát hành để tạo ra sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và tóm tắt về đợt chào bán chứng khoán. Bên cạnh đó, tổ chức bảo lãnh còn nghiên cứu, hỗ trợ thêm cho tổ chức phát hành những thông tin liên quan đến ngành nghề và hoạt động kinh doanh và đảm bảo những quy định của Uỷ ban chứng khoán đối với việc công bố thông tin.

Sau khi tập hợp đầy đủ những thông tin cần thiết, tổ chức bảo lãnh sẽ tiến hành quảng cáo về đợt chào bán chứng khoán sắp tới. Chương trình quảng cáo này được tổ chức riêng cho từng nhà đầu tư có tổ chức có tầm quan trọng nhất trong đợt chào bán. Ngoài ra, chương trình này được tổ chức đồng bộ cho từng nhóm các nhà đầu tư có tổ chức, các nhà phân tích chứng khoán và công chúng đầu tư. Các nhà đầu tư được các tổ chức bảo lãnh chọn là đối tượng cho chương trình quảng cáo này thường là các quỹ tương hỗ, các quỹ tiết kiệm, quỹ hưu trí Chính phủ, các công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng và các nhà đầu tư cá thể.

Tiếp theo trong quá trình bảo lãnh là chọn bảo lãnh phát hành. Việc lựa chọn này tuỳ thuộc vào khối lượng phát hành còn số lượng nhà bảo lãnh phát hành sẽ phụ thuộc vào việc nhà bảo lãnh chính muốn phân tán rủi ro đến mức nào để có thể phân bổ tỷ lệ cho từng nhà bảo lãnh. Các nhà đồng bảo lãnh ở tổ hợp bảo lãnh ở Thái Lan không do tổ chức bảo lãnh phát hành chính lựa chọn mà phải có sự chấp thuận của tổ chức phát hành. Khi lựa chọn các nhà bảo lãnh, tổ chức bảo lãnh chính phải đưa ra lý do cho việc lựa chọn các tổ chức bảo lãnh thành viên.

Sau khi kết thúc các công việc chuẩn bị về mặt nghiên cứu tình hình công ty, quyết định về loại, khối lượng chứng khoán phát hành và hồ sơ đăng ký với Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, tổ chức bảo lãnh phát hành tiến hành định giá sơ bộ để chuẩn bị cho việc lập hồ sơ tập hợp nhu cầu mua bán chứng khoán của các nhà đầu tư có tổ chức. Yêu cầu đặt ra là kỹ thuật định giá phải đảm bảo thu hút được nhu cầu tới mức tối đa. Sau khi lập sổ xong và trình hội đồng quản trị công ty phát hành, nếu chưa tập hợp được đủ lượng cầu thì thời gian chào bán có thể được lui lại.

Chỉ sau khi lập sổ xong và tập hợp đủ nhu cầu đặt mua chứng khoán, tổ chức bảo lãnh sẽ tiến hành định giá lần cuối cùng trước khi phân phối chứng khoán cho các nhà đầu tư. Để đảm bảo uy tín của mình, tổ chức bảo lãnh phát hành sẽ đưa ra lý do giải thích về tỷ lệ phân phối cho các nhà đầu tư. Tỷ lệ phân phối được quyết định theo nguyên tắc ưu tiên về thời gian và giá chào mua cạnh tranh.

Quy trình phân phối chứng khoán bắt đầu khi các nhà đầu tư nộp đơn đặt mua và đồng thời nộp tiền đặt mua. Số tiền đặt mua sẽ chuyển cho tổ chức phát hành. Rủi ro sẽ thuộc về nhà bảo lãnh phát hành từ khi người mua nộp tiền cho tới khi tiền được chuyển tới tổ chức phát hành. Tuy nhiên những rủi ro này ít xảy ra khi người đặt mua là nhà đầu tư có tổ chức. Ở Thái Lan thời gian đặt mua là 2 ngày đối với trái phiếu và là 3 ngày đối với cổ phiếu. Việc rút

ngắn thời gian giữa ngày giao dịch và ngày xác định giá sẽ giúp hạn chế rủi ro cho nhà bảo lãnh. Khi người mua không được phân phối đủ theo khối lượng đặt mua thì sẽ được hoàn trả tiền và thời hạn hoàn trả phải đảm bảo nhanh chóng và theo luật định.

Hình thức bảo lãnh phát hành ở Thái Lan phổ biến là bảo lãnh dự phòng (cam kết mua hết số cổ phiếu không phân phối hết ). Hình thức này phát triển hơn cả bởi tiềm lực tài chính và quy mô của các tổ chức bảo lãnh phát hành chưa lớn. Do đó các nhà bảo lãnh chỉ chịu trách nhiệm giới hạn trong một đợt chào bán và chịu rủi ro ít hơn. Phí bảo lãnh phát hành ở Thái Lan thường là 3% đối với cổ phiếu, 1% đối với trái phiếu công ty và 0.5% đối với trái phiếu Chính phủ. Mức phí cụ thể này tuỳ thuộc vào từng công ty, chất lượng chứng khoán và quy mô phát hành.

Quy trình thực hiện bảo lãnh phát hành kết thúc sau giai đoạn bình ổn giá khi chứng khoán được đem giao dịch. Trách nhiệm của tổ chức bảo lãnh là không được để giá chứng khoán xuống quá thấp nhưng cũng không thể được lên quá cao so với giá chào bán. Thời gian quy định cho việc bình ổn giá là 30 ngày. Đây là giai đoạn rất quan trọng giúp cho thị trường chứng khoán hoạt động có hiệu quả.

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN CHUNG VỀ CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VÀ NGHIỆP VỤ BẢO LÃNH PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN (Trang 33 - 36)