Bao tiêu chứng khoán.

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN CHUNG VỀ CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VÀ NGHIỆP VỤ BẢO LÃNH PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN (Trang 25 - 28)

- Đối với trái phiếu:

1.3.5.3.Bao tiêu chứng khoán.

* Khái niệm bao tiêu chứng khoán.

Bao tiêu chứng khoán là việc tổ chức bảo lãnh phát hành lựa chọn phương thức bao tiêu nhằm phân phối số chứng khoán mà tổ chức phát hành giao cho theo đúng cam kết bảo lãnh. Bảo lãnh phát hành được thực hiện bằng nhiều phương thức. Việc lựa chọn phương thức nào đã được thoả thuận giữa tổ chức bảo lãnh và công ty phát hành trong hợp đồng bảo lãnh phát hành chứng khoán. Thông thường có các phương thức bao tiêu chứng khoán như dưới đây.

- Bảo lãnh phát hành theo cam kết chắc chắn.

Đây là phương thức bảo lãnh mà theo đó người bảo lãnh cam kết sẽ mua toàn bộ số chứng khoán theo giá thương lượng với công ty phát hành và sau đó bán lại ra công chúng với mức giá cao hơn để hưởng hoa hồng chiết khấu cho dù tổ chức bảo lãnh có phân phối được hết số chứng khoán hay không.

Theo phương pháp này tổ chức bảo lãnh tham gia vào việc đảm bảo phát hành một cách chắc chắn và chấp nhận mọi rủi ro xảy ra. Trong trường hợp tổ chức bảo lãnh không phân phối hết số chứng khoán thì họ sẽ là người mua lại số chứng khoán cho chính mình. Vậy nên tổ chức bảo lãnh thường áp dụng hình thức này đối với người phát hành có uy tín.

- Bảo lãnh với cố gắng cao nhất( bảo lãnh tới mức tối đa)

Đây là hình thức bảo lãnh mà tổ chức bảo lãnh thoả thuận làm đại lý phân phối cho tổ chức phát hành. Tổ chức nhận bảo lãnh sẽ không cam kết bán hết toàn bộ số chứng khoán của công ty phát hành mà họ chỉ cam kết cố gắng để bán hết toàn bộ số chứng khoán đó, nếu còn thừa thì họ sẽ trả lại cho nhà phát hành. Số tiền bảo lãnh phát hành sẽ được tính trên số chứng khoán đã bán ra. Hình thức bảo lãnh này thường được áp dụng đối với các doanh nghiệp mới được thành lập chưa có uy tín trên thị trường. Đây là một phương thức nhận bán ít mạo hiểm hơn so với phương thức trên, thường được các tổ chức bảo lãnh có quy mô nhỏ không muốn phiêu lưu nhiều nên chỉ đơn giản muốn nhận bán hộ để hưởng hoa hồng.

- Bảo lãnh tất cả hoặc không.

Đây là phương thức bảo lãnh mà tổ chức phát hành yêu cầu tổ chức bảo lãnh bán một số lượng chứng khoán nhất định, nếu tổ chức bảo lãnh không phân phối được hết số chứng khoán đó thì tổ chức phát hành sẽ huỷ bỏ toàn bộ đợt phát hành.

Phương thức này được áp dụng khi doanh nghiệp cần tăng một lượng vốn tối thiểu nào đó để đáp ứng nhu cầu kinh doanh nhưng doanh nghiệp

không thể sử dụng một lượng vốn ít hơn và như vậy doanh nghiệp yêu cầu tất cả các chứng khoán cần phải được bán hết nếu không sẽ phải huỷ bỏ toàn bộ lượng chứng khoán đã phân phối.

- Bảo lãnh theo phương pháp dự phòng.

Tổ chức bảo lãnh thường áp dụng phương thức này sẽ cam kết mua nốt số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành và sau đó bán lại ra công chúng. Đây là phương thức thường được áp dụng khi một công ty đại chúng phát hành bổ sung cổ phiếu thường. Trong trường hợp đó, công ty cần bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông hiện hữu và như vậy công ty phải chào bán cổ phiếu bổ sung cho các cổ đông cũ trước khi chào bán ra ngoài công chúng. Tuy nhiên sẽ có một số cổ đông không mua thêm cổ phiếu của công ty do vậy công ty cần có một tổ chức bảo lãnh dự phòng sẵn sàng mua những quyền mua không được thực hiện và chuyển thành những cổ phiếu để phân phối ra ngoài công chúng.

Một phần của tài liệu LÝ LUẬN CHUNG VỀ CÔNG TY CHỨNG KHOÁN VÀ NGHIỆP VỤ BẢO LÃNH PHÁT HÀNH CHỨNG KHOÁN (Trang 25 - 28)