Phong trào công nhân từ sau cách mạng tháng Mười Nga đến chiến tranh thế giới thứ hai (1945)

Một phần của tài liệu Luận văn triết học tác phẩm tuyên ngôn Đảng cộng sản và vai trò của nó với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (Trang 52)

thế giới thứ hai (1945)

Từ trong TNCĐCS, C.Mác và Ph.Ăngghen đã luận chứng một cách khoa học, sâu sắc và đầy thuyết phục rằng: Địa vị kinh tế - xã hội của GCCN đã quy định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp đó là người làm cuộc cách mạng xã hội XHCN, đánh đổ CNTB, xóa bỏ hình thái xã hội dựa trên nền tảng tư hữu - nguồn gốc của mọi sự bóc lột; và xây dựng xã hội mới, lấy chế độ công hữu về tư liệu sản xuất làm nền tảng, không còn người bóc lột người, đó là CNCS.

Luận cứ khoa học trên của Tuyên ngôn đã được lịch sử loài người kiểm chứng trong thực tiễn. Thành công của cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 do GCCN lãnh đạo đã mở ra một thời đại mới cho hệ thống XHCN ra đời và phát triển ở nhiều nước.Thắng lợi của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc tiến lên CNXH ở các

nước lạc hậu dưới sự lãnh đạo của chính đảng GCCN đã chứng minh trong hiện thực sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã và đang được thực hiện. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất và đặc biệt là sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, trong các nước tư bản đã bùng lên phong trào cách mạng vô sản. Cao trào cách mạng ở Đức và Hungari là những đỉnh cao của phong trào đó.

2.2.1.1 Cao trào cách mạng 1918 - 1923 ở Châu Âu

Ở Đức, vì lợi ích giai cấp, giới cầm quyền đã đẩy đất nước vào chiến tranh thế giới thứ nhất hao người tốn của. Trong những năm chiến tranh, nhiều thành quả đấu tranh của GCCN đã bị thủ tiêu, các loại thuế tăng vọt, lao động cưỡng bức được thi hành... Trong hoàn cảnh đó, cuộc đấu tranh cách mạng của GCVS Đức nhằm bảo vệ quyền lợi của nhũng người lao động, chống chủ nghĩa quân phiệt, chống chiến tranh đế quốc vẫn diễn ra mạnh mẽ và ngày càng gay gắt. Quá trình đấu tranh diễn ra rất khó khăn, phức tạp. Ngày 9 - 11 - 1918, liên minh Xpáctaquýt kêu gọi công nhân và binh lính tổng bãi công và tổng khởi nghĩa nhằm lật đổ chính thể quân chủ và thiết lập chính quyền Xô viết.

Thực chất của cuộc cách mạng tháng 11 ở Đức là cuộc cách mạng dân chủ tư sản được tiến hành ở một mức độ nhất định bằng những phương tiện và phương pháp vô sản, với sự tham gia tích cực của GCCN. Nó góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức giác ngộ của GCVS, làm cho bộ phận tiên tiến của GCVS thoát khỏi ảnh hưởng của hệ tư tưởng tư sản, dẫn đến việc thành lập Đảng cộng sản Đức vào ngày 30 - 12 - 1918.

Sau cách mạng, mâu thuẫn giữa GCVS và tư sản càng gay gắt, phong trào đấu tranh chống CNTB càng phát triển mạnh mẽ. Ngày 13 - 1 - 1919, công nhân Muynich đã khởi nghĩa lật đổ chính quyền tư sản, lập ra chính phủ mới gồm những người cộng sản và những người xã hội độc lập cánh tả tham gia. Chính phủ mới tuyên bố thành lập nước cộng hòa xô viết Bavie, ban hành và thực hiện một số chính sách tiến bộ và cách mạng. Nhưng những người cộng sản ở Bavie đã phạm một số sai lầm khiến cho nước cộng hòa này chỉ tồn tại được một tháng.

Ở Hungari, cách mạng dân chủ tư sản bùng nổ cuối tháng 10 - 1918. Tháng 11 - 1918, nước cộng hòa Hungari được thành lập. Ngày 21 - 11 - 1918, Đảng cộng sản Hungari ra đời. Tháng 3 - 1919, Hungari lâm vào khủng hoảng chính trị nghiêm trọng. Mâu thuẫn giai cấp trong nước ngày càng gay gắt vì những yêu sách cơ bản cấp thiết

của công nhân và nông dân không được chính phủ tư sản giải quyết. Công nhân thủ đô nổi dậy khởi nghĩa giành thắng lợi và thành lập chính phủ xô viết Hungari, ban hành và thực hiện nhiều chính sách dân chủ, tiến bộ, thực hiện những cải tạo cách mạng quan trọng trong lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Sau 3 tuần lễ kể từ khi thành lập, tháng 4 - 1919, quân đội đồng minh tấn công và đánh chiếm một phần lãnh thổ của cộng hòa Hungari. GCVS Buđapét đã tích cực ủng hộ chính quyền thành lập Hồng quân. Cuộc phản công của Hồng quân đã giải phóng cho Hungari và giúp đỡ cho GCVS Đông Xlôvakia thành lập nước Cộng hòa Xlôvakia vào tháng 6 -1919.

Tuy nhiên, do mắc phải một số sai lầm về công tác tư tưởng - tổ chức, chính sách ruộng đất, và sự chống phá của các thế lực đế quốc, phản động mà sau 133 ngày tồn tại, cả hai nước xô viết này sụp đổ. Mặc dù vậy, cuộc chiến đấu của giai cấp vô sản Hungari vẫn là một nét son rực rỡ trong lịch sử đấu tranh vẻ vang của phong trào công nhân quốc tế giai đoạn 1918 - 1923.

2.2.1.2 Cao trào cách mạng ở Tây Âu và Bắc Mỹ

Ở Anh, dưới ảnh hưởng to lớn của cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào đấu tranh của GCCN những năm 1918 - 1923 đã phát triển mạnh mẽ và có chiều sâu rõ rệt. Năm 1918, phong trào bãi công của công nhân phát triển rộng lớn, không chỉ nêu các yêu sách kinh tế mà còn đề ra những khẩu hiệu chính trị. Năm 1919, giai cấp công nhân Anh tiến hành 1.352 cuộc bãi công. Sự kiện lớn nhất và nổi bật nhất là những cuộc mít tinh ủng hộ nước Nga xô viết thu hút hàng triệu người tham gia. Các cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đã buộc Chính phủ Anh phải từ bỏ cuộc chiến tranh công khai chống nước Nga Xôviết.

Cao trào cách mạng của giai cấp công nhân Anh đã tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận tiên tiến trong giai cấp công nhân tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin tốt hơn. Tháng 8 - 1920, Đảng Xã hội Anh, Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa, phái tả Công Đảng xã hội chủ nghĩa Xcốtlen đã thống nhất lại và thành lập Đảng Cộng sản Anh.

Ở Pháp, trong thời kỳ 1918 - 1929, phong trào đấu tranh cách mạng của GCVS cũng phát triển mạnh mẽ. Nhiều cuộc bãi công của công nhân nổ ra, không chỉ nêu những yêu sách kinh tế như đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, cải thiện điều kiện lao động… mà còn đưa ra những yêu sách chính trị như đòi chấm dứt can thiệp vũ trang chống nước Nga Xôviết, đòi giải ngũ quân đội và thả tù chính trị.

Đặc biệt, vào mùa xuân năm 1919, lính thủy trên các tàu chiến Pháp đậu ở Biển Đen đã giương cao cờ đỏ chào mừng thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga và cự tuyệt tham gia chiến tranh chống nước Nga Xôviết. Trước sự đấu tranh kiên quyết và anh dũng của các thủy thủ, bộ chỉ huy quân đội Pháp đã rút chiến hạm ra khỏi Biển Đen.

Tháng 5 - 1920, tại Đại hội Tua, Đảng cộng sản Pháp được thành lập. Đó là thắng lợi và thành quả hết sức quan trọng của GCCN Pháp trong những năm cao trào cách mạng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các lãnh tụ cải lương trong phong trào công nhân và trình độ giác ngộ chính trị của GCCN còn thấp, tổ chức chưa chặt chẽ nên cuối cùng các cuộc đấu tranh cách mạng của GCCN Pháp đều thất bại.

Ở Italia, phong trào bãi công của GCCN diễn ra rộng khắp. Năm 1920, phong trào đấu tranh bãi công của giai cấp công nhân đã lên tới đỉnh cao. Nhiều nhà máy và công xưởng thành lập Xôviết. Tháng 9 - 1920, hầu hết các xí nghiệp ở Malixô, Tôbinô và các thành phố khác ở miền Bắc Italia đã nằm trong tay giai cấp công nhân nhưng vì thiếu một trung tâm lãnh đạo, phong trào công nhân Italia đã không tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Các lãnh tụ cải lương đã thỏa hiệp với bọn chủ xưởng làm cho phong trào công nhân thất bại. Mặc dù vậy, các cuộc đấu tranh của GCCN Ý đã trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình thành lập Đảng cộng sản Ý (1921).

Ở Mỹ, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, vào những năm 1918 - 1920, phong trào đấu tranh của GCCN Mĩ đã phát triển mạnh mẽ. Năm 1918, khắp nước Mỹ nổ ra phong trào bãi công của công nhân công nghiệp đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, đòi chính quyền Mỹ chấm dứt can thiệp vũ trang vào nước Nga Xôviết.

Do phong trào cách mạng lên cao, tháng 6 - 1919, một bộ phận của cánh tả Đảng Xã hội Mỹ, bao gồm những người Mỹ gốc nước ngoài, đứng đầu là Saclơ - Runtenbe, đã đoạn tuyệt với Đảng Xã hội, thành lập Đảng Cộng sản Mỹ. Một bộ phận khác do Giônrit lãnh đạo đã thành lập Đảng Cộng sản công nhân. Tháng 5 - 1921, Đảng Cộng sản thống nhất Mỹ đã được thành lập.

2.2.1.3 Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc sau Cách mạng Tháng Mười

Cách mạng Tháng Mười đã ảnh hưởng sâu rộng đến các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Dưới ảnh hưởng đó, phong trào giải phóng dân tộc được thúc đẩy khá mạnh mẽ, nhất là ở Phương Đông.

Ở Trung Quốc, phong trào Ngũ Tứ (4 - 5 - 1919) bùng nổ đã lôi cuốn đông đảo tầng lớp nhân dân đứng dậy chống đế quốc, phong kiến. Nhưng GCVS còn non trẻ, chưa nhận thức rõ sứ mệnh lịch sử của mình lại bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của GCTS và các giai cấp khác nên cuối cùng phong trào thất bại. Mặc dù vậy nhưng phong trào này đã thúc đẩy sự kết hợp phong trào công nhân với chủ nghĩa Mác - Lênin, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng cộng sản Trung Quốc (1921).

Ở Mông Cổ, dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào công nhân đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ngày 1 - 3 - 1921, Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ ra đời. Thắng lợi của cách mạng 1921 ở Mông Cổ đưa đến việc thành lập nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Châu Á dưới sự lãnh đạo của đảng của GCVS.

Ở Ấn Độ, ngay từ 1918 đã diễn ra những cuộc bãi công lớn của GCCN. Nhưng trong thời kỳ này, công nhân Ấn Độ vẫn chưa nhận thức được sứ mệnh lịch sử của mình, chưa xây dựng được chính đảng độc lập.

Ở Inđônêxia, Đảng cộng sản được thành lập năm 1920 lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh đòi những quyền lợi thiết thân. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã nổ ra nhưng đều thất bại vì thiếu chuẩn bị, thiếu sự phối hợp hành động và chưa có thời cơ cách mạng chín muồi.

Ở Việt Nam, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đến tận “sào huyệt” của kẻ xâm lược và nhiều xứ sở khác. Người đã sớm tiếp cận với chân lý của Tuyên ngôn. Cùng với những nguyên lý chung của Tuyên ngôn và sự phát triển sáng tạo của

Lênin trong điều kiện lịch sử mới với Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, Hồ Chí Minh đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam, con đường cách mạng vô sản.

Trong các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, Tuyên ngôn là một trong những tài liệu đến Việt Nam sớm nhất, được đọc nhiều nhất. Tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ rõ: con đường cứu nước duy nhất đúng đắn là con đường cách mạng vô sản; song cũng nhấn mạnh rằng, không phải làm cách mạng vô sản ngay, mà dưới sự lãnh đạo của GCVS, tiến hành dân tộc cách mệnh, để giành lại quyền tự do bình đẳng cho dân tộc mình.

TNCĐCS đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thành lập đảng cộng sản để GCVS thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Quán triệt luận điểm quan trọng này của Tuyên ngôn, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị về mặt tư tưởng, tổ chức và cán bộ để thành lập Việt (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội từ 1925 tạo điều kiện cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3 - 2 - 1930).

Phong trào giải phóng dân tộc sau Cách mạng Tháng Mười Nga còn lan rộng ra các nước Châu Phi và Mỹ Latinh. Tại các khu vực này, nhiều chính đảng vô sản cũng được thành lập.

Giai đoạn từ 1924 - 1929 là giai đoạn ổn định tạm thời của CNTB. Tuy nhiên, từ 1929 - 1933, kinh tế thế giới lâm vào cuộc khủng hoảng đặc biệt nghiêm trọng, làm cho mâu thuẫn vốn có trong lòng CNTB ngày càng sâu sắc thêm. CNTB đã tìm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng con đường phát xít hóa ở trong nước và chuẩn bị chiến tranh đế quốc. Trong hoàn cảnh đó, cuộc đấu tranh cách mạng của GCCN, nhân dân lao động ở các nước TBCN đã bùng lên với sức mạnh mới.

Tháng 9 - 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Các lực lượng tiến bộ và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới cùng đứng lên chống phát xít. Cuộc đấu tranh diễn ra vô cùng gay go, ác liệt và thắng lợi cuối cùng (1945) thuộc về phe chính nghĩa. Thắng lợi của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít đã tạo ra những tiền đề thuận lợi để sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội phát triển sang một thời kỳ mới.

TNCĐCS đã phát hiện ra sứ mệnh lịch sử thế giới của GCVS. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiếp thu và có công phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về cách mạng ở các nước thuộc địa và quan trọng hơn cả là đưa được nó vào Việt Nam, lãnh đạo nhân dân ta làm nên cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại - cách mạng Tháng Tám 1945, thành lập nhà nước vô sản đầu tiên ở Đông Nam Á.

Một phần của tài liệu Luận văn triết học tác phẩm tuyên ngôn Đảng cộng sản và vai trò của nó với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế (Trang 52)