Đối với cơ quan quản lý bảo hiểm

Một phần của tài liệu Yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh ngành bảo hiểm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 84)

3.4.1.1. Hoàn thiện hệ thống pháp lý

Nhằm đáp ứng những yêu cầu của hội nhập kinh tế và các cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia và tạo ra khung pháp lý minh bạch để thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, an toàn và ổn định, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện và ban hành mới các văn bản pháp luật về KDBH, cụ thể:

Rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật hiện tại về KDBH để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản này theo hướng đơn giản hoá và giảm bớt các thủ tục hành chính, phù hợp hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế (đặc biệt là các quy định liên quan đến phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm, phê chuẩn các nội dung thay đổi trong Giấy phép hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm), đảm bảo sự công khai, minh bạch, bình đẳng cho các chủ thể tham gia thị trường; nâng cao các yêu cầu về năng lực tài chính và quản trị điều hành của DNBH (trong đó đặc biệt chú ý tới việc chuẩn hóa quy định về áp dụng công nghệ thông tin, trình độ chuyên môn của các bộ chủ chốt của DNBH; áp dụng mô hình và phương thức quản lý tiên tiến).

Bổ sung, xây dựng các quy định mới nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển các loại hình sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm cũng như yêu cầu phát triển của nền kinh tế-xã hội (bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm thiên tai, thảm hoạ...). Ngoài ra, xây dựng các quy định về cấp phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp tái bảo hiểm; tiêu chí, điều kiện hoạt động của các tổ chức cung

cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động bảo hiểm (kế toán kiểm toán, giám định tổn thất,...).

Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát các quy định còn chồng chéo giữa hệ thống văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp luật khác (Bộ Luật dân sự, Luật cạnh tranh, Luật xây dựng, Luật hàng hải...) để hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm cho đồng bộ, nhất quán giữa các văn bản luật.

Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế ưu đãi về đầu tư trở lại nền kinh tế của các DNBH, trong đó đặc biệt chú trọng tới các cơ chế tạo điều kiện kết nối, liên thông hoạt động đầu tư của các DNBH với thị trường chứng khoán và các thị trường tài chính khác. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan tới các hoạt động cho vay, đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu của các DNBH, đặc biệt các doanh nghiệp có vốn nước ngoài nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp để từ đó tăng lượng vốn đầu tư trở lại nền kinh tế và tăng lợi nhuận của các DNBH và người mua bảo hiểm. Các cơ quan quản lý này cũng cần có cơ chế giám sát chặt chẽ với các quy định liên quan tới quản trị doanh nghiệp, quá trình minh bạch tài chính cần phù hợp với chuẩn quốc tế và việc tuân thủ các quy định pháp luật để tạo lòng tin cho các DNBH khi đầu tư vào các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực của Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện các chính sách, chế độ liên quan đến các loại hình bảo hiểm được Nhà nước khuyến khích phát triển vì mục đích an sinh xã hội (bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ, bảo hiểm cho các đối tượng có thu nhập thấp...).

Để hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNBH, cần xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ cho các hoạt động điều tra để cơ quan quản lý có điều kiện chủ động hơn về mặt thị trường. Các kết quả của hoạt động điều tra cần phải được pháp chế hóa cụ thể để có giá trị pháp lý làm cơ

sở cho các cơ quan quản lý nhà nước chủ động đánh giá và xử lý những trường hợp có dấu hiệu phi cạnh tranh.

3.4.1.2. Phát triển thị trường

- Phát triển và nâng cao chất lượng kênh môi giới bảo hiểm

Cơ quan quản lý nhà nước về KDBH xây dựng và ban hành các quy định nhằm chuẩn hóa chất lượng đội ngũ môi giới bảo hiểm, có quy định rõ ràng về yêu cầu đào tạo tối thiểu và quy định cụ thể về chứng chỉ đào tạo cơ bản trong lĩnh vực này. Trên cơ sở đó sẽ chuyên biệt hoá các loại chương trình đào tạo, các loại chứng chỉ đào tạo phù hợp với tính phức tạp, tính chất đặc thù của từng loại hình sản phẩm, nghiệp vụ bảo hiểm được thu xếp qua hoạt động môi giới.

- Phát triển kênh đại lý bảo hiểm

Cơ quan quản lý nhà nước về KDBH tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc thi cấp chứng chỉ đào tạo đại lý để chuẩn hoá chất lượng thông qua Trung tâm nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm (thuộc Cục QLBH).

- Phát triển kênh phân phối phi truyền thống

Các sản phẩm bảo hiểm được cung cấp qua các kênh phân phối phi truyền thống (ngân hàng, bưu điện, siêu thị, mạng internet, qua các tổ chức nghề nghiệp...) thường là các sản phẩm đơn giản, không yêu cầu cao về thẩm định bảo hiểm và thường được tích hợp vào các sản phẩm gói của các tổ chức có kênh phân phối. Do đó, các yêu cầu về điều kiện triển khai, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ bán bảo hiểm cũng thường thấp hơn so với kênh phân phối truyền thống. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện các quy định về kênh phân phối truyền thống, cơ quan quản lý nhà nước về KDBH xây dựng các quy định riêng biệt (về chương trình đào tạo, chứng chỉ đại lý, hoa hồng bảo hiểm, trình tự thẩm định cấp hợp đồng bảo hiểm, quy định về chữ ký và hoá đơn điện tử,...) để hỗ trợ các DNBH phát triển các kênh phân phối này.

3.4.1.3. Tăng cường năng lực giám sát của cơ quan quản lý nhà nước

Tiếp tục thực hiện phương thức quản lý giám sát TTBH theo hướng tăng quyền tự chủ và trách nhiệm của DNBH trong việc thực thi pháp luật kết hợp với công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát của cơ quan quản lý nhà nước dựa trên các chuẩn mực quốc tế. Nghiêm túc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động KDBH;

Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý, giám sát;

Cần xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước về KDBH, làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng cán bộ giám sát cũng như thường xuyên giáo dục, tăng cường đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Tăng cường trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước ở các nước khác và gia tăng đối thoại với hiệp hội bảo hiểm và với các DNBH để nâng cao trình độ cán bộ. Số lượng cán bộ quản lý, giám sát trực tiếp phải phát triển tương ứng với sự phát triển của số lượng DNBH trên thị trường (theo thông lệ quốc tế, để có thể thực hiện quản lý giám sát một cách an toàn, thận trọng, cần từ 2 đến 3 cán bộ/DNBH).

Để thu hút và giữ chân được các cán bộ giỏi, có kinh nghiệm thực tiễn làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước về KDBH, cần có cơ chế tuyển dụng thông thoáng và chế độ đãi ngộ (thu nhập) tương xứng với mức trách nhiệm và khối lượng công việc, ít nhất có sự tương đồng với các cơ quan quản lý nhà nước về thị trường dịch vụ tài chính khác.

3.4.1.4. Hoàn thiện thị trường tài chính

Trong bối cảnh phát triển này, sự cải thiện của thị trường chứng khoán, việc cải thiện các quy định pháp lý, nỗ lực của các DNBH cần phải được tiến hành đồng thời nhằm dẫn vốn từ các DNBH tới các nhà đầu tư thông qua thị

trường chứng khoán, và mặt khác, biến thị trường chứng khoán thành nơi cung cấp các cơ hội đầu tư tốt cho các DNBH.

Giải pháp này đòi hỏi có sự phối kết hợp giữa tất cả các bộ, ban ngành có liên quan như Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước, Ủy ban Chứng khoán,...để tạo nên một thị trường tài chính phát triển có hệ thống và hiệu quả hơn, đặc biệt là phát triển thị trường chứng khoán để tạo điều kiện thuận lợi sự phát triển của ngành bảo hiểm.

3.4.1.5. Đào tạo nhân lực cho thị trường bảo hiểm

Nguồn nhân lực hiện nay mới chỉ đáp ứng được nhu cầu của thị trường ở mức độ trung bình. Do vậy, các cơ quan quản lý bảo hiểm cần:

Liên kết và hợp tác với các trường đại học, cao đẳng để chuẩn hoá nội dung đào tạo, giúp cho khoảng cách giữa kiến thức sinh viên học được ở trường và công việc thực tế giảm xuống.

Chuyên biệt hoá các loại chứng chỉ đại lý. Sản phẩm trong thị trường ngày càng đa dạng và phong phú, ngoài các sản phẩm truyền thống trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm mang tính chuyên biệt cao như sản phẩm liên kết đầu tư.... hoặc những sản phẩm riêng của các doanh nghiệp đòi hỏi đại lý bảo hiểm của từng loại sản phẩm có trình độ khác nhau, do đó cần thiết phải chuyên biệt hoá các chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Có thể có chứng chỉ cơ bản (đại cương) và các chứng chỉ riêng cho từng nhóm sản phẩm.

3.4.1.6. Xây dựng hệ thống thống kê bảo hiểm và cơ chế cung cấp thông tin cho các DNBH

Để hỗ trợ DNBH một cách hiệu quả nhất, cơ quan quản lý cần nghiên cứu và xây dựng hệ thống thông tin kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Đồng thời, hệ quả của hệ thống này là giúp cho hoạt động quản lý, giám sát thị trường bảo hiểm của cơ quan quản lý hiệu quả hơn trong điều kiện hội nhập.

Với tốc độ tăng trưởng nhanh, thị trường bảo hiểm có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, do vậy, việc nghiên cứu khả năng áp dụng phương thức quản lý giám sát trên cơ sở rủi ro thông qua các yếu tố cảnh báo sớm, các chỉ tiêu, tiêu chí xếp hạng hoặc phân loại doanh nghiệp theo mức độ rủi ro là một yêu cầu cần thiết.

3.4.1.7. Nâng cao hiểu biết của người dân về bảo hiểm

Thông qua những hoạt động phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng để từ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo hiểm trong cộng đồng. Từ đó, giúp người dân có cơ hội tìm hiểu và tiếp xúc với một vấn đề mới trong đảm bảo cuộc sống của mình. Giúp họ không bị lừa do thiếu hiểu biết và tránh được hậu quả từ việc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Một phần của tài liệu Yếu tố ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh ngành bảo hiểm Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 84)