nghiệp vừa và nhỏ, đa dạng hóa các ngành nghề sử dụng nhiều lao động nữ
Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hoá các ngành nghề và thành phần kinh tế là chính sách của Đảng và Nhà nước ta nhằm đưa nền kinh tế nước ta phát triển theo cơ cấu hợp lý, sử dụng tối đa tiềm năng và lợi thế của các thành phần kinh tế, đồng thời giải quyết có hiệu quả vấn đề việc làm cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Sự phát triển của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã giải quyết đáng kể công ăn việc làm cho lao động nữ. Tổng số lao động nữ năm 2008 của nước ta là 3.524.523 người, trong đó lao động nữ trong khu vực doanh nghiệp nhà nước chiếm 534.564 người; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 1.726.169 người và lao động nữ trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 1.236.362 người. Năm 2009, tổng số lao động nữ có việc làm trong các doanh nghiệp tăng lên 3.749.998 người, trong đó có cấu lao động nữ trong doanh nghiệp nhà nước là 14,91%; doanh nghiệp ngoài nhà nước là 50,6% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 34,49%.
Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Nhà nước ta cũng chủ trương phát triển và ban hành nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi các doanh nghiệp nhỏ và vừa không chỉ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước mà còn đóng góp đáng kể trong việc giải quyết việc làm mới mỗi năm cho người lao động, nhất là lao động nữ, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội… Hiện các doanh
nghiệp này sử dụng trên 50% lao động xã hội. Theo thống kê mới nhất, cả nước hiện có trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 98% số lượng doanh nghiệp với số vốn đăng ký lên gần 2.313.857 tỷ đồng (tương đương 121 tỷ USD) [29]. Số lượng doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng tăng lên. Theo số liệu của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 115.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, trong đó trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2010, phụ nữ làm chủ cơ sở chiếm 2,2% tổng số lao động nữ, trong đó khu vực thành thị là 4,7% và khu vực nông thôn là 1,3%[21]. Điều này cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ có xu hướng tăng nhanh. Nhiều hộ gia đình do phụ nữ làm chủ đã mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp và mục đích kinh doanh dẫn đến hình thành các nữ chủ doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực may mặc, thương mại, dịch vụ ăn uống, giải trí, nữ chủ trang trại...
Nếu như phương thức tạo việc làm thông qua sự phát triển đa dạng của các ngành nghề và sự xuất hiện của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu giải quyết việc làm cho bộ phận lao động nữ ở khu vực thành thị, thị xã, thị trấn thì đối với phụ nữ nông thôn, phát triển các làng nghề truyền thống đã chứng minh được hiệu quả rõ rệt, tạo điều kiện để lao động nữ nông thôn dễ tìm được việc làm tại chỗ nhằm cải thiện thu nhập và tận dụng thời gian nhàn rỗi. Hiện nay cả nước ta có khoảng 2.790 làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động, nhất là lao động nữ nông thôn lúc nông nhàn. Tuy nhiên, trong thời điểm nền kinh tế đang chịu tác động tiêu cực bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường của làng nghề bị thu hẹp, sức tiêu thụ trên thị trường trong nước cũng giảm sút nặng nề, các làng nghề đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề thách thức, trong đó nguy cơ hàng chục vạn lao động nông thôn có thể mất việc làm. Theo báo cáo của Chính phủ với Quốc hội trong quý I/2009, trong số 30,5 nghìn lao động nông thôn ở các làng nghề ở Việt Nam bị mất việc làm thì có đến 48% là phụ nữ. Đây là vấn đề cấp bách
cần được sự quan tâm nghiên cứu của Nhà nước, các cấp, các ngành và địa phương để sớm có những chính sách phù hợp nhằm khắc phục những khó khăn của làng nghề Việt Nam hiện nay [1].