- Những nhân tố về điều kiện tự nhiên
Tài nguyên thiên nhiên là yếu tố cơ bản của quá trình sản xuất vì nó vừa là đối tượng lao động, vừa là tư liệu lao động, là cơ sở quan trọng hàng đầu của sản xuất vật chất, tạo ra việc làm cho người lao động. Điều kiện tự nhiên là điều kiện đầu tiên có khả năng tạo thuận lợi hoặc gây khó khăn cho hoạt động sản xuất. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên không chỉ là tư liệu và đối tượng lao động, mà nó còn là cơ sở quan trọng hàng đầu của sản xuất vật chất, từ đó là tiền đề để hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động nhằm phát huy tối đa tiềm năng của con người, trong đó có lao động nữ. Thực tế cho thấy, quốc gia nào có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng sẽ tạo nên một cơ cấu kinh tế đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi trong
việc hoạch định và triển khai thực hiện chính sách giải quyết việc làm, khai thác và sử dụng có hiệu quả sức lao động, giúp người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn và tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, nếu quốc gia nào không nhận được sự “ ưu ái” về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên nhưng nếu biết khai thác tốt các nguồn lực khác, hoạch định các chính sách và giải pháp phù hợp với điều kiện của quốc gia thì vẫn có thể đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và giải quyết tốt vấn đề việc làm.
- Tâm lý xã hội, phong tục tập quán và vị thế của người phụ nữ trong xã hội
Người phụ nữ có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội nhưng có một thực tế là mặc dù xã hội ngày càng phát triển song vấn đề bất bình đẳng giới và vị thế của người phụ nữ trong xã hội chưa thực sự được bình đẳng so với nam giới trên mọi phương diện. Tâm lý xã hội vẫn còn tồn tại tư tưởng trọng nam, khinh nữ; nhiều người Việt Nam vẫn giữ những quan niệm cũ về hành vi “thích hợp” của người phụ nữ. Quan niệm người phụ nữ phải đặt gia đình lên trên hết, phải tuân thủ theo sự chỉ đạo của nam giới, thậm chí phải hy sinh cả sức khỏe và nguyện vọng cá nhân vẫn còn tồn tại trong xã hội. Họ bị giới hạn trong khuôn khổ gia đình, bị lệ thuộc và bị chi phối lớn bởi người chồng và không có nhiều điều kiện tiếp cận với các cơ hội lựa chọn việc làm. Kết quả là người phụ nữ có thể không biết đến hoặc không thể thực hiện quyền của họ đã được pháp luật công nhận, trong đó có quyền bình đẳng trên phương diện lao động và việc làm. Hơn thế nữa, một bộ phận phụ nữ cũng chưa nhận thức được hết được vai trò và vị thế của mình, chưa nhận thức được chính bản thân mình cần phải thoát ra khỏi tư tưởng phong kiến lạc hậu đó. Nhờ có các chủ trương, chính sách của Đảng, công tác tuyên truyền về bình đẳng giới được triển khai mạnh mẽ đã nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội, dần xoá bỏ tâm lý và phong tục Nho giáo phong
kiến lỗi thời để giải phóng người phụ nữ và tăng cường công tác bình đẳng giới trên nhiều phương diện. Nhờ có các chính sách của Đảng, Nhà nước và công tác vận động, tuyên truyền thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, phụ nữ đã dần thay đổi nhận thức về vị trí và vai trò của mình theo chiều hướng tích cực, tham gia đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Từ đó góp phần đẩy lùi các quan niệm lỗi thời, lạc hậu về vị thế của người phụ nữ, giúp người phụ nữ tự khẳng định vai trò của mình và độc lập về địa vị kinh tế so với nam giới.
- Năng lực của bản thân lao động nữ và tính tích cực trong tự tạo việc làm
Sức lao động luôn là nhân tố rất quan trọng trong quá trình tạo việc làm cho người lao động. Số lượng và chất lượng sức lao động của lao động nói chung và lao động nữ nói riêng là yếu tố rất quan trọng trong việc tạo việc làm. Trước hết, lao động nữ cần có sức khỏe để có khả năng làm việc, để thực hiện thiên chức mang thai và sinh con khỏe mạnh. Vì thế, người phụ nữ cần phải có nhận thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân đối, có kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, có ý thức trang bị các thiết bị đảm bảo vệ sinh và bảo hộ lao động. Trên thực tế, nguồn cung lao động nữ đang rất dồi dào nhưng số lao động nữ tìm kiếm được việc làm ổn định, điều kiện lao động đảm bảo và thu nhập tốt chưa nhiều. Loại bỏ những yếu tố khách quan cản trở quá trình tìm kiếm việc làm của lao động nữ ( như định kiến giới, tính cơ động thấp…) thì một yếu tố chính không thể phủ nhận là chất lượng sức lao động của một bộ phận lớn lao động nữ chưa đáp ứng được nhu cầu công việc đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật. Do đó, sự gia tăng về số lượng lao động cần phải gắn với việc không ngừng nâng cao chất lượng sức lao động mới đảm bảo đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động và đảm bảo các điều kiện thuận lợi trong quá trình giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nữ. Hiện nay, trình độ học vấn và
trình độ chuyên môn kỹ thuật của nguồn nhân lực nữ đang có chiều hướng nâng cao để đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường lao động. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng thực tế lực lượng lao động nữ chiếm một nửa lực lượng lao động của xã hội, lao động nữ ngày càng tham gia đông đảo vào thị trường lao động nhưng chất lượng còn thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của các ngành có trình độ cao. Hơn thế nữa, lao động nữ còn bị hạn chế về sức khoẻ, sinh lý và các ràng buộc trong cuộc sống gia đình nên họ thiệt thòi hơn nam giới trong việc tiếp cận và lựa chọn việc làm. Trong khi thị trường lao động còn đang bị phân loại theo giới tính, một số doanh nghiệp sử dụng lao động còn giữ những định kiến với lao động nữ trong việc tuyển dụng và sử dụng nên lao động nữ càng phải nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật. Có như vậy lao động nữ mới có thể đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động và thúc đẩy quá trình tự tạo việc làm cho bản thân mình, không chỉ là tự tạo việc làm, mà còn hướng tới việc làm bền vững có điều kiện lao động tốt và thu nhập cao.
Trong điều kiện nhà nước chưa tạo đủ chỗ việc làm cho người lao động, còn có nhiều người thất nghiệp và thiếu việc làm thì việc tự tạo việc làm là một vấn đề rất quan trọng. Thông qua các nguồn vốn của quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, người lao động nói chung, đặc biệt là lao động nữ nói riêng đã biết chủ động sử dụng nguồn vốn vay để tự tạo việc làm. Lao động nữ có thể sử dụng vốn vay để phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi; trồng trọt; phát triển các loại hình dịch vụ… Quá trình tự tạo việc làm là quá trình đem lại cơ hội việc làm, sử dụng tốt tiềm năng lao động nhằm tạo ra nguồn thu nhập vững chắc. Lao động nữ chủ động, tích cực tìm kiếm việc làm đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Quá trình tự tạo việc làm không chỉ giúp người phụ nữ khẳng định và nâng cao giá trị của bản thân, nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động, sự hiểu biết,
kinh nghiệm mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và tiến bộ của xã hội. Để quá trình tự tạo việc làm của phụ nữ đạt hiệu quả cao thì vai trò của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam là rất lớn bởi đây là tổ chức đại diện cho sức mạnh của phụ nữ và tổ chức này đã chứng tỏ được vai trò và sức mạnh của mình trong việc tạo nên thành công trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ.
- Tác động của cơ chế, chính sách xã hội
Bước vào quá trình đổi mới, nền kinh tế nước ta chuyển từ cơ chế kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Đảng và Nhà nước ta chủ trương đa dạng hoá các thành phần kinh tế, mở rộng và phát triển, tạo cơ hội bình đẳng cho các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Chính sự thay đổi của cơ chế kinh tế đã tạo ra bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo ra nhiều cơ hội hơn trong việc giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng. Với sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đã thu hút một lực lượng lao động nữ đông đảo, điều này đã góp phần quan trọng giải quyết việc làm và bảo đảm cuộc sống cho lao động nữ. Hơn nữa, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, nghị quyết về công tác đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH,HĐH) đất nước như Nghị quyết số 11- NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước”; tăng cường công tác giải quyết việc làm cho lao động nữ như Chiến lược quốc gia về việc làm cho lao động nữ; phê duyệt các Chương trình quốc gia về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nữ; các chính sách hỗ trợ phụ nữ học nghề như Quyết định 295/QĐ- TTg phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 - 2015”; ban hành các chính sách cụ thể khuyến khích và ưu tiên cho các doanh
nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ... đã tạo ra những thành quả to lớn trong quá trình giải quyết việc làm cho lao động nữ.
Không chỉ quan tâm công tác tạo việc làm cho lao động nữ, Nhà nước còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách như chính sách về quy hoạch và tuyển dụng lao động nữ, hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và các chính sách liên quan đến bảo hộ lao động của người sử dụng lao động đối với lao động nữ để đảm bảo quyền lợi thực sự của người phụ nữ. Chính sách bình đẳng giới cũng được quan tâm và triển khai mạnh mẽ nhằm xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, xoá bỏ các định kiến hẹp hòi cản trở phụ nữ tiến bộ. Việt Nam đã tăng cường thực hiện công tác bình đẳng giới trong cơ hội việc làm, tiếp cận với đào tạo và phát triển, bình đẳng trong tuyển dụng, trả lương, các chế độ trợ cấp và phúc lợi xã hội khác...
Chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho lao động nữ cũng được quan tâm hơn. Lao động nữ được ký hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm xã hội và được hưởng các chính sách phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn tìm mọi cách để “lách” luật, do đó quyền lợi của lao động nữ chưa thực sự được thực hiện đầy đủ.
Chính sách tiền lương là động lực thúc đẩy người lao động cống hiến nhưng trên thực tế chính sách này vẫn còn tồn tại những bất cập cần được điều chỉnh. Đặc biệt với lao động nữ, mức tiền lương hay tiền công mà họ nhận được lại thấp hơn nam giới nên cần có những lộ trình cải cách cho phù hợp để khắc phục triệt để sự bất bình đẳng trên phương diện thu nhập.
Chính sách ưu tiên trong tuyển dụng lao động và đào tạo nghề dự phòng cho lao động ngoài nghề là vấn đề cần được quan tâm ở mỗi doanh nghiệp để việc sử dụng lao động được dễ dàng, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý nhưng có rất ít doanh nghiệp thực hiện quy định về đào tạo nghề dự
phòng cho người lao động, nhất là lao động nữ ( trên thực tế chỉ khoảng 5% doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề dự phòng cho lao động nữ). Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính thích ứng của người lao động trong quá trình nền kinh tế có nhiều chuyển đổi về cơ cấu sản xuất, kinh doanh như hiện nay.