3.3.1. Các kiến nghị với hiệp hội
Ngành kinh doanh kim loại màu là một ngành hàng mang tính đặc thù cao, khách hàng của công ty hầu hết là các doanh nghiệp, mỗi một biến động dù là nhỏ của thị trường cũng làm ảnh hưởng đến doanh thu, chi phí và lợi nhuận của toàn ngành. Chính vì vậy công tác dự báo thị trường và cập nhật những thông tin hoạt động của ngành là rất quan trọng. Để đảm bảo cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phía hiệp hội cần quan tâm đến các vấn đề sau:
Thứ nhất: nâng cao năng lực dự báo, nhận biết các thay đổi trong chính sách của nhà nước, thay đổi trên thị trường, đặc biệt là về giá cả thị trường, chính sách tài khóa, tiền tệ,thuế quan, các điều kiện kinh tế thương mại…
Thứ hai: thường xuyên cập nhật đầy đủ thông tin thay đổi từ phía nhà nước cũng như các biến động của thị trường để cung cấp cho các doanh nghiệp một cách sớm nhất và nhanh nhất thông qua các kênh thông tin nội bộ ngành như website ngành,…
Thứ ba: dự báo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng kim loại màu để họ chủ động trong việc định hướng hoạt động, đón nhận các thời cơ và tránh những thách thức.
Thứ tư: hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác đào tạo nhân lực, tăng cường chuyên môn sản xuất, kinh doanh…
Tóm lại, hiệp hội là cầu nối giữa các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý và thị trường, nên hiệp hội đóng vai trò như kim chỉ nam giúp các doanh nghiệp có định hướng tốt nhất cho hoạt động của mình.
3.3.2. Các kiến nghị với Nhà nước
Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chưa ổn định, quá trình CNH – HĐH diễn ra mạnh mẽ, kéo theo đó là hoạt động thương mại diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Do đó, sự ảnh hưởng của suy thoái kinh tế tới hoạt động kinh doanh của công ty ngày càng sâu rộng, do đó muốn hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đó, Chính phủ cần hoàn thiện những vấn đề sau:
- Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn. Vốn luôn là yếu tố quan trọng đối với doanh nghiệp trong việc mở rộng và nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh, do đó khả năng tiếp cận vốn có ý nghĩa sống còn đối với doanh nghiệp. Ngân hàng nhà nước cần thực hiện các giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
- Hiện nay các ngân hàng đều cho vay theo hình thức thế chấp. Vì thế, các doanh nghiệp muốn vay một khoản lớn thì cần phải có tài sản thế chấp lớn hơn số vốn vay. Điều này thực sự gây khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, Chính phủ cần thực hiện chính sách bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn và thực hiện cho vay theo hình thức cam kết.
- Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật, các thủ tục cấp phép, kiểm tra hàng hoá còn nhiều bất cập gây khó khăn và mất nhiều thời gian của các doanh nghiệp. Chính phủ cần tiến hành cải cách thủ tục kinh doanh, rút ngắn thời gian mua bán hàng hóa, đơn giản thủ tục hoàn thuế, đồng thời liên kết với các trung tâm kiểm nghiệm, đo lường chất lượng hàng hoá để giảm bớt sự phiền hà, tiết kiệm thời gian cho các doanh nghiệp kinh doanh.
3.3.3. Kiến nghị đối với doanh nghiệp
Công ty nên có chế độ đãi ngộ đặc biệt với những nhân viên và đại lý giúp doanh nghiệp hoàn thành việc bán hàng với số lượng lớn, đem lại doanh thu cao cho công ty.
Thường xuyên hơn nữa tổ chức các khóa học đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Đặc biệt là nhân viên phòng kinh doanh.
Có những chính sách hỗ trợ các đại lý, thường xuyên cử nhân viên tới các thị trường mới. Một mặt là tìm hiểu thị trường, mặt khác là có thể hỗ trợ về sản phẩm, lắp đặt, chuyển giao kỹ thuật cho các đại lý.
Đầu tư nhiều trang thiết bị hơn nữa phục vụ hoạt động kinh doanh.