Nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao là yếu tố cực kỳ quan trọng để đạt năng lực cạnh tranh cao của điểm đến du lịch nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng. Trong gần 20 năm qua, số lượng lao động trong ngành du lịch tăng nhanh. Đến năm 2009, Việt Nam đã có gần 300.000 lao động trực tiếp (phần đông từ các ngành khác chuyển sang) và trên 700.000 lao động gián tiếp phân bổ trên phạm vi cả nước (miền Bắc 40%, miền Trung 10%, miền Nam 50%). Lao động quản lý chiếm tỷ trọng khá cao (25%); lao động phục vụ trực tiếp ở các ngành nghề chuyên sâu chiếm 75%, trong đó lễ tân là 9%, phục vụ buồng là 14,8%, phục vụ ăn uống (bàn, bar) là 15%, nhân viên nấu ăn là 10,6%, nhân viên lữ hành và hướng dẫn viên là 4,9%, nhân viên lái xe, tàu du lịch là 10,6% và 36,5% còn lại là lao động làm các nghề khác. Trong tổng số có 56,86% lao động được đào tạo (0,21% cán bộ đạt trình độ sau đại học; 12,75% đại học và cao đẳng; 25,8% trung cấp và 18,1% sơ cấp (nghề). Nhưng nhìn chung tỷ lệ lao động du lịch đang khá khiêm tốn khi đặt trong tổng số lao động cả nước, chỉ chiếm 2,38%. Nếu tính nguồn lao động trực tiếp thì chỉ chiếm 0,58% trong tổng số 45 triệu lao động. Trong khi đó, du lịch đang được hướng tới mục tiêu là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Số lượng nhân lực du lịch với 1,5 triệu lao động như hiện nay là chưa đảm bảo, trong tổng số nguồn nhân lực của ngành Du lịch hiện nay, số lao động trực tiếp bậc thấp chiếm tỷ trọng lớn (30%). Số hướng dẫn viên, lễ tân, phục vụ nhà hàng… có tỷ lệ sử dụng ngoại ngữ tương đối cao, nhưng số sử dụng tốt 2 ngoại ngữ còn hiếm. Kiến thức hội nhập, tin học, năng lực quản lý và kinh nghiệm thực tiễn chưa tương ứng với yêu cầu phát triển của Ngành. Trong thời gian tới, mỗi năm cần đào tạo thêm khoảng 25.000 lao động mới đáp ứng đủ nhu cầu bởi số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tăng mạnh cũng như các cơ sở lưu trú, sân golf, khu giải trí cao cấp đang được
xây dựng và hoàn thiện cần thêm nhiều lao động có trình độ tay nghề cao. Điều này đòi hỏi lớn sự nỗ lực của công tác đào tạo chuyên ngành du lịch.
Cả nước hiện có 284 cơ sở tham gia đào tạo du lịch, trong đó có 62 trường đại học, 80 trường cao đẳng, 117 trường trung cấp, 2 công ty đào tạo và 23 trung tâm, lớp đào tạo nghề. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo du lịch chủ yếu tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Huế. Nhiều địa phương có tiềm năng và điều kiện phát triển du lịch nhưng chưa có trường đào tạo du lịch. Do vậy, lực lượng lao động ở đó chủ yếu là chưa được đào tạo, chất lượng thấp. Cũng có một số địa phương có cơ sở đào tạo du lịch nhưng đội ngũ giáo viên thiếu và yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, chất lượng đào tạo thấp.
Số lượng lao động trong các bộ phận phục vụ ăn uống và nấu nướng chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng số lao động ngành du lịch, chiếm khoảng 25%. Hiện nay, số lượng lao động trong lĩnh vực này cũng đã không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, số lượng này vẫn chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu. Nhắc đến du lịch văn hóa ẩm thực không thể không nhắc tới bộ phận lao động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thực phẩm trên, đặc biệt là lao động trong các làng nghề ẩm thực. Lao động trong các làng nghề ẩm thực hầu hết là lao động phổ thông. Những kiến thức, kinh nghiệm họ có được thường là do thế hệ trước truyền lại hoặc tự mày mò học. Hầu như không có trường lớp nào đào tạo về lĩnh vực này. Vì vậy, kiến thức nghề thường không được phổ biến và có thể dẫn tới thất truyền nghề hoặc làm mất đi tính nguyên gốc của nghề. Vì vậy, bài toán đặt ra là thu hút, đào tạo được các thế hệ sau để có thể gìn giữ và phát huy các nghề truyền thống của địa phương