BÀI 2: LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN VỎ TRÁI ĐẤT TRONG NGUYÊN ĐẠI CỔ SINH
2.1.1.1. Lịch sử phát triển của vỏ Trái Đất
Từ Cambri có 6 lục địa lớn hình thành từ sự phá vỡ siêu lục địa Rodinia, còn có nhiều tiểu lục địa, nhiều dãy cung đảo đi kèm các vi mảng trong PZ, bao gồm:
Laurentia (phần lớn vùng đất của Bắc Mỹ, Greenland, Tây Bắc Ireland, Scotland) Baltica hay Đông Âu (gồm lãnh thổ Nga phía tây dãy Ural, phần lớn lãnh thổ Bắc Âu) Siberia (phần phía đông dãy Ural của Nga, lãnh thổ Châu Á thuộc Nga, bắc Kazakhstan và Nam Mông Cổ).
Kazakhstan (một lục địa hình tam giác với hạt nhân là Kazakhstan nhưng trong PZ có thể bao gồm cả một phần của lục địa Siberia). Cũng có thể coi đại bộ phận Mông Cổ và một bộ phận của Siberia thuộc một lục địa riêng – lục địa Mông Cổ, trong PZ nằm giữa hai lục địa Kazakhstan và Siberia.
Trung Quốc (bao gồm hai lục địa Hoa Bắc và Hoa Nam)
Gondwana gồm Châu Phi, Madagasca, Ấn Độ, Nam Cực, Australia, Nam Mỹ, Florida của Mỹ và Mexico, một phần của Nam Âu và Trung Đông, Gondwana cũng bao gồm nhiều lục địa hiện nay thuộc Châu Á như Đông Nam Á (Đông Dương, Malaysia), Tây Tạng, Arabia và các vùng khác của Cận Đông.
Bồn đại dương thứ nhất là Iapetus hay Đại Tây Dương nguyên thủy ngăn cách giữa Bắc Mỹ, Greenland (Laurentia) với nền Nga (Baltica). Rìa đông của Laurentia bao gồm cả
Chucotca, Spitsberg, còn rìa đông nam – bao gồm cả Scotland của nước Anh hiện nay. Bồn đại dương thứ hai là Paleoasia (Cổ Á Châu) phân cách Baltica và Đông Siberia với các lục địa Tarim và Trung – Triều
Bồn đại dương thứ ba là Paleotethys (Cổ Địa Trung Hải) ngăn cách Gondwana với Bắc Mỹ (Laurentia), khối Tarim, Trung Triều.Bồn đại dương này nối liền với Paleopacific (Cổ Thái Bình Dương). Tất cả những lục địa vừa nêu cùng với Gondwana trong Cambri nằm ở vĩ độ thấp hoặc vùng khí hậu ấm.
Trong suốt thời gian kéo dài 70 triệu năm của kỉ ϵ, hoạt động địa máng diễn ra mạnh mẽ. Đầu kỉ ϵ biển lấn ở nhiều khu vực của các địa máng và nền, các nền Siberia và Trung Quốc có diện tích ngập rất lớn, các nền Đông Âu, Bắc Mỹ, Gondwana biển ngập ở phần rìa địa máng. Biển càng rộng hơn ở ϵ2, sang ϵ3 chỉ ở nền Bắc Mỹ là biển lan rộng hơn, trong khi các nền khác như Đông Âu(bề dày trầm tích là 100 – 200m), Siberia (trầm tích dày 2.000m), Trung Quốc (bề dày trầm tích chỉ 500m) diện tích biển lại thu hẹp. Đặc biệt riêng khối nền Gondwana rộng lớn ngay từ đầu kỉ ϵ nó đã thể hiện tính chất của một lục địa nâng cao vững chắc, diện tích bị biển ngập chỉ ở phần rìa nền tiếp giáp với địa máng Đông Úc, khu vực Amazon ở Nam Mỹ, Bắc Phi.
Các địa máng bước vào giai đoạn đầu của chu kì địa máng. Tốc độ sụt võng của các địa máng tuy có khác nhau nhưng nó đều hình thành những hệ tầng trầm tích lục nguyên dày.Địa máng Đại Tây Dương có nơi đạt 3-4km; địa máng Địa Trung Hải từ 1,2 – 1,5km, hệ địa máng Uran dày 1,5km; địa máng Catazia dày 2km, có chỗ dày 8km, địa máng Đông Úc dày 7,5km. Trừ khu vực Antai – Saianở các địa máng khác nhau hầu như không có thành phần đá phun trào trong các thành hệ trầm tích.Hoạt động địa máng ở khu vực Antai – Saian diễn ra sớm hơn các khu vực địa máng khác. Trong ϵ1 và ϵ2, ở khu vực này có chế độ sụp võng lớn, bề dày trầm tích lớn tới 7km, hoạt động phun trào mạnh mẽ. Cuối ϵ2 bắt đầu có chuyển động nâng và xâm nhập bazic. Đến ϵ3 thì có hoạt động kiến tạo kèm theo xâm nhập axit.
Cuối kỉ Cambri có pha uốn nếp Salair9, pha sớm nhất của chu kỳ tạo núi Calêđôni. Pha này cơ bản đã kết thúc chế độ địa máng ở Antai – Saian, hình thành cấu trúc Salairid. Hoạt động tạo núi này kéo kèm theo biển lùi ở nền Siberia. Ở các khu vực khác hoạt động tạo núi mang tính khu vực và yếu hơn như tạo núi Quinghai (Thanh Hải) ở Hoa Bắc, tạo núi Benambri ở Đông nam Úc.