Những quy định BLHS năm 1985

Một phần của tài liệu Những vấn đề lý luận và thực tiễn về tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Luật Hình sự Việt Nam (Trang 34)

Trong lời nói đầu Bộ luật Hình sự năm 1985 khẳng định: “Bộ luật hình sự này kế thừa và phát triển Luật hình sự của Nhà nước ta từ Cách mạng tháng Tám đến nay, tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm ở nước ta trong mấy chục năm qua và có dự kiến tình hình diễn biễn của tội phạm trong thời gian tới”. Bộ luật Hình sự năm 1985 ra đời và qua bốn lần sửa đổi, bổ sung vào các ngày 28/12/1989; 12/8/1991; 22/12/1992; 10/5/1997 là công cụ quan trọng góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Bộ luật Hình sự được Quốc hội khóa VII kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 27/6/1985 là một dấu mốc quan trọng nhất trong sự phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam. Nó là công cụ quan trọng để đấu tranh phòng chống tội phạm. “Có thể khẳng định, mang tính hệ thống hóa, pháp điển hóa sâu sắc, Bộ luật Hình sự 1985 ra đời là một thành tựu lớn của trí tuệ lập pháp hình sự nước ta, đã có tác

dụng to lớn trong công cuộc bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, góp phần tích cực vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”.

Phần chung cũng như phần các tội phạm cụ thể được quy định một cách chặt chẽ, lôgíc, tỉ mỉ, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam trên con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, đồng thời có sự tham khảo Luật hình sự của các quốc gia khác trên thế giới. Một số thuật ngữ được chuẩn hóa như: “vị thành niên” được đổi thành “người chưa thành niên”; “cộng phạm” đổi thành “đồng phạm”...

Sau khi Bộ luật hình sự ra đời, các ngành nội chính ở Trung ương đã có văn bản hướng dẫn như Thông tư liên ngành số 04/TTLN ngày 2-11-1985 của Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự. Tòa án nhân dân tối cao cũng đã có các văn bản hướng dẫn thực hiện một số quy định liên quan đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự như:

- Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05-01-1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS.

- Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29-11-1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số qui định trong Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.

- Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 26-12-1986 của TAND tối cao, VKSND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ về giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt và chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp.

- Thông tư liên tịch TAND tối cao - VKSND tối cao - Bộ Nội vụ số 01/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02-01-1998 hướng dẫn áp dụng một số qui định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 1985.

Tuổi chịu trách nhiệm hình sự là một chế định quan trọng được quy định ngay tại phần chung cùng nhiều chế định về trách nhiệm hình sự với một số độ tuổi nhất định. Tại phần riêng của Bộ luật cũng đã có những quy định hàm chứa nội dung tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Trên cơ sở căn cứ khoa học cũng như từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm có thể nói Bộ luật hình sự 1985 đã có một bước phát triển vượt bậc thể hiện trình độ cũng như kỹ thuật lập pháp của nước ta. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 58:

“Tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

1- Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý.

2- Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.”

Thống nhất cách tính tuổi chịu trách nhiệm hình sự được hướng dẫn chi tiết tại nội dung A, mục IX trong Nghị quyết 02/HĐTP ngày 05-01-1986 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:

“Theo quy định của Bộ luật hình sự thì người chưa thành niên đủ 14 tuổi trở lên phạm tội thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Người chưa đủ 14 tuổi mà có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không có trách nhiệm hình sự, do đó, không được truy tố xét xử họ về hành vi đó.

Đối với người chưa thành niên đủ 14 tuổi trở lên thì luật cũng có sự phân biệt:

- Người đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội nghiêm trọng do cố ý. Do đó, hành vi nguy hiểm do vô ý thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự.

- Người đủ 16 tuổi trở lên phạm tội thì phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm.

Cách tính tuổi do luật quy định là "đủ 14 tuổi", hoặc "đủ 16 tuổi", tức là tính theo tuổi tròn. Thí dụ sinh 1-1-1975 thì 1-1-1989 mới đủ 14 tuổi. Trong trường hợp không có điều kiện xác định được chính xác ngày sinh thì tính ngày sinh theo ngày cuối cùng của tháng sinh và nếu cũng không có điều kiện xác định chính xác tháng sinh thì xác định ngày sinh là 31-12-năm sinh.”

Như vậy quy định của Bộ luật hình sự cũng như theo hướng dẫn tại Nghị quyết 02 có thể thấy rằng cách tính tuổi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khoa học luật hình sự là tính tuổi tròn, tức là phải đủ cả về ngày và tháng, quy định này hoàn thiện và áp dụng cho cả pháp luật hiện hành.

Người chưa đủ 14 tuổi mà có hành vi nguy hiểm cho xã hội thì không có trách nhiệm hình sự, do đó, không được truy tố xét xử họ về hành vi bất kỳ một hành vi nào, kể cả những hành vi gây nguy hại cho xã hội rất lớn, khung hình phạt đối với tội phạm ấy nghiêm khắc thì cũng không truy cứu trách nhiệm hình sự người chưa đủ 14 tuổi.

Theo Khoản 1 Điều 58 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý.” Theo đó không phải người nào từ đủ 14 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đều phải chịu trách nhiệm hình sự mà người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nghiêm trọng do cố ý.

Khoản 2 Điều 8 BLHS 1985 quy định: “Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên năm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Những tội phạm khác là tội phạm ít nghiêm trọng.”

Nếu người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 16 tuổi thực hiện hành vi nguy hiểm thuộc tội phạm ít nghiêm trọng tức tà trong trường hợp gây nguy hại không lớn cho xã hội hoặc mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 5 năm tù thì hành vi đó không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 102 BLHS 1985, khung hình phạt cao nhất đối với tội này là đến ba năm tù. Do đó, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có hành vi giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Hoặc với rất nhiều tội danh được quy định trong BLHS mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự như: Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát (Điều 106), Tội cố ý không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng (Điều 107), Tội đe dọa giết người (Điều 108), Tội không tố giác tội phạm (Điều 247)...

Đồng thời những hành vi nguy hiểm cho xã hội do vô ý tức là trong các trường hợp sau:

“- Người phạm tội do cẩu thả mà không thấy trước khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước

- Người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được” (Điều 10. Vô ý phạm tội)

Trong những trường hợp trên thì người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự. Hành vi đó có thể cấu thành tội phạm mà mức cao nhất của khung hình phạt có thể trên năm năm tù, có thể gây nguy hại lớn cho xã hội thì người chưa thành niên dưới 16 tuổi cũng không phải chịu trách nhiệm hình sự:

Ví dụ: Tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 104 BLHS 1985, khung hình phạt cao nhất đối với tội này lên đến mười lăm năm nhưng vì hình thức lỗi của tội phạm này là vô ý nên người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi này.

Những người từ đủ 14 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi hay là người chưa thành niên có thể phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên trong BLHS năm 1985 đã dành một chương quy định những vấn đề đối với người chưa thành niên (từ điều 57 đến điều 67) trong đó bao gồm nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội:

Quy định những nguyên tắc cơ bản về xử lý những hành vi phạm tội của người chưa thành niên (Điều 59);

Các biện pháp tư pháp và hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội: Các hình phạt bao gồm: Cảnh cáo, cải tạo không giam giữ; tù có thời hạn, Các biện pháp tư pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa do Tòa án quyết định gồm có: Buộc phải chịu thử thách; đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 60);

Quy định khá chi tiết từng biện pháp tư pháp và từng hình phạt có thể được áp dụng đổi với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi (từ Điều 61 đến điều 64)

+ Buộc phải chịu thử thách là biện pháp tư pháp có thể áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, Tòa án có thể quyết

định buộc phải chịu thử thách từ một năm đến hai năm, chịu sự giám sát, giáo dục của chính quyền cơ sở và tổ chức xã hội được Tòa án giao trách nhiệm, sau ½ thời gian chấp hành có thể được chấm dứt thời gian thử thách nếu có nhiều tiến bộ (Điều 61).

+ Đưa vào trường giáo dưỡng có thể áp dụng đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu do tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội, do nhân thân và môi trường sống của họ cân đưa họ vào một tổ chức giáo dục có kỷ luật chặt chẽ, thời hạn là từ một đến 3 năm, sau khi chấp hành ½ thời gian có thể được chấm dứt thời hạn ở trường giáo dưỡng (Điều 62).

Hai biện pháp tư pháp đó là biện pháp có tính chất giáo dục, phòng ngừa mà chỉ có thể áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không được áp dụng đối với độ tuổi khác trong luật hình sự;

Bên cạnh đó trong chương VII những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội này còn đưa ra hệ thống hình phạt áp dụng với người chưa thành niên phạm tội trong đó chú ý: Không khấu trừ thu nhập của người bị áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ (Điều 63); Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình thì mức phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi trở lên khi phạm tội là hai mươi năm tù và đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi là mười lăm năm tù. Nếu điều luật quy định hình phạt cao nhất là hau mươi năm tù thì mức phạt cao nhất áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là không quá mười hai năm tù. (Điều 64)

Không bị coi là có án đối vơi người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi khi người đó được áp dụng biện pháp từ pháp quy định tại K1 Điều 60.

Bên cạnh những quy định ở phần chung thì trong phần các tội phạm cụ thể BLHS 1985 cũng có những quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự:

Trong chương các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia phần lớn là các tội phạm nghiêm trọng, tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội, mức cao nhất đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thường là trên 5 năm tù (tội phạm nghiêm trọng theo BLHS 1985), tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Như vậy thì phần lớn các tội danh trong chương các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia

thì nếu người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đều có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy những người ở độ tuổi này thường không phải chịu trách nhiệm hình sự mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia là từ đủ 16 tuổi trở lên.

Tội giao cấu với trẻ em - Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1985 được sửa đổi, bổ sung 2 lần theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật hình sự đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 28-12-1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật hình sự đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 10-5-1997 quy định:

“1. Người nào đã thành niên mà giao cấu với trẻ em từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:

a. Phạm tội nhiều lần; b. Có tính chất loạn luân; c. Làm nạn nhân có thai;

d. Gây tổn hại nặng cho sức khỏe của nạn nhân.

3. Phạm tội trong trường hợp có nhiều tình tiết quy định tại Khoản 2 Điều này, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm.”

Theo quy định tại điều luật thì độ tuổi của người phạm tội là căn cứ quan trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi giao cấu với trẻ em. Chủ thể thực hiện hành vi này là người đã thành niên tức là người từ đủ 18 tuổi trở lên mà người đó giao cấu với trẻ em. Đối với tội danh này, yêu cầu người thực hiện hành vi phải có nhận thức về mặt tâm sinh lý nhất định, đối với những người chưa thành niên, thường chưa phát triển và nhận thức đầy đủ về tâm sinh lý.

Ngoài ra trong Bộ luật hình sự 1985 cũng có một số tội danh mà chủ thể thực hiện hành vi phải là những người phải đạt độ tuổi nhất định. Khoản 1, Điều 206. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự: “1. Người nào đang ở lứa tuổi làm nghĩa vụ quân sự mà không chấp hành đúng những quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không

chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”

Theo luật nghĩa vụ quân sự thì chủ thể của tội phạm này phải là công dân Việt Nam đang ở trong lứa tuổi phải làm nghĩa vụ quân sự, đó là:

Một phần của tài liệu Những vấn đề lý luận và thực tiễn về tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo Luật Hình sự Việt Nam (Trang 34)