GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ BIỆN PHÁP TỊCH THU VẬT,

Một phần của tài liệu Biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 97)

PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VỀ BIỆN PHÁP TỊCH THU VẬT, TIỀN TRỰC TIẾP LIÊN QUAN ĐẾN TỘI PHẠM

Biện pháp tư pháp có tác dụng rất lớn góp phần phục hồi lại công lý, sự công bằng xã hội, cải tạo giáo dục và đặc biệt là loại bỏ những điều kiện xã hội thuận lợi cho việc tái phạm của người bị kết án cùng với tác dụng không nhỏ trong công tác phòng ngừa chung đối với các cá nhân không vững vàng trong xã hội.

Trong BLHS hiện hành của nước ta đã quy định đồng thời 3 biện pháp cưỡng chế về TNHS có liên quan đến tài sản, đó là: hình phạt tiền, hình phạt tịch thu tài sản và biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm.

Nhưng trong khi Điều 41 – BLHS năm 1999 của nước ta quy định tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm là biện

pháp tư pháp thì LHS nhiều nước trên thế giới lại quy định nó là hình phạt tịch thu tài sản. Thực tiễn cho thấy, trong khi xét xử vụ án hình sự nếu Tòa án xác định được vật hoặc tiền có liên quan tới tội phạm thì tòa án quyết định tịch thu và tuỳ thuộc vào tính chất của đối tượng bị tịch thu mà tòa án quyết định tiêu hủy hoặc sung vào quỹ của Nhà nước. Còn đối tượng của tịch thu tài sản là các tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người phạm tội hoặc cũng có thể là tài sản do thu lợi bất chính mà họ có nhưng cơ quan chức năng không thể chứng minh được. Vì tính chất gần gũi của hai loại biện pháp này nên đó cũng là lý do thực tế ít khi tòa án áp dụng hình phạt tịch thu tài sản.

Để mỗi biện pháp cưỡng chế về hình sự một khi đã được quy định trong BLHS đều phải đảm bảo được tính khả thi tối đa thì chúng ta phải có hệ thống các biện pháp cưỡng chế về hình sự đảm bảo tính khách quan, rõ ràng, thống nhất, không nên để có sự nhầm lẫn, khó phân biệt giữa các biện pháp đó, dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất. Từ thực tiễn áp dụng pháp luật của nước ta, đồng thời, dựa vào kết quả nghiên cứu so sánh với pháp luật hình sự các nước trên thế giới, chúng ta cần nghiên cứu kết hợp đồng nhất biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm với hình phạt tịch thu tài sản thành một biện pháp có tính chất khái quát, bao trùm cả phạm vi của hai biện pháp nói trên. Theo xu hướng chung của LHS nước ngoài, chúng ta có thể sát nhập nội dung của biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm vào hình phạt tịch thu tài sản, vẫn giữ tên gọi là hình phạt bổ sung tịch thu tài sản:

1. Việc tịch thu tài sản được áp dụng đối với:

a, Công cụ, phương tiện đã sứ dụng hoặc nhằm sử dụng vào việc phạm tội;

b, Tài sản do phạm tội mà có; c, Vật là hàng cấm;

d, Một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của người phạm tội.

2. Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

3. Vật, tiền thuộc tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm thì có thể bị tịch thu, sung quỹ Nhà nước.

4. Trong trường hợp không thể tịch thu hết toàn bộ vật, tiền liên quan đến tội phạm thì có thể truy thu số tiền đó hoặc quy đổi thành số tiền tương ứng để tịch thu.”

Song song với việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1999, chúng ta phải sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003 để đảm bảo sự toàn diện, khách quan và thống nhất trong thực thi:

- Quy định trình tự, thủ tục, biện pháp và thẩm quyền xác định chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp của vật, tiền mà người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép.

- Có những văn bản hướng dẫn và chế tài cụ thể đối với việc xử lý vật chứng không đúng thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát vì thực tế rất nhiều vụ án khi hồ sơ chuyển sang Tòa án thì vật chứng của vụ án đã được xử lý từ giai đoạn điều tra hoặc truy tố mặc dù không phải là vụ án được đình chỉ

như quy định tại Điều 76 BLTTHS.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm, cần phải:

- Nghiên cứu bổ sung quy định chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm thi hành biện pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm đối với người thân thích (cha, mẹ) của người thành niên phạm tội chưa có điều kiện thi hành án còn sống phụ thuộc vào gia đình (trước khi phạm tội và đi thụ hình).

- Khi xét xử, Tòa án cần nghiên cứu đến tính khả thi của bản án để quyết định các hình phạt phù hợp với tình hình thực tế cuộc sống vì rất nhiều trường hợp khi xét xử, Tòa vẫn biết đương sự không còn tài sản để thực hiện bản án nhưng vẫn tuyên phạt số tiền phải thi hành án quá lớn, dẫn đến nhiều vụ án không thi hành được và có trường hợp trong quá trình xét xử không kê biên tài sản nên đương sự đã tẩu tán hoặc chuyển dịch quyền sở hữu, do đó cơ quan Thi hành án gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

- Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong thi hành án, cần phải sửa đổi và quy định mô hình tổ chức, cơ chế thi hành án; công tác quản lý thi hành án giữa thi hành án dân sự và thi hành án hình sự theo hướng gộp cả thi hành án dân sự và Thi hành án hình sự do Bộ Tư pháp thống nhất quản lý và tổ chức thi hành (cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp tổ chức thi hành).

- Tránh tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong việc phối hợp, nhằm giúp cho hoạt động thi hành án đạt được

hiệu quả, cần phải ban hành quy chế phối hợp thi hành án, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho các cơ quan hữu quan khi tổ chức thực hiện; đồng thời phải quy định chế tài hành chính và chế tài về hình sự đối với các cơ quan, ban ngành hữu quan và cá nhân có thẩm quyền khi không phối hợp, thực hiện những yêu cầu của cơ quan Thi hành án, Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án như: xác minh điều kiện thi hành án, cưỡng chế thi hành án [50].

Bên cạnh việc sửa đổi pháp luật, cần phải tăng cường yếu tố tâm lý, yếu tố xã hội của hình phạt bổ sung nói chung, hình phạt tịch thu tài sản nói riêng trong thực tiễn áp dụng và thi hành pháp luật, cũng như việc tăng cường khả năng tiếp thu nó đối với người bị kết án. Nhà nước cần phải có chính sách pháp luật toàn diện, đồng bộ không những trong lĩnh vực xây dựng pháp luật mà còn ở khía cạnh áp dụng và cả trong thi hành hình phạt này.

Một phần của tài liệu Biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 97)