Đã là một thanh niên trưởng thành khi có nghề nghiẽp, chắc bạn có thể tự tạo dựng được cho mình một tâm thế bình ổn ở mức tối thiểu. Vào nghề, bạn phải có “tâm bình” mới dễ dàng giao tiếp, chia sẻ, hỗ trợ cho đối tác được “bình tâm”. Không ai có thể truyền cho người khác điều mà mình không có, hoặc có mà mang “khuyết tật”. Nghề nào cũng có những khắc nghiệt riêng của nó. Bạn chớ ảo tưởng khi đứng ngoài nhìn vào hào quang của một nghề “lòe loẹt hình thức”.
Vâng, có hào quang, nhưng phía sau hào quang (và ngay cả dưới ánh đèn) là những mảng tối, lắm chông gai (có thể nhiều cạm bẫy). Nếu tâm bạn không bình ổn, trí bạn sẽ bị rối, bạn dễ bị sốc trong nghề khi gặp tai ương. Bởi vậy, bạn phải tạo được một nền tảng của thế quân bình và cách thức xả stress để ổn định tâm lý khi tiếp cận và làm việc với mọi đối tác. Đối tác trong nghề nghiệp thường có người rất khó tính, ương ngạnh, thậm chí càn quấy, phụ bạc, phản thùng… Sự bình tâm sẽ giúp bạn giữ vững tinh thần, có khi biết nhịn nhục và mềm mỏng cho qua cơn sốc. Vượt qua cú sốc là bạn tự vượt thắng !
Theo Jack Canfield, tạo được sự ổn định tâm lý và dựng được lợi thế quân bình sẽ là hai “nguồn hôn phối” để “thụ tinh” ra mầm sống THÀNH ĐẠT. “Bào thai” ấy cứ vậy mà lớn lên trong quá trình vào đời và lập nghiệp, miễn rằng bạn không quên thường xuyên nuôi dưỡng nó. Khi đó, bạn càng thực sự chí thú với nghề, dấn thân vào nghề và... sẵn sàng đón nhận “nghiệp” của nó (*) trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả lúc thất bại. Ngay cả lúc thành công, sự bình tâm cũng giúp bạn không kiêu căng.
Jack Canfield cho hay, đối lập với tâm bình còn là BẤT AN và BẤN LOẠN. Người làm những nghề trực tiếp giao dịch với đối tác cần cố gắng chủ động tránh được điều đó khi gặp phải nghiệp chướng(*).