Nghệ thuật dân gian

Một phần của tài liệu Văn hóa sinh thái của người dao quần chẹt tại vườn quốc gia Ba Vì xã Ba Vì huyện Ba Vì thủ đô Hà Nội (Trang 58)

7. BỐ CỤC CỦA ĐỀ TÀI

2.2.2Nghệ thuật dân gian

Trong đời sống văn hóa của mỗi tộc người, những hình thức nghệ thuật là không thể thiếu trong việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị về tinh thần của con người. Mỗi một tộc người lại có những giá trị văn hóa tinh thần, những hình thức nghệ thuật dân gian đặc trưng riêng biệt. Trong đó, thơ ca dân gian là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Thơ ca là hình thức nghệ thuật đặc biệt sử dụng chất liệu ngôn từ, thông qua hình tượng nghệ thuật mà khắc họa nên những bức tranh muôn màu muôn vẻ của cuộc sống con người, thiên nhiên, tình yêu đôi lứa.

Nguồn gốc của thơ ca không hề xa lạ mà nó bắt nguồn ngay từ chính trong những hoạt động lao động sản xuất của con người. Đối với cư dân nông nghiệp mà đặc biệt là những tộc người cư trú nơi núi rừng hoang vắng thì thơ

ca là hình thức văn nghệ giúp họ xua tan những phiền toái, mệt mỏi, căng thẳng những khi lao động. Ban đầu, đơn giản chỉ là những câu nói có vần, có điệu. Sau đó, qua thời gian phát triển những câu thơ, câu hát đó được tập hợp lại theo những chủ đề trong cuộc sống tạo thành những bài thơ, bài ca được truyền thụ cho nhiều thế hệ. có thể nói, trước hết thơ ca dân gian là sản phẩm của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Không chỉ có nguồn gốc ra đời xuất phát từ lao động sản xuất, thơ ca dân gian còn chịu tác động trực tiếp và bị tri phối bởi các hình thức thái tôn giáo, tín ngưỡng. Cũng chính vì thế cho nên trong thơ ca của các dân tộc ta thường thấy có sự phân biệt thể loại giữa thơ ca phản ánh đời sống sinh hoạt, tình yêu con người, yêu thiên nhiên với các thể loại thơ ca phục vụ cho nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng.

Người Dao Quần Chẹt ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì – Hà Nội cũng có một kho tàng thơ ca dân gian hết sức phong phú và đa dạng. Các bài thơ của người Dao Quần Chẹt cho đến ngày nay vẫn được lưu truyền rộng rãi. Thơ của người Dao Quần chẹt tuy đơn giản về kết cấu nhưng lại phản ánh rất chân thực và sâu sắc đời sống sinh hoạt của họ. Người Dao Quần Chẹt ở Ba Vì cũng giống như nhiều nhóm Dao ở các địa phương khác, họ vẫn lưu truyền trong cộng đồng những truyền thuyết, thần thoại về nguồn gốc dân tộc mình và về cuộc di cư tìm vùng đất mới, tìm sự sống mới của cộng đồng Dao. Cùng với các truyện thần thoại, cổ tích đó thì thơ ca dân gian của người Dao Quần Chẹt là tiếng ca ai oán cho thân phận của những người mồ côi bất hạnh. Qua phần khái quát về lịch sử tộc người Dao đã trình bày trên chương một chúng ta đã biết người Dao từ Trung Quốc di cư đến Việt Nam, con đường họ đi gặp phải biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Người Dao đi để tìm nguồn sống, đi để được sinh tồn. Những bài thơ, bài ca này miêu tả nỗi khổ đâu bất hạnh, cơ cực của những người mồ côi cha mẹ, mồ côi đất nước, không nơi nương tựa. Đa phần những bài thơ ca này đều mang tính chất tự than.

Người Dao Quần Chẹt còn có những bài thơ ca dùng trong nghi lễ và phong tục tập quán khác nhau. Từ quan niệm về con người và vũ trụ, thần linh mà người Dao Quần Chẹt đã sáng tác ra những bài thơ ca sử dụng trong các dịp lễ, cúng riêng biệt. Khi đứa trẻ mới được sinh ra đời, người Dao Quần Chẹt tổ chức lễ cúng cho đứa trẻ đó. Người cha của đứa trẻ trong lễ cúng sẽ trực tiếp múa và hát các bài ca, bài thơ với nội dung cầu mong thần linh phù hộ cho đứa trẻ khỏe mạnh, không bệnh tật, tránh khỏi những điều xấu xa… Hay các bài thơ sử dụng trong lễ Cấp sắc cũng rất đa dạng. Khi đứa trẻ trai trong cộng đồng người Dao Quần Chẹt sắp đến tuổi trưởng thành (khoàng từ 10 đến 17 tuổi) sẽ được tổ chức lễ Cấp sắc. Trong lễ Cấp sắc có nhiều lễ khác nhưng với mỗi lễ, thầy cúng lại truyền cho đứa trẻ cấp sắc những bài kinh dưới dạng thơ ca. Ngoài ra, người Dao Quần Chẹt còn có thơ ca sử dụng trong các hoạt động khác như lễ tang, ma chay, lễ cưới, lễ mừng nhà mới…

Một phần không thể không nhắc đến trong kho tàng thơ ca dân gian của người Dao Quần Chẹt đó là thơ ca phản ánh lao động và tình yêu thiên nhiên. Đây là thể loại mang nhiều những giá trị sâu sắc, thể hiện nhận thức, tình yêu, sự gắn bó của con người với tự nhiên. Công việc lao động của người Dao Quần Chẹt rất vất vả:

“Con người lao động phải dậy sớm Gà gáy mình đã phải dậy rồi

Cho gà, cho lợn ăn đã muộn Khi đến giờ thìn phải lên nương”

Người Dao luôn phải vất vả dậy sớm làm các công việc nhà, chăn gia súc xong rồi lên nương. Người Dao chỉ ăn cơm hai bữa chính là bữa sáng và bữa tối. Buổi trưa người Dao mang theo cơm ăn tạm trên nương, điều này cho thấy họ phải lao động cực nhọc, khó khăn mới có được cái để ăn, để mặc.

“Tháng giêng hoa đào nở trong vườn Tháng hai hoa mận ở trong vườn Tháng ba cây trẩu hoa nở trắng Tháng tư phù dung nở màu vàng Tháng giêng đến xuân đã phải lo Nam nữ cầm dao đi phát rừng Tháng hai dắt trâu cày ruộng mạ Tháng ba cây mạ mọi nơi xanh Tháng tư cây mạ cấy xuống ruộng Tháng năm làm cỏ phát bờ ruộng Tháng sáu trồng chuối chẳng nên trồng Tháng bảy trồng hành phải đất tốt Tháng tám trồng tỏi ở đồn khô Tháng chín thu lúa về cất giữ Tháng mười trồng trè lên núi đồi Tháng mười một lập đông mọi thứ khô Tháng mười hai rồng con chạy về biển To nhỏ mọi người ở trên đời

Lập đông mọi thứ trồng không nên”.

(Bài ca mười hai tháng – Bài một) Qua “Bài ca mười hai tháng – Bài một” thơ ca dân gian của người Dao cho thấy họ đã có những nhận thức về tự nhiên qua mười hai tháng trong

năm. Người Dao Quần Chẹt biết cách nhìn thời tiết, khí hậu để xác định các khoảng thời gian trong năm. Ứng với đó, người Dao Quần Chẹt có những phương thức lao động và chăn nuôi hợp lý, phù hợp với từng mùa trong năm.

Tháng giêng đến xuân đã phải lo Nam nữ cầm dao đi phát rừng Tháng hai dắt trâu cày ruộng mạ”

Tháng Giêng mùa xuân đến cây cỏ lên trong rừng, nam nữ người Dao Quần Chẹt cầm dao lên rừng phát quang. Đến tháng Hai dắt trâu đi cày, tháng Ba cây mạ mọi nơi xanh… cứ thế tuần tự lần lượt hết các tháng trong năm người Dao Quần Chẹt lao động không biết mệt mỏi, mong cho bản làng no ấm, đủ đầy.

Lập đông mọi thứ trồng không nên”.

Mùa đông đến cái giá lạnh bao trùm khắp bản làng, nương rẫy, người Dao Quần Chẹt biết được điều đó nên đã đúc kết rằng khi mùa đông tới không thích hợp để trồng chọt bất cứ loại cây nào.

“Tháng giêng con rắn hóa thành rồng Tháng hai con lợn nhảy khỏi chuồng Tháng ba ngựa trắng đi chơi chợ Tháng tư chuột con đi trên mây Tháng năm dê đen đứng trên tảng đá Tháng sáu nghé con nở như hoa nở Tháng bảy khỉ đen kêu trên cây

Tháng tám hổ hoang đi trên núi Tháng chín gà vàng gáy trong lồng Tháng mười mèo con ngủ gần bếp

Tháng mười một chó con chạy khắp thôn Tháng 12 rồng vàng lui về biển”.

(Bài ca mười hai tháng – Bài hai) Khác với Bài một, trong “Bài ca mười hai tháng – Bài hai” của người Dao Quần Chẹt lại thể hiện sự hiểu biết của con người với tự nhiên thông qua các loài vật nuối, các loài chim thú trên rừng. Điều này cho thấy sự gần gũi, gắn bó của con người đối với tự nhiên, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên là mối quan hệ hỗ trợ lẫn nhau.

Như vậy có thể thấy thơ ca của người Dao Quần Chẹt cũng thể hiện sự hiểu biết, trình độ chinh phục tự nhiên của con người. Thông qua việc phản ánh tình hình lao động, thơ ca người Dao Quần Chẹt còn đồng thời thể hiện được tình yêu thương, gắn bó của con người với tự nhiên. Đây là một trong những biểu hiện của văn hóa sinh thái rõ nét.

Một phần của tài liệu Văn hóa sinh thái của người dao quần chẹt tại vườn quốc gia Ba Vì xã Ba Vì huyện Ba Vì thủ đô Hà Nội (Trang 58)