0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (103 trang)

Quan niệm của Arixtốt về “điều thiện” và “hạnh phúc”

Một phần của tài liệu TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT TRONG TÁC PHẨM ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA NICOMAQUE (Trang 45 -45 )

* Quan niệm về điều thiện

Đạo đức học của Arixtôt nêu rõ mục đích các hành động của con người là hướng vào điều thiện, và mục đích cuối cùng, cao nhất của con người là hạnh phúc. Con người hạnh phúc là con người giống như Chúa, có cuộc sống no đủ, không thiếu thốn gì. Song hạnh phúc cũng lại phụ thuộc vào các điều kiện bên ngoài và cũng không phải chỉ là vấn đề đức hạnh - cá nhân. Arixtốt nhận thấy bản chất của khoái lạc và cùng với nó là nguyên tắc của cái thiện trong hoạt động hoàn thiện bản chất loài của con người.

Đạo đức học Arixtốt coi việc đạt tới thiện là mục đích tối cao. Đối với ông, thiện không phải là trạng thái thụ động, mà là hoạt động, hoạt động có lý trí của tinh thần, là ý hướng thực tiễn của tâm hồn (“tâm thiện là quan trọng nhất” [1, 39]), chúng ta trở thành chính nghĩa khi làm những việc công, vì thế đạo đức học có sứ mệnh dạy bảo không phải tri thức tự thân, mà là hành vi đúng đắn, hành động tốt. Thiện vốn có ở con người, và hoàn toàn phụ thuộc vào hành động của con người.

Vậy cụ thể điều thiện là gì, theo quan điểm của Arixtốt?

Điều thiện là lý tưởng đạo đức, là cứu cánh của con người như chủ thể đạo đức. Mở đầu cuốn “Đạo đức học của Nicomaque”, Arixtốt đã khẳng định ý hướng của đạo đức học: “Nghệ thuật nào và cuộc sưu tầm nào cũng như mọi hành động nào và cuộc thảo luận nào có suy nghĩ cũng đều hình như hướng về điều thiện. Vì vậy, người ta hoàn toàn có lý khi định nghĩa điều thiện là: cái gì khiến, trong mọi trường hợp, người ta hướng về đấy” [1, 21].

“Điều thiện cũng có nhiều phạm trù như thực thể; thực vậy, là bản thể, điều thiện tối thượng gọi là Trời và trí tuệ; là phẩm, thì điều thiện là những đức hạnh; là lượng, thì là sự chừng mực đúng đắn; là tương quan, thì là sự ích lợi; trong thời gian, thì là cơ hội; trong không gian, thì là những miền mỹ - tục và cứ như thế mãi. Vì vậy, cố nhiên, điều thiện không phải là một tính chất chung nào đó, tổng quát và duy nhất. Vì nếu như vậy, người ta không thể đặt nó vào tất cả các phạm trù, mà chỉ vào một phạm trù duy nhất” [1, 30].

Từ sự phân tích đó, Arixtốt cho rằng, có thể phân biệt hai loại điều thiện: “Những điều thiện tại thân và những điều thiện chỉ là điều thiện một cách tương đối với những điều thiện trên” [1, 31].

Những điều thiện nào mà người ta có thể nhìn nhận là điều thiện tại thân điều thiện tương đối?

Arixtốt chỉ rõ rằng: “Những điều thiện tại thân là những điều thiện mà chúng ta theo đuổi, ưa thích và tìm kiếm vì chính nó, tách riêng hẳn ra như: tư tưởng, thị dục, lạc thú và danh vọng” [1, 32]; Còn điều thiện tương đối là những điều thiện có hiệu lực sáng tạo, bảo toàn, che chở những điều trên, chống lại chướng ngại vật.

Trên cơ sở ấy, Arixtốt cho rằng, điều tối thiện là cứu cánh cuối cùng, cứu cánh duy nhất và tuyệt đối hoàn toàn, là cái mà chúng ta tìm kiếm, hiểu biết điều thiện và điều tối thiện sẽ cho ta biết nên làm gì, “phải chăng đối với đời người, sự hiểu biết điều thiện là rất quan trọng, và khi đã hiểu biết, như những xạ thủ thấy trước mắt cái đích phải bắn trúng, chúng ta may ra sẽ khám phá cái gì nên làm” [1, 23]. Tuy nhiên, “Điều tối thiện không phải là một tính nết chung mà một ý niệm chung nhất có thể thu gồm được” [1, 32].

Vậy điều tối thiện là gì?

Khi đề cao điều thiện tại thân so với điều thiện tương đối, Arixtốt đi đến kết luận: “Điều thiện hoàn toàn là cái luôn luôn phải được chiếm hữu vị thân chứ không phải vì một lý do nào khác..., điều tối thiện tự túc…, nó áp dụng không phải cho một cá nhân sống ở một cuộc đời cô quạnh, mà còn áp dụng cho cha mẹ, con cái, bằng hữu, người đồng hương, vì, theo bản tính, con người là một (động) vật hợp quần” [1, 35]. Điều tối thiện - đó là mục đích sống của mọi người trong xã hội: “Đối với người này, điều tối thiện là chân ý; đối với kẻ khác là tư tưởng thuần túy; đối với kẻ khác nữa, một thứ đạo lý; lại đối với kẻ khác, là tất cả hay một phần những thắng lợi ấy, kèm theo lạc thú, hay với một màu sắc lạc thú; sau cùng, có kẻ khác thèm vào những điều ấy những ngoại sản phong phú” [1, 40].

Đối với mỗi cá nhân, điều thiện, Arixtốt viết: “Là sự hoạt động của tâm hồn thích hợp với đức hạnh, và nếu có nhiều đức hạnh thì thích hợp với đức hạnh tốt đẹp nhất. Trong suốt một đời người cũng vậy” [1, 37].

Theo đó, ông thừa nhận rằng, “điều thiện cá nhân đồng nhất hoá với điều thiện của quốc gia” [1, 23]. Tuy nhiên, Arixtốt cho rằng, “điều hình như quan trọng hơn nhiều và phù hợp hơn với những mục đích chân chính vẫn là việc nắm trong tay và bảo toàn điều thiện của quốc gia. Điều thiện của một cá nhân, cố nhiên đáng ước muốn nhưng khi là của cả một dân tộc, một quốc gia, nó tốt đẹp hơn và thần bí hơn” [1, 23].

Có thể thấy rằng, với nhận định trên đây, Arixtốt đã có một cái nhìn khá bao quát, toàn diện về mối quan hệ biện chứng giữa điều thiện cá nhân và điều thiện quốc gia, đã đề cập đến vấn đề đạo đức cá nhân và đạo đức cộng đồng. Từ đó lại có thể thấy điều quan trọng nhất là: Đạo đức học của Arixtốt hoàn toàn trần thế, nó không dựa vào cái thiện ngoài giới hạn tồn tại kinh nghiệm, nó cũng xa lạ với thế giới các ý niệm kiểu Platôn, do đó nó hướng người ta tới việc tìm kiếm lẽ sống và phúc lộc tại đây, ở cuộc sống thế gian này. Hơn nữa, quan niệm của Chủ nghĩa Mác – Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về điều thiện cũng không xa lạ gì với những quan niệm của Arixtốt. Đó là thiện, là lợi ích của cá nhân hài hoà, thống nhất với lợi ích chung của xã hội. Thiện là những hoạt động phấn đấu hy sinh vì con người, vì xã hội, làm cho cuộc sống con người ngày càng sung sướng hạnh phúc, con người ngày càng tự do và tiến bộ. Từ điều đó, quan niệm của Arixtốt về điều thiện, ở một mức độ nhất định đã có giá trị làm cơ sở cho đời sau kế thừa và phát triển.

* Quan niệm về hạnh phúc

Trong khi tìm hiểu vấn đề nguyên tắc của đạo đức, chúng ta thường bắt gặp những tình huống người Hy Lạp cổ đại đặt ra là: làm thế nào để có hạnh phúc? Câu trả lời, đó là cái thiện tối cao, tức là điều tối thiện có thể được coi là cứu cánh duy nhất, tuyệt đối hoàn toàn, chính là cái mà loài người chúng ta luôn tìm kiếm – hạnh phúc. Đạo đức học của người Hy lạp cổ đại là đạo đức cái thiện. Tuy nhiên, khi tiếp cận vấn đề này Arixtốt

thường dẫn ra nhiều ý kiến trái ngược nhau mà ông phủ nhận. Theo ông, không thể tìm được sự khoái lạc trong ham muốn hay trong sự hưởng thụ.

Arixtốt nêu quan điểm một cách thẳng thắn rằng mục đích trực tiếp của cuộc đời không phải là cái hay cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Arixtốt nói rằng người ta tìm kiếm tiền tài, danh vọng, khoái lạc vì người ta tưởng rằng những thứ đó đem đến hạnh phúc. Tuy nhiên, cần phải biết rõ hạnh phúc thật sự là gì và con đường nào đưa đến hạnh phúc. Arixtốt trả lời câu hỏi này bằng cách tìm những đặc điểm phân biệt loài người với những động vật khác. Ông cho rằng hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của con người. Đức tính nổi bật nhất của loài người là khả năng suy luận, chính nhờ đức tính này mà loài người đứng trên tất cả loài vật khác. Chính vì vậy mà khả năng suy luận một khi được phát triển hoàn toàn đầy đủ sẽ đem đến hạnh phúc hoàn toàn cho con người. Vì con người là “một sinh vật xã hội, một vật hợp quần, biết lựa chọn hành vi xử thế hợp với chuẩn mực chung, lựa chọn hành vi đẹp giữa mọi người là biểu hiện của đức hạnh” [1, 35].

Mục đích của toàn bộ cuộc đời người ta là đi tìm hạnh phúc. Nhưng mỗi người lại trả lời khác nhau cho câu hỏi “thế nào là hạnh phúc?”. Hạnh phúc có phải là sự thỏa mãn về thân thể, tinh thần hay là ý niệm về cái thiện tối cao như ở Platôn?

Trong tác phẩm “Đạo đức học của Nicomaque”, hạnh phúc theo Arixtốt “là sự hoạt động của tâm hồn được điều khiển bởi đức hạnh”, “hạnh phúc hỗn đồng với đức hạnh tổng quát hay một đức hạnh riêng biệt” [1, 40].

Hoạt động của tinh thần phù hợp với những mục đích tốt đẹp sẽ đem đến hạnh phúc: “Hạnh phúc là một sự hoạt động của tâm hồn phù hợp với đức hạnh” [1, 44]. Hạnh phúc, thứ nhất, chính là hoạt động (chứ không phải trạng thái), thứ hai, là hoạt động phù hợp với đức hạnh (chứ không phải là sự tuân thủ mù quáng mong muốn và dục vọng). Việc hướng đến

cái thiện tối cao chính là hạnh phúc.

Arixtốt dẫn ví dụ: không một người nào là thiện nhân nếu không hân hoan vì hành động đẹp; không một người nào là công bình, nếu không hoan hỷ làm những việc công bình, không một người nào quảng đại nếu không vui lòng làm những việc quảng đại; và về những đức hạnh khác cũng vậy. Điều đó chứng tỏ rõ hơn quan điểm của ông khi cho rằng hạnh phúc là sự hoạt động của tâm hồn được điều khiển bởi đức hạnh. Theo đó, chỉ có những hành động đúng mực là chiếm được “mỹ” và “thiện”. Vì thế, phải thừa nhận rằng, những hành động hợp với đức hạnh tự nó thú vị - nó tốt và đẹp. “Vậy thì, hạnh phúc là điều thiện quý nhất, đẹp nhất và thú vị nhất” [1, 42].

Con người cần phương tiện nào để đạt được hạnh phúc?

Nếu như Platôn cho rằng, tư hữu là nguồn gốc của cái ác toàn xã hội, từ đó chủ trương mọi thứ là của chung, còn Xôcrát thì “của cải và danh tiếng chẳng mang lại phẩm giá gì, ngược lại chỉ đem đến những điều ngu xuẩn” [46, 184], thì Arixtốt cho rằng, “không thể hay ít ra khó lòng làm điều thiện nếu người ta vô kế khả thi. Vì nhiều hành động đòi hỏi thân hữu, tiền bạc, ít nhiều quyền hành chính trị làm phương tiện thi hành”[1, 42].

Không có những phương tiện ấy, ít nhiều hạnh phúc của cuộc đời sẽ giảm đi, Arixtốt dẫn ví dụ: “người ta không được hưởng cái diễm phúc là con nhà dòng dõi, có một hậu duệ sung sướng, có diện mạo khôi ngô. Người ta không thể thực sự hoàn toàn sung sướng, nếu người ta xấu số bị tàn tật, con nhà hèn mọn, cô quạnh trên đường đời hay tuyệt tự, có lẽ người ta còn khốn khổ hơn, nếu người ta có con và bạn hoàn toàn xấu hoặc mất con và bạn tốt mà người ta đã có” [1, 42].

Từ ví dụ minh chứng trên, ông đi đến kết luận: “theo ý chung, hạnh phúc cần một sự thịnh vượng như vậy. Đó là lý do khiến một vài người để sự thịnh vượng, cũng như một số người khác để đức hạnh ngang hàng với hạnh phúc” [1, 42]. Vậy: “Để có hạnh phúc cần không chỉ đầy đủ đức tính,

mà còn phải tràn trề cuộc sống đủ đầy. Những thứ kiểu như xuất thân thuận lợi, giàu có, danh dự xã hội, sắc đẹp, nhiều bạn… đều thúc đẩy người ta thực hiện những hành vi tốt. Trong khi đó những số phận nghiệt ngã có thể trở thành trở ngại khó vượt qua trên đường đến hạnh phúc” [trích theo 47, 69].

Như vậy, Arixtốt đã đánh giá đúng mực về giá trị của những ngoại thiện theo mục đích sử dụng và với tư cách là phương tiện thi hành chứ không phải là mục đích cần đạt tới. Nghĩa là, mặc dù với hạnh phúc, ông đề cao hoạt động tinh thần nhưng không triệt tiêu những giá trị vật chất.

Vì đâu mà có hạnh phúc? Tại sao có lúc người ta thấy sung sướng, có khi lại thấy khổ sở? Hạnh phúc đạt được có phải là tặng phẩm do thần linh ban tặng hay như một sự may mắn của số phận? Arixtốt trả lời: Cái vui sướng không phải là một mục đích, nó phụ thuộc vào những hành động của con người. Nếu hành động hợp với bản chất của người ta thì dẫn đến sung sướng. Hạnh phúc là do chính bản thân con người tạo ra, nó chẳng phải do thần linh ban tặng hay do số phận may mắn: “hạnh phúc hay tai họa không tùy thuộc vận mệnh, đời người đầy nỗi phù trầm,... chính những hoạt động phù hợp với đức hạnh quy định hoàn toàn hạnh phúc, hoạt động ngược lại chỉ có thể gây ra một hiệu quả ngược lại” [1, 47]. Tiếp nữa, ông khẳng định: hạnh phúc có thể dạy được, thủ đắc được do sự thông dụng hay sau một cuộc luyện tập. Cuộc đời sung sướng, hạnh phúc phải gắn liền với sự hoạt động, với những cái gì thuộc phần tốt nhất của con người. Với bản tính lý trí nơi con người, hoà nhập với đức hạnh và vì có nhiều đức hạnh nên nó hoà nhập với đức hạnh nào hoàn hảo nhất, thể hiện trong suốt đời sống. Hạnh phúc đó là hạnh phúc ở cuộc đời này, hạnh phúc trần gian, ở cuộc sống thực, “mọi người quan niệm điều thiện và hạnh phúc theo chính cuộc đời của họ” [1, 27], tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà có nhiều quan niệm khác nhau, chẳng hạn: “khi đau ốm người ấy thích sức khoẻ hơn cả, còn khi nghèo khổ người ta thích sự giàu có, sung sướng. Người nào ý thức được

dốt nát của mình lắng nghe một cách cảm phục kẻ xảo ngôn và những kỳ vọng của họ” [1, 26].

Qua cách nhìn nhận, đánh giá của Arixtốt ta thấy ông đã đứng trên quan niệm duy vật để nói về hạnh phúc. Hạnh phúc là hạnh phúc ở cuộc đời này, hạnh phúc trần gian chứ không phải là tặng vật của thần linh hoặc một sự may mắn của số mệnh.

Tiếp theo, để đánh giá một cuộc đời có hạnh phúc hay không, ông cho rằng, chúng ta không nên gán vào những biểu hiện xảy ra trong đời ở một giai đoạn nào đó của đời người để vội kết luận người đó sung sướng hay khổ đau, vì “trong đời, xảy ra nhiều sự thay đổi và đủ các thứ tình cờ...” [1, 44]. Để được hạnh phúc, con người cần tất cả sự chuyên cần và sự liên tục. Ví dụ như: “Đức hạnh vẫn sáng ngời khi một nhà hiền triết chịu đựng một cách bình tĩnh nhiều hoạn nạn nghiêm trọng không phải tính vô cảm, nhưng vì lòng can đảm và đại độ” [1, 48].

Vậy thì, đối tượng nào sẽ có thể có được hạnh phúc, theo Arxtốt?

Trong quan niệm triết học của Arixtốt, ông không tách đạo đức ra khỏi chính trị, thậm chí còn xem đạo đức là cơ sở để tìm hiểu chính trị. Mục đích của nghệ thuật chính trị là đem lại lợi ích cho con người mà lợi ích cao nhất là hạnh phúc.

Ông nhìn nhận: “cứu cánh của môn chính trị học là cao nhất, vì môn ấy chăm lo về việc làm thế nào để mọi người trở thành người công dân tốt, thực hành tính hướng thiện” [1, 44]. Từ đó, Arixtốt xác định đối tượng có hạnh phúc là những người có tham gia vào chính trị, con người chỉ có hạnh phúc với tư cách là một thành viên của cộng đồng, một công dân của nhà nước thị thành, còn: “hạnh phúc không đem gán cho một con bò, một con ngựa, hay một con vật nào khác… hạnh phúc không áp dụng cho trẻ con vì tuổi trẻ không cho nó sử dụng lý trí của nó,... hạnh phúc đòi hỏi một đức hạnh hoàn toàn và một cuộc đời trọn vẹn” [1, 44].

Rõ ràng rằng, Arixtốt không đề cập đến người nô lệ, không xét đến

Một phần của tài liệu TƯ TƯỞNG ĐẠO ĐỨC CỦA ARIXTỐT TRONG TÁC PHẨM ĐẠO ĐỨC HỌC CỦA NICOMAQUE (Trang 45 -45 )

×