Cái cao cả trong khát vọng hoà bình của Nguyễn Trãi

Một phần của tài liệu Tìm hiểu những biểu hiện về cái cao cả trong tư tưởng Nguyễn Trãi (Trang 62)

Nguyễn Trãi là một nhà văn hóa rất tha thiết với hòa bình. Khát vọng ấy được thể hiện một cách mãnh liệt trong rất nhiều tác phẩm của ông.

Không phủ nhận rằng, ông chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo. Nhưng với Khổng Tử, tư tưởng hòa bình biểu hiện ở bác ái mà bác ái xét cho cùng cũng chỉ là một hình thái của tư tưởng nhân nghĩa. Theo Khổng Tử, người ta sinh ra ở đời, ai cũng chịu mệnh trời như nhau cả, cho nên mọi người đều là anh em. Lòng bác ái theo Khổng Tử, là phải rộng ra khắp cả thiên hạ, chứ không riêng một nước nào. Muốn cho lòng bác ái được phổ cập khắp mọi nơi thì “điều gì mình không muốn đừng làm cho người khác” (kỷ sở bất dục vật thi ư nhân). Tuy nhiên, tư tưởng của Khổng Tử và Mạnh Tử vẫn là tư

61

tưởng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, hoặc tư tưởng nước lớn. Điều đó thể hiện ở chỗ Khổng Tử coi thường các dân tộc không thuộc giống Hoa Hạ. Mạnh Tử nói “Ta chỉ nghe rằng dùng đạo lý của người Hoa Hạ để sửa đổi lề thói của bọn Man Di, chứ chưa hề nghe nói dùng lề thói của bọn Man Di để sửa đổi đạo lí của người Hoa Hạ bao giờ”. Còn với Nguyễn Trãi, hòa bình phải gắn liền với độc lập dân tộc. Không có độc lập dân tộc thì không có hòa bình. Nói khác đi, không có độc lập dân tộc thì hòa bình chỉ là hòa bình trong nô lệ mà thôi và trong nô lệ thì thật ra không có hòa bình.

Trong các thủ lĩnh nghĩa quân Lam Sơn, Nguyễn Trãi là một trong những người kiên quyết nhất đánh quân Minh. Mười năm kháng chiến vô cùng gian khổ, là để đi đến chỗ “yên dân” cũng tức là đi đến hòa bình lâu dài “thái bình muôn thuở” cho nhân dân. Ông viết:

“Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”

(Bình Ngô đại cáo)

“Yên” đây là hòa bình. Nhưng dân chỉ yên khi “bạo” đã được trừ. “Trừ bạo” vì vậy là tiền đề của yên dân. Không trừ bạo thì không có hòa bình. Trừ bạo - đánh giặc vì vậy là điều kiện tiên quyết để có thể có hòa bình.

Trong 20 năm xâm lược, nhân dân Việt Nam đã bị quân Minh giết hại, cướp bóc, đốt phá quá nhiều. Tội ác mà quân Minh gây ra ở nước ta đã chất cao bằng núi. Mối thù của nhân dân Việt Nam và tướng sĩ nghĩa quân đối với giặc Minh đã quá sâu. Lòng căm thù quân cướp nước của ông bốc lên hừng hực như lửa:

Ngắm non sông căm nỗi thế thù Thề sống chết cùng quân nghịch tặc,

Đau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy nắng mưa, Nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối.

62

Nhưng Nguyễn Trãi không hề lẫn lộn vua quan triều Minh với nhân dân Trung Quốc. Ông không bao giờ coi nhân dân Trung Quốc là thù địch của dân tộc Việt Nam. Ông biết rằng cuộc chiến tranh xâm lược của nhà Minh đối với Việt Nam không những làm khổ cho nhân dân Việt Nam mà còn làm khổ cho cả nhân dân Trung Quốc nữa. Trong bức thư viết cho Vương Thông, ông trách triều đình nhà Minh gây ra chiến tranh “khiến cho những người dân vô tội, liền năm phải thiệt mạng ở chốn gươm đao, những kẻ lưu ly luôn năm phải nát gan ở nơi đồng cỏ”, ông khuyên viên tổng binh quân Minh nên sớm dứt chiến tranh để cho nhân dân hai nước thoát khỏi cái khổ can qua. Cuối năm 1427, quân Minh ở thành Đông Quan ra hàng, chính Nguyễn Trãi đã khuyên Lê Lợi nên để cho quân Minh được an toàn trở về nước. Ông nói: "Dùng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết. Để cho bọn Vương Thông trở về nói với vua Minh trả lại đất đai cho ta, không xâm lấn bờ cõi ta, đó là điều ta cần không gì hơn thế nữa... Hà tất phải giết hết bọn chúng để gây oán với nước lớn làm gì”.“Tình hình quân giặc trong lúc này, mình muốn phá sào huyệt, ăn gan uống máu để rửa mối thâm thù không phải là việc khó. Nhưng như vậy sẽ kết mối thù với triều Minh quá sâu. Rồi vì sự trả thù, vì sự cứu vớt lấy thể diện của một nước lớn, vua Minh tất lại phái binh sang, như thế cái vạ binh đao biết đến bao giờ cho hết được. Chi bằng ta nên thừa lúc này, kẻ kia lâm vào thế cùng mà cùng họ hòa hiếu để tạo phúc cho sinh linh hai nước”.

Nghe lời Nguyễn Trãi, Lê Lợi đã nói với các tướng sĩ như sau: “Phục thù báo oán là thường tình của con người. Nhưng không thích giết người là bản tâm của bậc nhân giả. Vả chăng người ta đã ra hàng mà mình lại giết đi thì thật không gì bất lương hơn nữa. Nếu muốn hả cái giận trong một lúc mà chịu mang tiếng “sát hàng” trong muôn đời, thì sao bằng để sống ức vạn mạng người để dứt mối chiến tranh về sau cho hai nước”.

Cuối cùng Lê Lợi cấp cho quân Minh 500 chiến thuyền và mấy ngàn ngựa cùng các đồ lương thực để chúng kéo về nước. Thế là nhờ chủ trương

63

hòa bình của Nguyễn Trãi, chiến tranh xâm lược đã chấm dứt vào cuối năm 1427. Máu của hai dân tộc Việt - Trung nhờ vậy không đổ nữa. Số tù binh người Minh được thả, số quan lại và người dân được yên ổn trở về nước và sở dĩ được như vậy một phần quan trọng là nhờ Nguyễn Trãi với chủ trương hòa bình và tư tưởng nhân nghĩa của ông. Nếu không, không nói những gì quân lính nhà Minh còn lại ở trên đất nước Việt Nam phải chết vì quyền lợi của bọn phong kiến đời Minh, mà nhân dân Trung Quốc ở trên đất Việt Nam còn khổ sở về cuộc chiến tranh xâm lược mà Minh Thành tổ đã tiến hành ở Việt Nam nữa. Dĩ nhiên, là khi tiến hành vận động giảng hòa với quân Minh, Nguyễn Trãi chỉ nghĩ đến lợi ích của dân tộc Việt Nam, nhưng đồng thời ông cũng nghĩ đến lợi ích của nhân dân Trung Quốc nữa. Chính Nguyễn Trãi là người tha thiết muốn cho nhân dân hai nước Việt - Trung thoát khỏi “cái khổ can qua” và không muốn cho “những dân vô tội” ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc “liền năm thiệt mạng ở chốn gươm đao”.

Rõ ràng, tư tưởng hòa bình, nhân đạo của Nguyễn Trãi không chỉ mưu cầu riêng thái bình, hạnh phúc cho nhân dân Đại Việt mà còn nhằm mục đích mang lại “nền thái bình muôn thuở” cho nhân dân hai nước, hai dân tộc.

Nguyễn Trãi quả là nhân vật lịch sử không có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi. Ông là một nhà chính trị có tầm mắt nhìn xa rộng, đồng thời là một nhà ngoại giao khôn khéo. Những viên gạch nền móng cho hòa bình hữu nghị trong quan hệ Việt - Trung mà Nguyễn Trãi đã đóng góp vào lịch sử ngoại giao của dân tộc giữa một thời đại loạn như vậy, càng thể hiện tầm vóc tư tưởng cao cả của ông, vượt ra khỏi khuôn khổ của thời đại thế kỷ XV.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu những biểu hiện về cái cao cả trong tư tưởng Nguyễn Trãi (Trang 62)