Nam
Sự phát triển của các hình thức sở hữu phụ thuộc vào trình độ của lực lượng sản xuất, đó là quy luật chung. Nhưng còn có nhiều nhân tố tác động làm biến đổi quan hệ sở hữu trong quá trình phát triển.
Thứ nhất là nhân tố chính trị, bao gồm thể chế chính trị và vai trò của
người lãnh đạo. Một mặt, chính trị phụ thuộc vào kinh tế, sự chuyển biến về chính trị gắn liền với sự chuyển biến về chế độ kinh tế. Theo Mác, chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế. Quyền lực chính trị chỉ có thể và phải được củng cố trên cơ sở lợi ích kinh tế và do lợi ích kinh tế quy định. Kinh tế mạnh mới đảm bảo cho nền chính trị ổn định. Mặt khác, chính trị tác động mạnh mẽ trở lại đối với kinh tế và có địa vị hàng đầu do tính giai cấp, tính đảng của các hoạt động kinh tế trong các chế độ xã hội có giai cấp. Thực chất, quan hệ giữa chế độ sở hữu và chế độ chính trị là sự phản ánh mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị trong đời sống xã hội hiện thực. Chính sự biến đổi của quan hệ sở hữu như những cơn sóng ngầm quyết định sự biến đổi của chế độ kinh tế, chính trị xã hội. Tuy nhiên, chế độ chính trị và vai trò của người lãnh đạo có những tác động nhất định đến kinh tế và trong những hoàn cảnh nhất định nó chi phối mạnh mẽ đến quan hệ sở hữu. Chẳng hạn, nước Nga và các nước Đông Âu, tuy có sự tương đồng trong quá trình cải cách, cải tổ, nhưng do nhãn quan chính trị khác nhau của các nhà lãnh đạo, nên có những biến thể
nhất định của sở hữu. Chúng ta cũng có thể thấy rõ điều này qua công cuộc cải cách ở Trung Quốc và tiến trình đổi mới ở Việt Nam.
Thứ hai là nhân tố truyền thống. Truyền thống có ảnh hưởng nhiều đến
sự lựa chọn chiến lược và các đặc điểm cụ thể của sự phát triển chế độ sở hữu. Quá trình biến đổi của văn hóa và truyền thống văn hóa đã sản sinh ra hệ thống giá trị và trật tự đạo đức quy định hành vi và tư duy của con người, từ đó trở thành cơ sở văn hóa và lý luận của sự phát triển các quan hệ kinh tế, quan hệ sở hữu, tạo nên những nền kinh tế đặc thù. Tác động của truyền thống tạo nên những biến thể làm cho chế độ sở hữu của nước này khác nước kia, nền kinh tế của nước này khác nước khác, chẳng hạn như nền kinh tế Nhật Bản khác với các nền kinh tế hiện đại khác như Mỹ, Đức, Anh… mặc dù đều là hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa. Nếu trong chế độ sở hữu tư nhân của Mỹ, nguyên tắc tồn tại là cá lớn nuốt cá bé, mạnh ai nấy làm, người lao động luôn có nguy cơ thất nghiệp thì trong chế độ sở hữu ở Nhật Bản, tính cộng đồng là nhân tố chủ đạo chi phối, người lao động gần như gắn bó suốt đời với công ty mà mình làm thuê. Nếu trong nền kinh tế Mỹ, sở hữu nhà nước chiếm một tỷ lệ nhỏ và nhà nước ít can thiệp vào sự phát triển của cơ cấu sở hữu thì trong nền kinh tế Nhật Bản, nhà nước thường xuyên tác động điều chỉnh cơ cấu sở hữu đảm bảo cho nền kinh tế phát triển ổn định.
Thứ ba là nhân tố quốc tế. Trong quá trình hình thành và phát triển lịch
sử thế giới, quan hệ giữa lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc là quan hệ giữa chỉnh thể và bộ phận, giữa phổ quát và đặc thù. Dưới ảnh hưởng của cái chỉnh thể - lịch sử thế giới đó mà có sự khác biệt trong quá trình phát triển các hình thức sở hữu ở các quốc gia. Do đó, phải thấy được sự thống nhất giữa tính phổ biến và tính đặc thù của sự phát triển xã hội, phân tích bối cảnh chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia, dân tộc; trên cơ sở đó chọn lựa quyết sách đúng đắn cho con đường phát triển phù hợp với đất nước. Cần phân tích cụ thể ảnh hưởng của truyền thống lịch sử của các nước đối với con đường phát triển xã hội, đồng thời phải chú trọng nghiên cứu và phân tích tác động, xu hướng
biến đổi của hoàn cảnh quốc tế, từ đó mới có thể hoạch định được một cơ cấu sở hữu riêng hợp quy luật khách quan.
Thứ tư là điều kiện tự nhiên. Thực tiễn đã cho thấy, chúng ta sẽ không
thể cắt nghĩa được nhiều hiện tượng xã hội, trong đó có quan hệ sở hữu, nếu không căn cứ vào điều kiện tự nhiên, chẳng hạn như sự tồn tại của hình thức sở hữu bộ lạc trong thời đại hiện nay ở thượng lưu sông Amadôn,… Chính những dãy núi cao và những cánh rừng bạt ngàn đã cô lập họ với xã hội hiện đại và bảo lưu phương thức sinh sống sơ khai, bảo vệ cho lối sống nguyên thủy hầu như còn nguyên vẹn như cách đây hàng vạn năm. Bên cạnh đó, ở những quốc gia có điều kiện tự nhiên đa dạng thì phương thức sản xuất của cư dân các vùng miền rất khác nhau, vì vậy mà các hình thức sở hữu cũng rất phong phú.
Một cách khái quát, sự vận động và phát triển của các hình thức sở hữu luôn chịu sự chi phối của quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên, ở các quốc gia khác nhau, sự vận động của quan hệ sở hữu, bên cạnh những nét tương đồng vẫn có những sự khác biệt. Sự khác biệt đó do nhiều nguyên nhân nhưng trước hết và chủ yếu và sự ảnh hưởng của yếu tố như điều kiện tự nhiên, điều kiện quốc tế, nhân tố chính trị, yếu tố truyền thống… Những yếu tố này là nguyên nhân tạo nên nét đặc thù trong sự phát triển đa dạng của các mô hình sở hữu ở các quốc gia. Vai trò của các yếu tố ấy không ngang bằng nhau, tùy vào điều kiện cụ thể mà các yếu tố giữ vai trò quan trọng hay ít quan trọng hơn đối với sự biến thể của các hình thức sở hữu. Từ những nội dung trên, chúng ta có thể rút ra ý nghĩa phương pháp luận như sau: phải tính đến sự tác động tổng hợp của các yếu tố đến con đường phát triển của một quốc gia, từ đó mới có thể chọn lựa được một cơ cấu sở hữu riêng, hợp quy luật khách quan. Do đó, khi xem xét cơ sở thực tiễn của việc đa dạng hóa các hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, chúng ta
chúng ta mới nhận thức sâu sắc được vấn đề, từ đó hoạch định được những bước đi thích hợp trong quá trình xây dựng cơ cấu sở hữu định hướng lên chủ nghĩa xã hội.