1.2.1. Những quan điểm cơ bản của C. Mác, Ph. Ăngghen, V. I. Lênin về sở hữu
Trong suốt một thời gian dài, ở nước ta cũng như Liên Xô và các nước Đông Âu đã nhận thức không đúng quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề sở hữu, dẫn đến tư tưởng chủ quan nóng vội, “đốt cháy giai đoạn” gây ra khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Thực tiễn đã chứng minh rằng, trong bối cảnh mới nhiều luận điểm của các nhà kinh điển vẫn còn nguyên giá trị. Do vậy, việc đào sâu nghiên cứu kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin là vô cùng cần thiết. Qua đó, chúng ta có thể tìm thấy những chỉ dẫn quan trọng về vấn đề sở hữu. Đây là cơ sở lý luận vững chắc để chúng ta có thể giải quyết tốt những vấn đề lý luận và thực tiễn đang đặt ra đối với con đường phát triển kinh tế ở Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, sở hữu là một quan hệ xã hội.
Trong hầu hết những luận giải của mình về sở hữu, C. Mác và Ph. Ăngghen đều nhất quán coi sở hữu là một quan hệ xã hội. Quan hệ sở hữu không phải là quan hệ giữa người với vật mà trước hết là quan hệ giữa người với người trong việc chiếm hữu của cải vật chất. Ph. Ăngghen đã chỉ ra rằng: “Khoa kinh tế chính trị không nghiên cứu các vật phẩm, mà nghiên cứu những mối quan hệ giữa người với người, xét cho đến cùng là giữa giai cấp với giai cấp, nhưng các quan hệ đó bao giờ cũng gắn với các vật phẩm biểu
hiện ra như là những vật phẩm” [4, 615]. Cho nên, khi nghiên cứu về sở hữu,
không thể không đề cập đến đối tượng sở hữu (tư liệu sản xuất hay vật phẩm tiêu dùng) nhưng trước hết và mục tiêu là bàn về quan hệ giữa người với người đối với đối tượng sở hữu đó. Cần lưu ý rằng, việc nhấn mạnh sở hữu trước hết và cơ bản là một quan hệ xã hội, quan hệ giữa người với người trong sản xuất xã hội có ý nghĩa quan trọng về mặt phương pháp luận. Bởi lẽ, nếu người ta chỉ nhìn thấy mối quan hệ giữa người với vật trong sở hữu, chỉ xác
định sở hữu như là một thực thể gồm kẻ chiếm hữu và đối tượng bị chiếm hữu, thì vai trò to lớn và phức tạp của sở hữu trong đời sống xã hội sẽ không được hiểu theo tính lịch sử hiện thực của các hình thức sở hữu và từ đó người ta có thể sẽ kiến giải về sở hữu theo những cách tiếp cận phiến diện và cực đoan.
Quan hệ sở hữu phải được khẳng định cả về mặt kinh tế và pháp lý. Hai nội dung kinh tế và pháp lý của sở hữu tồn tại thống nhất với nhau trong một chế độ kinh tế - xã hội nhất định. Khi quan hệ kinh tế khách quan đã hình thành mà quan hệ pháp lý chưa thừa nhận thì lợi ích của chủ sở hữu chưa được bảo vệ. Ngược lại, khi pháp luật đã thừa nhận nhưng quan hệ kinh tế khách quan lại chưa cho phép chủ sở hữu đạt được lợi ích thì pháp luật cũng chỉ là hình thức và không được thực hiện trên thực tế. Do vậy, nếu tuyệt đối hóa một mặt của quan hệ sở hữu thì điều đó tất yếu dẫn đến những sai lầm trong hoạt động thực tiễn.
“Những quan hệ kinh tế của một xã hội nhất định nào đó biểu hiện trước hết dưới hình thức lợi ích” [2, 376]. Quan hệ giữa người với người đối với việc chiếm hữu tư liệu sản xuất là cơ sở quyết định vai trò cũng như việc thực hiện lợi ích kinh tế của mỗi người, tập đoàn, giai cấp. Nói cách khác, lợi ích là quan hệ bề ngoài phản ánh cái sâu thẳm bên trong của quan hệ sản xuất là quan hệ sở hữu. Có được quyền sở hữu và được chiếm hữu trên thực tế có nghĩa là sẽ có được lợi ích và mọi người sẽ cố gắng phấn đấu vì lợi ích đó. Vai trò động lực của sở hữu bộc lộ rõ trước hết là ở trong mối quan hệ này. Khi mà lợi ích của người lao động không được đảm bảo thì sớm muộn gì cũng tạo ra mâu thuẫn với chủ sở hữu, mà trước hết là mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế rồi tất yếu sau đó là mâu thuẫn về xã hội, chính trị. Nếu hệ thống tổ chức quản lý thích hợp, giải quyết hài hòa vấn đề lợi ích kinh tế thì nó duy trì sự tồn tại và thúc đẩy sự phát triển của quan hệ sở hữu. Trái lại, không có một hệ thống tổ chức quản lý sản xuất thích hợp và không giải quyết tốt vấn đề lợi ích thì nó kìm hãm, thậm chí phá hoại quan hệ sở hữu. Nói cách khác, nếu bỏ
qua hai yếu tố quản lý và phân phối thì việc xác lập quan hệ sở hữu chỉ là hình thức, không có tác dụng tích cực trong thực tế.
Thứ hai, sự hình thành, biến đổi của quan hệ sở hữu phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Sở hữu là mặt cơ bản của quan hệ sản xuất. Lao động sản xuất là đặc trưng của con người và xã hội loài người, đồng thời là nhân tố quy định sự ra đời, tồn tại của con người và xã hội. Trong sản xuất, con người không thể tách khỏi mối quan hệ với tự nhiên, trong đó con người với tư cách là chủ thể từng bước chinh phục tự nhiên. Nội dung mối quan hệ này được C. Mác thể hiện trong khái niệm lực lượng sản xuất. Đồng thời, trong quá trình chế ngự tự nhiên ấy, con người phải quan hệ với nhau như một tất yếu, gọi là quan hệ sản xuất. Quan hệ song trùng trên diễn ra một cách khách quan, tuân theo một lôgic tất yếu: quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Khi phân tích sự phát triển của lịch sử nhân loại theo lý luận cấu trúc hình thái kinh tế - xã hội, C. Mác đã khẳng định: “Sự phát triển của các hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên” [55, 21]. Tính chất lịch sử - tự nhiên đó suy đến cùng là do sự phát triển của lực lượng sản xuất quy định. Chính V.I. Lênin đã từng nhấn mạnh một phương pháp quan trọng khi nghiên cứu xã hội là: “Chỉ có đem quy những quan hệ xã hội vào những quan hệ sản xuất, và đem quy những quan hệ sản xuất vào trình độ của những lực lượng sản xuất thì người ta mới có được một cơ sở vững chắc để quan niệm sự phát triển của những hình thái xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên” [41, 163]. Trong mỗi hình thái kinh tế - xã hội đều tồn tại nhiều quan hệ sở hữu khác nhau. Trong đó, quan hệ sở hữu được thể chế hóa và mang tính chất pháp lý, trở thành quan hệ sở hữu thống trị, đặc trưng cho hình thái kinh tế - xã hội đó thì quan hệ sở hữu ấy trở thành chế độ sở hữu. Chế độ sở hữu đặc trưng này sẽ trở thành tên gọi của hình thái kinh tế - xã hội.
Trong nội dung kinh tế của sở hữu, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa sở hữu và trình độ của lực lượng sản xuất. Ph. Ăngghen viết: “Bất cứ một sự thay đổi nào của chế độ xã hội, bất cứ một sự cải biến nào về mặt quan hệ sở hữu cũng đều là kết quả tất yếu của việc tạo nên những lực lượng sản xuất mới, không còn phù hợp với các quan hệ sở hữu cũ nữa” [1, 467]. Như vậy, sở hữu là kết quả của sự phát triển lực lượng sản xuất; đồng thời, sở hữu còn là điều kiện, là hình thức xã hội có tác động thúc đẩy hoặc kìm hãm lực lượng sản xuất.
Theo C. Mác, cơ sở khách quan quan trọng nhất quyết định sự tồn tại của một hình thức sở hữu nào đó là sự phát triển của lực lượng sản xuất. Sự biến đổi của các hình thức sở hữu trong lịch sử được quy định bởi quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Ông đã dùng quy luật này để lý giải sự ra đời của năm phương thức sản xuất xã hội trong lịch sử và coi lực lượng sản xuất là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Về sự chuyển biến liên tục của các quan hệ sở hữu từ thấp đến cao, C. Mác viết: ““Quan hệ sở hữu” cổ đại đã bị quan hệ sở hữu phong kiến tiêu diệt, và quan hệ sở hữu phong kiến đã bị quan hệ sở hữu “tư sản” tiêu diệt. Như vậy, chính lịch sử đã phê phán những quan hệ sở hữu đã qua” [58, 41]. “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ” [57, 15 – 16].
Hình thức, mức độ, phạm vi và tính đa dạng của sở hữu không phải do ý muốn chủ quan của con người quyết định. Con người không thể tùy tiện lựa chọn hay không lựa chọn quan hệ sản xuất nói chung, quan hệ sở hữu nói riêng. Các hình thức sở hữu cụ thể bao giờ cũng là sản phẩm trực tiếp của lực lượng sản xuất, do trình độ của lực lượng sản xuất quy định, đồng thời là hình thức xã hội có tác dụng thúc đẩy hoặc kìm hãm lực lượng sản xuất. Do đó,
chúng ta không thể dựng lên hay loại bỏ bất kỳ một hình thức sở hữu nào khi mà yêu cầu phát triển khách quan của lực lượng sản xuất không đòi hỏi. Quán triệt tư tưởng này của C. Mác giúp cho những người cộng sản tránh được chủ quan duy ý chí, nôn nóng trong chỉ đạo thực tiễn.
Thứ ba, tính tất yếu của sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Sự phát triển của những hình thái kinh tế - xã hội là một quá trình lịch sử - tự nhiên. Nếu gạt bỏ đi những dích dắc của lịch sử và nhìn nhận dưới góc độ lôgíc thì lịch sử nhân loại là một quá trình liên tục đi từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Đó cũng chính là quá trình phát triển của lực lượng sản xuất. Mỗi giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất ứng với một quan hệ sản xuất nhất định, phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất. Khi quan hệ sản xuất lạc hậu, kìm hãm sự phát triển của lực lượng sản xuất thì một cách khách quan nó sẽ bị đào thải để nhường chỗ cho một quan hệ sản xuất mới phù hợp và xã hội loài người bước sang một giai đoạn mới, một phương thức sản xuất mới, một hình thái kinh tế - xã hội mới. Từ một phương thức sản xuất cũ chuyển sang một phương thức sản xuất mới bao giờ cũng có một thời kỳ quá độ của quan hệ sản xuất. Trong thời kỳ này, những nhân tố của quan hệ sản xuất cũ và mới đan xen nhau, đấu tranh với nhau theo xu hướng cái cũ dần mất đi, cái mới dần dần trở thành phổ biến và khẳng định sự thống trị của mình.
Trong một giai đoạn nào đó của sự phát triển xã hội, bên cạnh một phương thức sản xuất chủ đạo còn có phương thức sản xuất tàn dư khiến cho trong cùng một thời gian, trong một nước tồn tại nhiều loại hình sở hữu. C. Mác viết: “Chúng ta đau khổ không những vì sự phát triển của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, mà còn đau khổ vì nó phát triển chưa đầy đủ. Ngoài những tai họa của thời đại hiện nay ra, chúng ta còn phải chịu đựng cả một loạt những tai họa kế thừa do chỗ các phương thức sản xuất cổ xưa lỗi thời vẫn tiếp tục
sống dai dẳng với những quan hệ chính trị và xã hội trái mùa do chúng đẻ ra” [55, 19].
Sự tồn tại của nhiều hình thức sở hữu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một tất yếu lịch sử. Trong Những nguyên lý của chủ nghĩa
cộng sản, Ph. Ăngghen đã chỉ ra rằng, sau khi giai cấp công nhân giành được
chính quyền thì không thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được mà phải cải tạo nó dần dần. Đến Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C. Mác và Ph. Ăngghen chỉ rõ, sau khi giành được thắng lợi chính trị, giai cấp vô sản sẽ dùng sự thống trị của mình để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư bản trong tay giai cấp tư sản.
Thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội của Liên Xô vào đầu những năm 20 của thế kỷ XX càng khẳng định tính đúng đắn của việc sử dụng và cải tạo dần dần đối với những thành phần kinh tế của xã hội cũ mà C. Mác và Ph. Ăngghen đã vạch ra. Nhận thấy chính sách cộng sản thời chiến không còn thích hợp trong điều kiện đất nước đã hòa bình, V. I. Lênin đã thừa nhận: “Chúng ta đã thất bại trong cái ý định dùng phương pháp “xung phong”, nghĩa là dùng con đường ngắn nhất, nhanh nhất, trực tiếp nhất để thực hiện việc sản xuất và phân phối theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa” [45, 254]. Từ đó, V. I. Lênin khẳng định cần phải thay thế chính sách cộng sản thời chiến
bằng chính sách kinh tế mới (NEP). Một trong những nội dung cơ bản của NEP là lý luận về nền kinh tế nhiều thành phần. V. I. Lênin viết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, ở một nước trong đó những người sản xuất tiểu nông chiếm tuyệt đại đa số dân cư, chỉ có thể thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa bằng một loạt những biện pháp quá độ đặc biệt, hoàn toàn không cần thiết ở những nước tư bản phát triển” [44, 68]. Một trong những biện pháp quá độ đặc biệt mà V.I. Lênin nói ở đây chính là việc sử dụng và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Điều đó được V. I. Lênin giải thích rõ như sau: “Trong giai đoạn đầu, trong nấc thang thứ nhất, chủ nghĩa cộng sản chưa thể hoàn toàn trưởng thành về mặt kinh tế, chưa thể hoàn toàn thoát khỏi những tập tục hay những
tàn tích của chủ nghĩa tư bản” [42, 121]. “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì? Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn
chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng đều thừa nhận là có” [43, 362].
Hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội – thời kỳ mà V. I. Lênin gọi là “những cơn đau đẻ kéo dài” để cho chủ nghĩa xã hội lọt lòng từ xã hội cũ mà ra. Do vậy, sự tồn tại nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là một tất yếu khách quan. Tuy nhiên, như C. Mác đã nói: “Vấn đề sở hữu biểu hiện ra dưới một hình thức rất khác biệt, tương ứng với những giai đoạn phát triển khác nhau của công nghiệp nói chung và với những giai đoạn phát triển đặc biệt của nó ở các nước khác nhau” [53, 427]. Vì vậy, quá trình đa dạng hóa các hình thức sở hữu ở Việt Nam sẽ mang những đặc điểm riêng, tùy thuộc vào điều kiện riêng có của Việt Nam.
Thứ tư, việc xóa bỏ chế độ tư hữu phải là một quá trình lâu dài.
Chủ nghĩa Mác – Lênin đã bóc trần được cái bí mật sâu xa nhất của chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa – bóc lột giá trị lao động thặng dư dựa trên chế độ