Qua sự phân tích nghĩa tình thái của các trợ từ tình thái tiếng Việt và có sự so sánh với những lời giải thích TĐTV, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:
- Trước hết, về vai trò của trợ từ tình thái, chúng là lớp từ chuyên phục vụ cho việc biểu đạt những thông tin tình thái, những đánh giá mang tính lập trường của người nói. Đồng thời có nhiệm vụ đánh dấu tiêu điểm thông báo của câu.
- Tiêu điểm thông báo là bổ ngữ của vị từ. Về từ loại chúng có thể là danh từ hoặc số từ.
- Nội dung nghĩa tình thái mà trợ từ biểu thị trên những khía cạnh đánh giá sau:
Đánh giá về lượng: chỉ, có, mỗi, những,…
Đánh giá về mức độ: đến, tới, tận, có,…
Đánh giá về chủng loại: nào, chỉ, có,…
Đánh giá về thời gian: mới, đã, có, tới,…
Đánh giá về tính tích cực/ tiêu cực: được, mất
Đánh giá về tính bất thường của sự vật, quá trình,…: ngay, cả, đến, thậm chí,…
Nhấn mạnh sự khẳng định sự thật: chính, chính ngay, đích thị
- Về sự tương quan giữa trợ từ và việc chuyển tải nội dung đánh giá: tác giá Nguyễn Văn Hiệp đã nhận xét “mỗi trợ từ chuyển tải nội dung đánh giá riêng” [23; tr.250]. Sự khẳng định này không sai nhưng theo chúng tôi là chưa đầy đủ. Qua quá trình xử lý tư liệu và miêu tả, phân tích chúng tôi nhận thấy:
Có một số trợ từ, không phải tất cả các trợ từ, chuyển tải chỉ nội dung một đánh giá riêng như được, mất, nào, ngay, cả, thậm chí, ngay cả, chính, chính ngay, đích thị. Và trong một số trường hợp là đối lập có hệ thống với nội dung đánh giá của trợ từ khác, như được/ mất; nào/ chỉ, có.
Một số trợ từ truyền tải nhiều nội dung đánh giá. Như chỉ, có
chuyển tải nội dung đánh giá về lượng, về thời gian, về mức độ, về chủng loại;
tận, tới chuyển tải nội dung đánh giá về lượng, về mức độ, về thời gian; đến
chuyển tải nội dung đánh giá về thời gian và về sự bất thường của đối tượng.
Cùng một nội dung đánh giá nhưng do nhiều trợ từ biểu thị. Điều này được chứng minh rõ ràng là mỗi một nhóm phân chia theo nội dung đánh giá đều có ít nhất hai trợ từ và chủ yếu là nhiều hơn hai trợ từ. Vì thế, chúng có thể được sử dụng thay thế cho nhau.
- Nội dung mà những trợ từ này biểu thị cũng được xếp vào một kiểu thông tin ngầm ẩn, cụ thể là hàm ngôn quy ước “là loại hàm ngôn có thể khử bỏ, phụ thuộc vào từ ngữ được sử dụng, phân biệt với hàm ngôn hội thoại, là loại hàm ngôn có thể bị khử bỏ, phụ thuộc vào ngữ cảnh” [23; tr.250]
- TĐTV ít quan tâm đến nét nghĩa đánh giá của trợ từ nên ít có lời giải thích của trợ từ mà có khía cạnh đánh giá của người nói như chúng tôi đã chỉ ra ở trên. Chỉ có một số trợ từ được giải thích tốt như những, tới, đến, thậm chí, chính, thậm chí. Những trợ từ còn lại cần được giải thích ít nhất như những trợ từ này. Chúng tôi cho rằng cần bổ sung những nét nghĩa đánh giá này trong lời đánh giá của TĐTV, vì chúng thật sự quan trọng trong giao tiếp, có khi những khía cạnh đánh giá này mới là mục đích mà người nói muốn chuyển đến người nghe nhằm thể hiện quan điểm chủ quan của mình, từ đó có thể dẫn đến sự thay đổi thái độ, hành vi từ người nghe.
5. Chương 5. Khảo sát và phân tích cách giải thích các từ chêm xen tình thái trong Từ điển tiếng Việt
5.1. Khái niệm từ chêm xen tình thái trong tiếng Việt
Từ trước đến nay từ chêm xen chưa được quan tâm nghiên cứu bởi nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên trong thực tế giao tiếp của người Việt tồn tại một thành phần chêm xen vào phát ngôn nhằm nhấn mạnh hay biểu thị thái độ, sự đánh giá của người nói, chúng được gọi là từ chêm xen tình thái. Đây là một trong những phương tiện ngôn ngữ quan trọng thể hiện nội dung tình thái.
Đặc điểm ngữ nghĩa, ngữ pháp để nhận diện từ chêm xen tình thái: - Trước hết, vì từ chêm xen là một phương tiện biểu thị tình thái nên nó nằm trong mối quan hệ liên nhân giữa các vai giao tiếp và mối quan hệ giữa người nói với hiện thực được nói đến và với hoàn cảnh giao tiếp. Không những thế, nó thể hiện thái độ đánh giá trên nhiều khía cạnh tình cảm, mục đích,…của chủ thể phát ngôn với người nghe và với hiện thực.
- Xét về mặt từ loại, chúng có thể là danh từ, trợ từ hay tính từ. Về mặt cấu tạo, có thể là từ đơn hoặc từ ghép.
Vị trí trong câu: các từ chêm xen không nằm trong thành phần câu, không giữ vai trò làm nòng cốt câu, chúng có thể bị lược bỏ mà không làm thay đổi nội dung mệnh đề mà câu nói thể hiện. Tuy nhiên, việc lược bỏ này có thể ảnh hưởng đến hình thức của câu, quan trọng hơn là làm thay đổi hay thậm chí mất đi nghĩa tình thái, mức độ đánh giá trong câu và thậm chí thay đổi cả đích ngôn trung của câu. So sánh: “Mày biết gì?” (câu hỏi) → “Mày biết mẹ gì!” (câu phủ định, phản bác).
Chúng không đứng độc lập tạo thành một câu mà tồn tại trong cấu trúc câu, xen vào “nội bộ” của phát ngôn.
- Những từ ngữ chêm xen tồn tại trong ngôn ngữ như những hiện tượng tự nhiên, những đơn vị ổn định về cấu trúc và chức năng. Vì thế, nghĩa của chúng (xét trên từ chêm xen là từ ghép) không phải là nghĩa cộng gộp của từng thành phần trong nó. Chẳng hạn như từ “cóc khô” trong phát ngôn như
“Nó thì biết cóc khô gì.”. “Cóc” là danh từ chỉ một loại động vật, còn “khô” là tính từ chỉ trạng thái không có nước, không có độ ẩm. Nhưng “cóc khô” lại trở thành một từ chêm xen nhằm nhấn mạnh sự phủ định.
Việc giải thích cách sử dụng của những từ chêm xen trong những hoàn cảnh giao tiếp cụ thể phải viện dẫn đến các yếu tố văn hóa, tập quán, tín ngưỡng,…Điều này thật sự quan trọng khi nghiên cứu so sánh đối chiếu giữa các ngôn ngữ ở lĩnh vực này.
Bị chú:
Cần phân biệt các từ đéo, đếch, cóc,… là trợ từ chêm xen và phụ từ phủ định trong câu phủ định. Ví dụ:
(125) Tao đếch biết.
(126 ) Việc đếch gì phải buồn.
(127) Hắn cóc cần những thứ ông mang đến.
(128) Mày biết cóc gì mà nói vào.
(129) Ông đéo đi đâu cả.
(130) Thằng đấy chẳng biết đéo gì đâu.
Chúng ta thấy ở các ví dụ (125), (127) và (129) “đếch, cóc, đéo” tương đương với “không”, “chưa” hay “chẳng” nên chúng là những phụ từ phủ định. Nếu lược bỏ những từ này, câu sẽ mang nghĩa hoàn toàn khác hoặc đối lập:
(125’) Tao biết.
(127’) Hắn cần những thứ ông mang đến.
Còn ở các ví dụ (126), (128) và (130) khi lược bỏ “đếch, cóc, đéo” phát ngôn hoàn toàn không bị thay đổi nghĩa miêu tả:
(126’) Việc gì phải buồn.
(128’) Mày biết gì mà nói vào.
(130’) Thằng đấy chẳng biết gì đâu.
Tuy nhiên, mức độ đánh giá phủ định, nghĩa tình thái và hình thức của câu đã thay đổi. Do đó, chúng là những từ chêm xen tình thái.
5.2. Phân tích đặc điểm ngữ nghĩa các từ chêm xen tình thái
Như đã nói ở trên, từ chêm xen tình thái không có vai trò làm nòng cốt câu và việc lược bỏ nó trong phát ngôn không làm ảnh hưởng đến nghĩa miêu tả, nội dung sự tình được nói đến. Bản thân nghĩa của từ chêm xen không góp phần làm nên nội dung nghĩa sự tình, thông tin miêu tả của toàn bộ phát ngôn, mà nó nhấn mạnh đến một sắc thái, nội dung đánh giá nào đó của người nói.
Nội dung nghĩa của từ chêm xen tình thái không phải là nghĩa tự thân, nghĩa tường minh do câu chữ mang lại. Đôi khi nó chỉ có một sự liên tưởng nào đó với nghĩa ban đầu của từ đó hay một mối liên hệ về quan điểm, tín ngưỡng, văn hóa,…mà cộng đồng có ngôn ngữ đó sử dụng để thể hiện sự đánh giá đối với đối tượng.
Như vậy, đặc điểm nổi bật của từ chêm xen tình thái đó là mang nét nghĩa đánh giá, nhấn mạnh một sắc thái nghĩa nào đó trong câu, thể hiện mối quan hệ liên nhân nhiều chiều kích quan hệ giữa người nói với người nghe, với hiện thực, hành động, đối tượng được nói đến. Do đó, trong chương này chúng tôi phân loại và xem xét những nội dung nghĩa đánh giá mà từ chêm xen thể hiện thành 8 nhóm và so sánh với lời giải thích nghĩa của những từ này trong TĐTV.
Hầu hết các từ chêm xen tình thái đều có vai trò nhấn mạnh sắc thái phủ định trong câu. Chẳng hạn như:
(131) Nó thì biết cái mẹ gì.
(132) Có thời gian cóc đâu mà làm thêm với chả nếm.
(133) Hắn chẳng hiểu cóc khô gì đâu.
(134) Làm xong thế quái quỷ nào được. [TĐTV] (135) Có thấy quái ai ở đó đâu.
(136) Nói làm đếch gì nữa. [TĐTV]
(137) Sao cô ý giảng tôi chẳng hiểu khỉ gì cả?
(138) Nói với ả làm gì, ả chẳng biết cái mù tịt gì đâu.
(139) Anh là thá gì mà xen vào chuyện của tôi.
(140) Lão ấy cứ vênh váo thế thôi chứ chẳng biết đéo gì đâu.
(141) Mày thì làm được cái chết tiệt gì.
(142) Hắn thì giỏi giang chó gì.
(143) Sợ cái đinh gì!
Trong những từ chêm từ tình thái ở trên, TĐTV đã giải thích khá rõ nội dung nghĩa tình thái, biểu thị và nhấn mạnh sự đánh giá phủ định của các từ
cóc, cóc khô, quái, quái quỷ, thá, đếch. (xem thêm Phần tư liệu). Tuy nhiên với những từ chêm xen còn lại, TĐTV đã không giải thích nét nghĩa này.
Chúng tôi nhận thấy, mặc dù các từ chêm xen trên đều nhấn mạnh sắc thái phủ định nhưng mức độ phủ định, khía cạnh đánh giá phủ định khác nhau. Có thể chia thành những khía cạnh đánh giá phủ định sau:
- Phủ định hoàn toàn: thường sử dụng các từ chêm xen như mù tịt, khỉ, quái quỷ, quái.
- Phủ định dứt khoát một cách nặng lời, như cóc, cóc khô, đếch, đéo
- Phủ định bác bỏ, thể hiện sự không tán đồng, phản đối ý kiến của người nói, như chó, mẹ, chết tiệt, thá.
Sự phân chia này nhìn chung ở mức độ tương đối.
Trong phát ngôn, người nói sử dụng từ chêm xen tình thái để thể hiện nét nghĩa đánh giá nhấn mạnh sắc thái phủ định ở các khía cạnh trên. Tuy nhiên, cộng đồng nói năng không sử dụng chúng để nhấn mạnh phủ định ở mức độ thấp như trong những cấu trúc phủ định “không/ chẳng…mấy”; “không/ chẳng…lắm”.
(144) Cô ta chẳng đẹp cái mẹ gì. (phủ định hoàn toàn) (144’) *Cô ta chẳng đẹp cái mẹ lắm.
Khi nhấn mạnh sắc thái phủ định, chủ thể phát ngôn thường phủ định mặt tích cực, ưu điểm của đối tượng (như đẹp, giỏi, thông minh, hào phóng, chăm chỉ,…). Và thông thường trong giao tiếp, người Việt không sử dụng từ chêm xen tình thái để phủ định mặt tiêu cực, nhược điểm (như xấu, ngu dốt,…) của đối tượng.
Ví dụ:
(145) Hắn thì giỏi giang chó gì.
(145’) *Hắn thì ngu chó gì.
(146) Nhà đấy thì tốt đẹp quái gì. (146’) *Nhà đấy thì xấu xa quái gì.
Không những thế, nội dung phủ định cũng thường hướng đến phủ định về khả năng, sự hiểu biết của đối tượng nên thường đi kèm với các từ “hiểu”, “biết, “làm được”,…
Như đã nói ở trên, phần lớn từ chêm xen nhấn mạnh nội dung phủ định nhưng chúng tôi cũng nhận thấy có một số từ chêm xen tình thái không bao giờ được sử dụng để thể hiện sự đánh giá phủ định, chẳng hạn như chó chết, dở hơi, quách, bỏ mẹ, bỏ cha, bỏ bố, cha. Ví dụ:
(147) Cô ta chẳng đẹp cái mẹ gì. (147’) *Cô ta chẳng đẹp cái cha gì.
Tuy nhiên những từ chêm xen tình thái này lại được sử dụng trong việc đánh giá những khía cạnh khác mà chúng ta sẽ xem xét sau đây.
Trong các từ chêm xen tình thái biểu thị sự đánh giá phủ định trên thì
quái có sự xuất hiện nhiều hơn các biểu thức khác [3; tr.132]
5.2.2. Nhóm 2, nhóm các từ chêm xen biểu thị hàm ý coi khinh, miệt thị hay châm biếm
Chủ thể của phát ngôn thể hiện sự đánh giá xem thường đối tượng với ở mức độ cao (khinh bỉ, miệt thị) hay mức độ thấp (mỉa mai, châm biếm) khi chêm xen vào trong phát ngôn các từ mù tịt, dở hơi, con mẹ, thá, đinh, chó chết, chuột chết, lợn, của nợ, quỷ quái.
Ví dụ:
(148) Nó chẳng biết làm cái mù tịt gì đâu.
(149) Lấy làm gì con dở hơi đó không biết.
(150) Đại gia con mẹ gì!
(151) Thá mày thì làm được trò trống gì.
(152) Cái thằng chó chết/ chuột chết đó vẫn chưa trả nợ cho mày hả?
(153) Sao lại rước cái đồ của nợ này về nhà?
(154) Mua cái quạt khỉ gió này về làm gì, ba bữa mà hỏng à?
(155) Tại sao lại có cái quỷ quái này trong nhà tôi?
(156) Nó là cái đinh gì mà tinh tướng thế?
Trong TĐTV, mù tịt là tính từ “hoàn toàn không biết, không có kiến thức về cái gì đó” được phái sinh nhằm biểu thị hàm ý coi thường đối tượng được nhắc đến không biết hay không thể làm gì, nhưng với vai trò là từ chêm xen nó không mang từ loại tính từ nữa.
Những từ dở hơi (tính từ, “hơi gàn” [TĐTV]); của nợ (danh từ, “cái thuộc về mình nhưng chỉ có tác dụng gây phiền phức cho mình mà khó bề dứt bỏ đi” [TĐTV]); con mẹ (danh từ, “người đàn bà nào đó” [TĐTV]); đinh
(danh từ, “vật bằng kim loại, cứng, thường có hình nấm, một đầu nhọn, dùng để đóng, treo,...” [TĐTV]) cũng tương tự như thế, khi đóng vai trò từ chêm xen chúng không còn tư cách từ loại như trên và hoàn toàn không mang nghĩa tự thân như TĐTV đã giải thích mà mang đậm nét nghĩa đánh giá mỉa mai, khinh bỉ. Có thể giải thích nét nghĩa tình thái này đó là giữa chúng có sự tương đồng nào đó, tạo sự liên tưởng về nghĩa nên cộng đồng nói năng sử dụng nhằm biểu thị sự đánh giá của mình.
Một số từ như khỉ gió, chó chết, chuột chết có hàm ý khinh bỉ với sắc thái mạnh nên thường sử dụng trong tiếng chửi rủa.
5.2.3. Nhóm 3, nhóm các từ chêm xen tình thái thể hiện thái độ miễn cưỡng, không thoải mái
Có thể lấy một số ví dụ về nhóm từ này như sau: (157) Mua cha cho rồi.
(158) Nhận béng đi.
(159) Lấy mẹ đi cho nhanh.
(160) Lấy quách đi cho nhanh.
Trong những từ chêm xen trên, quách và béng được TĐTV giải thích là những phụ từ, “(làm việc gì) nhanh cho xong, cho khỏi vướng bận”.
Tuy nhiên, ở trong các phát ngôn kiểu này, chúng nhằm nhấn mạnh thái độ miễn cưỡng, không thoải mái, được coi như một giải pháp tình thế của người nói đối với hành động, đối tượng thực hiện hành động trong câu. Ngoài ra, người nói còn có thể sử dụng từ chên xen khác như cha, mẹ.
5.2.4. Nhóm 4: nhóm các từ chêm xen tình thái thể hiện sự hoài nghi, thắc mắc, ngạc nhiên.
Từ chêm xen tình thái được lựa chọn để thể hiện thái độ băn khoăn, khó hiểu, hoài nghi cho rằng một điều gì đó là lạ, không bình thường chủ yếu là
Chẳng hạn:
(161) Anh làm cái quái quỷ gì thế này? (162) Quái, cái bút của tôi đâu rồi?
(163) Là cái quỷ quái gì đây?
Nét nghĩa này đã được TĐTV nhắc đến khi giải thích nghĩa của chúng.
5.2.5. Nhóm 5, nhóm các từ chêm xen tình thái biểu thị thái độ dứt khoát, không chần chừ, do dự
Người nói sử dụng các từ chêm xen mẹ, cha, mẹ nó, mẹ mày, cha nó, cha mày nhằm nhấn mạnh thái độ dứt khoát của người nói đối với hành động của đối tượng. Vì thế chúng thường được sử dụng trong câu mệnh lệnh, đôi khi nó được dùng trong tiếng chửi rủa.
Ví dụ:
(164) Cút mẹ mày đi!
(165) Mày hãy quên cha/ mẹ cái mối tình bọ xít đó đi!
(166) Im cha mày/ mẹ mày đi!
(167) Cậu biến đi đâu thì biến cha nó/ mẹ nó đi!
5.2.6. Nhóm 6, nhóm các từ chêm xen tình thái thể hiện sự lo ngại về