Trong danh sách mở với rất nhiều những VTTTT, chúng tôi lựa chọn mô tả những VTTTT thể hiện “lập trường”, thái độ đánh giá chủ quan của người nói mà thiếu vắng khi được giải thích nghĩa ở Từ điển tiếng Việt (TĐTV).
2.2.1. Tiêu chí phân loại
Dựa vào tham số về tính hiện thực có thể phân loại chúng thành ba nhóm sau: vị từ hàm thực, vị từ hàm hư và vị từ vô hàm.
- Nhóm vị từ hàm thực: nhóm này bao hàm ý nói rằng hành động, tính chất, quá trình, trạng thái…mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị đã tồn tại thực. Nghĩa trực tiếp của bản thân nó ngoài những sắc thái cảm xúc và đánh giá ra chỉ là một khả năng, một xu thế nếu không phải là kết quả của một cái nhìn vào bên trong sự diễn biến của quá trình (không phải là biểu hiện bản thân quá trình) thường được ngữ pháp học lý thuyết gọi là thể.
Tính hàm thực của các VTTTT nói trên loại trừ khả năng kết hợp một câu khẳng định với một VTTTT như thế với một câu phủ định tính hiện thực của cái hành động do vị từ bổ ngữ của vị từ đó biểu hiện. Vì ở đây chúng ta tri giác nhận định này như là một khả năng, một sự kiện.
Ví dụ: Đây là những câu không chấp nhận được trong tiếng Việt (kí hiệu: dấu *)
(26) * Nó đánh liều nhảy xuống sông nhưng sợ quá nên không nhảy.
(27) * Lúc ấy nó dám ăn cắp nhưng rồi lại thôi.
(28) * Tôi mải đọc truyện thế mà không đọc được chữ nào.
Bị chú:
Có một số VTTTT hàm thực trở thành hàm hư trong câu phủ định như:
dám, đành, nỡ,…Tuy nhiên trong khuôn khổ Luận văn này chúng tôi chỉ quan tâm đến nghĩa tình thái tự thân của mỗi từ mà không xem xét đến tầm tác động phủ định trong câu. Vì vậy, chúng tôi vẫn xếp chúng vào nhóm VTTTT hàm thực.
- Nhóm vị từ hàm hư: Nhóm này giả định hành động, quá trình, trạng thái,…mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị là không diễn ra trong hiện thực, không tồn tại.
Ví dụ:
(29) Nó suýt ngã xuống ao.
VTTTT “suýt” có nghĩa là “chỉ thiếu chút nữa thì xảy ra P (nhưng P đã không xảy ra)”, trong đó P ký hiệu chỉ hành động, trạng thái, quá trình,…do vị từ làm bổ ngữ của “suýt” biểu thị. Vị từ này giả định rằng Nó không ngã. Do đó, ta không thể nói:
(29’) * Nó suýt ngã xuống ao. Thế là nó bị chết đuối.
- Vị từ vô hàm: Nhóm từ này không giả định hành động, quá trình, tính chất,…mà vị từ bổ ngữ của chúng biểu thị là tồn tại hay không tồn tại.
Ví dụ:
(30) Tôi định bụng nói sự thật với cô ấy.
Vị từ “định bụng” giả định là việc tôi nói với cô ấy có xảy ra hay không. Vì vậy, chúng ta có thể nói:
(30’) Tôi định bụng nói sự thật với cô ấy và hôm qua tôi đã nói.
(30’’) Tôi định bụng nói sự thật với cô ấy nhưng nghĩ lại, tôi lại thôi.
Kết hợp tiêu chí về tính hiện thực với tiêu chí ý nghĩa tình thái khái quát mà Lyon (1977), Palmer (1986), Nguyễn Văn Hiệp (2008) đã gợi ý được thể hiện qua sơ đồ hình cây (trang 16 Luận văn này), chúng tôi phân loại VTTTT tiếng Việt thành các lớp, tiểu lớp và căn cứ vào nét nghĩa chung để tập hợp thành những nhóm nhỏ.
2.2.2. Tổng quát sự phân loại các lớp, tiểu lớp, nhóm của VTTTT
2.2.2.1. Lớp VTTTT hàm thực
a. Tiểu lớp VTTTT hàm thực – nhận thức:
- Thái độ có chủ ý của chủ thể: cố tình, cố ý, giả, giả vờ, giả bộ, giả cách
- Thái độ không chủ ý của chủ thể: trót, lỡ, nhỡ
- Nỗ lực của chủ thể: đánh bạo, đánh liều
- Thái độ chấp nhận: đành, cũng
- Sự tiếp thụ, tiếp nhận: được, bị
b. Tiểu lớp VTTTT hàm thực – đạo nghĩa: nỡ, dám, đang tâm, đành
2.2.2.2. Lớp VTTTT hàm hư – nhận thức: suýt, hòng, chực, toan
2.3. Đặc điểm ngữ nghĩa của VTTTT
Sau khi xác lập danh sách các VTTTT và phân ra thành các lớp/ tiểu lớp/ nhóm theo những tiêu chí đã nêu, ở phần này chúng tôi miêu tả đặc điểm ngữ nghĩa của chúng theo các nội dung tình thái mà chúng biểu thị; xác định
kiểu thông tin hàm ẩn (hàm ý), nét nghĩa tình thái chính và nội dung đánh giá chủ quan của người nói hay chủ thể hành động.
2.3.1. Lớp VTTTT hàm thực
Như đã nói ở phần trên, VTTTT hàm thực giả định hành động diễn ra là có thật. Theo đó, đặc điểm ngữ nghĩa chung của tiểu lớp VTTTT hàm thực – nhận thức là sự thể hiện của chúng về những cam kết, đánh giá của người nói (dựa trên những bằng chứng, suy luận, sự hiểu biết,...) về sự tình được nói tới trong câu mà ở đây sự tình đã hoặc đang xảy ra. Còn tiểu lớp VTTTT hàm thực – đạo nghĩa chỉ sự đánh giá theo đạo đức và chuẩn mực xã hội, chủ yếu là sự đánh giá hành động đã xảy ra là trái với chuẩn mực.
2.3.1.1. Tiểu lớp VTTTT hàm thực – nhận thức
a. Nhóm VTTTT hàm thực – nhận thức về thái độ có chủ ý của chủ thể hành động
Thuộc nhóm này có các VTTTT sau: cố tình, cố ý, giả, giả vờ, giả bộ, giả cách
Ý nghĩa từ vựng cơ bản của nhóm VTTTT này là “thái độ cố ý của chủ thể đối với hành động đã làm”, được thể hiện qua động từ có vai trò bổ ngữ trực tiếp kèm sau các VTTTT này. Chúng được hình thành qua sự đánh giá của người nói về hành động của chủ thể được nói đến trong câu dựa trên những tiêu chuẩn chân lý hay theo lẽ thường của các chuẩn mực xã hội. Nét nghĩa khái quát “Người nói đánh giá chủ thể cố ý thực hiện P” (P là ký hiệu chỉ hoạt động, quá trình, trạng thái, tính chất,… được thể hiện trong ngữ động từ bổ ngữ). Vì trên thực tế, chủ thể hành động không bao giờ tự coi mình đã cố ý hay giả vờ thực hiện một hành vi nào đó.
Trong nhóm này chúng tôi chia làm hai nhóm nhỏ dựa trên khác biệt về nét nghĩa sắc thái:
- Tiểu nhóm 1: gồm cố ý, cố tình chỉ “thái độ cố ý của chủ thể hành động”; “ý thức được tính khách quan của sự tình nhưng chủ tâm hành động theo ý mình vì một mục đích nào đó có lợi cho chủ thể”.
Ví dụ:
(31) Chúng cố tình xuyên tạc sự thật.
(32) Hắn cố ý nói sang chuyện khác.
Chúng tôi coi đây là hai từ đồng nghĩa nhưng trong Từ điển tiếng Việt cho là hai từ khác nhau và bỏ qua nét nghĩa đánh giá của người nói đối với hành động của chủ thể.
- Tiểu nhóm 2: giả, giả cách, giả vờ, giả bộ chỉ “thái độ cố ý của chủ thể hành động”; “ đánh giá về hành động trái với sự thật khi chủ thể làm như thế nào đó để người khác coi sự thật là như vậy”. Sự đánh giá tiêu cực về hành động được bộc lộ rõ hơn các VTTTT trong tiểu nhóm 1.
Chẳng hạn như:
(33) Nó giả vờ mệt để nghỉ học.
(34) Cô ấy giả bộ không biết anh ta.
(35) Hắn giả cách đau khổ.
b. Nhóm VTTTT hàm thực – nhận thức về thái độ không có chủ ý của chủ thể hành động: trót, lỡ, nhỡ.
Ví dụ:
(36) Conxin lỗi vì đã trót làm vỡ cái bát mà mẹ thích.
(37) Tôi nhỡ tay làm bẩn cái áo đẹp của anh.
(38) Tôi đã lỡ mua chiếc váy mà cô ấy không thích.
Nhóm VTTTT này thường tham gia vào câu có sự tình xảy ra rồi, người nói (thường trùng với chủ thể hành động) đánh giá lại sự việc diễn ra và cho rằng đó là điều không hay, không nên. Ở đây chủ thể hành động không cố ý hay không biết nên để xảy ra việc làm đó. Trong nhiều ngữ cảnh sự đánh
giá của chủ thể trùng với sự đánh giá của người nói và của toàn xã hội. Nhưng cũng có trường hợp chỉ là đánh giá của người nói:
(39) Em trót mua cái xe này rồi, chứ anh thấy nó không đẹp.
Ở đây, người nói cho rằng chủ thể hành động – em, đã mua một chiếc xe mà theo anh – người nói cho là không nên. Nhưng chủ thể không nghĩ như thế, vì cô ấy thích và đã mua nó.
c. Nhóm VTTTT hàm thực – nhận thức về nỗ lực của chủ thể. Nét nghĩa tình thái của từ “đánh bạo” là đánh giá sự nỗ lực vượt qua những trở ngại tâm lý để làm việc gì đó.
Ví dụ:
(40) Nó bước vào đánh bạo hỏi người quản lý.
Còn ở “đánh liều”, người nói đánh giá sự nỗ lực vượt qua nguy hiểm, khó khăn để hành động của chủ thể cho dù anh ta đã tiên đoán được hậu quả hoặc điều không hay có thể sẽ xảy ra.
(41) Khi công an truy đuổi gần đến nơi, kẻ tình nghi đánh liều nhảy xuống vực.
d. Nhóm VTTTT hàm thực – nhận thức biểu thị thái độ miễn cưỡng chấp nhận của chủ thể: cũng, đành1
Trong Từ điển tiếng Việt, các từ này được giải thích:
- “cũng”: “Từ biểu thị ý khẳng định về sự giống nhau của hiện tượng, trạng thái, hoạt động, tính chất”.
- “đành1”: “Miễn cưỡng bằng lòng vì suy tính không thể khác được” Trên thực tế giao tiếp, chúng ta gặp nhiều trường hợp khác, ví dụ: (42) Anh ấy nói phim không hay nhưng chúng tôi cũng đi.
(43) Cũng được.
(44) Cũng tốt.
(46) Đành vậy.
Nét nghĩa chung của nhóm từ này “bằng lòng, chấp nhận (có chủ ý) thực hiện P” với nghĩa hàm ẩn “P đã hoặc đang xảy ra”. Chủ thể thể hiện thái độ hay sự đánh giá miễn cưỡng, chấp nhận làm cái gì đó mà thực tế không muốn hay không đồng ý, đồng tình.
e. Nhóm VTTTT hàm thực – nhận thức chỉ sự tiếp thụ, tiếp nhận của chủ thể.
Đây là nhóm từ khá phức tạp trong tiếng Việt. Chúng vừa hoạt động như động từ thường lại vừa là động từ tình thái tính. Chẳng hạn như:
(47) Bị xe đâm.
(48) Thằng bé bị đánh.
(49)Được khen thưởng.
Ở các câu trên bổ ngữ của các động từ làm trung tâm là danh từ (danh ngữ) hoặc là động từ không đồng chủ thể với nó nên chúng là các động từ thường.
(50) Tôi bị phân tâm khi cô ấy nói thế.
(51) Cô bé bị lạc khi ra ngoài chơi một mình.
(52) Sau chuyến công tác, Nam được nghỉ vài ngày.
(53) Được tin vui.
Còn bổ ngữ của vị từ trong những câu này là đồng chủ thể với nó nên chúng là những VTTTT. Nét nghĩa tình thái đánh giá thuộc về người nói “chủ thể tiếp thụ cái xấu, bất lợi, trái mong muốn hay cái tốt, có lợi, đúng mong muốn”
Về nhóm từ này trong TĐTV đã giải thích rất tốt nghĩa từ vựng nhưng cũng không quan tâm đến nét nghĩa tình thái khi người nói thể hiện sự đánh giá chủ quan của mình.
Theo định nghĩa của Palmer (1986), Lyons (1977) có thể nhận thức tình thái đạo nghĩa liên quan đến tính hợp thức về đạo đức hay các chuẩn mực xã hội khác đối với hành động do một người nào đó hay chính người nói thực hiện. Theo đó, tình thái đạo nghĩa gồm các nội dung ý nghĩa bắt buộc, cấm đoán, được phép và miễn trừ.
Tiểu lớp VTTTT hàm thực – đạo nghĩa mà luận văn xét là kiểu ý nghĩa cấm đoán. Chúng chỉ sự đánh giá của người nói đối với hành vi (đã hoặc đang diễn ra) vi phạm những chuẩn mực đạo đức xã hội. Vì thế trong những phát ngôn này người nói và chủ thể của hành động không trùng nhau.
Ví dụ:
(54) Nó còn bé mà anh nỡ đánh nó.
(55) Chị ta làm mẹ mà đang tâm bán con qua biên giới.
(56) Vợ đang mang thai mà anh ấy đành bỏ đi.
(57) Con dám cãi lại bố mẹ.
Trong Từ điển tiếng Việt, các từ “nỡ”, “đang tâm” và “đành3” được coi là những từ gần nghĩa “bằng lòng làm việc biết rằng người có tình cảm không thể làm” (như: Không nỡ từ chối; Đang tâm lừa dối bạn bè; Thấy người bị nạn mà bỏ đi sao đành) và “dám” có nghĩa là “có đủ tự tin để làm việc gì, dù biết là khó khăn nguy hiểm” (Không dám nói sự thật). Tuy nhiên “nếu những câu này ở trong văn bản tự sự thì cắt nghĩa như thế chưa đủ vì người đọc tri giác nhận định này như một khả năng chứ không phải như một sự kiện”. [17; tr.524]
Nét nghĩa tình thái của các VTTTT trong câu (54) đến câu (57) có thể được khúc giải [Tôi cho rằng hành động mà chủ thể đã làm là không nên]. Ở đây, người nói thể hiện thái độ không đồng tình của mình đối với chủ thể hành động, đối với hành động đã được đề cập đến. Đánh giá của người nói dựa trên những chuẩn mực ứng xử xã hội hay lẽ thường. Chúng là những quy
ước bất thành văn, tồn tại trong cộng đồng như một nét văn hóa, một tập tục khó vượt qua, là biển báo cấm trên khía cạnh tinh thần.
2.3.2. Lớp VTTTT hàm hư
Nhóm từ này gồm các từ: suýt, hòng, chực, toan. Chẳng hạn như: (58) Đường trơn nên tôi suýt ngã.
(59) Chị ta làm thế hòng che đậy sự thật.
(60) Hắn chực lao tới đánh vợ.
(61) Nó toan cưới cô ấy.
Đây là những vị từ hàm hư, tức chúng giả định hành động, trạng thái,… mà vị từ bổ ngữ biểu thị là không có thật, không xảy ra, không tồn tại. Hàm ý của chúng là những dẫn ý, tức phụ thuộc vào chân trị của câu chứa chúng. Như câu “Nó toan cưới cô ấy” là đúng thì dẫn ý là “Nó không cưới cô ấy” tất nhiên đúng. Ngược lại, nếu câu “Nó toan cưới cô ấy” là sai (vì nó đã cưới cô ấy rồi) thì câu “Nó không cưới cô ấy” cũng sai. Ở đây hàm ý (hay thông tin ngầm ẩn) không thể khử bỏ, chẳng hạn ta không thể khử bỏ dẫn ý của câu này bằng cách nói “Nó toan cưới cô ấy. * Nhưng nó cưới cô ấy rồi”.
Nhóm từ này có nhiều nét nghĩa giống nhau nhưng phần nghĩa tường minh có một chút khác biệt:
- Suýt: Thiếu chút nữa xảy ra P
- Hòng: Thực hiện một điều P được coi là khó - Chực: thế sẵn sàng thực hiện P
- Toan: có ý định thực hiện ngay P
Phần nghĩa này đã được (Từ điển tiếng Việt) TĐTV giải thích rất rõ ràng. Tuy nhiên từ điển đã không đề cập đến nét nghĩa đánh giá của chủ thể/ người nói đối với điều được nói đến trong câu:
“Suýt” mang hàm ý [-chủ ý], người nói đánh giá hành động, quá trình P nếu xảy ra là điều không hay, bất lợi, không mong muốn (suýt ngã, suýt chạm mặt địch, suýt chết, suýt bị công an bắt,…)
“Hòng” có hàm ý [+chủ ý], mang nét nghĩa “P phù hợp với mong muốn của chủ thể” nhưng “không đúng với mong muốn của người nói”:
Ví dụ:
(62) Hắn giết anh ấy hòng bịt đầu mối.
(63) Đế quốc, thực dân hòng chia cắt nước ta.
“Chia cắt nước ta”, “bịt đầu mối”, “che giấu sự thật” là những hành động mà người nói phê phán hay đánh giá là không tốt và không mong muốn xảy ra.
Vị từ “toan” mang hàm ý [+chủ ý] còn “chực” thì tùy vào ngữ cảnh có thể là [+chủ ý] hoặc [-chủ ý] đối với chủ thể hành động là người; không có hàm ý này với chủ thể là vật:
(64) Hắn chực lao tới đánh tôi. [+chủ ý] (65) Cô ấy chực ngã. [-chủ ý] (66) Ngọn nến chực tắt.
Có thể nói nếu được bổ sung những nét nghĩa đánh giá này thì sự giải thích của từ điển sẽ gần với bản chất ngữ nghĩa của các đơn vị hơn, và từ điển sẽ thực hiện tốt hơn chức năng làm công cụ tra cứu, hướng dẫn cách dùng từ đúng và hay.
2.4. Tiểu kết chương hai
Trong chương này, sau khi khảo sát, so sánh với tư liệu (những lời giải thích các mục từ trong TĐTV) và chọn lọc những VTTTT, chúng tôi đã xem xét các vấn đề sau:
- Xác định kiểu nghĩa tình thái, đánh giá. - Miêu tả các VTTTT về mặt ngữ nghĩa.
- Xác định kiểu hàm ý .
Qua đây rút ra một số kết luận sau:
1) Các VTTTT tương đối thuần nhất trong tổ chức một tiểu nhóm nghĩa. Chúng đều có hai phần: (1) nghĩa hàm ẩn có thể là tiền giả định hay dẫn ý; (2) nghĩa tường minh: nét nghĩa tình thái chính, nét nghĩa đánh giá, nét nghĩa sắc thái, nét nghĩa biểu vật.