Chất hoạt động bề mặt là những hợp chất hữu cơ mà phân tử của nó phân cực: một đầu ưa nước và một đầu kị nước. Khi có nhiều hơn hai chất lỏng không hòa tan được vào nhau thì chất hoạt động bề mặt sẽ làm tăng diện tích tiếp xúc giữa hai chất lỏng đó. Khi hòa chất hoạt động bề mặt vào trong một chất lỏng thì các phân tử của chất hoạt động bề mặt có xu hướng tạo đám (gọi là mixen). Khi sử dụng chất hoạt động bề mặt để biến tính đá ong có thể làm tăng độ xốp của đá ong.
Trong quá trình biến tính đá ong, chúng tôi đã sử dụng các chất hoạt động bề mặt ở các thể tích và nồng độ khác nhau. Với nồng độ của các chất hoạt động bề mặt là 10% và thể tích là 10ml thì quá trình biến tính cho kết quả tốt hơn. Do đó chúng tôi đưa ra quá trình biến tính đá ong sử dụng chất hoạt động bề mặt như sau:
3.2.1.1. Sử dụng chất hoạt động bề mặt là Trilon
Cho 25g M0 (cỡ hạt từ 0,2 - 0,6mm) đã được hoạt hoá bằng axít HCl 1M vào bình nhám dung tích 1 lít, thêm vào đó 240ml nước cất 2 lần và 10ml dung dịch Trilon 10% (Trilon là muối của axit amino trimetyl cacboxylic: N(CH2COONa)3), khuấy hỗn hợp liên tục bằng máy khuấy từ trong 10 giờ, thuỷ nhiệt hỗn hợp ở 600C trong 24 giờ. Lọc, rửa, sấy khô và nung hỗn hợp ở 6000C thu được vật liệu M1. Bảo quản vật liệu trong lọ PE sạch và đậy kín.
3.2.1.2. Sử dụng chất hoạt động bề mặt là CTAB
Tiến hành thí nghiệm tương tự như mục 3.2.1.1 nhưng thay dung dịch Trilon bằng dung dịch CTAB (CTAB - Cetyl trimetylammoni bromua là chất hoạt động bề mặt ion) thu được vật liệu M2. Bảo quản vật liệu trong lọ PE sạch và đậy kín.