Bình Định xác định quan điểm phát triển du lịch phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.Khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng du lịch; đặc biệt, chú trọng đến những lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các lợi thế so sánh khác.Bình Định đẩy nhanh quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các khu du lịch trọng điểm như Trung Lương, Vĩnh Hội, Hải Giang, dọc đường Quy Nhơn-sông Cầu và đầu tư phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch. Tỉnh ưu tiên phát triển 2 loại hình du lịch nổi bật là du lịch sinh thái và lịch sử văn hoá và kết hợp với các sản phẩm du dịch khác
theo 3 tuyến Quy Nhơn-sông Cầu, để khai thác các điểm du lịch ở Ghềnh Ráng, Vũng Chua, Xuân Vân, Bãi Xép, Bãi Dại, đảo yến và các điểm lặn biển; đầu tư xây dựng khu du lịch Hồ Phú Hòa-đèo Son, các di tích lịch sử văn hóa gắn với di tích mộ Hàn Mặc Tử; tuyến Quy Nhơn-An Nhơn-Tây Sơn, phát triển loại hình du lịch lịch sử văn hóa và sinh thái...
Cần đầu tư mở rộng các loại hình sản phẩm du lịch dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của thị trường trong và ngoài tỉnh góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng dân cư, đáp ứng nhu cầu xã hội.Bình Định khuyến khích các nhà đầu tư trong ngoài nước xây dựng các khu du lịch hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế; phát triển khu du lịch ven đầm Thị Nại gắn với khôi phục rừng ngập mặn Cồn Chim - đầm Thị Nại. Với lợi thế là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, Bình Định đẩy mạnh chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch, tổ chức các sự kiện như Festival Tây Sơn, biển, võ cổ truyền. Bên cạnh mở rộng thị trường du lịch trong nước, Bình Định cũng chú trọng mở rộng thị trường du lịch ở nước ngoài, đặc biệt là các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan.