Trang phục

Một phần của tài liệu Bước đầu mô tả hệ thống ngữ âm tiếng Sán Dìu ở Việt Nam (Trang 28)

Cũng như các dân tộc thiểu số khác, người Sán Dìn cũng có trang phục riêng của mình. Trang phục của nam giới có phần đơn giản và có nét gần giống với trang phục truyền thống của người Kinh. Trước đây, đàn ông Sán Dìu thường mặc một cặp áo dài may như nhau nhưng khác về màu sắc, cổ cao, có khuy cài bên phải, ống tay hẹp, thân áo chỉ dài đến gối hoặc quá gối một chút. Đi kèm với áo dài là quần ống rộng, ngắn, còn gọi là kiểu chân què. Có lẽ vì thế mà người Sán Dìu còn có tên gọi khác như Mán quần cộc, Trại cộc. Bên ngoài áo được thắt một dải vải màu xanh hoặc màu chàm. Đàn ông cũng búi tóc, cài châm hoặc vấn khăn đầu rìu. Thường khi làm việc, họ đi đất hoặc guốc mộc. Chỉ trong những dịp sang trọng thì họ mới đi giày, dép mua của người Kinh. Ngày nay, bộ trang phục của nam giới không còn được sử dụng nữa. Đàn ông Sán Dìu cắt tóc, ăn mặc như người Kinh nên nhìn bề ngoài khó có thể phân biệt được họ.

Trang phục của nữ giới có phần cầu kỳ hơn và vẫn giữ được cho đến ngày nay. Phụ nữ Sán Dìu thường vấn tóc và đội một cái khăn trên đầu. Họ cũng đeo đồ trang sức như hoa tai bằng vàng, vòng cổ và vòng tay bằng bạc. Phụ nữ Sán Dìu mặc một cái yếm ngắn, màu trắng ở bên trong, bên ngoài là một cái áo màu chàm hoặc đen có hai dua ở cổ, được cắt theo kiểu áo tứ thân cổ cao, không đính khuy. Áo được buộc bằng một cái bao xanh, một dải vải màu xanh. Ở thắt lưng bên phải có đeo bốn sợi dây bạc được đánh theo kiểu

mắt xích, dài đến đầu gối gọi là xà tích. Xà tích cũng được coi như đồ trang sức. Phía cuối xà tích có một con dao nhỏ dùng để gọt cau, ăn trầu hay làm một số việc khác. Phía bên kia thắt lưng có ba dải tua tết bằng chỉ nhiều màu, dài đến chân váy. Cạnh xà tích có một cái túi đựng trầu. Túi này được may một cách rất công phu, có nhiều hoa văn trang trí, thể hiện rõ nét nhất sự khéo léo của chị em phụ nữ.

Phụ nữ Sán Dìu cũng mặc váy như phụ nữ của các dân tộc khác nhưng váy của họ hết sức độc đáo. Đó là kiểu váy không khâu, gồm hai hoặc bốn mảnh vải cùng đính trên một cạp, mảnh này chờm lên mảnh kia khoảng 10 đến 15 cm. Loại váy này khi mặc vào sẽ tạo thành hai khe hở dọc theo hai bên chân. Váy thường ngắn đến đầu gối, màu chàm. Khi mặc váy, vạt áo trước được cho vào trong, còn vạt sau để ra ngoài. Đi liền với váy là xà cạp màu trắng cuốn ở hai bên bắp chân.

Ngày nay, người Sáu Dìu rất ít mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, chỉ có những phụ nữ trên 60 tuổi là còn mặc nó hàng ngày. Còn lại, chỉ những dịp rất đặc biệt như hội hè, lễ tết thì một số người mới đem nó ra mặc. Điều này lại một lần nữa cho thấy, những nét văn hóa truyền thống của dân tộc này đang dần bị phai nhạt, một kết quả tất yếu của sự phát triển kinh tế – xã hội và sự ảnh hưởng của quá trình giao lưu, tiếp xúc với các dân tộc khác.

Một phần của tài liệu Bước đầu mô tả hệ thống ngữ âm tiếng Sán Dìu ở Việt Nam (Trang 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)