Kinh tế

Một phần của tài liệu Bước đầu mô tả hệ thống ngữ âm tiếng Sán Dìu ở Việt Nam (Trang 26)

Do địa bàn cư trú chủ yếu là vùng trung du, miền núi nên người Sán Dìu chủ yếu sống bằng nghề thuần nông. Cấy lúa vẫn là công việc chính của họ. Người Sán Dìu canh tác trên bốn loại ruộng: ruộng lầy thụt, ruộng nước, ruộng bậc thang và ruộng cạn. Ruộng lầy thụt hay còn gọi là ruộng dộc, ruộng chằm. Loại ruộng này thường là chân ruộng trong những thung lũng hẹp, lúc nào cũng có nước nên rất lầy. Loại ruộng này không được bón phân và ít được cải tạo nên cho năng suất thấp. Ruộng trên những cánh đồng tương đối bằng phẳng gọi là ruộng nước. Ngày nay, loại ruộng này đã được áp dụng kỹ thuật canh tác mới nên cho năng suất khá cao. Từ những quả đồi thấp hay từ những sườn đồi mà có thể canh tác được, người Sán Dìu đã san chúng tạo thành ruộng bậc thang. Đó là những lớp ruộng ở trên những độ cao khác nhau, bao quanh lấy ven đồi. Ruộng bậc thang thường không được chăm sóc nhiều, chủ yếu là chờ mưa nên cho năng suất không cao. Người Sán Dìu còn có một loại ruộng nữa, đó là ruộng cạn. Ruộng cạn ở đây là nương, đồi, soi, bãi. Đây được coi là loại hình canh tác hình thành cùng với sự hình thành địa bàn cư trú của dân tộc này. Những quả đồi thấp hoặc hơi dốc được họ khai thác triệt

để để canh tác. Bên cạnh cây lúa, người Sán Dìu cũng áp dụng phương pháp trồng xen canh gối vụ với nhiều loại cây lương thực như ngô, đậu, lạc khoai, sắn,...Đến khi đất bạc màu họ lại trồng các cây công nghiệp như dứa, chè, trẩu, xoan, thông, bạch đàn...

Ngoài nghề trồng trọt, chăn nuôi cũng đem lại nguồn thu cho người dân Sán Dìu. Vật nuôi ở đây chủ yếu vẫn là các loại gia cầm như lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng. Người Sán Dìu cũng biết đào ao hoặc tận dụng mặt nước ao hồ của hệ thống thủy lợi để nuôi cá. Trâu bò cũng được nuôi nhưng chủ yếu là dùng làm sức kéo. Ngày nay, người Sán Dìu đã biết tận dụng rừng hoặc các đồi cây để nuôi ong lấy mật. Nhìn chung, công việc chăn nuôi chủ yếu là dựa trên kinh nghiệm chứ chưa được áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả thấp, chỉ mang tính cải thiện thêm cho đời sống gia đình.

Tuy coi nghề nông là chính nhưng người Sán Dìu cũng biết làm một số nghề phụ như đan lát, kéo sợi, dệt vải, mộc, nề, rèn,... để phục vụ cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của gia đình hoặc để trao đổi với người khác trong phạm vi nhỏ hẹp. Chính vì quy mô sản xuất nhỏ, hơn nữa đó lại không phải là những nghề truyền thống nên cho đến nay những nghề này đã bị mai một dần và hầu như không còn ai làm nữa.

Trước đây, bà con dân tộc Sán Dìu còn có thêm một nguồn thu đáng kể từ lâm thổ sản. Nguồn lâm thổ sản này khá phong phú, có nhiều loại gỗ, tre, nứa, lá, các loại củ, vỏ ăn trầu, vỏ nhuộm vải, các loại củ rừng như mộc nhĩ, song, mây, nhhiều loại dược liệu như sa nhân, hà thủ ô,... Ngoài ra, họ còn săn bắt thú rừng và nhiều loại chim vào những tháng khô ráo. Tuy nhiên, ngày nay, nguồn thu này không còn nữa bởi để bảo vệ rừng nhà nước đã quản lý một cách nghiêm ngặt nên người dân không thể tự do khai thác nguồn lợi này nữa.

Nhìn chung, nền kinh tế của người Sán Dìu vẫn là một nền kinh tế thuần nông và chưa phát triển.

Một phần của tài liệu Bước đầu mô tả hệ thống ngữ âm tiếng Sán Dìu ở Việt Nam (Trang 26)