3.1.1. Yếu tố tướng hình
Là yếu tố rất căn bản trong việc khắc họa nhân vật của Ma Văn Kháng. Ông lấy đây là thước đo, là điểm căn cốt để rọi chiếu vào bản chất, tính cách và số phận của nhân vật. Đây là một thủ pháp rất độc đáo, vừa đậm đặc nét văn hóa phương Đông, bảng lảng cái hồn cốt của văn chương truyền thống, vừa mang yếu tố hiện đại của tư duy khoa học và đóng dấu phong cách Ma Văn Kháng. Nếu tướng hình của nhân vật trong văn học cổ luôn mang tính ước lệ (râu hùm hàm én mày ngài/ vai năm thước rộng, thân mười thước cao) thì đến Ma Văn Kháng, sự ảnh hướng đó đã phai đi rất nhiều, nhà văn không còn áp cái nhìn xơ cứng mang tính khuôn mẫu lên nhân vật mà luôn soi chiếu nhân vật từ góc nhìn của khoa học tướng pháp cùng với vốn trải nghiệm của một cây bút lão luyện trong nghề. Có thể nói, tuy có sự gặp gỡ giữa Ma Văn Kháng và các nhà văn cổ điển Việt Nam từ trong lịch sử về nghệ thuật xây dựng nhân vật dựa trên yếu tố tướng hình, nhưng đến Ma Văn Kháng, cùng với các “gia vị” khác làm nên tác phẩm của ông, yếu tố khoa học tướng pháp đã trở thành phương tiện đắc dụng bậc nhất để nhà văn áp cận vào sáng tác của mình một cách tự nhiên, khoái hoạt, như một thứ sinh vật cần không khí để hít thở và tiếp tục sinh tồn. Xem tướng hình để để đoán biết tính cách và số phận con người là một yếu tố mới mẻ đối với văn chương và vẫn là địa hạt thú vị mang cơ sở khoa học mà
con người thực sự chưa khám phá hết được những điều bí ẩn của nó. Từ cách tiếp cận nhân vật trên phương diện tướng hình dưới con mắt của một thầy tướng số, Ma Văn Kháng muốn đi tìm lời giải thích cho sự nhỏ bé hữu hạn cũng như bản năng của con người. Điều này tạo nên sự khác biệt cho nhân vật của Ma Văn Kháng so với nhân vật trong truyện ngắn của các nhà văn khác. Qua việc khắc họa tướng hình, nhà văn lần lượt làm lộ ra tính cách và số phận của nhân vật. Chúng ta có thể nhận thấy điều này qua chân dung của một loạt các nhân vật như: cái Tý Ngọ, ông Thại, thầy Khiển, thầy Huân, bà Sẹc, Chiên, Sự, Nhần, Rư…
Dựa vào ngoại hình có thể phân chia thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng ra làm hai loại người: người có tướng tốt thì thiện tâm, còn kẻ ác tướng thì ác tâm. Sự thống nhất giữa ngoại hình và nội tâm ở đây gần như là tuyệt đối. Vì thế nhân vật của Ma Văn Kháng dù phức tạp đến đâu, biểu hiện phong phú như thế nào thì “sau khi tiếp xúc người đọc cũng có thể nhận diện được ngay nhân vật ấy thuộc hạng người nào, cao thượng hay đê tiện, độc ác hay nhân từ, ích kỷ hay hảo tâm…”[23; 25]. Những người có dáng vẻ thanh cao, sáng sủa thường là những người tốt tính, phúc hậu, còn ngược lại, ngoại hình, tướng mạo của những kẻ có ngoại hình xấu xa, dị hợm thường là kẻ hiểm ác, đê tiện; tuy có chút ngoại lệ song phần lớn nhân vật của Ma Văn Kháng đều được xây dựng theo hướng này. Đó là cái tướng hình của cái Tý Ngọ(Cái Tý Ngọ) là một đứa con gái đã “hai mươi tuổi, nhưng nó chỉ thấp bé bằng đứa nhóc lên mười…Cái Tý Ngọ bé lắt nhắt, hóp hép. Nó không mông không ngực, nhác trông như một khúc xương khô, tội nghiệp lắm…ông trời thật quái ác, hình hài nó đã dị biệt, bất túc, ông lại còn bắt nó mang cái dung mạo qúa bần hèn, dị hợm. Mũi thì hếch môi thì hở. Mắt đã ti hí lại leo lét cô hồn. Mặt nó nhạt nhẽo
hài ấy “ai có chút tình người chẳng động lòng trắc ẩn, chẳng ái ngại xót thương”. Thương cũng phải có cái cho người ta thương, xấu người mà tốt nết thì cũng chẳng sao. Đằng này, cái Tý Ngọ đã xấu người lại có tính “Điêu toa, dối trá. Vô lễ phép, ăn nói chỏng lỏn. Đâm toang bỏ vãi…Và gian. Gian lắm” [23; 566]. Bản chất đê tiện và tính cách hai mặt của nó còn bộc lộ khi nói đối xử với ông Hoàn, người là ân nhân cưu mang bênh vực nó trước sự ghẻ lạnh của mọi người trong cơ quan. Vậy mà khi ông Hoàn về hưu, sếp mới lên, nó lật lọng vu cáo ông, nào là “con dê cụ”, cho nó một “thì lột nó mười…” Tý Ngọ rêu rao bôi nhọ ông Hoàn đủ điều. Ma Văn Kháng đã giải thích điều đó bằng bản năng tồn tại của con người. Đó là thói thường của những kẻ hèn để duy trì vị trí của mình. Chỉ bằng vài nét phác họa kẻ “tiên thiên bất túc” ấy, Ma Văn Kháng đã qua tướng hình để nói được tính người đê tiện, vô liêm xỉ của những kẻ vô học như cái Tý Ngọ.
Đó là tướng mạo của Chiến (Người đánh trống trường) với dáng “người to, đầu nhỏ, mặt vênh, mắt ngưỡng thiên, mắt chỉ địa, môi thâm, sẹo đầu sẹo cổ, tóc lởm khởm, tiếng nói the thé”[26; 353]. tương đồng với cái diện mạo hình dạng kỳ dị ấy tính cách dâm bôn, thói lục lâm, ăn cướp của hắn. Là tướng hình của Chiên, Sự (Thầy Khiển): “mặt choắt, mắt sâu râu rậm” (Chiên), còn Sự thì “mặt mỏng, mắt trầm, miệng bẹt như miệng cá trê, trông vẻ ngoài ông Sự hơi lù đù”[23; 734]. Đi cùng với tướng mạo xấu xí bần hèn ấy là tính cách đê tiện lừa lọc, ghen ghét, đố kỵ, hống hách của anh em nhà hắn. Chiên và Sự đều cùng “dòng máu dâm dê, cùng mắc thói tí tởn đàn bà con gái.
Ngòi bút Ma Văn Kháng nhất quán trong việc miêu tả tướng hình để nói tính người ở các nhân vật. Với Nhần (Suối mơ) là người đàn bà “thấp lùn, chân tay ngắn chùn chũn. Chưa con nhưng ngực xệ bụng phưỡn. Mặt chị lại quá nhỏ, khéo chỉ bằng cái niêu kho cá bống. Thêm hai con mắt lá dăm ở xa nhau, Mặt
chỉ thêm cái vẻ đong đưa, hay lên mặt đài đệ. Gương mặt chị lồ lộ vẻ trần tục vì khí cục toát ra vẻ hèn kém thế nào ấy”[23; 714]. Nhần là người đàn bà xấu người xấu cả nết. Gốc gác nông thôn nhưng “đua đòi tơ tuốt, tính tình thì cỡn cờ, ăn nói thì chấn chở, không có ra bản căn cốt”[23; 714]. Mụ đối xử tệ bạc, ăn nói phũ mồm phũ miệng với người chồng hết lòng vì mình. Mụ để mặc cho chồng ốm đau sắp chết để ngoại tình với kẻ khác. Cùng với Nhần là Sấn (Nhiên nghệ sỹ múa). Sấn là đứa làm tạp vụ ở cơ quan. Mụ xấu xí dị hợm nhưng lại hay chành chọe, ra điều. Lúc nào mụ cũng ghen ghét đố kỵ với người khác.
Bên cạnh những kẻ ác tướng thì ác tâm là những con người có dung mạo thanh cao và có tâm hồn nhân cách cao cả tốt đẹp. Đây là loại nhân vật tốt tướng thì thiện tâm. Đó là bà Sẹc (Miền an lạc vĩnh hằng), chị Thảo (Heo may gió lộng), Nhiên (Nhiên nghệ sỹ múa), …
Bà Sẹc (Miền an lạc vĩnh hằng) là người phụ nữ đẹp, “mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, thắt đáy lưng ong, thần thái cao sang như rồng như phượng”[23; 613] nhưng lại “có số phận không may”. Trải qua những cái chết buồn thương của hai người chồng và cả những sóng gió thị phi mà người đời tạo lập để vu oan cho bà. Mặc cho sự ghen ghét đố kỵ luôn rình rập, bà vẫn kiên cường sống, một mình đấu tranh với cái ác, cái xấu. Ở bà vừa biểu hiện của vẻ đẹp bao dung nhân hậu, hết lòng vì mọi người trong cuộc sống đời thường, vừa là vẻ cao quý, siêu phàm vượt khỏi cái thế tục. Cái đẹp của tâm hồn và trí tuệ của những con người đã vượt lên số phận còn thể hiện trong thế giới nhân vật của truyện ngắn Chợ hoa phiên áp tết. Đó là ông Huỳnh, ông Khoa, bà Trang là những người bạn tâm giao tri kỷ. Họ đều là những trí thức ưu tú và có những tâm hồn đẹp. Viết về họ Ma Văn Kháng đã dành trọn vẹn những lời ngợi ca và tôn trọng. Họ không chỉ là vẻ đẹp trong đời sống thế tục mà vẻ đẹp ánh xạ từ
thản. Đó là tướng mạo của Bà Trang: “một gương mặt quên tuổi bốn mươi tám, tròn đầy trắng hồng, còn đang rất trẻ trung, từ đôi mắt lấp láy, đen ánh thoáng chút e ấp đến đôi môi tươi có cái cười dịu hiền, cao quý”[23; 598]. Là ông Huỳnh với “dáng dong dỏng cao, nguyên vẹn vẻ thư sinh, từ cái bludông len khuôn gọn thân mình, gương mặt thanh tú…” [23; 599]. Là ông Khoa với “gương mặt vuông vắn trung trực, hơi xanh xao nhưng tràn đầy cảm hứng” trước vẻ đẹp của chợ hoa phiên áp tết. Ở họ luôn toát ra cái thần thái cao sang, lịch thiệp. Từ cử chỉ đến việc làm, từ lời ăn tiếng nói đến nội tâm bao giờ cũng thể hiện một vẻ đẹp thiên lương trong sáng.
Khắc họa nhân vật qua yếu tố tướng hình nhà văn còn đặt nhân vật trong không gian nghệ thuật giàu sức biểu cảm. Và bằng cái nhìn trải nghiệm sâu sắc, nhà văn mô tả ngoại hình không chỉ để thể hiện tính cách mà còn hé mở, dự cảm về số phận nhân vật. Đó là Bỉnh (Trốn nợ), một phụ nữ mang dáng “cò quăm đứng dưới trời mưa lướt khướt”; là Thị Nhi (Bãi vàng) mang dáng
“cô thần”; là “người đàn bà” trong Chuyến xe buýt cuối ngày mang vẻ đẹp tươi
mởn của đóa phù dung; là Út Sâm (Lênh đênh sóng nước miền Tây) với “gương mặt trái xoan ánh ỏi nét giận hờn, đau đớn”... Đằng sau mỗi nét ngoại hình ấy là nỗi khắc khoải của tác giả về sự mong manh, đơn chiếc, yếu đuối vốn dĩ của phái đẹp.
Cuộc đời thật lắm éo le, phi lý, đa đoan đa sự. Con người không thống nhất trong triết lí “ở hiền gặp lành, ác giả ác báo” một cách đơn thuần. Thế giới nhân vật trong truyện ngắn của Ma Văn Kháng còn có những số phận “so le”, trái ngược hoàn toàn với những gì mà tạo hóa ban cho tướng mạo bề ngoài của họ. Sự thể hiện của Ma Văn Kháng đối với những kiểu nhân vật này là sự thể hiện cho quan niệm nghệ thuật về con người đa diện đa chiều, nhỏ bé hữu hạn của nhà văn.
Số phận của người đàn bà “đẹp đến mức hoàn mỹ” trong Nhiên nghệ sỹ múa là một ví dụ tiêu biểu. Nàng là vẻ đẹp của “gương mặt thánh thiện đến làn da tẩm hương và dáng hình thanh tú…Nàng đạt số đo lý tưởng, biểu hiện giới tính đến độ rực rỡ nhất ở vòng ngực, bờ vai, vùng eo hông. Chân dài và thẳng muốt”[23; 649]. Nhưng vẻ đẹp của nàng không nhận được sự đồng cảm. Bên cạnh sự kiếm tìm riết róng của phía những người đàn ông đang say mê nàng, Nhiên còn trở thành đối tượng trung tâm sự của ghen ghét, đố kỵ của Sấn, một người đàn bà có tướng mạo xấu xí, trong vẻ đẹp đối nghịch với Nhiên. Đó là cái hình hài kỳ dị “mắt ti hí, mũi tẹt, môi vều, ngực bẹt, đít nhọn”. Với vẻ đẹp hoàn thiện về thể xác và tâm hồn ấy, lẽ ra Nhiên xứng đáng được hưởng hạnh tròn trịa, viên mãn, nhưng vẻ đẹp của nàng và sự hiện hữu của nàng đã bị phủ định. Kết thúc thiên truyện là nỗi đau đớn khắc khoải trên khuôn mặt bị băng kín do những vết rạch đem lại của Nhiên.
Mang vẻ đẹp tiên thiên, hoàn mĩ giống như Nhiên, nhưng số phận của Seoly (Seoly, kẻ khuấy động tình trường) còn mang nỗi đau đớn ê chề và đượm màu sắc của bi kịch nặng nề. Seoly “là một thiếu phụ viên mãn trọn vẹn. Vóc dáng nàng đã thuần thục nẩy nở hết độ.…được định hình như những tuyệt phẩm của tạo hóa. Nổi bật trên cơ thể nàng là eo hông mượt mà và bầu ngực tràn trề sinh lực phồn thực...và cùng hòa phối với chúng, mắt nàng biếc xanh màu núi lung liêng, môi nàng hé mở đầy vẻ mời mọc gợi tình”[23; 89]. Nàng là hiện thân của vẻ đẹp “như từ huyền thoại cổ tích đi ra”. Sắc đẹp ấy của nàng đã làm lay động cả cỏ cây, muôn vật “những con ngựa đang gật gù u oải, lập tức thoát khỏi trạng thái lờ đờ, khi nàng vừa bước xuống…đi đến cạnh chúng”[23; 89]. Vẻ đẹp ấy của nàng “đáng đặt vào những ngôi vị sang trọng nhất trong bậc thang xã hội này” và xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc đủ đầy.
ê chề nhục nhã. Đàn ông, đặc biệt là đám đàn ông quyền lực đến với nàng hoàn toàn vì mục đích chiếm đoạt và sở hữu thân thể nàng.
Trong thế giới nhân vật của Ma Văn Kháng, không chỉ cái đẹp của người nữ, những thân phận phụ nữ vốn bị xem là “nước chảy hoa trôi”, mà dường như số phận của những người đàn ông có tướng mạo đẹp, có trí tuệ uyên bác đều có cuộc đời ít nhiều mang màu sắc bi kịch, hoặc cả đời bị cái ác, cái xấu bủa vây, kiềm tỏa. Cái ác, cái phi lý đã xảy ra và mang tai họa cho ông Thại (Tóc huyền màu bạc trắng). Là con người sắc diện cao quý khác thường “mặt ông có đến hàng chục cái quý tướng. Tai ông to. Thùy châu ông bậu. Nhân chung ông sâu. Ấn đường lộ. Lông mày con tằm. Mệnh cung ông sáng bóng…”[23; 407]. Con người có tướng hình của “mặt công khanh” ấy chưa kịp đạt tới ngưỡng của công danh hoạn lộ, địa vị tiền tài cũng chưa thấy đâu. Ấy vậy mà, bỗng chốc ông Thại bị đẩy vào tù suốt hai mươi năm. Khi ra tù, ông trở nên cô đơn lạc lõng vô cùng, không ai còn nhận ra ông, người xưa cũng không biết lưu lạc nơi nào chỉ có duy nhất “chiếc ghế đá nghiêng” ở công viên “là còn nguyên vẹn”. Chao ôi! Cuộc sống con người thật khủng khiếp! Thân phận con người thật khó mà đoán định.
Cùng với việc đặc tả diện mạo nhân vật, Ma Văn Kháng còn đặc biệt chú ý đến tướng hình và dáng đi của nhân vật. Dáng đi cũng là yếu tố giúp độc giả thấy được con người thật, nhận ra bản chất thật của con người. Đó là “dáng hình cao lớn, chắc nịch như một võ sư, lông mày lưỡi mác đen sì mực tàu, tướng con nhà võ, tiếng nói như lệnh vỡ, sức áp đảo mạnh như bài xã luận” [23; 452] của Bân, một nhà báo bạn của Nam (Trăng soi sân nhỏ). Khác với vẻ vâm váp, cường tráng của Bân, Thuấn lại được đặc tả trong dáng hình “vóc người cheo choắt. Gương mặt nhỏ, nền da đen sạm thiếu sinh khí, trừ đôi mắt. Hai con mắt tròn như mắt cá cháy lên vẻ tinh quái” [23; 452], đi cùng cái tướng hình
yểu nhược ấy là một dự đoán số mệnh nhân vật. Đó là “hơi thở của Thuấn sặc sụa mùi bệnh tật. Cổ Thuấn đỏ tấy. Ngực Thuấn như ngực gà. Tim phổi đều có vẻ ốm o cả” [23; 456]. Là tướng mạo và dáng đi của Kiến (Chọn chồng): “mặt thịt nùng nục, lồ lộ nét trần tục, ria con kiến kiểu dân ăn chơi đàng điếm… vai lệch đi vặn vẹo thân mình như rắn trườn”[23; 523]. Là tướng mạo của mụ Chí (Những người đàn bà), “người đàn bà to xụ như cái đụn rạ”, “thuộc loại dị nhân, bất thường. Mặt choắt. Miệng rộng. Gần như cả hàm răng trên dưới dều bịt bạc. Khổ người sồ sề. Cái bụng chảy xệ” của mụ Chí. Chính cái tướng hình và cung cách của mụ Chí đã “tố cáo” và bổ sung thêm cho diện mạo của mụ: “ngồi lê mách lẻo”, “vô giáo dục” và “ngang nhiên xúc phạm đến các nhân cách cao cả” [23; 484]. Là chân dung đầy gợi hình của Nhần (Suối mơ): “chân tay ngắn chùn chũn…mặt lại quá nhỏ, khéo chỉ bằng cái niêu kho cá bống”[23; 714]. Còn cái Tý Ngọ(Cái Tý Ngọ) “không mông không ngực, nhác trông như một khúc xương khô…mắt đã ti hí lại leo lét cô hồn”[23; 564]. Việc sử dụng từ láy cùng lối so sánh độc đáo của Ma Văn Kháng khiến cho chân dung của những nhân vật hiện lên sinh động và gợi lên sự liên tưởng thú vị ở người đọc. Lấy tướng hình để thể hiện tính người là một nét đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Ma Văn Kháng. Nhà văn luôn nhìn nhân vật dưới cái nhìn đa chiều của cuộc sống, chỉ có thế, nhân vật của ông mới trở nên “rất đời” và có